Hổ Mẹ của nước Mỹ
Không có gì mới trong mong muốn những đứa con được thành công, nhưng điều khiến cuốn sách của Amy Chua trở thành tiêu điểm của giới truyền thông là những lời bộc bạch chân thật về phương pháp dạy con của Amy Chua, những phương pháp nặng nề hơn nhiều lần so với cách dạy con thông thường của người Mỹ.
Ba câu hỏi từ cuốn sách**
Cuốn sách “Khúc chiến ca của hổ mẹ” là một quyển sách dễ đọc, được viết theo lối hội thoại rất sinh động. “Hổ mẹ” trong trường hợp này chính là Amy Chua, và “trận chiến” mà bà viết tới chính là những nỗ lực của bà để giúp hai cô con gái thành công. Phần lớn cuốn sách miêu tả những nỗ lực hàng ngày của bà để đảm bảo hai cô con gái có thể cạnh tranh và chiến thắng ở những nấc thang cao nhất của xã hội Mỹ. Không có gì mới trong mong muốn những đứa con được thành công, nhưng điều khiến cuốn sách của Chua trở thành tiêu điểm của giới truyền thông là những lời bộc bạch chân thật về phương pháp dạy con của Amy Chua, những phương pháp nặng nề hơn nhiều lần so với cách dạy con thông thường của người Mỹ, và bà chứng minh phương pháp của mình bằng cách khẳng định rằng bà biết rất rõ mình đang làm gì, rằng sự nghiêm khắc của bà không hề khắc nghiệt, mà “cách dạy con của cha mẹ Trung Quốc” là sự thể hiện quyết định đối với những kết quả rực rỡ của bà mẹ này.
Câu hỏi làm thế nào để nuôi nấng và dạy bảo con cái luôn là một trong những trăn trở day dứt nhất của con người, và tôi nghĩ rằng rất ít người không có chút quan điểm nào trong vấn đề này. Vì thế, Chua xứng đáng nhận lời khen ngợi cho việc khơi dậy sự quan tâm với vấn đề muôn thưở này. Tôi tin rằng, cuốn sách của Chua không chỉ hấp dẫn về cách nuôi dạy con cái (bà chỉ đơn giản khuyên chúng ta không nên nuông chiều chúng), mà còn về những điều mà cuốn sách hé lộ, có thể chỉ là tình cờ, về ba câu hỏi sau đây:
1. Nên dạy con cái của bạn về những giá trị châu Á trong thời đại toàn cầu hóa như thế nào?
2. Cuốn sách này đã hé lộ gì về con đường tìm tới thành công và địa vị ở xã hội Mỹ?
3. Chúng ta kì vọng gì về những đứa trẻ của “Cha mẹ Hổ”, khi mà sự xuất hiện của chúng ngày càng nhiều hơn ở Mỹ, ở Trung Quốc, Việt Nam và những nơi khác nữa.
Và Chua nghĩ bà đang làm gì với vai trò một người mẹ Trung Quốc? Câu trả lời được gói gọn trong một câu thành ngữ của Việt Nam “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Bà đã viết rất cởi mở về những khó khăn mà cha mẹ bà đã phải trải qua khi di cư từ Đài Loan sang Mỹ, và cách mà dù phải đối mặt với tất cả những khó khăn, họ vẫn trở nên thành đạt, và những đứa con của họ – sinh ra ở Mỹ – còn trở nên thành đạt hơn. Và điều gì sẽ xảy ra với thế hệ thứ ba? Những đứa trẻ được sinh ra trong nhung lụa vốn là không tưởng với thế hệ thứ nhất? Thế hệ này cần một “Hổ mẹ” bởi như Chua nói “tất cả những yếu tố thuộc về thế hệ này đều có xu hướng đi xuống”.
Điều này có ý nghĩa gì trong thực tế? Thực ra, điều này chỉ đơn giản chính là “thực tế”. Phần lớn cuốn sách miêu tả những nỗ lực của bà để khiến hai cô con gái tránh khỏi những hoạt động “mang màu sắc Mỹ” như thay vì chơi điện tử thì đó là chơi đàn piano và violon tới độ khiến chúng và cha mẹ nhận được sự công nhận của quốc tế.
Có thuần Á Đông?
