Học tại nhà ở Mỹ
Để góp phần vào cải cách nền giáo dục phổ thông ở nước ta, xin mạo muội nêu lên vấn đề phục hồi và phát triển hình thức lớp học tại nhà để thay thế một phần cho hình thức học tại trường, dưới những điều kiện nhất định và trong phạm vi nhất định qua mô hình học tại nhà ở Mỹ.
Học tại gia ở Mỹ
Học ở nhà là hình thức phổ biến ở Mỹ từ xa xưa; nhưng từ ngày các bang đưa ra Luật giáo dục cưỡng bức, yêu cầu trẻ em đều phải học ở trường thì các lớp học ở nhà dần dần biến mất. Từ thập niên 50-60 thế kỷ XX, xuất hiện phong trào học ở nhà (homeschooling), một phong trào đòi quyền dân chủ tự do trong việc lựa chọn hình thức giáo dục.
Có mấy nguyên nhân nảy sinh homeschooling:
– Sự bất mãn của giới phụ huynh học sinh (HS) đối với các yếu kém của hệ thống trường công: hoạt động xơ cứng, máy móc, kiến thức cổ lỗ không đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực, coi nhẹ cá tính HS, không đáp ứng nhu cầu của trẻ cá biệt, hiệu suất dạy và học thấp; – Sự bất đồng về giá trị quan: nhà trường dạy HS một số giá trị quan mâu thuẫn với tín ngưỡng tôn giáo của gia đình HS (thí dụ thuyết Tiến hóa mâu thuẫn với giáo lý đạo Ki Tô); phụ huynh sợ con mình bỏ đạo; – Lo sợ lũ trẻ chịu tác hại của các thói xấu thịnh hành tại nhiều trường công như dùng ma túy, tình dục sớm, bạo lực bắt nạt kẻ yếu… Nạn HS dùng súng bắn giết thầy trò cũng vô cùng đáng ngại; – Nhà xa trường, bất tiện cho trẻ đi học hằng ngày.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu ngày càng đông, có điều kiện kinh tế và thời gian (thường có 1 người không đi làm), phụ huynh thường có trình độ văn hóa cao (một điều tra cho thấy 20% cao hơn giáo viên trường công), mạng Internet cung cấp nguồn kiến thức và tài liệu giáo dục vô tận … cũng là môi trường thuận lợi để phát triển homeschooling.
Với các nguyên do trên, từ thập niên 50 một số gia đình bắt đầu không cho con đến trường mà kéo về dạy “chui” ở nhà; tuy biết như thế là phạm luật. Thậm chí họ còn công khai nêu khẩu hiệu “Không được thể chế hóa nhà trường”, “Nhà trường biến mất”, gây ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa nhà trường với một số phụ huynh cấp tiến.
Phía nhà trường nói phụ huynh thiếu chuyên môn sư phạm nên không thể dạy tốt được, nội dung giảng dạy ở nhà khác với nhà trường, như vậy là phạm luật giáo dục nghĩa vụ, học ở nhà sẽ trở ngại sự phát triển của xã hội và quyền của Nhà nước thực hiện việc giáo dục lớp trẻ…. Phía phụ huynh thì nói lựa chọn hình thức giáo dục là một quyền dân chủ, đã là quyền dân chủ thì phải thực hiện …. Cuộc tranh cãi được đưa ra tòa phân xử. Quá trình tố tụng diễn ra rất lâu, đầu thập niên 70 Tòa Tối cao ra phán quyết bênh vực quyền tự do lựa chọn hình thức giáo dục của phụ huynh HS. Từ đó trở đi phía nhà trường bắt đầu hiểu được vai trò quan trọng của học ở nhà, họ chuyển sang ủng hộ và hợp tác với các phụ huynh. Chẳng hạn các trường cho phép HS học ở nhà được quyền dự giờ học, các hoạt động ngoại khóa và đi xe bus của trường. Việc vào đại học (ĐH) của các HS học ở nhà không có gì khó khăn, dù họ không có chứng chỉ của nhà trường cấp, nhưng chỉ cần vượt qua kỳ sát hạch SAT (một kiểu thi ĐH khá nhẹ nhàng) là được.
