Hệ thống giáo dục quốc dân

Hệ thống giáo dục quốc dân hiện đại là một sản phẩm tự nhiên của Cuộc sống hiện đại, với cốt lõi vật chất là nền sản xuất vật chất. Nền sản xuất hiện đại là nguyên nhân vật chất tạo ra sự phân hoá các lứa tuổi của Trẻ em hiện đại, là căn cứ đáng tin cậy nhất để thiết kế các bậc học. Các bậc học chẳng qua là sự phân đoạn toàn bộ tiến trình phát triển tự nhiên (song song với sự trưởng thành tự nhiên) của Trẻ em hiện đại.

Nên học Cách làm bên ngành xây dựng. Mọi việc bắt đầu từ Thiết kế (theo “Đề bài” – tư tưởng định hướng) với hai công đoạn, thiết kế kiến trúc rồi thiết kế thi công.
Có thể tham khảo Lẽ sống và Sức sống của ngành điện. Lộ trình bắt đầu từ Nhà máy điện (chứ không phải từ Văn phòng Bộ Công thương) đến tận từng ngọn đèn trong mỗi gia đình khắp nẻo đất nước, sao cho bất cứ ngọn đèn nào cũng được cấp năng lượng để cháy sáng hết công suất.
Nếu Lẽ sống và Sức sống của ngành điện được khẳng định bằng dòng điện thì của ngành giáo dục là bằng sức lao động trí óc cấp cho học sinh hiện đại!
Học sinh hiện đại từng giây từng phút luôn luôn sống Cuộc sống thực, dù ở trường, ở nhà, ở công viên, ở cửa hàng… ở đâu, em cũng ngày ngày lớn lên (trưởng thành) và phát triển thành một người lao động sản xuất, có sức lao động trí óc.
Sức lao động trí óc của mỗi cá nhân hiện đại là thành tựu sau một quá trình phát triển.
Ở quả không thể nhận ra một chút dấu vết nào của hạt giống đem gieo. Ở dòng điện không hề có một giọt nước nào của dòng nước đẩy tua-bin chạy. Sức lao động trí óc bắt đầu có từ khi Bé bú mẹ, từ thao tác bú. Tiếp đó, theo một trật tự tự nhiên thiên nhiên, các thao tác khác lần lượt hình thành: lẫy – bò– đi – chạy – nhảy – leo trèo…
Chỉ cần sống trong xã hội loài người, sống chung với người lớn, trong 5/6 năm đầu đời, trẻ em bình thường đều có đủ bộ (hệ thống) thao tác tay chân (vật chất), nói sõi cùng với những kinh nghiệm sống (niềm tin đạo đức, quan hệ tình cảm…). Số vốn ấy đủ cho trẻ sống suốt đời trong xã hội cổ truyền, nếu chỉ cần sức lao động chân tay.

Sự nghiệp giáo dục hiện đại có thể xây lên như một ngôi nhà hiện đại với những khái niệm của chính nó: đóng cọc, đổ móng, xây nền, dựng khung, tường bao, trần nhà… đều là những khái niệm chưa hề có ở ngôi nhà trệt năm gian hai chái ông bà để lại: cột, kèo, rui, mè, hiên, giại…

