Học kỹ thuật với các giáo sư hàng đầu của Anh

Từ 7 đến 13/9, sinh viên chuyên ngành kỹ thuật tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội nghe những bài giảng kỹ thuật do chín giáo sư đến từ những trường ĐH thuộc Sterling Group, Vương quốc Anh trực tiếp đứng lớp.

Khởi đầu cho lịch trình giảng dạy, các giáo sư sẽ có một buổi hội thảo “Học và nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại Anh” tại Hà Nội (ngày 8/9, khách sạn Hotel de l’Opera) và TP Hồ Chí Minh (ngày 12 tháng 9, khách sạn Sofitel Plaza Sài Gòn).

Hội thảo sẽ cung cấp một tổng quan về việc giảng dạy và học tập bộ môn kỹ thuật tại Anh. Ngoài ra, những cựu sinh viên chuyên ngành kỹ thuật tại Anh cùng với các giáo sư sẽ chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng tại Anh như: lựa chọn khóa học, chuẩn bị hồ sơ, viết đề cương nghiên cứu, tìm giáo sư hướng dẫn và các nguồn tài trợ cho dự án…

Cùng trong buổi sáng ngày 8/9, tại Khách sạn Hotel de l’Opera, giáo sư Guy Houlsby, trưởng khoa Khoa học kỹ thuật, ĐH Oxford cũng sẽ có buổi nói chuyện chuyên đề về sự dịch chuyển của nền đất khi xây dựng công trình ngầm trong thành phố. Việc xây dựng công trình tàu điện ngầm không tránh khỏi việc tạo ra sự dịch chuyển của nền đất phía trên nó, có thể ảnh hưởng tới các công trình xây dựng trên mặt đất. Đây là chủ đề được sự quan tâm của nhiều người dân, các nhà quy hoạch, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng trong bối cảnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong kế hoạch phát triển giao thông đô thị.

Sau buổi hội thảo mở đầu, các giáo sư sẽ giảng dạy tại các trường ĐH kỹ thuật lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Đây là lần thứ năm các thành viên của Sterling Group, nhóm các trường đại học nghiên cứu hàng đầu Vương quốc Anh, đến Việt Nam. Tham gia giảng bài lần này gồm nhiều nhiều giáo sư đầu ngành tại các trường ĐH Aston, Cambridge, Durham, Edinburgh, Leeds, Loughborough, Newcastle, Southampton và Oxford.

Chương trình hội thảo và giảng dạy do Hội đồng Anh tổ chức. Cũng trong dịp này, Hội đồng Anh phối hợp với ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Quốc tế Anh – Việt, triển lãm về Năng lượng sạch năm 2012 (CECE 2012) và Hội thảo về Hệ thống Giám sát tiên tiến (ASSW 2012) vào ngày 10/09 tại ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.

Các chủ đề chính được giảng dạy:

1. Gia tăng khả năng kháng chấn của nút khung bê tông cốt thép bằng sợi thép.

2. Cảm biến sợi quang. Phương pháp giáo dục đổi mới và truyền cảm hứng trong giáo dục và đào tạo ngành kỹ thuật.

3. Những phát triển của động cơ ô-tô hiện nay.

4. Thiết bị nhận dạng: Làm thế nào để lập trình máy tính nhận ra các đối tượng quen thuộc và theo dõi sự việc xung quanh.

5. Đánh giá tính chất cơ lý và thiết kế các thiết bị có cấu trúc nano.

6. Phục hồi các kim loại điện hóa từ nước thải.

7. Dự báo sự dịch chuyển của nền đất khi xây dựng công trình ngầm trong thành phố.

8. Kết cấu của tàu vũ trụ – một hệ thống phụ quan trọng?

9. Những phát triển mới nhất trong chuyển hóa năng lượng biển tái tạo.

10. Những thách thức trong việc đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào cuộc sống.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)