Harvard trong thế kỷ XXI *
Hôm nay chúng ta trao bằng tốt nghiệp cho các em sinh viên, những người thuộc về một thế hệ mà, theo tờ New York Times, phải đối diện với tình trạng công ăn việc làm khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi các lĩnh vực hiện vẫn đang xáo trộn với những đòi hỏi thay đổi về quy định hành chính, đền bù, trách nhiệm trước xã hội…
Quan điểm CỦA Harvard Về trường ĐH nghiên cứu trong thế kỷ 21?
Trong tình hình hiện nay, khi kiến thức và những người nắm giữ kiến thức đóng vai trò chủ chốt trong giải quyết các thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, các trường đại học đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng: Nước Mỹ phải hỗ trợ “các trường cao đẳng và đại học theo kịp đòi hỏi của một thời đại mới”, phải “khôi phục khoa học về đúng vị trí của nó”, và phải dẫn đầu thế giới trong công việc nghiên cứu và phát kiến. Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu đã củng cố thêm cho thông điệp này bằng việc xác nhận rằng, sự thịnh vượng của quốc gia trong những năm tới lệ thuộc vào “khả năng nuôi trồng tài nguyên trí tuệ”.
Nhưng xác nhận lại tầm quan trọng của các trường đại học là chưa đủ, chúng ta bắt đầu thấy rằng phải thay đổi cách làm việc. Tại các viện nghiên cứu hàng đầu ở Harvard, chúng ta đối diện với những hoàn cảnh mới, đòi hỏi phải thay đổi chiến lược, phải quyết định cái gì có thể và bắt buộc phải loại bỏ. Nhưng tất cả những việc này mới chỉ là sự bắt đầu của một tiến trình lâu dài. Đã tới lúc không nên nghĩ mình là một phần tử bất lực trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta không chỉ đóng vai trò quản lý và phục vụ cho một Harvard có bề dày truyền thống đáng tự hào, mà còn phải xác định và tạo dựng các mục tiêu của một trường đại học trong thời đại mới.
Cuộc khủng hoảng tài chính đơn thuần chỉ làm sáng rõ những vấn đề tiềm ẩn về tương lai nghiên cứu khoa học của nước Mỹ cũng như sự hỗ trợ cho khoa học tại các trường đại học – một địa chỉ thiết yếu phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của nước Mỹ. |
Nhà sử học danh tiếng nghiên cứu về thời Trung Cổ đã từng nhận xét rằng “thay đổi là điều khiến chúng ta phải tự hỏi ta là ai”. Cái gì là phù du? Cái gì là nền tảng? Cái gì chỉ là thói quen? Chúng ta phải đặt ra những câu hỏi này, phải giành lấy thời khắc thay đổi với những cơ hội nó mang lại để trở thành người kiến tạo, thay vì là nạn nhân của nó. Chúng ta phải tự hỏi rằng mình muốn trở thành như thế nào khi cơn suy thoái và khủng hoảng qua đi – khi thế giới đi tới một trạng thái mà ta gọi là sự bình thường mới. Chúng ta dự kiến như thế nào về bản thân mình và các mục tiêu hướng tới?
Những câu hỏi này đặt ra yêu cầu cho mọi thành viên trong trường phải quyết định và lựa chọn. Mỗi lựa chọn đều sẽ có ảnh hưởng và vai trò của nó, nhưng tôi muốn các bạn chú ý tới ảnh hưởng toàn cục. Những lựa chọn này, một cách tổng thể sẽ trả lời cho câu hỏi: Harvard có quan điểm ra sao về một trường đại học nghiên cứu trong thế kỷ 21?
Tôi muốn tập trung vào 3 khía cạnh cơ bản dưới đây.
Duy trì chi phí giáo dục nâng cao ở mức chấp nhận được là điều rất quan trọng đối với nước Mỹ, cũng như đối với Harvard, nhằm cung cấp các cơ hội công bằng để có thể thu hút được các tài năng.
Chúng ta đã hành động quyết đoán vì những mục tiêu này. Trong 5 năm qua, chúng ta đã tạo dựng những chương trình học bổng được cải cách cơ bản nhằm hỗ trợ cho sinh viên cấp đại học, đảm bảo chắc chắn rằng mọi sinh viên có năng lực ở mọi hoàn cảnh tài chính đều có thể mơ ước học tại Harvard. Và trong thập kỷ vừa rồi, chúng ta cũng đã tăng gấp 3 học bổng cho nghiên cứu sinh và sinh viên các trường chuyên sâu. Hỗ trợ cho các sinh viên tài năng là một phần cơ bản làm thành bản sắc của chúng ta, vì chúng ta tin rằng những ý tưởng khôn ngoan nhất không phải là đặc quyền của một nhóm xã hội, một sắc tộc, một giới tính, hay một quốc tịch riêng biệt.