Sống 5/6 năm đầu đời, mỗi Bé là một thực thể tự nhiên như hạt giống đã nảy mầm. Với nghĩa này, những gì sẽ có thì đã gieo ở lứa tuổi này, rồi phát triển một cách tự nhiên thiên nhiên. Sống theo bản tính tự nhiên thiên nhiên này, Bé luôn luôn đúng! Từ đó, người lớn hãy “chịu thua” trước, rồi mới tìm cách “thắng” lại và thắng ngay trên cái “lý đúng” của Bé, có thế Bé mới khẩu phục tâm phục người lớn!
Lớp Một nên nhận học sinh 6 hay 7 tuổi? Những năm 70 thế kỷ XX, ở Liên Xô, Viện Hàn lâm Giáo dục bàn luận mãi rồi kết luận: 7 tuổi, với nhân nhượng: nếu phụ huynh học sinh xin thì có thể nhận trẻ 6 tuổi. Mấy thập niên sau, chỉ có đâu chừng 30% trẻ 6 tuổi xin vào lớp Một. Lý do “Phái 7 tuổi” đưa ra: Hãy thương Bé một chút! Cho Bé chơi thêm một năm cho đã! Thư cho Bé một năm để Bé còn hưởng thêm Hạnh phúc tuổi thơ quý hơn vàng!
Bậc tiểu học có hai đặc trưng:
Một, về mặt xã hội – chính trị, Học sinh còn nhỏ, em còn có bố mẹ, anh chị em ruột, ông bà nội ngoại, chú bác cô dì… Có hàng chục người gắn với một em.
Hai, về mặt Nghiệp vụ sư phạm, không đâu như ở tiểu học, Nghiệp vụ sư phạm phải tinh tế nhất, phải ăn chắc nhất, làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy!
Nếu bậc tiểu học làm tốt, gia đình dễ yên ấm. Gia đình yên ấm, xã hội dễ yên lành.
Bậc tiểu học có hai cơ hội vàng:
Một, cơ hội vàng cuối cùng để giữ em trong “vòng tay giáo dục”, bảo đảm cho đời sống nội tâm thấm đẫm sâu hơn truyền thống gia đình và dân tộc. Với nghĩa này, bậc tiểu học phải thuần Việt!
Hai, cơ hội vàng đầu tiên cho em tiếp cận ngay với nền văn minh nhân loại, tạo ra sự phát triển chủ đạo về lý trí thông qua các Môn học khoa học như Ngôn ngữ học (Tiếng Việt), Toán học, Đất nước học, Ngoại ngữ. Với nghĩa này, bậc tiểu học phải hiện đại!
Bậc trung học có thêm hai nhân tố mới:
Một, quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá càng triển khai càng phải hội nhập sâu vào thế giới hiện đại, buộc cả 100% dân cư phải đi học, phải có học vấn nhà trường.
Hai, học xong bậc tiểu học hiện đại, Học sinh học được cách làm việc trí óc và đủ sức tự học.
Những thành tựu ấy ở bậc tiểu học là mục đích thì nay phải biến thành phương tiện để hình thành mục đích mới ở trung học: Hình thành vững chắc tư duy lý thuyết (tư duy lý luận, tư duy khoa học) để xử lý ba mối quan hệ cơ bản nhất, với xã hội, với nền sản xuất vật chất và với chính bản thân mình. Cụ thể là:
Với xã hội – các Môn học khoa học xã hội.
Với nền sản xuất vật chất – các môn Khoa học tự nhiên.
Với chính bản thân mình – các hoạt động xã hội, các hoạt động nghệ thuật…
Cuộc sống thực của Học sinh trung học bùng phát (cùng với dậy thì) hết sức đa dạng, phong phú, mà học chữ chỉ là một, thậm chí không còn sức hấp dẫn như ở tiểu học, khi còn đóng vai trò chủ đạo.
Bậc trung học bắt đầu hội nhập một phần với thế giới hiện đại bằng các môn học khoa học tự nhiên.