Từ đầu thập niên 90, cả 50 bang lần lượt ban hành văn bản pháp luật xác định địa vị hợp pháp của homeschooling. Giới phụ huynh cũng lập các đoàn thể để bênh vực lớp học ở nhà, như Home School Legal Defense Association …
Quy mô phát triển. Năm 1970, nước Mỹ có khoảng 10-15 nghìn HS học ở nhà. Theo thống kê của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia (NCES; công bố 7-2001), năm 1999 có 0,85-0,97 triệu HS học ở nhà, chiếm 1,7% số trẻ lứa 5-17 tuổi. Tốc độ tăng hiện nay là 11%/năm. Theo Ann Zeise (homeschooling.gomilpitas.com): năm 2000 có 905.979 HS học ở nhà; năm 2003 – 1,1 triệu (2,7% tổng số trẻ cùng tuổi); năm 2007 – 1.319.392 HS.
Sự quản lý của chính quyền. 9 bang không hạn chế quyền hạn của phụ huynh đối với lớp học ở nhà. 10 bang chỉ yêu cầu phụ huynh khai báo việc học ở nhà với chính quyền. 20 bang yêu cầu phụ huynh trình báo kết quả sát hạch hoặc đánh giá về học lực để theo dõi tình hình HS. 11 bang ngoài các yêu cầu trên còn quy định cơ quan quản lý giáo dục địa phương có quyền thường xuyên thăm lớp học ở nhà và tổ chức huấn luyện chuyên môn cho phụ huynh dạy học …
Lợi và bất lợi. Do một thầy dạy một (hoặc hai) trò nên dễ thực hiện dạy theo đối tượng, dựa hứng thú và nhu cầu của HS, cho phép trẻ học theo cách của chúng, tiến độ linh hoạt, thích hợp với HS, nhờ đó việc học từ bị động trở thành chủ động. Thầy trò giao tiếp nhiều nên thầy có dịp hiểu HS hơn, từ những chuyện vụn vặt mà dạy chúng. Thực hiện được cá tính hóa giáo dục, khắc phục tình trạng “cào bằng” giáo dục ở trường. Nâng cao tính tích cực của phụ huynh tham gia công tác giáo dục, tận dụng nguồn nhân lực giáo dục. Hiệu suất học cao hơn hẳn ở trường, giảm tối đa thời gian lãng phí khi học ở trường.
Chi phí giáo dục ít mà hiệu quả lớn: bình quân chi cho một HS học ở nhà là 546 USD/năm (ở trườngtrường. công là 5325). Bình quân điểm số sát hạch của HS học ở nhà cao hơn 30% so với HS học ở trường.
Người Việt Nam ta từ thời xa xưa, ở đô thị và nông thôn hầu như đâu đâu cũng có những lớp học tại gia do các thầy đồ mở để dạy con em mình, cũng nhận cả con cháu người thân. Nhiều nhà trí thức nước ta đã thành tài từ các lớp học đó. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh rồi Hồ Chí Minh học những chữ Nho đầu tiên từ thân phụ, tiếp đó học Tứ thư ngũ kinh và các kinh điển Khổng Mạnh khác. Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, mặc dù hệ thống trường công và tư đã hình thành và khá phát triển, song nhiều nơi vẫn còn các lớp học ở nhà như vậy. Hình thức học tại gia rất phổ cập trong thời trước 1945 kể cả trong tầng lớp làm công ăn lương. Bản thân người viết bài này tuy có cha là giáo viên trung học nhưng cũng học ở nhà cho đến 10 tuổi, do anh chị dạy; còn 4 anh chị (trừ anh cả) đều học ở nhà cho đến 16 tuổi, do gia sư dạy.
|
Dư luận chủ yếu lo ngại việc học ở nhà sẽ hạn chế sự xã hội hóa trẻ em, không giúp chúng phát triển tinh thần hợp tác, đồng đội và năng lực thích nghi với xã hội. Chưa kể gia đình không thể có sân bãi rộng để trẻ chạy nhảy chơi đùa, không có thư viện, phòng thí nghiệm, nhà tập thể dục … Cũng có ý kiến lo HS học ở nhà sẽ kém tính cạnh tranh.
Hai mặt ưu và khuyết của hình thức học ở nhà ở Mỹ cũng vậy, nó đang được bổ cứu bằng nhiều biện pháp hữu hiệu.
