Hai phương pháp định lượng nhằm tiếp cận ĐH đẳng cấp quốc tế

Việt Nam đang có những chủ trương và bước đi cụ thể nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ đại học thế giới, và phấn đấu để đến năm 2020 có ít nhất một vài trường đại học VN lọt vào top 200 của khu vực và tiến đến lọt vào top 200 của thế giới. Để đạt được mục tiêu tất nhiên là cần có nguồn lực, nhưng quan trọng hơn nhiều là vấn đề phương pháp. Bài viết này sẽ bàn đến hai phương pháp tiếp cận đại học đẳng cấp quốc tế mà thế giới đang sử dụng, đó là xếp hạng (ranking) và đối sánh (benchmarking), ý nghĩa của nó đối với thực tiễn của Việt Nam.

Phương pháp xếp hạng (ranking)
Xếp hạng các trường đại học là đánh giá từng trường theo một bộ tiêu chí chung theo cách có thể so sánh được với nhau nhằm mục đích xác định thứ bậc cao hay thấp trong mức độ đạt được các tiêu chí đó giữa các trường với nhau. Bản thân việc xếp hạng thuần túy chỉ là vấn đề thứ tự cao thấp của các đối tượng được xếp hạng. Bằng cách đơn giản hóa, việc xếp hạng cho phép chúng ta dùng một số tiêu chí nhất định để đánh giá những thông tin phức hợp. Việc phân tích dữ liệu có được bằng cách xếp hạng thường đòi hỏi những thống kê phi tham số (non-parametric statistics).Mỗi hệ thống xếp hạng đưa ra những tiêu chí khác nhau để xếp hạng. Ví dụ  hệ thống xếp hạng quốc tế do Đại học Giao thông Thượng Hải thực hiện (gọi tắt là SJTU) sử dụng 5 chỉ tiêu là chất lượng cựu sinh viên (tính bằng số lượng cựu sinh viên đoạt các giải thưởng và huy chương đặc biệt như giải Nobel), chất lượng giảng viên (tính theo cùng phương pháp đo lường chất lượng cựu sinh viên), kết quả nghiên cứu (tính bằng số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học), tầm cỡ của nhà trường (tính bằng kết quả hoạt động so với quy mô của nhà trường). Hệ thống xếp hạng quốc tế của Phụ trương Giáo dục Đại học của Thời báo Luân Đôn (Times Higher Education Supplement – THES) dựa trên các chỉ tiêu: kết quả khảo sát đồng nghiệp (các giảng viên, nhà khoa học) (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), sự hiện diện của giảng viên/ nhà khoa học quốc tế (5%), sự hiện diện của sinh viên quốc tế (5%), tỷ lệ giảng viên trên sinh viên (20%), và tỷ lệ bài báo khoa học trên giảng viên (20%). Vì vậy thứ hạng của một trường sẽ khác nhau trong các hệ thống xếp hạng khác nhau là tất yếu. Điều này có nghĩa là khi chúng ta nói Đại học Harvard được xếp hạng cao nhất trong bảng xếp hạng THES thì chỉ có nghĩa là cao nhất về những mặt đã được nêu trong tiêu chí xếp hạng mà thôi.
Mặc dù kết quả xếp hạng đại học được Chính phủ các nước, các trường đại học và công chúng vô cùng quan tâm, nhưng những ý kiến phê phán việc xếp hạng cũng hết sức mạnh mẽ, vì những lý do chính sau đây: i/bản thân các phương pháp và tiêu chí xếp hạng luôn luôn phải đương đầu với thử thách của các nhà khoa học và của công chúng: vì sao lại chọn tiêu chí này mà bỏ qua tiêu chí kia, vì sao tiêu chí này lại được tính với trọng số cao hơn tiêu chí khác.v.v. ii/ Tính chất trung thực, khách quan của các số liệu được sử dụng để xếp hạng: các số liệu này phần nhiều do các trường cung cấp, và không có gì đảm bảo chắc chắn tính chất trung thực, khách quan, chính xác của nó. Xét một cách căn cơ hơn, việc xếp hạng bị chỉ trích và phản đối còn là vì bản chất của nó là đơn giản hóa một thực thể phức tạp và vì vậy không thể phản ánh chính xác bản chất, đặc điểm và giá trị thực sự của một trường đại học.  Hơn thế nữa, mỗi trường đại học tồn tại trong một không gian lịch sử và văn hóa cụ thể khác nhau, có những sứ mạng và mục tiêu khác nhau, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của xã hội, vì vậy mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng.
Chính vì vậy, việc chạy đua theo các thứ hạng của bảng xếp hạng mà nhiều nước châu Á đang rơi vào có thể làm tổn hại đến việc phát triển những giá trị chân chính của một trường đại học, mặc dù xét về mặt “tiếp thị” hình ảnh một quốc gia, thứ hạng cao trong bảng xếp hạng vẫn là một điều đáng mong muốn.

