Hệ thống giáo dục và SGK phổ thông: Định hướng triết lý hệ thống ?

Hệ thống giáo dục phổ thông mở cho phép có nhiều nguồn sách giáo khoa để đa dạng hóa tiếp cận văn hóa, tri thức, phương pháp... có nhiều ưu điểm hơn hệ thống giáo dục đóng. Nhưng dường như chúng ta vẫn loay hoay giữa mở và đóng, và thiếu nhiều điều kiện để triển khai một hệ thống mở.

Một giờ học của học sinh trường Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: BN

Mở đầu

Hệ thống giáo dục phổ thông có thể được phát triển như là một hệ thống khép kín hoặc theo một hệ thống mở. Nếu theo hệ thống khép kín, sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình giáo dục rất hạn chế. Khi đó sách giáo khoa (SGK) là nguồn học liệu duy nhất và cũng chỉ có một nguồn SGK duy nhất do cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sự thống nhất của toàn hệ thống. Trong trường hợp như vậy, Chương trình Giáo dục (CTGD) có thể được trình bày rất vắn tắt, ngắn gọn, và được thể hiện chủ yếu qua SGK. Một hệ thống như vậy có những hạn chế về phạm vi tiếp cận tri thức, phương pháp, tính đa dạng, nhưng lại có những ưu điểm về tính tinh gọn, dễ thực thi, sẽ phù hợp với những hoàn cảnh nhất định như trong chiến tranh.

Ngược lại, một hệ thống mở cho phép sự tham gia của nhiều bên liên quan, cũng đồng nghĩa với sự đóng góp tài lực và trí lực tập thể, là một hệ thống phức tạp hơn nhiều. Đây chính là hàm nghĩa của khái niệm “xã hội hóa” trong giáo dục. Với một hệ thống như vậy, Nhà nước quản lý chặt chẽ CTGD và giám sát việc triển khai chương trình, còn SGK chỉ là một yếu tố đầu vào để triển khai quá trình giáo dục. Hệ thống này cho phép nhiều nguồn SGK để đa dạng hóa tiếp cận văn hóa, tri thức, phương pháp… Việc đầu tư phát triển SGK cũng không chịu bất cứ sự hạn chế nào nhưng sản phẩm phải trải qua quá trình đánh giá, tuyển lọc khắt khe để có thể bước vào nhà trường. Hệ thống mở có nhiều ưu điểm, nhưng cần điều kiện để thực thi. Đó là năng lực của hệ thống, tức là các bên liên quan cần có đủ năng lực để tham gia.

Hiện trạng: đồng nhất và bất nhất

Tư duy và thực hành: mở hay đóng?

Theo các mô hình lý thuyết về giáo dục được xây dựng từ các kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy CTGD đóng vai trò chính yếu trong khi SGK chỉ là một trong rất nhiều yếu tố đầu vào góp phần triển khai CTGD. CTGD xác định triết lý, nguyên lý, cách tiếp cận giáo dục, phương pháp sư phạm mà SGK hay bất cứ học liệu nào được lựa chọn cần phải đáp ứng. Tác giả CTGD và SGK cần phải hoàn toàn độc lập. Đặc biệt trong giáo dục theo cách tiếp cận dựa trên năng lực hay dựa trên chuẩn đầu ra, vai trò của SGK không còn quan trọng như trong giáo dục dựa trên nội dung khi trọng tâm của quá trình giáo dục đặt vào việc phát triển năng lực cho người học thay vì ‘nhồi’ thông tin, kiến thức. SGK thường được biên soạn theo chương trình đã có.

Xét ở khía cạnh ‘thực hành’, ở Việt Nam, việc vừa biên soạn SGK vừa ‘viết’ chương trình dường như là có tính truyền thống, thậm chí “SGK đi trước, chương trình đi sau”. Cải cách 1981 được triển khai theo hình thức cuốn chiếu, ‘vừa biên soạn SGK, vừa viết chương trình’ (theo mô tả của PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào). Cho đến cải cách chương trình và thay SGK 2000, Chương trình và SGK cũng tiếp tục được biên soạn cuốn chiếu, cụ thể Chương trình Tiểu học ban hành năm 2001, Chương trình THCS ban hành năm 2002 và Chương trình toàn vẹn được ban hành vào 2006. Các bản chương trình này khi được công bố đều cho thấy khá sơ sài, chủ yếu bao gồm thông tin về kế hoạch giáo dục ở các cấp học, phân bổ thời lượng theo bộ môn và khối lớp, và nội dung chi tiết về kiến thức theo từng khối lớp. CTGD phổ thông 2018 bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học cũng cho thấy cấu trúc tương tự, dù đã có thêm những thông tin về ý tưởng, cách tiếp cận giáo dục và phương pháp sư phạm. Có thể thấy việc xây dựng CTGD khá đơn giản, không tách bạch với việc biên soạn SGK. Việc nhiều người trong ban biên soạn CTGD phổ thông cũng chính là các tác giả, chủ biên, tổng chủ biên SGK cũng cho thấy sự không rõ ràng trong biên soạn Chương trình và SGK.

