Hợp tác nghiên cứu KH – Một trong những điều kiện tiên quyết để hội nhập vào cộng đồng ĐH quốc tế
Đổi mới mô hình tổ chức, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển hệ thống doanh nghiệp trực thuộc để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đó là những cải cách của trường đại học Bách khoa Hà Nội đang tiến hành từ vài năm nay với mục tiêu trở thành một trường đại học hoạt động theo chuẩn mực quốc tế. Giáo sư Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK HN) đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về những cải cách này.
GS. Nguyễn Trọng Giảng: Muốn hội nhập vào cộng đồng đại học quốc tế, trước hết ĐHBK HN phải hội nhập về mô hình. Vì thế ngay từ đầu những năm 90, chúng tôi đã tìm hiểu và thấy mô hình của đại học các nước Âu Mỹ thích hợp với tính tự chủ của đại học (điều mà sớm hay muộn hệ thống đại học của chúng ta sẽ phải thực thi) và quyết định sẽ dựa trên mô hình đại học của các nước đó để tổ chức lại mô hình hoạt động của ĐHBK HN. Theo đó, ĐHBK HN là University bao gồm các Học viện (Colleges hoặc Schools). Hiện nay, ĐHBK HN đã hình thành 9 Học viện được tổ chức rất mạnh về các mặt quản lý: khoa học, đào tạo, tài chính… để xây dựng, quản lý và điều hành toàn bộ chương trình đào tạo. Các tổ bộ môn không còn nhiệm vụ quản ngành, chỉ tham gia giảng dạy theo sự điều hành của Học viện và nghiên cứu khoa học. (Trong tương lai, các tổ bộ môn sẽ chỉ là các nhóm nghiên cứu xung quanh các phòng thí nghiệm).
Mô hình của trường như vậy, nhưng việc giảng viên dành quá nhiều thời gian cho giảng dạy thì họ đâu có thời gian nghiên cứu khoa học?
Thực ra, ở ĐHBK với 15 sinh viên/giảng viên thì không phải là thiếu giảng viên mà là chất lượng đội ngũ nói chung còn thấp. Trường chúng tôi với trên 800 cán bộ trẻ dưới 35 tuổi rất khao khát được có đề tài nghiên cứu. Năm nay mặc dù trường đề xuất 270 đề tài cấp Bộ nhưng chỉ được cấp kinh phí có 33 tỷ (mỗi đề tài vài chục triệu) nên số đề tài có thể triển khai được không nhiều. Hiện nay, có thể nói hầu hết các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, thậm chí cấp Nhà nước chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng và dàn trải ra nhiều lĩnh vực, phục vụ chủ yếu cho yêu cầu sản xuất trước mắt của các doanh nghiệp. Theo tôi, muốn nâng cao vị thế khoa học cho các trường đại học, tạo cho giảng viên có nhiều cơ hội nghiên cứu khoa học, Nhà nước cần giao cho các trường đại học xây dựng những chương trình nghiên cứu có tính chiến lược, có mục tiêu cụ thể đáp ứng yêu cầu phát triển về lâu dài của đất nước. Chẳng hạn như với chương trình sản xuất máy bay không người lái, kinh phí hàng nghìn tỉ đồng sẽ lôi kéo hàng chục ngành tham gia với hàng trăm đề tài được triển khai để giải quyết rất nhiều vấn đề như thiết bị bay, khí động học, điều khiển, năng lượng của động cơ, vật liệu, xử lý thông tin truyền thông… Như vậy, buộc nhà trường phải thu hút cán bộ trẻ, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu.
Tòa nhà ITIMS – kết quả hợp tác quốc tế giữa ĐHBK HN và đối tác nước ngoài |
Hẳn còn lâu ĐHBK HN mới trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng theo Giáo sư bao giờ thì có thể nói ĐHBK HN đang hoạt động theo chuẩn mực quốc tế?
Trong chiến lược phát triển ĐHBK HN được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phê duyệt năm 2006, mục tiêu đặt ra rất rõ là ĐHBK HN phấn đấu trở thành trường đại học đa ngành và có một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp. Sản phẩm của nhà trường là đáp ứng yêu cầu của xã hội, đồng thời phải hội nhập quốc tế tốt nhất có thể, mà trước hết là hội nhập về khoa học, cùng với các đối tác nước ngoài thực hiện các chương trình nghiên cứu, chứ không phải là hội nhập về giảng dạy (đó là hội nhập cấp thấp). Hiện ĐHBK HN đã có một vài trung tâm nghiên cứu hợp tác với nước ngoài như Trung tâm nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (gọi tắt là MICA) hợp tác với CNRS (Pháp) hình thành từ đầu năm 2000, vừa hợp tác tiến hành các đề tài nghiên cứu (chủ yếu là là các đề tài của Âu-Mỹ) vừa đào tạo tiến sĩ do hai bên cùng điều hành. Các nhà nghiên cứu 6 tháng làm việc ở Việt Nam, 6 tháng làm việc ở Pháp. Trung tâm này được CNRS xác nhận là một trong hai phòng thí nghiệm nước ngoài ở châu Á của họ. Chậm nhất trong tháng 7 năm nay, chúng tôi sẽ khánh thành một trung tâm nghiên cứu hỗn hợp khác là Trung tâm khoa học vật liệu tính toán (Khoa học thiết kế vật liệu) do một giáo sư người Pháp làm giám đốc, hai phó giám đốc người Việt; tiếp theo đó vào tháng 10 sẽ là Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ định vị toàn cầu). Theo tôi, việc cùng một lúc đưa mọi hoạt động của trường theo chuẩn quốc tế là điều không thể. Trước hết cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là triển khai hợp tác quốc tế những lĩnh vực có thế mạnh rồi từ đó nhân rộng ra.
