Hai thái cực cần tránh
Lần đầu Việt Nam tham gia PISA (chương trình kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cho rằng, không nên quá quan trọng hóa, gây căng thẳng cho GV và HS; mặt khác cũng tránh không để xảy ra tình trạng HS thờ ơ với kỳ kiểm tra, làm bài thiếu tinh thần trách nhiệm.
Có thể nói rằng, tham gia PISA là một bước tiến tích cực trong việc hội nhập quốc tế về giáo dục (GD) của nước ta. Những dữ liệu thu thập được (ở quy mô lớn, độ tin cậy cao) từ PISA giúp cho chúng ta có cơ sở để so sánh “mặt bằng” GD quốc gia với GD quốc tế, biết được những điểm mạnh, điểm yếu của nền GD nước nhà. Dựa trên kết quả PISA, OECD đưa ra kết quả phân tích và đánh giá về chính sách GD quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách GD cho các quốc gia.
Những kết quả, đề xuất này sẽ góp phần chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Mặt khác, kết quả PISA sẽ gợi ý cho chúng ta đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy – học.
Đối với mỗi HS, tham gia làm các bài kiểm tra của PISA, các em sẽ được mở rộng hiểu biết về thế giới, cọ xát với những tình huống thực tiễn mà HS các nước phát triển đang gặp và giải quyết. Cùng với đó, các em sẽ học được cách tư duy qua các trả lời câu hỏi của PISA, vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đhề thực tiễn. Từ đó góp phần giúp các em điều chỉnh cách học tập, nghiên cứu của mình.
Tham gia PISA 2012, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì? Đến nay, công tác chuẩn bị để tham gia PISA đã đến đâu, thưa Thứ trưởng?
PISA là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. PISA được triển khai với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và các nước khác trên thế giới. Chương trình được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Kỳ khảo sát PISA diễn ra tại Việt Nam vào ngày 12, 13, 14/4/2012 |
Tham gia PISA 2012, Việt Nam có thuận lợi là gần đây, trong quá trình thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS, chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia cơ bản có thể đảm đương được các yêu cầu kỹ thuật của OECD khi triển khai PISA tại Việt Nam. Tuy nhiên, lần đầu tiên Việt Nam tham gia một kỳ kiểm tra mang tính quốc tế với đối tượng học sinh rất đông và đa dạng về trình độ, lại yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt như PISA, chúng ta nhận thấy rằng, Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm tổ chức và dù đã có một số chuyên gia nhưng lực lượng chuyên gia chuyên nghiệp vẫn còn rất mỏng.
Bên cạnh đó, các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt rất ít, chủ yếu bằng tiếng nước ngoài nên việc tìm hiểu và tiếp cận với Chương trình PISA rất hạn chế. Thêm vào đó, GV và HS Việt Nam chỉ mới được làm quen với các dạng đề kiểm tra của PISA qua một lần khảo sát thử nghiệm trên phạm vi rất hẹp; cách dạy – học và đánh giá hiện nay ở Việt Nam cũng chưa thật sự phù hợp, nên nếu không chuẩn bị kỹ cho HS làm quen với tư duy của các dạng đề kiểm tra của PISA, HS sẽ khó khăn trong việc thực hiện bài kiểm tra, mặc dù các kiến thức đòi hỏi ở người học trong các đề kiểm tra của PISA không hoàn toàn xa lạ với HS Việt Nam.
Về công tác chuẩn bị, có thể nói đến nay, chúng ta đã chuẩn bị khá đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để bước vào kỳ khảo sát chính thức PISA. Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn của OECD và năng lực của đội ngũ chuyên gia VN được OECD đánh giá cao. Đến thời điểm này, các trường cũng đã sẵn sàng về mọi mặt, kể cả chuẩn bị tâm thế cho GV và HS tham gia PISA.
Xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam sẽ có bao nhiêu trường và bao nhiêu HS tham gia vào PISA 2012?
Theo mẫu khảo sát chính thức mà OECD lựa chọn, Việt Nam có 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố tham gia PISA 2012. Có 4 tỉnh, thành phố không có trường rơi vào mẫu khảo sát là Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và Cần Thơ. Đối tượng HS tham gia PISA ở Việt Nam là những HS sinh năm 1996, chủ yếu rơi vào lớp 10 THPT chính quy, ngoài ra cũng có một số HS trường nghề, trường THCS, trung tâm GDTX rơi vào mẫu khảo sát.
