Hỗ trợ đại học tư thục phi lợi nhuận – bao giờ có chính sách?

Ở một số nước, chính phủ hỗ trợ các trường bằng cách miễn thuế tất cả tiền đầu tư, tài trợ cho giáo dục phi lợi nhuận, thậm chí giảm thuế quỹ tiền còn lại của các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Trong khi ở Việt Nam, các trường tư thục vẫn phải đóng 25% thuế như doanh nghiệp, thực tế bổ về học phí sinh viên.

Đã từ lâu, người ta đồng ý với nhau rằng xã hội hóa giáo dục là hướng đi tất yếu. Tuy vậy, vận số của các trường đại học tư thục chưa bao giờ hết lận đận. Khó khăn của các trường đại học tư thục những năm gần đây xoay quanh việc tuyển sinh, đào tạo, cơ sở vật chất…, và đau đầu nhất phải kể đến nguồn vốn, đặc biệt là các trường đại học tư thục chủ trương phi lợi nhuận. Nếu các trường này giải được bài toán tài chính thì những thiếu hụt về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên… sẽ không còn gây quá nhiều trở ngại.
Nguồn thu của đại học tư thục chủ yếu dựa vào hai khoản: học phí, lệ phí tuyển sinh và đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhưng với qui định ngặt nghèo và bất hợp lý về điểm sàn đại học, trường công hạ mức điểm trúng tuyển sát điểm sàn khiến cho các trường tư thục càng khan hiếm thí sinh dự tuyển dẫn đến nguồn thu từ sinh viên cạn kiệt.

Khoản 7 điều 4 Luật Giáo dục đại học qui định: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.” Về cơ bản, qui định như vậy là hợp lý, nhưng những nỗ lực của các nhà cải cách trong thời gian vừa qua gần như chưa thể đơm hoa kết trái khi vẫn thiếu một cơ chế để hỗ trợ tài chính cho các trường tư thục phi lợi nhuận. Các trường tư thục phi lợi nhuận, những tổ chức/cá nhân đầu tư cho các trường phi lợi nhuận không được chia sẻ bất cứ chính sách khuyến khích nào ngoài lý tưởng vì nền giáo dục nước nhà. Hiện nay các trường tư thục vẫn phải đóng 25% thuế như doanh nghiệp, thực tế bổ về học phí sinh viên. Trong bối cảnh đó, thật khó để các nhà đầu tư chịu chi tiền (đầu tư, tài trợ) cho giáo dục đại học tư thục phi lợi nhuận, đặc biệt đối với Việt Nam trong khi cha mẹ sẵn sàng chịu vất cả, khổ cực để chi thật mạnh tay cho công cuộc học tập của con em mình, thì việc chi tiền cho một trường học thì lại quá xa lạ với họ. Ví dụ điển hình là Đại học Phan Châu Trinh – Hội An: ngôi trường được sáng lập từ rất nhiều nỗ lực của những người tâm huyết với giáo dục Việt Nam như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Hoàng Tụy…, nhiều năm qua cũng phải vất vả tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư và gặp không ít cách trở chỉ vì lý tưởng Canh tân giáo dục bằng mô hình phi lợi nhuận của mình.

Vì sao đại gia nước ngoài chi tiền cho giáo dục đại học

Việt Nam bây giờ thật lắm đại gia! Họ sở hữu vô vàn siêu xe thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, là chủ nhân của các biệt thự không chỉ ở trong nước, vây quanh họ là các cô chân dài gắn trên người toàn hàng hiệu giá khủng. Và hàng ngày, báo chí đưa tin về sự giàu có của họ như những chiến công. Công chúng ghen tỵ và ngưỡng mộ tài sản của họ. Dường như đó là cách duy nhất để rất nhiều đại gia tự khẳng định vị thế của mình. Trong khi đó chúng ta sẽ rất dễ dàng tìm thấy những thông tin dạng như thế này trên Internet:

“Ông Graham Tuckwell tặng 50 triệu Úc kim cho Trường đại học quốc gia Úc ANU ở thủ đô Canberra để đóng góp vào Quỹ học bổng.”