Xin GS cho biết kinh phí đầu tư cho nghiên cứu của mỗi trung tâm này là bao nhiêu?
Mỗi năm đối tác đầu tư khoảng 100.000 tới 200.000 Euro để đáp ứng cho yêu cầu quản lý, chưa kể kinh phí cho nghiên cứu và học bổng cho các nghiên cứu sinh. Từ kết quả nghiên cứu, thu nhập bình quân của các trưởng nhóm nghiên cứu ở các trung tâm này thường là 15-20 triệu/tháng.
Mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và công nghiệp ở Việt Nam kém nhưng lỗi không phải hoàn toàn là do các trường đại học. Lý do chính là ở các nước phát triển, một doanh nghiệp muốn cạnh tranh thành công phải nghĩ đến công nghệ cho 5-10 năm tới, do vậy buộc họ phải tìm tới các trường đại học để đặt hàng. Tôi đã chứng kiến trong phòng thí nghiệm của một trường đại học ở nước ngoài do 3 công ty đầu tư thiết bị. Còn ở ta, công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu so với công nghệ sẵn có của thế giới. Khi cần đổi mới công nghệ thường họ mua công nghệ của nước ngoài, vừa đáp ứng được yêu cầu về thời cơ kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn về tài chính. Công ty Lioa là một ví dụ điển hình. Thường các doanh nghiệp chỉ tìm đến các trường đại học nhờ giúp họ bảo trợ công nghệ, đào tạo đội ngũ và khắc phục khi có hỏng hóc xảy ra. |
Ngoài các trung tâm này, nhà trường có giải pháp nào để khắc phục được tình trạng giảng viên nhất là giảng viên trẻ thiếu các đề tài nghiên cứu?
Từ 2009 nhà trường có chủ trương tự xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu đáp ứng yêu cầu trước mắt của phát triển kinh tế xã hội (không ỷ lại vào các chương trình, đề tài nghiên cứu của Nhà nước) và các chương trình này cũng không cần được Nhà nước chấp nhận. Trên cơ sở các đề tài đó Nhà trường sẽ tìm đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu, có kinh phí để triển khai. Như vậy, sẽ đa dạng hóa được các nguồn thu để giảng viên có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đồng thời giúp Nhà trường có nhiều thuận lợi trong việc chuyển giao công nghệ. (Như việc nhà trường đã hình thành các doanh nghiệp trực thuộc để tự thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu hoặc liên kết, góp cổ phần bằng các sản phẩm công nghệ với các doanh nghiệp bên ngoài…).
Nhiều người cho rằng việc ĐHBK HN hình thành các đơn vị kinh doanh để thương mại hóa các sản phẩm của mình có nguy cơ làm mất đi tính tự do trong nghiên cứu của đại học. Ý kiến của GS?
Làm sao mất đi được tính chất của đại học. Hiện nay trên thế giới người ta hình thành các thành phố khoa học công nghệ như ở Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là nơi tập trung các trường đại học KH&CN rất mạnh, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ để lôi kéo các doanh nghiệp vào. Các doanh nghiệp công nghệ cao là một bộ phận trong các thành phố này, có chức năng liên kết nhà trường với công nghiệp. Điều này thúc đẩy các nghiên cứu, đào tạo của trường đại học gắn với đời sống xã hội.
GS có thể nói một cách khái quát trình tự xây dựng các chương trình nghiên cứu như thế nào?
Các chương trình, đề tài nghiên cứu hiện nay đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. Vì vậy, nhà trường hình thành các Hội đồng liên ngành với chức năng đề xuất ra các chương trình nghiên cứu trên cơ sở định hướng nghiên cứu trong vòng 5 năm tới của nhà trường và của các Học viện, các nhóm nghiên cứu; xem xét tính khả thi của các chương trình nghiên cứu; làm việc với các ban quản lý chương trình chi tiết hóa các đề tài sau đó thông báo rộng rãi để các giảng viên đăng ký tham gia; thẩm định tính khả thi của các đề tài đã được đăng ký trình Nhà trường xét duyệt.
Để làm được những chức năng như vậy, Hội đồng liên ngành được tổ chức như thế nào?
Hội đồng liên ngành bao gồm một số nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có uy tín cả về năng lực và phẩm chất. Chủ tịch Hội đồng là một giáo sư có khả năng điều hành, tập hợp tốt do nhà trường chỉ định. Các thành viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng đề xuất, nhà trường quyết định. Ý kiến của mọi thành viên Hội đồng đều có giá trị ngang nhau. Hội đồng liên ngành chỉ có chức năng tư vấn, mọi quyết định xét duyệt các chương trình đề tài thuộc Hội đồng khoa học của Nhà trường. Thành phần của Hội đồng liên ngành không cố định mà có thể thay đổi hằng năm và theo yêu cầu công việc. Khi phản biện các chương trình đề tài, Hội đồng có thể mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia.
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu ngoài các giải pháp kể trên, theo GS cần có giải pháp nào khác?
Theo tôi, nói chung nếu cách tổ chức như trên vận hành tốt thì đương nhiên chất lượng nghiên cứu tại các trường đại học sẽ được nâng cao. Chúng tôi sẽ cố gắng đến năm 2030 nói đến ĐHBK HN đồng nghĩa nói đến một đại học có vị thế hàng đầu trong nghiên cứu của hệ thống các trường đại học của Việt Nam và có một vài lĩnh vực nghiên cứu ngang tầm quốc tế. Điều kiện tiên quyết để mục tiêu này thành hiện thực ĐHBK HN phải hội nhập tốt nhất có thể với cộng đồng đại học quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
PV thực hiện