Trong kỳ đánh giá PISA của Việt Nam lần này, liệu có sự khác biệt nào về vị thứ của Việt Nam trên thế giới so với các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thưa Thứ trưởng?
Để biết thêm về điều này, chúng ta cần nhận thức được sự khác biệt của 2 kỳ thi. Về kỳ thi Olympic quốc tế, chúng ta chọn ra những học sinh giỏi nhất của một số môn học để tham gia thi đấu. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức cho học sinh giỏi dự thi Olympic quốc tế, và chúng ta đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, PISA là một chương trình đánh giá HS ở tuổi 15 – xét trên mẫu dân số quốc gia, tức là đánh giá toàn bộ thông qua đánh giá các đại diện HS đang theo học ở tất cả các cơ sở GD, các loại hình GD, là những HS bình thường, đang học các chương trình GD phổ thông, giáo dục thường xuyên hoặc dạy nghề. OECD lựa chọn chọn mẫu trường và học sinh tham gia PISA một các ngẫu nhiên trên cơ sở nguồn dữ liệu học sinh toàn quốc do Việt Nam cung câp, do đó, HS các trình độ khác nhau đều có thể rơi vào mẫu khảo sát PISA.
Mặt khác, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kỳ khảo sát PISA, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân: Các chỉ số tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người của mỗi quốc gia; Sự đầu tư cho phát triển GD của mỗi quốc gia; Chương trình giảng dạy; Thái độ làm bài của HS…
Việt Nam xác định tham gia PISA trước tiên để học hỏi kinh nghiệm đánh giá GD của quốc tế, thứ hai để biết GD nước ta ở đâu so với các nước phát triển trên thế giới. Còn kết quả PISA của Việt Nam có thể chưa cao cũng không phải là điều khó hiểu, bởi vì 2 chỉ số ảnh hưởng lớn đến kết quả GD của một đất nước thì theo kết quả so sánh năm 2011, Việt Nam đứng thứ 69/70 về tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người và đứng thứ 70/70 về chỉ số phát triển con người trong số các nước tham gia PISA 2012.
Tuy nhiên, là nước lần đầu tham gia, PISA cũng có thể chứa đựng những yếu tố bất ngờ, chúng ta hãy chờ đợi xem kết quả của Việt Nam như thế nào. Dù kết quả ra sao thì tham gia PISA, chắc chắn GD Việt Nam sẽ được rất nhiều. Như đã nói, thông qua kỳ kiểm tra PISA, OECD sẽ phân tích kết quả, các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả và đưa ra các khuyến nghị về chính sách GD cho các quốc gia, thông qua đó, Việt Nam sẽ biết mình nên làm gì để hội nhập quốc tế và phát triển GD.
Kỳ kiểm tra PISA đã cận kề, ông có lưu ý nào tới các HS và các trường tham gia chương trình này không, thưa Thứ trưởng?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các Sở GD-ĐT cũng như các nhà trường, GV và HS không nên quá lo lắng về kỳ kiểm tra, về kết quả PISA. Chúng ta đang cần một kết quả thực chất để có các chính sách phát triển chất lượng GD hiện tại và xây dựng một chương trình GD phổ thông sau 2015.
Có 2 thái cực cần tránh khi tham gia kỳ kiểm tra PISA. Đó là không nên quá quan trọng hóa, gây căng thẳng, áp lực tâm lý cho GV, HS. Điều này dễ làm ảnh hưởng đến tinh thần và thái độ của HS khi các em làm bài kiểm tra PISA; mặt khác chúng ta cũng không để xảy ra tình trạng HS thờ ơ với kỳ kiểm tra này, làm bài thiếu tinh thần trách nhiệm, không nỗ lực hết khả năng của mình. Cả 2 thái cực trên đều dẫn đến việc làm sai lệch kết quả, không phản ánh đúng thực chất về chất lượng GD phổ thông Việt Nam, từ đó sẽ dẫn đến những khuyến nghị không phù hợp cho GD nước ta.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!