Một giờ đọc sách của học sinh trường Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: BN

Ngay cách đặt tên nhiệm vụ là ‘biên soạn chương trình’, và phân công vai trò “tổng chủ biên” CTGD cũng cho thấy vấn đề nhận thức về việc xây dựng và phát triển CTGD. CTGD không đơn giản là quá trình chắp bút ‘viết’ hay ‘biên soạn’ mà là một quá trình nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm dày công để có cơ sở đưa ra các đề xuất thiết kế hệ thống. Phải chăng việc nghiên cứu này được ẩn ngầm vào việc biên soạn SGK hay đã hoàn toàn không diễn ra?

Một điều đáng chú ý nữa, khi triển khai CTGD phổ thông 2018 với chủ trương nhiều bộ SGK đã có nhiều vướng mắc (trình bày cụ thể hơn ở phần sau) nhưng ngay lập tức, các thảo luận về SGK và Chương trình ở nhiều cấp lại quay trở về “một bộ sách”. Tranh luận về một bộ sách hay nhiều bộ sách lại trở về điểm xuất phát bởi nó dường như không có điểm neo về định hướng triết lý hệ thống. Vấn đề không phải nằm ở số ít hay số nhiều; vấn đề nằm ở định hướng chiến lược mở hay không mở và chiến lược này còn quyết định hàng trăm yếu tố khác nhau, không phải chỉ SGK và Chương trình.

Điều kiện thực hiện hệ thống mở: thiếu, yếu, không đồng bộ, thậm chí xung đột với nhau

Với các hệ thống giáo dục theo triết lý mở và khai phóng, việc phát triển SGK không phụ thuộc vào việc xây dựng chương trình. Việc đánh giá và lựa chọn SGK được thực hiện quy củ, thực chất và tuân thủ quy định đảm bảo chất lượng, được thực hiện bởi một hội đồng cấp sở bao gồm các chuyên gia giáo dục, ngôn ngữ, văn hóa, và giáo viên có kinh nghiệm theo bộ tiêu chuẩn đánh giá và lựa chọn SGK đã được ban hành. Điều đáng nói là quy trình này kéo dài hàng năm, trải qua nhiều vòng, nhiều phiên làm việc để đảm bảo chất lượng của học liệu được lựa chọn. Đặc biệt, quy trình đánh giá, lựa chọn học liệu, SGK được khởi động trong điều kiện các nguồn học liệu đã được phát hành trên thị trường, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí đều đã được xây dựng, ban hành. 

Tranh luận về một bộ sách hay nhiều bộ sách lại trở về điểm xuất phát bởi nó dường như không có điểm neo về định hướng triết lý hệ thống. Vấn đề không phải nằm ở số ít hay số nhiều; vấn đề nằm ở định hướng chiến lược mở hay không mở và chiến lược này còn quyết định hàng trăm yếu tố khác nhau, không phải chỉ SGK và Chương trình.

Đối với CTGD phổ thông 2018, mặc dù thời điểm triển khai Chương trình được lùi lại so với dự kiến hai năm, SGK cũng chỉ có mặt trên thị trường trước khi năm học 2020-2021 bắt đầu khoảng ba tháng. Khoảng thời gian này là quá ngắn, không cho phép việc tập hợp, phân tích cặn kẽ, đầy đủ để có thể đưa ra đánh giá. Chưa kể các bộ sách không có đủ như dự kiến (chỉ có 3 bộ thay vì 5 bộ như kế hoạch điều chỉnh), và mỗi bộ sách được ban hành ‘cuốn chiếu’ nên cũng không đủ cả bộ các năm để có thể đánh giá toàn diện tính hệ thống, tính nhất quán của bộ sách.