Độc giả Việt Nam có thể nghĩ rằng cách dạy con này mang đậm màu sắc Á Đông, nghĩ rằng những cha mẹ châu Á thường hi sinh tất cả cho con mình, khi yêu cầu những đứa con từ bỏ những thói quen hưởng thụ thì lại khiến một đứa trẻ trở nên quá hư hỏng và lười biếng để thành công. Tuy nhiên, vì sao không nói rằng Chua là một bậc phụ huynh “Á Đông”?
Câu trả lời là không có gì thuần chất Á Đông ở đây cả. Mặt khác, những ví dụ về cách thức nuôi dạy con này có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, và nó đặc biệt phổ biến với những người di cư và con cái của họ. Những bậc cha mẹ này thường là những người chuyển từ nông thôn lên những thành phố lớn, hay những người là thành viên đầu tiên trong gia đình có bằng đại học. Chua đã gọi phương pháp dạy con này là của người Trung Quốc vì đó là cách mà bà đã trải nghiệm. Tuy nhiên, câu thành ngữ về những thế hệ sau sẽ trở nên yếu ớt “ai giàu ba họ, ai khó ba đời” có thể tìm thấy ở bất cứ thứ ngôn ngữ nào. Quan trọng hơn, lí do mà Chua viết cuốn sách này đã gây tranh cãi ở Mỹ rằng rất nhiều trường học của Mỹ nơi có một số lượng nhỏ, nhưng cũng đáng kể những học sinh gốc Á. Những học sinh này thường đạt kết quả cao trong học tập, và không thể nói đó là sự tình cờ khi họ đều là con của những người nhập cư, những người phải phấn đấu rất vất vả để có được một vị trí ổn định trong xã hội mới.
Lý do tôi đưa ra luận điểm này là không có gì “thuần chất Á Đông” trong những giá trị của Chua. Amy Chua đã lên được nấc thang danh vọng rất cao của Mỹ, cao hơn rất nhiều so với nhiều người Mỹ có thể với tới. Bà không chỉ là một tác giả nổi tiếng mà còn là một giáo sư ở một trong những đại học luật danh tiếng nhất của nước Mỹ, và cuộc sống riêng tư của bà cũng đạt những thành quả rất rực rỡ: con gái của bà là những học sinh xuất sắc, và một trong số họ đang trên đường trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Chồng bà cũng là một giáo sư luật lỗi lạc. Gia đình họ khỏe khoắn, vui vẻ, thon thả và mạnh mẽ. Tóm lại, vẻ ngoài của họ đều đẹp, giống như những ngôi sao điện ảnh hơn là những người bình thường.
Làm sao mà tôi biết được tất cả những điều này nhỉ? Ừm, chính Chua đã gợi nhắc cho độc giả về điều ấy, một cách liên tục. Khi nói về công việc của mình, bà không chỉ nói là “trường luật”, mà là “trường luật Yale”. Và tất cả độc giả Mỹ đều biết rằng Đại học Yale nằm trong danh sách những trường danh giá hàng đầu. Chua liên tục nhắc tới sự liên quan của bản thân với những trường đại học, trường trung học, giáo viên dạy nhạc và cả những người bạn của gia đình khác nhau. Một ai đó từ một đất nước khác sẽ cảm thấy lúng túng với những cái tên ấy, nhưng nó sẽ dễ hiểu và hợp lý một khi bạn nhận ra rằng bất kể Chua đang nhắc tới điều gì rất tốt và đáng khen thì phần lớn đó là những điều mà người Mỹ cũng rất khó đạt được, ngay cả khi họ rất cố gắng.
Về phần tôi, tôi không thể gọi sự thiếu khiêm tốn này là “thuần Á Đông”. Dù những cha mẹ châu Á dạy con họ làm việc chăm chỉ thế nào, tôi tin rằng một “Hổ mẹ” châu Á thực sự sẽ rất hoảng hốt với ý nghĩ khi lớn lên con bà ta sẽ quảng cáo những điều mà mình đạt được với quần chúng. Theo lẽ tự nhiên, mọi quốc gia đều có những người thiếu khiêm tốn, nhưng điều gây ấn tượng mạnh cho tôi trong suốt khoảng thời gian ở châu Á là cách thái độ thiếu khiêm tốn bị ghét bỏ và những người có thể kiểm soát cái tôi rất được coi trọng. Chua lại hoàn toàn thiếu sự khiêm tốn “thuần chất Á Đông” này.