Phương pháp đối sánh (benchmarking)

Phương pháp đối sánh là một công cụ của quản lý, đặc biệt là quản lý chiến lược. Đây là một thuật ngữ của khoa học quản lý, để chỉ việc đánh giá một số nhân tố trong quá trình hoạt động của một đối tượng trong tương quan so sánh với những đối tượng tốt nhất cùng loại. Điều này cho phép các tổ chức xây dựng kế hoạch chiến lược để đạt đến mức độ tốt nhất như cái đã được coi là chuẩn mực để đối sánh, thông qua việc tăng cường những nhân tố được phát hiện là yếu hơn so với vật chuẩn.  Nói cách khác, đối sánh là quá trình so sánh một đối tượng với một vật chuẩn nhằm cải thiện hoạt động để đạt đến chất lượng giống như vật chuẩn.
 

Như vậy, giống như xếp hạng, đối sánh cũng là một phương pháp định lượng và muốn đối sánh người ta cũng phải có các tiêu chí (criteria) và chỉ báo (indicators) để đo lường vật được đối sánh và vật chuẩn. Tuy nhiên giữa xếp hạng và đối sánh có những khác biệt hết sức cơ bản sau đây:
a. Trước hết là khác biệt về mục tiêu và người thực hiện: Xếp hạng là do một đối tượng bên ngoài nhà trường thực hiện nhằm xác định ai cao ai thấp, với mục đích cung cấp thông tin cho bên thứ ba (người học, gia đình, Chính phủ, toàn xã hội). Do việc xếp hạng được thực hiện một cách tương đối “khách quan” (người khác xếp hạng mình) nên các trường được xếp hạng cao (dù công bằng hay không công bằng) đều sử dụng kết quả này như một công cụ tiếp thị. Trong khi đó, đối sánh là do chính nhà trường thực hiện để cải thiện chất lượng các hoạt động của chính mình; nói cách khác, đây là một công cụ quản lý chất lượng quan trọng phục vụ việc xây dựng kế hoạch chiến lược để tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh gay gắt.
b. Do khác biệt về mục tiêu, nó cũng sẽ khác biệt về phương pháp tiến hành. Nói một cách khái quát, xếp hạng thì nhìn vào hiện tượng trong lúc đối sánh thì nhìn vào bản chất. Chẳng hạn như:
– Xếp hạng quan tâm đến nguồn lực trong lúc đối sánh thì quan tâm đến việc quản lý và sử dụng nguồn lực. Các bảng xếp hạng chỉ quan tâm đến những con số thể hiện nguồn lực, chẳng hạn trường này có ngân sách hằng năm là bao nhiêu, trong lúc đó việc đối sánh đòi hỏi phải biết rõ không chỉ con số ngân sách hoạt động, mà cần biết nhà trường đã quản lý và sử dụng số tiền đó như thế nào, hiệu quả ra sao nhằm phân tích và đối chiếu để hiểu rõ tính chất của hai đối tượng được đối sánh.
– Xếp hạng quan tâm đến kết quả trong lúc đối sánh thì quan tâm đến nguyên nhân. Các bảng xếp hạng chỉ cần thống kê số người đoạt giải Nobel, số bài báo khoa học, trong lúc đối sánh cần biết vì sao, hay nói cách khác, nhà trường ấy đã làm gì để thu hút và giữ chân được những tài năng như vậy. Xếp hạng cần biết số sinh viên tìm được việc làm còn đối sánh thì cần lý giải được nguyên nhân vì sao sinh viên trường ấy lại có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động, những giá trị và phẩm chất nào họ đã được nhà trường đào luyện để có được sức cạnh tranh ấy.
c. Do khác biệt về phương pháp tiến hành, nó cũng sẽ khác biệt về tính chất và kết quả: xếp hạng là do bên ngoài xác định, do vậy có thể thay đổi, và chỉ có giá trị tức thời, trong lúc đối sánh là tự mình tiến hành, tự mình so mình với vật chuẩn, do vậy mà có tính chất bền vững. Điều này có thể thấy rất rõ với cú sốc mà bảng xếp hạng THES năm 2005 giáng cho Malaysia khi hai trường đại học hàng đầu của nước này tụt xuống hơn 100 bậc so với kết quả lần xếp hạng trước. Kết quả này thực ra là do thay đổi về phương pháp và tiêu chí xếp hạng. Trong lúc đó đối sánh không nhằm vào thứ bậc cao thấp, mà nhằm vào một vật chuẩn để xác định chỗ mạnh chỗ yếu nhằm tìm kiếm giải pháp, vì vậy nó ổn định, bền vững, và có giá trị lâu dài. Mặt khác, xếp hạng là phiến diện, trong lúc đối sánh là toàn diện. Kết quả xếp hạng chỉ cho chúng ta biết ai cao ai thấp về những mặt đã được nêu rõ trong tiêu chí xếp hạng. Kết quả đối sánh cho chúng ta biết đối tượng này so với vật chuẩn có những khác biệt như thế nào và do vậy đem lại cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về đối tượng.
Tóm lại, xếp hạng là nhìn ra bên ngoài, trong lúc đối sánh là nhìn vào bên trong. Nếu cần phải quảng cáo tiếp thị, thì xếp hạng là công cụ hoàn hảo nếu như ta có đủ sức lọt vào top đầu của bảng xếp hạng. Nhưng nếu cần phải cải thiện chất lượng hoạt động để đạt được sự phát triển bền vững, lâu dài, thì xếp hạng không giúp ích được gì. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế chỉ cho chúng ta thấy được khoảng cách của chính mình với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới, nhưng sẽ không mang lại cho chúng ta những thông tin cần thiết đủ để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chiến lược cho giáo dục đại học nói chung và cho từng trường đại học nói riêng.
***
Kết luận
Giáo dục đại học VN đang tụt hậu rất xa so với khu vực và thế giới về chất lượng và hiệu quả. Và với thực trạng đó, để có một trường đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam có thể còn là một mục tiêu rất xa, nhưng những chuẩn mực quốc tế để làm cột mốc cho các trường đại học Việt Nam dựa vào đó mà tiến hành quá trình đối sánh nhằm xây dựng kế hoạch phát triển chiến lược là điều hoàn toàn có thể thực hiện được trong tương lai gần.