Cùng với cam kết đưa được những tiềm năng tốt nhất tới ghế giảng đường, chúng ta phải tiếp tục đầu tư cho một đội ngũ giảng dạy hàng đầu để có thể dẫn dắt họ, cũng như theo đuổi các công việc nghiên cứu. Ngay cả khi các nguồn lực eo hẹp, chúng ta phải tiếp tục duy trì và xây dựng đội ngũ giảng dạy cho tương lai.
Quyền tự do trong học thuật đi kèm bổn phận nói ra sự thật, ngay cả khi điều ấy khó khăn hay ngược với quan điểm số đông. Cái đích hướng tới tận cùng là chân lý dưới hình thức tri thức khoa học thuần túy, không chịu sự tác động từ các hệ tư tưởng hay quyền lợi chính trị.
———————————— Chúng ta cũng phải tạo ra những cách thức mới để duy trì chúng khi thời cuộc thay đổi. Chúng ta chịu trách nhiệm đối với những truyền thống này cùng các giá trị mà chúng hàm chứa, duy trì niềm tin rằng sự tự do theo đuổi chân lý sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. |
Trường đại học có vai trò của một địa chỉ thiết yếu phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của nước Mỹ. Trong những năm gần đây, lượng đầu tư hữu hạn cho hoạt động này từ khối doanh nghiệp tư nhân đang suy giảm, tiêu biểu nhất là ví dụ về sự thu hẹp của Phòng nghiên cứu Bell, nơi trước đây từng cho ra lò những nghiên cứu cơ bản quan trọng.
Hỗ trợ của Chính phủ cũng ở trong tình trạng tương tự. Ba thập kỷ vừa qua, kinh phí của Liên bang dành cho nghiên cứu và phát triển, nếu tính theo tỉ lệ với GDP, thực tế đã giảm 15%. Gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ phần nào giúp giảm nhẹ sức ép này: Với 21 tỷ USD được sử dụng trong 2 năm qua, đồng thời Chính phủ đặt ra mục tiêu dành hơn 3% GDP cho nghiên cứu và phát triển ngay cả khi gói hỗ trợ kinh tế chấm dứt. Nhưng thâm hụt ngân sách nặng nề kết hợp với sự suy giảm nguồn lực của các trường đại học sẽ tạo ra những trở ngại thực sự trước tham vọng này. Thậm chí từ trước khi nền kinh tế suy thoái, mô hình hỗ trợ cho khoa học cần phải được xem lại. Theo một bản báo cáo từ Viện Hàn lâm Quốc gia trong năm 2007, nước Mỹ phải đối diện với một “cơn bão đang hình thành”, khi mà quá ít sinh viên chọn ngành học là khoa học; quá ít người có được sự hỗ trợ cần thiết để bắt đầu và duy trì sự nghiệp; quá nhiều người chọn những nghiên cứu an toàn, với kết quả dễ đoán trước, nhằm có được kinh phí; quá ít người có thể tự do đi theo trí tò mò nhằm theo đuổi những tư tưởng thật sự có tính cách mạng. Cuộc khủng hoảng tài chính đơn thuần chỉ làm sáng rõ những vấn đề tiềm ẩn về tương lai nghiên cứu khoa học của nước Mỹ cũng như sự hỗ trợ cho khoa học tại các trường đại học nghiên cứu của chúng ta.
Gói kinh phí kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn không thể làm chúng ta sao lãng tìm kiếm những giải pháp lâu dài. Tại Harvard, chúng ta đã nghĩ tới những mối liên kết mới với các tổ chức và doanh nghiệp, cũng như với các tổ chức giáo dục lân cận. Chúng ta đã thấy những mối hợp tác mới tại Harvard, với các bệnh viện, với Viện Broad, với trường MIT, và các trường đại học khác có vai trò quan trọng như thế nào cho các nghiên cứu hiện nay và sắp tới về tế bào gốc, khoa học thần kinh, gene, và công nghệ sinh học. Sự liên kết này sẽ mang lại nhiều hứa hẹn để chi phí học hành tại Harvard đủ rẻ cho mọi người. Muốn duy trì sự ưu việt trong nghiên cứu khoa học, chúng ta phải tạo ra những cách thức mới trong tiến hành và hỗ trợ nghiên cứu.