Ám ảnh thành công
Có vẻ như tôi đang hạ thấp Chua, nhưng chúng ta phải nhớ rằng thật khó để những người nhập cư và con cái của họ có thể khiêm tốn về vấn đề này. Mặc dù Chua không phải lớn lên trong sự nghèo túng như cha mẹ bà, sự thành công của bà, trong một phạm vi rộng, là do những thành quả và khả năng của chính bà để “khiến bản thân tiến lên”. Đó là lí do vì sao cuốn sách của bà phần lớn hé lộ những điều mà tôi gọi là con đường đi tìm thành công và địa vị ở xã hội Mỹ.
Cuốn sách đã khiến Chua rất nổi tiếng và có vẻ như bà đã nhận được khoản tiền $500,000 cho nó. Tôi không biết liệu điều này có hoàn toàn đúng, nhưng có lẽ cũng công bằng nếu kết luận rằng cuốn sách đã khiến Chua giàu có và nổi tiếng. Từ góc độ này, có thể dễ dàng suy luận rằng Chua biết về cách suy nghĩ của người Mỹ, về những bậc phụ huynh châu Á hà khắc và cố tình khiến độc giả da trắng choáng váng về những câu chuyện mà bà bắt hai cô con gái luyện đi luyện lại những bản đàn, thay vì cho chúng vui chơi. Những chi tiết như vậy khiến Chua trở thành một tác giả khác biệt và cuốn sách của bà cũng được biết tới nhiều hơn.
Ngay cả khi Chua chủ ý tìm kiếm sự nổi tiếng và tiền tài, bà vẫn khá chân thật trong sự lo lắng về sự thành công và thịnh vượng của gia đình. Đọc cuốn sách, bạn có thể băn khoăn rằng liệu một người phụ nữ đã kiếm được nửa triệu đô-la còn phải lo lắng gì, nhưng hãy suy nghĩ về hoàn cảnh của Chua. Bà muốn những cô con gái của mình bước tới được bậc thang thượng lưu của xã hội học thuật và nghệ thuật của Mỹ. Điều này vô cùng tốn kém. Vì giờ đây con gái lớn của Chua đi học ở Harvard hoặc Yale, và cũng với cách nuôi dạy như thế, rất có thể cô con gái thứ hai sẽ vào một ngôi trường danh tiếng không kém. Những trường này tốn hơn $50,000 một năm, và khoản này chưa tính vào những chi phí phát sinh đáng kể mà cha mẹ phải trả. Chắc chắn rằng sẽ có nhiều học sinh được nhận học bổng, nhưng dựa trên những điều kiện thực tế, một “Hổ mẹ” của nước Mỹ sẽ muốn nhiều hơn sự cống hiến hết mình cho con. Bà còn phải cần tiền nữa.
Tại sao điều này nên khiến cho người Việt Nam phải suy nghĩ? Ở một phạm vi nhất định, cuốn sách của Chua chỉ đơn giản nhắc lại những chuyện phiếm gia đình như thể nó là một cái nhìn hiểu biết đầy quan trọng. Mặt khác, độc giả Việt Nam nên chú ý về những điều mà cuốn sách đã hé lộ về môi trường làm việc trong lòng nước Mỹ. Người Mỹ luôn bị ám ảnh với sự thành công, địa vị và sự thăng tiến trong xã hội. Một số lượng lớn các tác phẩm văn học hay nhất của nước Mỹ (ví dụ như cuốn “Gatsby vĩ đại” xuất bản năm 1925) đã miêu tả những điều khủng khiếp mà người Mỹ phải làm để tránh bị coi là kẻ thất bại, hoặc tự coi mình là kẻ thất bại. Điều mà Chua thêm vào cuộc tranh luận là thông điệp rằng bắt con bạn phải làm việc chăm chỉ là không đủ để đạt được thành công. Hơn cả thế, bạn phải bắt chúng làm việc “chăm chỉ một cách điên loạn”, đó cũng là cách mà chính Chua làm việc ở trường luật.
Với cách hiểu này, có thể Chua đã không nhận ra, Chua đã cho rằng nước Mỹ và châu Á đang trở nên giống nhau, không phải về “những giá trị”, mà ở cách sống trong tình trạng được định hướng bởi một xã hội nơi mà những người có địa vị cao hơn phải chịu nhiều cuộc cạnh tranh gắt gao hơn. Như nhiều cha mẹ Việt Nam đã biết, nếu chỉ có rất ít vị trí cho những đứa trẻ, thì chúng phải được đào tạo để cạnh tranh để giành lấy những vị trí ấy. Một cách cụ thể, thông điệp mà Chua gửi tới độc giả Mỹ rằng mặc cho những vật chất đủ đầy ở Mỹ, con cái của những bậc cha mẹ tham vọng nhất vẫn lớn lên theo cách giống những bạn đồng trang lứa ở Trung Quốc hay ở nơi khác.