Việc không có nhiều tài liệu (các bộ sách) để lựa chọn, sách không có đủ bộ và chỉ được phân phối đến các trường trong thời gian quá ngắn đã khiến cho việc thẩm định, lựa chọn chỉ mang tính hình thức. Trong bối cảnh gấp gáp, vội vã và lúng túng đó, việc kiểm soát tác động của hoạt động quảng cáo, marketing, ‘vận động hành lang’ cho các bộ sách để đảm bảo đánh giá khách quan, chính xác là khó thực hiện.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới bộ tiêu chí lựa chọn SGK. Có thể thấy hầu hết các tỉnh đều đã ban hành bộ tiêu chí để lựa chọn SGK. Điều dễ thấy là các bộ tiêu chí này có nhiều khác biệt về cả nội dung và cấu trúc. Việc ban hành một bộ tiêu chí là không khó, nhưng thách thức ở chỗ liệu bộ tiêu chí có thể sử dụng được, có đủ rõ ràng để giúp những cán bộ, giáo viên liên quan lựa chọn được SGK hay không. Có lẽ còn cần có những đánh giá, rà soát, phân tích sâu hơn.

Ở một số quốc gia như Australia, giáo viên được trao toàn quyền lựa chọn học liệu để giảng dạy và để học sinh học tập. Nói chung, nhà trường được trao quyền tự chủ và có trách nhiệm tối ưu hóa học liệu, học cụ theo nhu cầu thực tế sử dụng, tránh lạm dụng và lãng phí. 

Vậy mở hay đóng?

Quyết định này có thể nằm trong phạm vi quyết định của cá nhân mỗi chúng ta hay không thể hiện hệ thống được thiết kế đóng hay mở, và mở đến đâu. Lẽ dĩ nhiên, chính chúng ta phải trang bị cho mình những năng lực cần thiết, những kiến thức, hiểu biết và nền tảng lập luận rành mạch để có thể tham gia hiệu quả vào một hệ thống mở, nếu có, và để đưa ra quyết định và lựa chọn, mà không ‘đẽo cày giữa đường’.

CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM NHỮNG GÌ?

Điều cốt yếu trước khi nghĩ tới bất cứ đề xuất nào là việc xác định thiết kế hệ thống: đóng hay mở; mở ở những chiều kích nào, và mở đến đâu, qua đó xác định những nguyên tắc định hướng phát triển căn bản. Điều này cũng giúp chúng ta tránh những cải cách nửa vời, lãng phí. Có nhiều yếu tố chỉ báo cho thấy hệ thống giáo dục Việt Nam đang phát triển theo hướng hệ thống mở; do vậy các đề xuất dưới đây được đưa ra theo định hướng như vậy.

1. Đặt SGK vào vị trí phù hợp, nhất quán với thiết kế hệ thống

Việc ‘mở’ nguồn SGK thay vì chỉ có một bộ SGK duy nhất là phù hợp và là tất yếu. Tuy nhiên đi với nó cần có những điều chỉnh tổng thể nhằm đồng bộ hóa hệ thống, đảm bảo tính nhất quán để việc ‘mở’ nguồn SGK có thể thực hiện thành công. Cụ thể, các chương trình đào tạo giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý giáo dục cần trang bị kỹ năng, phát triển năng lực đánh giá, lựa chọn tài liệu, học liệu, SGK. Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cần đặt ra yêu cầu về năng lực này. Quy định, quy trình và tiêu chuẩn đánh giá, phân tích và lựa chọn SGK tại các địa phương cần được rà soát, điều chỉnh, đảm bảo tính khoa học, nhất quán về triết lý, cách tiếp cận giáo dục, phương pháp sư phạm với CTGD phổ thông, đặc biệt cần lưu ý thời gian tối thiểu để đảm bảo quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng.

2. Phát triển học liệu mở và tài liệu số hóa, blended learning với và EdTech

Blended learning, kết hợp giữa học tập trực tiếp và trực tuyến, đã được phát triển và ứng dụng từ nhiều năm nay ở các nước phát triển, nhưng có lẽ sau đại dịch Covid-19, các nước đang phát triển như Việt Nam mới có đà và động lực để triển khai blended learning. Năm học 2022-2023, thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai blended learning với 35% thời lượng online. Rất nhiều chương trình học tập trực tuyến cho bậc phổ thông hệ K-12 đã được phát triển và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước. Việc áp dụng EdTech – công nghệ vào giáo dục cho phép các nhà thực hành sư phạm, giáo viên triển khai đổi mới phương pháp một cách hiệu quả.

Đọc sách ở câu lạc bộ Ô Xinh, nơi thực hiện phương pháp giáo dục và học bộ sách Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ trương. Ảnh: CLB Ô Xinh.