“Ông bà Leland Stanford, một triệu phú tại California đã tặng 40 triệu đô la, số tiền tương đương với 1 tỷ đô la vào năm 2010, cho việc xây dựng một trường đại học mới lấy tên là Leland Stanford Junior University (tên chính thức của Đại học Stanford).”

“Zhang Lei – người sáng lập và đồng quản lý của quỹ đầu tư Hillhouse có trụ sở tại Bắc Kinh đã đóng góp 8.888.888 USD cho trường đại học Yale danh tiếng.”

 “Tỷ phú Michael Bloomberg vừa quyết định tặng thêm 350 triệu USD cho đại học Johns Hopkins, nâng tổng số tiền ông đã tặng lên con số kỷ lục 1,1 tỷ USD.”

“Cặp vợ chồng của hãng Nike, Phil và Penelope Knight đã tặng 125 triệu đôla cho khoa tim mạch, Viện Đại học Y tế và Khoa học Oregon. James Simons, nhà quản trị rủi ro của Tập đoàn đầu cơ Renaissance Technologies, tặng 60 triệu đôla cho trung tâm máy tính của Đại học California, Berkeley.”

Rất nhiều tỉ phú ở nước ngoài quyên tặng cho các trường đại học vì tin rằng giáo dục là chìa khóa thoát khỏi nghèo đói, họ hi vọng có thể cải thiện dịch vụ và nghiên cứu khoa học ở trường. Đa phần trong đó tài trợ tiền cho trường đại học cũ của mình, vì họ biết ơn những gì trường đại học đó đã mang đến cho mình. Tức là họ kiếm tiền bằng lao động và trí tuệ, họ trân trọng giáo dục đại học đã khai mở và giải phóng tiềm năng của họ. Sinh viên Việt Nam không nhận được một sự khai phóng nào và hầu như không trân trọng những năm tháng đại học. Bằng quan sát, chúng ta có thể thấy, những sinh viên mất phương hướng mang đến xung quanh trường đại học bao nhiêu quán xá: tiệm ăn, quán nhậu, cà phê, karaoke, tạp hóa… và chỉ có vậy.

Giáo dục đại học ở Việt Nam hầu như chỉ mang đến cho sinh viên tấm bằng. Họ sẽ mang tấm bằng đi tìm việc, những công việc đúng hoặc không đúng ngành nghề đào tạo. May mắn gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, họ sẽ giàu có, sẽ thành đại gia và họ đâu có lỗi gì khi không quyên tiền cho trường đại học mình đã học.

***

Ở một số nước, chính phủ hỗ trợ các trường bằng cách miễn thuế tất cả tiền đầu tư, tài trợ cho giáo dục phi lợi nhuận, thậm chí giảm thuế quỹ tiền còn lại của các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Nhờ vào chính sách thuế khuyến khích đầu tư cho giáo dục, các trường đại học tư thục phi lợi nhuận có một nguồn thu rất lớn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Còn ở Việt Nam bao giờ Nhà nước sẽ có chính sách rõ ràng để hỗ trợ cho đại học tư thục phi lợi nhuận – vốn là động lực rất mạnh thúc đẩy phát triển nhân lực? Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi trong dự thảo Luật giáo dục đại học nhưng còn bỏ ngỏ.

Khi nào các đại gia sẽ đua nhau tặng tiền cho đại học phi lợi nhuận, tài trợ cho các công trình khoa học, bảo trợ cho các nhà nghiên cứu? Lúc đó, siêu xe, biệt thự, chân dài…không còn là thước đo đẳng cấp và sự giàu có. Báo chí hàng ngày sẽ đưa tin: Ông A vừa trao tặng bao nhiêu triệu, bao nhiêu tỉ đồng cho đại học B, Bà X đầu tư bao nhiêu phần trăm tài sản cho nghiên cứu Y… Đó là cách tiêu tiền của những người thông minh. Lúc đó, xã hội sẽ trân trọng họ với niềm ngưỡng mộ thực sự. Cống hiến cho công cuộc giáo dục là ghi danh vào tương lai.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)