Cả 4 con đều học ở nhà
Gia đình ông bà Steve và Sandy Scoma ở thành phố Columbia có 4 con thì cả 4 đều học xong chương trình trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở nhà. Bà Sandy là giáo viên chính của lũ trẻ, vì bà không đi làm. Ông Steve chỉ tham gia giảng dạy một phần ngoài giờ đi làm. Năm nay, hai cậu út – cặp sinh đôi Sam và Stan Scoma 18 tuổi cùng tốt nghiệp THPT từ lớp học này. Ông bà soạn giáo trình giảng dạy với sự hợp tác của chính quyền bang và địa phương, với sự giúp đỡ của các tổ chức như National Home Education Network (xem www.nhen.org). Thành phố Columbia với 516 nghìn dân hiện có khoảng 2 nghìn học sinh đang học ở nhà và mỗi năm có chừng 120 em tốt nghiệp THPT. Do nhiều nguyên nhân, số học sinh học ở nhà tăng lên trong suốt 20 năm qua.
Sam và Stan cho biết, ngoài các môn học trong giáo trình ra, họ còn học được hai bài học đặc biệt, đó là phương pháp học tập và tinh thần tự giác. “Điều thích nhất khi học ở nhà là bạn có thể học được cách tự dạy mình” – Sam nói, “Nếu chưa hiểu điều gì, bạn có thể nhờ cha mẹ giúp; nhưng bạn học được cách nghiên cứu và tự tìm ra giải đáp vấn đề.” Stan nói hầu hết học sinh học ở trường đều đứng trước các cám dỗ làm cho hứng thú học tập bị phân tán; hai em đã học được khá nhiều về tinh thần tự giác tôn trọng kỷ luật.
Tiến độ học tập của hai em rất linh hoạt: khi nào học dễ vào thì “thầy cô” sẽ cho tăng tốc độ học, khi học khó vào thì tiến độ chậm lại; khi vấn đề nào đã chín muồi thì hai em tự thảo luận vấn đề đó với nhau. Đôi khi cha mẹ còn mời những thầy đặc biệt, thí dụ một chính khách tới dạy hai cậu cách diễn thuyết trước đám đông.
Sam và Stan đã tốt nghiệp PTTH với điểm số 3,9 và cao hơn (theo thang điểm 4,0), vượt yêu cầu của Hội Học tại gia độc lập Nam Carolina (South Carolina Independent Home School Association), một tổ chức theo dõi và đánh giá tiến bộ của các HS học ở nhà và cấp chứng chỉ cho họ. Nhờ học giỏi nên hai em đã nhận được học bổng toàn phần của trường ĐH cộng đồng hai năm Midlands Technical College (ở Columbia). Sau đó họ sẽ học chương trình thạc sĩ tại University of South Carolina. Sam sẽ theo đuổi ngành hàng không vũ trụ, còn Stan thì yêu môn hóa và có thể sẽ nghiên cứu dược phẩm.
Steve và Sandy Scoma đến sống tại Dallas bang Texas khi hai con lớn là cô Stacy và cậu Steve Jr. đến tuổi đi học. Ông Steve kể: “Chúng tôi cho các cháu học ở nhà với suy nghĩ có thể tạo cho lũ trẻ một khởi đầu tốt nhằm thích ứng với tình hình cạnh tranh trong học tập.” Năm 1990 họ dọn nhà tới Nam Carolina và kinh doanh một nhà tập luyện thể dục. Hai con út Sam và Stan cũng làm việc part time tại đây. Ông bà vẫn để các con học ở nhà, chủ yếu vì cho rằng chất lượng học tại các trường công vùng này chưa tốt. Các trường tư có chất lượng tốt hơn, nhưng học phí lại quá cao, họ không đủ sức chi trả. Năm nay Stacy và Steve Jr. cùng tốt nghiệp ĐH South Carolina. Stacy 26 tuổi làm cô giáo vườn trẻ, Steve Jr. 24 tuổi làm kỹ sư máy tính.
Do gia đình theo Ki Tô giáo nên Sam và Stan được giáo hội tài trợ đi thăm Mexico, Ấn Độ, Romania và vài nước; qua đó học được rất nhiều kiến thức về các nền văn hóa khác. Hai em cũng được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình dạy âm nhạc của nhà thờ. Stan trở thành một nhạc công piano xuất sắc. Sam chơi giỏi cả piano lẫn ghi ta và bass. Cả hai em đều là thành viên chính của ban nhạc trẻ và dàn hợp xướng của nhà thờ. Hai em còn là những vận động viên thể thao tài năng hoạt động trong các đội thể thao của phường.