Việc số hóa các nguồn học liệu, đặc biệt là tài liệu tham khảo, các tài liệu bổ trợ, tài liệu thiết kế các hoạt động tương tác đi kèm các bộ SGK nhằm hỗ trợ phân phối tài liệu miễn phí đến các vùng miền là một giải pháp có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng SGK lên học sinh cũng như hệ thống. Tùy theo vùng miền, việc số hóa toàn bộ SGK để xây dựng thư viện trực tuyến mở cho giáo viên và học sinh truy cập miễn phí hoặc thu một khoản phí đăng ký nhỏ hoặc trang bị SGK cho thư viện trường để cho mượn lâu dài cũng là những giải pháp cắt giảm lãng phí in ấn và phân phối SGK hiện đang đổ vào hộ gia đình.

Tuy nhiên, một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng, bất cứ giải pháp nào cho những bất cập về SGK, cần phải đồng bộ với các yếu tố khác trong hệ thống. Đồng thời, để có các giải pháp căn cơ, đối với mỗi bộ sách, cần phân biệt rõ những đầu sách bổ trợ, tham khảo, có tính chất không bắt buộc với những đầu sách cốt lõi, bắt buộc, và các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về danh sách những đầu sách (và học cụ) mà học sinh bắt buộc phải mua.

3. Đổi mới công tác đào tạo giáo viên

Để việc ‘mở’ học liệu và SGK có hiệu quả, thực chất và bền vững, việc tối quan trọng là nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để họ có thể làm chủ nguồn học liệu, có năng lực đánh giá, phân tích, lựa chọn và sử dụng linh hoạt các nguồn học liệu khác nhau trong giảng dạy. Do vậy chương trình đào tạo giáo viên cần trang bị cho người học nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, những kỹ năng cần thiết để lập kế hoạch bài giảng và thực hành giảng dạy mà không lệ thuộc vào SGK, thậm chí ‘thoát ly’ SGK trong môi trường lớp học mà vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức và có thể áp dụng các phương pháp sư phạm một cách thuần thục, nhuần nhuyễn. Việc điều chỉnh chuẩn đầu ra của chương trình sư phạm kéo theo cấu trúc, nội dung của chương trình đào tạo, cũng như phương pháp sư phạm thay đổi.

4. Tăng cường giám sát đối với việc xuất bản, phát hành và phân phối SGK

Để tăng cường giám sát từ nhiều phía đối với việc xuất bản, phát hành và phân phối SGK, trước hết cần phải tăng cường minh bạch hóa thông qua cung cấp, công bố thông tin chính thống rộng rãi về SGK. Bộ GD&ĐT và/hoặc các sở GD&ĐT công bố các bộ SGK được phê duyệt, công nhận kèm theo danh mục các đầu sách bắt buộc, sách tham khảo, sách bổ trợ tự chọn đi kèm mỗi bộ sách. Nhà xuất bản cần công bố danh mục theo các bộ sách kèm theo giá và chính sách giá để phụ huynh và nhà trường đều có thể tiếp cận thông tin. Đối với các trường phổ thông, trường cần phải công bố danh mục đầu sách được chọn để sử dụng trong nhà trường trước khi năm học mới bắt đầu trong đó nêu rõ những đầu sách bắt buộc và tự chọn. Đối với những đầu sách, tập bài không bắt buộc hoặc chỉ sử dụng một phần, nhà trường và giáo viên cần công bố phương án đảm bảo cung cấp học liệu đầy đủ cho toàn bộ học sinh. Việc công khai thông tin về SGK từ các bên là một cơ chế cho phép sự giám sát toàn diện, cho phép phụ huynh tham gia, có cơ hội lựa chọn, đồng thời tăng cường hiểu biết và có trách nhiệm với việc học tập của chính con em mình. 

Đối với các trường phổ thông, cần có chính sách loại bỏ lợi ích của trường và các cá nhân lãnh đạo, quản lý nhà trường trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến SGK và học liệu, cụ thể là hoa hồng từ việc phân phối SGK. Bằng cách này có thể góp phần loại bỏ nguồn gốc gây ra ‘xung đột lợi ích’, qua đó giảm thiểu nguy cơ học sinh phải gánh thêm những chi phí học tập ngoài mức cần thiết. Các công cụ giám sát như thanh tra tài chính, kiểm toán độc lập thường niên có thể được sử dụng để đảm bảo chính sách này được thực thi.

5. Hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương và các trường phổ thông

Trong khi chờ những thay đổi trong đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các trường phổ thông cần được hỗ trợ chuyên môn để có thể triển khai việc phân tích, đánh giá, thẩm định và lựa chọn SGK một cách hiệu quả. Gói hỗ trợ chuyên môn có thể bao gồm hướng dẫn về tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá SGK, các bộ tiêu chí phụ trợ, chẳng hạn bộ tiêu chí phân loại văn bản cho môn Tiếng Việt, hướng dẫn quy trình thực hiện, việc thành lập hội đồng đánh giá, vv. Hỗ trợ chuyên môn về nội dung này có thể kết hợp với hỗ trợ chuyên môn về xây dựng CTGD địa phương Bộ GD&ĐT đang triển khai. Đây có thể coi là một phần trong các hoạt động nâng cao năng lực cho địa phương để đảm bảo chất lượng và sự phù hợp của bộ SGK được lựa chọn, đảm bảo tính khoa học, sự khách quan của những người có trách nhiệm, tránh bị thao túng bởi NXB hay các nhà phân phối sách và học liệu.

6. Xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng SGK

Để đảm bảo chất lượng SGK, cần rà soát quy định về biên soạn và thẩm định SGK, trong đó cần đặt ra quy định về việc thực nghiệm đối với toàn bộ các bài học trong SGK dưới nhiều hình thức khác nhau, thực nghiệm với lớp học có đối tượng học sinh phù hợp, thực nghiệm với lớp học mô phỏng, thực nghiệm với giáo viên, giáo sinh, vv. Đồng thời cũng cần quy định về đảm bảo chất lượng việc lựa chọn văn bản, ngôn ngữ cho một số môn học như Tiếng Việt/Ngữ Văn. Đồng thời, bộ quy tắc chống ‘xung đột lợi ích’ cần được xây dựng và áp dụng cho toàn bộ quy trình biên soạn, thẩm định, và lựa chọn SGK ở các cấp khác nhau nhằm hạn chế tối đa tác động của nhân sự tham gia vào các quá trình này làm giảm tính khách quan, công tâm của các kết luận về SGK, qua đó, nâng cao chất lượng SGK được phê duyệt, thẩm định và lựa chọn.

Kết luận

Thời điểm này có lẽ không phải là phù hợp để bàn về việc xây dựng CTGD phổ thông bởi CTGDPT 2018 vừa mới được phê duyệt, ban hành và đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, cho một con đường dài, cần phải tách bạch việc xây dựng, phát triển CTGD và SGK. CTGD cho hệ thống giáo dục quốc dân là sản phẩm của nghiên cứu tầm vĩ mô, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan liên ngành, trong khi đối tượng tham gia vào việc biên soạn SGK hoàn toàn là các nhà chuyên môn thuần tuý về giáo dục, sư phạm. Việc phát triển CTGD là nhằm hiện thực hóa không chỉ Chiến lược giáo dục, mà cả Chiến lược phát triển con người, Chiến lược phát triển Kinh tế, Xã hội…, cần phải được đặt vào tay của những người đủ năng lực khoa học để thực hiện nhiệm vụ này. Việc này cần một Tổng công trình sư có tầm nhìn và kiến thức vượt khỏi ‘truyền thống’, ‘thói quen’ và ‘kinh nghiệm’, tiếp cận khoa học giáo dục thế giới. Chúng ta không thể có một thế hệ trẻ ‘sánh vai các cường quốc năm châu’ mà ‘cha đẻ’ của CTGDPT lại chỉ quẩn quanh ‘lũy tre làng’. Tất nhiên, điều này cần sự hợp sức của những cá nhân, làm việc với trách nhiệm cá nhân, phối hợp với tinh thần tập thể hợp tác.□

Tài liệu tham khảo

Giáo dục Việt Nam, (2018). Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa. Tại: https://giaoduc.net.vn/nhung-quy-luat-bat-thuong-qua-3-lan-thay-sach-giao-khoa-post186972.gd

Nguyễn Xuân Hãn, (2021). Đổi mới Sách giáo khoa – 45 năm chưa tìm thấy “chuẩn kiến thức”. Available at: http://baovannghe.com.vn/fcviet-1-2-24124.html

Smith, A. (1985). Textbook Selection: A More Defined Way. American Secondary Education, 14(3), 6–9. http://www.jstor.org/stable/41063726VietNamNet, (2013). Ba kỳ bộ trưởng chưa xong sách giáo khoa. Truy cập tại: https://vietnamnet.vn/ba-ky-bo-truong-chua-xong-sach-giao-khoa-135997

html?fs=e&s=cl&fbclid=IwAR0XU i3rxESua1Ks1tYp4ZyXmIm5NOQ_N8ZHE4YHQV9GI0JfcLuJr3Rb0to

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)