Tài liệu tham khảo
1.    Armacost, R. L., A. L. Wilson(2004) “Benchmarking Academic Programs: Methods and Examples” Presentation at 2004 AIR Annual Forum, June 2, 2004. Available at http://uaps.ucf.edu
2.    Dage, B. G. et al (eds) (2007) Managing Quality (5th ed). Chapter 21: “Benchmarking”. Australia: Blackwell Publishing.

Tiến trình thực hiện việc đối sánh
Về đại thể việc đối sánh đòi hỏi chúng ta đi qua các bước sau:
1.    Xác định đối tượng: Chúng ta sẽ đối sánh cái gì, và đối sánh với ai? Trả lời câu hỏi này là một việc không hề đơn giản. Mục tiêu của chúng ta là đưa giáo dục đại học Việt Nam đến chỗ ngang bằng với khu vực và tiến đến chỗ có vị trí trên trường quốc tế, vậy chúng ta sẽ chọn trường nào trong nước để thực hiện đối sánh, vì sao lại chọn trường ấy, và đối sánh với ai? Singapore, Trung Quốc, hay Hoa Kỳ, trường nào trong các quốc gia ấy, và tại sao lại chọn đối tượng ấy?
2.    Xác định nội dung đối sánh: Chúng ta sẽ thực hiện đối sánh toàn bộ mọi đặc điểm và hoạt động của nhà trường hay chỉ một vài khía cạnh? Và khía cạnh nào? Nguồn lực? Giá trị? Cơ chế tổ chức quản lý?     Quá trình hoạt động? Chương trình và kết quả đào tạo?
3.    Lựa chọn các tiêu chí (criteria) và chỉ báo (indicators): Việc lựa chọn tiêu chí nhằm tạo ra một khung thông tin (information framework) cần thu thập, còn việc lựa chọn chỉ báo nhằm xác định phương pháp đo lường các tiêu chí đã xác định.
4.    Phân tích thông tin và dữ liệu: các nguồn thông tin cần được tổng hợp, phân tích và diễn giải nhằm mục đích xác định rõ khoảng cách giữa đối tượng với vật chuẩn (thuật ngữ gọi là chuẩn đối sánh – benchmark).
5.    Thông báo kết quả phân tích và xác định nguyên nhân: Các kết quả phân tích phải được thông báo đến các bên có liên quan, những người thực hiện các hoạt động, sử dụng và quản lý các nguồn lực, và tạo ra các kết quả đã được đem đối sánh, và tìm hiểu nguyên nhân của khoảng cách vừa được xác định giữa đối tượng với chuẩn đối sánh.
6.    Xây dựng mục tiêu và chiến lược: Trên cơ sở những thông tin đã được kết luận về mặt mạnh mặt yếu của đối tượng (so với chuẩn đối sánh) và nguyên nhân của nó, có thể xác định được các mục tiêu (goals) và kế hoạch chiến lược (strategies) nhằm đạt được mức độ như vật chuẩn.
7.    Xác định nguồn lực: Thông qua đối sánh có thể tính toán được những nguồn lực cần có (về tiền bạc, về con người, về thời gian) để đạt được mục tiêu nói trên.
8.    Xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện: Chỉ sau khi đã xác định được khoảng cách, nguyên nhân của sự cách biệt, xây dựng được mục tiêu và chiến lược rút ngắn khoảng cách, và nguồn lực cần có (hoặc có thể có) để thực hiện mục tiêu đã vạch ra, thì mới có thể xây dựng được lộ trình và kế hoạch thực hiện mang tính khả thi.

Vũ Thị Phương Anh & Phạm Thị Ly

Tác giả