Hệ thống giáo dục quốc dân hiện đại
Sự phát triển tự nhiên của Trẻ em hiện đại có thể hình dung theo sự trưởng thành tự nhiên của cây:
Phần gốc rễ (ở trong lòng đất): 0-5 tuổi.
Phần thân: 6-11 tuổi.
Phần cành lá: 12-16 tuổi.
Phần gốc rễ (0-5 tuổi) là cuộc sống tự nhiên tự phát, hãy để cho Bé thả sức vui chơi ở nhà hay ở nơi công cộng… Không nên đưa lứa tuổi này khuôn vào Hệ thống giáo dục quốc gia như một bậc học gọi là Trường mẫu giáo, cho bé học. Việc học hiện đại dành cho Trẻ em từ 6/7 tuổi.
Bậc tiểu học có hai phương án:
5 năm hay 6 năm. Nên là 6 năm: Thêm 1 năm giữ em lại trong “vòng tay giáo dục”, thêm 1 năm cho chắc ăn hơn, chớ vội “thả” sớm! Đừng dại “nhổ nhớm” cây cho nó chóng lớn.
Đặc điểm cơ bản để “định nghĩa” bậc tiểu học: thuần Việt và hiện đại.
Bậc trung học hiện đại cũng có 2 phương án:
5 năm hay 6 năm, sao cho giáo dục phổ thông là 10 năm hoặc 11 năm.
Đặc điểm cơ bản để “định nghĩa” bậc trung học: Tự chọn và quốc tế hoá một phần.
Bậc đại học và dạy nghề có mục tiêu rõ ràng: Tạo ra sức lao động cấp cho nền sản xuất đương thời và vì sự sống ngay ngày hôm nay của cá nhân và xã hội.
Sức lao động cá nhân là tài sản cá nhân thuộc sở hữu cá nhân như một hàng hoá, có thể mua bán trên thị trường, mà thị trường hiện đại ngày càng mở rộng, vượt ra khỏi mọi ranh giới nhân tạo về địa vực, quốc gia. Để có sức lao động cấp cho thị trường cỡ ấy, bậc đại học và dạy nghề như một nhân tố của nền kinh tế toàn cầu phải hội nhập vào thế giới hiện đại.
Có một ranh giới dứt khoát về lý thuyết giữa giáo dục phổ thông và đào tạo nghề (đại học hay trung cấp, sơ cấp).
Ngày trước, 5% dân cư đi học để làm quan. 95% dân cư không đi học vẫn sống bình thường.
Ngày nay, chỉ để được sống bình thường, tất cả 100% dân cư phải đi học, phải có học vấn phổ thông như một nhân tố hữu cơ hiện đại của sự sống, như ánh sáng, không khí, nước… mà thiên nhiên từng cho không. Lẽ nào, trong xã hội hiện đại, một “nhân tố hiện đại” của sự sống hiện đại (là học vấn phổ thông) cũng phải bỏ tiền ra mua?
Học đại học hay học nghề để có được hàng hoá – sức lao động đem bán, thì phải bỏ tiền ra ứng trước (đóng học phí). Còn học phổ thông để có học vấn phổ thông như hưởng một phúc lợi xã hội hiện đại thì nên miễn phí.
Hệ thống giáo dục quốc dân hiện đại là một sản phẩm tự nhiên của Cuộc sống hiện đại, với cốt lõi vật chất là nền sản xuất vật chất.
Nền sản xuất hiện đại là nguyên nhân vật chất tạo ra sự phân hoá các lứa tuổi của Trẻ em hiện đại, là căn cứ đáng tin cậy nhất để thiết kế các bậc học.
Các bậc học chẳng qua là sự phân đoạn toàn bộ tiến trình phát triển tự nhiên (song song với sự trưởng thành tự nhiên) của Trẻ em hiện đại.
Trẻ em hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử hiện thực, lớn lên trong Phạm trù cá nhân.
Nửa sau thế kỷ XX, tâm lý học “phát hiện” ra Trẻ em hiện đại như phát hiện một năng lượng mới: Trí tuệ trẻ em hiện đại lớn đến ngỡ ngàng, không lường nổi! Phát hiện này đã nhóm mồi cho cuộc “nổi loạn” đầy phiêu lưu những năm 60, nhằm “lật đổ” nền giáo dục cổ truyền. Họ đã thất bại, những kẻ thất bại đáng phong anh hùng! Dẫu thất bại, ít ra họ cũng đã làm “mất thiêng” nền giáo dục vì người lớn, đầy định kiến với Trẻ em.

Nền giáo dục hiện đại sẽ như thế nào đây?

Liệu có thể có một Nền giáo dục “định nghĩa” các bậc học:
Tiểu học: Thuần Việt – hiện đại.
Trung học: Tự chọn – Quốc tế hoá một phần.
Đại học: Hội nhập.

Cách đây 30 năm, năm 1978, đã có câu trả lời bằng Giáo dục thực nghiệm: Trường thực nghiệm ra đời cùng với học sinh lớp Một bằng xương bằng thịt của Hà Nội.
Liệu có thể có một Nền giáo dục mà Ai cũng được học, ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy?
Liệu có thể có một Nền giáo dục cho Học sinh cảm thấy Đi học là hạnh phúc! Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui?
Liệu có thể có một Nền giáo dục thừa nhận Trẻ em luôn luôn đúng để dám lấy Trẻ em làm căn cứ, làm nơi đi và nơi đến của toàn bộ hoạt động giáo dục của Người lớn?
Liệu có thể có một Nền giáo dục thả cho Trẻ 0-5 tuổi được tận hưởng tình yêu thương của gia đình, được tự do vui chơi thoải mái hết cỡ?
Liệu có thể có một Nền giáo dục “định nghĩa” các bậc học:
Tiểu học: Thuần Việt – hiện đại.
Trung học: Tự chọn – Quốc tế hoá một phần.
Đại học: Hội nhập.
Liệu có thể có một Nền giáo dục dám loại bỏ mọi sự cưỡng bức, áp đặt từ bên ngoài bằng những mẹo mực khen thưởng, trừng phạt, cho điểm, thi cử, bằng cấp, xếp loại…?
Cuối cùng, Trẻ em thế kỷ XXI sinh ra Trời đã cho 99,9% số gene giống nhau, không phụ thuộc vào nguồn gốc xuất thân và nơi sinh sống thì liệu Người có cho cơ hội 99,9% như nhau được hưởng giáo dục mình mong muốn?

Tác giả