“Làm tốt” hay “làm tốt hơn người”?
Nhưng liệu Chua có đúng khi cho rằng “những hổ mẹ” là tối quan trọng để truyền dẫn tôn chỉ làm việc ấy? Ở Mỹ, Chua bị chỉ trích nặng nề. Một nhà báo của tờ Thời báo New York đã xúc phạm Chua và một ban hội thẩm đã được triệu tập để thảo luận về tác động xấu của những phương pháp của Chua có thể gây ra với trẻ em Mỹ. Với bất cứ hình thức buộc tội mang tính cá nhân nào lên Chua, chúng ta không được đối xử với bà như thể bà đã tự tạo ra những vấn đề mà bà miêu tả. Bà không chỉ đúng với việc cho rằng những người trẻ tuổi có tài phải đối mặt với những cuộc cạnh tranh khốc liệt mà bà còn đúng trong việc chỉ ra rằng con trẻ sẽ trở nên yếu kém nếu bị dạy rằng không có sự khác biệt nào giữa chất lượng công việc bình thường và chất lượng công việc xuất sắc.
Tuy nhiên, chỉ đơn giản vì những giá trị của Chua không “thuần Á Đông”, tôi không dám khẳng định rằng những giá trị ấy hoàn toàn tốt đẹp. Chua và hai con gái đã đạt được một vị trí ổn định trong xã hội Mỹ. Nhưng chúng ta có thể băn khoăn rằng liệu điều làm “Hổ mẹ” lo lắng nhất là hai cô con gái có cách làm việc kém và phong thái lười biếng hay hai cô sẽ không giỏi hơn những người khác. Đó là một tâm lí rất chung của con người và chẳng có gì liên quan tới việc cha mẹ bạn di cư từ Trung Quốc hay Đài Loan. Nó liên quan tới cách suy nghĩ của bạn rằng điều gì là quan trọng nhất: làm việc tốt, hay được thừa nhận là “hơn người”.
Không may, Chua đã quá nhấn mạnh vào động cơ của bà. Đáng lẽ, bà cố thuyết phục độc giả rằng cuốn sách của bà viết chung cùng những cô con gái và bà học được gì từ một lần cãi mẹ của cô con gái út. Viết theo cách đó sẽ cho bà cái mà luật sư gọi là “phản kháng có hiệu lực” với những lời buộc tội rằng bà đang lợi dụng những cô con gái làm phương tiện cho những nhu cầu và tham vọng của riêng bà. Độc giả Việt Nam có thể quyết định lời phản kháng đó hiệu lực tới đâu.
Tuy nhiên suy cho cùng, điều quan trọng hơn động cơ của Chua là hiện tượng xã hội mà bà đại diện. Rất có thể những nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ và nhiều quốc gia khác sẽ là con của “những cha mẹ hổ”. Ở một phương diện, điều này có thể rất tốt, vì chỉ những con người được dạy để nỗ lực không ngừng mới có thể hi vọng đương đầu với những thử thách gian truân mà hành tinh chúng ta sẽ gặp phải. Mặt khác, rất có thể những đứa trẻ này sẽ không bị ảnh hưởng xấu khi không tiếp thu tất cả những giá trị Á Đông mà Chua dường như đã lãng quên.
Trong trường hợp cụ thể, nếu chúng ta dạy con cái luôn lo lắng liệu chúng có được giới thượng lưu của xã hội chấp nhận không, liệu chúng ta thực sự nghĩ rằng chúng sẽ đủ đáng tin cậy để đương đầu những giá trị của xã hội khi nó đã “lạc hướng”? Hơn nữa, liệu có khôn ngoan khi tin rằng “những đứa con Hổ” sẽ lớn lên mà không bị ám ảnh bởi nỗi sợ thất bại? Và liệu chúng ta có thể kì vọng một kẻ luôn sợ hãi về thất bại có thể thực sự dũng cảm?
Trang 221: Câu “nó không thể bị đánh bại….bất cứ nơi nào có nó, nó đều thể hiện xuất sắc” từ chối đối chất bằng cách giữ nguyên ý tưởng của nó.
* Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Barrett cho các sinh viên danh dự, thuộc ĐH Bang Arizona
** Các tít phụ do Tia Sáng đặt