Các trường đại học có vai trò như người phản biện và lương tâm của xã hội. Chúng ta vốn phải là nơi sinh ra không chỉ kiến thức, mà cả sự nghi ngờ- bởi sự hiểu biết vốn có gốc rễ từ nghi vấn, từ việc liên tục đặt ra câu hỏi, chứ không phải hùa theo một cách thụ động những gì đã được công nhận. Có lẽ, hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, các trường đại học hướng tới tầm nhìn xa và được quyền sinh ra những quan điểm phê phán vì người ta không bị bắt phải lệ thuộc tuyệt đối vào hiện tại.
Các trường đại học vẫn thường được đánh giá dựa trên những đóng góp đo đếm được như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh. Nhưng những đóng góp như vậy chỉ là một phần trọng trách của một trường đại học. Chúng ta cần đến những mục tiêu lâu dài hơn, ít thực dụng hơn.
Tôi e rằng các trường đại học chúng ta còn chưa làm hết những gì có thể làm, chưa đặt ra những câu hỏi sâu xa, chưa dám đặt những nghi vấn ngay tại nền tảng – vốn là điều cần thiết cho tính chính trực của mọi xã hội. Khi mà thế giới chìm trong những bong bóng tan vỡ của sự thịnh vượng vật chất giả tạo, liệu chúng ta có nên làm rõ bản chất rủi ro và tự huyễn hoặc cố hữu trong các lựa chọn kinh tế và tài chính, bằng hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, và bình luận của mình? Liệu chúng ta có nên phản biện mạnh mẽ hơn trước những sự thừa thãi, vô trách nhiệm, những tư duy ngắn hạn kéo theo hậu quả dài hạn?
Quyền tự do trong học thuật đi kèm bổn phận nói ra sự thật, ngay cả khi điều ấy khó khăn hay ngược với quan điểm số đông. Cái đích hướng tới tận cùng là chân lý dưới hình thức tri thức khoa học thuần túy, không chịu sự tác động từ các hệ tư tưởng hay quyền lợi chính trị. Chân lý có thể đến theo cách nhìn của các nhà nghiên cứu nhân văn, dạy chúng ta cách đọc và nghĩ một cách nghiêm túc, chặt chẽ, và khách quan; cho chúng ta được biết cách nhìn nhận của những nơi chốn khác, quan điểm khác, và thời đại khác. Chân lý cũng có thể đến qua tác động mới mẻ độc đáo của nghệ thuật – giúp chúng ta hiểu mình hơn, hiểu thế giới hơn qua tai và mắt. Chân lý cũng đến khi ta đặt ra những câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm cốt lõi của các trường chuyên sâu. Sự tăng cường vai trò của chúng ta trong phản biện và nghi vấn gắn với việc giáo dục cấp đại học phải nỗ lực “tháo gỡ các định kiến, xa lạ hoá những gì đã quen thuộc…, để làm mất phương hướng của những người trẻ tuổi và giúp đỡ họ tự mình tìm thấy phương hướng riêng”.
Các trường đại học là động cơ thúc đẩy cơ hội; các trường đại học là địa chỉ cơ bản cho nghiên cứu khoa học của nước Mỹ; các trường đại học là nơi phát ra tiếng nói sự thật: Đây là ba khía cạnh căn bản để chúng ta tự nhìn nhận mình. Nhưng mỗi khía cạnh đều đứng trước các thử thách của thời kỳ mới – thử thách về cấu trúc, về tính khả thi, về quan niệm giá trị. Và chúng ta cũng đứng trước thách thức làm sao thể hiện cam kết của mình trước những quy củ này, vốn từ lâu làm thành cốt lõi của bản sắc đã được xác lập. Chúng ta không được phép quên những quy củ này, không bỏ rơi chúng khi đưa ra rất nhiều lựa chọn trong các tháng sắp tới về cái gì nên giữ lại, cái gì phải từ bỏ. Nhưng chúng ta cũng phải tạo ra những cách thức mới để duy trì chúng khi thời cuộc thay đổi. Chúng ta chịu trách nhiệm đối với những truyền thống này cùng các giá trị mà chúng hàm chứa, duy trì niềm tin rằng sự tự do theo đuổi chân lý sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đây là điều truyền cảm hứng cho tất cả những việc chúng ta làm, cũng như mỗi khi chúng ta tự nghi vấn mình – trong hiện tại và những năm tháng tới.
PHẠM TRẦN LÊ lược dịch
—————————–
* Lược thuật bài phát biểu của bà Hiệu trưởng Drew Faust trong lễ tốt nghiệp thứ 358 của Đại học Harvard (04/06/09)