Hợp tác quốc tế trong Giáo dục Đại học giữa Việt Nam và Nhật Bản: Sử dụng công cụ hợp tác trực tuyến cho Giáo dục xuyên biên giới

Tổng quan Từ giữa thập kỷ 80, dưới chính sách cải cách kinh tế được gọi là Đổi mới, Việt Nam đã tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lãnh vực doanh nghiệp ở thị trường tự do. Kết quả là GDP đã tăng gấp đôi trong thập kỷ 90. Khuynh hướng gia tăng hội nhập quốc tế trong kinh tế thị trường đã nhanh chóng thâm nhập vào giáo dục đại học ở Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã đồng ý gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization`s -WTO) và ký kết Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (General Agreement in Trading and Service -GATS), một thỏa ước bao gồm việc xem giáo dục là hàng hóa khả mại.  Điều này dẫn đến kết quả là nhiều người tin rằng giáo dục Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của triết lý giáo dục quốc tế và động cơ vì lợi nhuận. (Varghese, 2007). Một lãnh vực mới của giáo dục, như học tập trực tuyến thường rơi vào phạm trù dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng mạnh đến giáo dục Việt Nam trong tương lai. Bản báo cáo này xem xét thực trạng hiện tại của giáo dục Việt Nam, những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực giáo dục đại học; và tìm kiếm một giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác

Bối cảnh

Việt Nam đã gia nhập WTO và ký kết Hiệp định GATS. Tuy vậy, chỉ từ năm 1995 giáo dục mới bắt đầu được xem là hàng hóa khả mại theo Hiệp định GATS. GATS định nghĩa phạm vi của những phương thức thị trường trong giáo dục một cách khá rộng. Thương mại trong giáo dục có thể thực hiện dưới bốn hình thức:  1) cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; bao gồm đào tạo từ xa xuyên biên giới, môi trường học tập ảo, nội dung số hóa của giáo dục, và học tập trực tuyến. 2) sự tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài, ví dụ như sinh viên du học ở nước khác 3) hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ giáo dục ở một quốc gia khác, ví dụ một trường nước ngoài mở chi nhánh hay cơ sở đào tạo ở nước khác, và 4) sự hiện diện trực tiếp của lực lượng nhân sự ở một quốc gia khác nhằm cung cấp dịch vụ giáo dục, ví dụ như các giáo sư các nhà nghiên cứu, hay giảng viên làm việc ở nước ngoài (Ninomiya, 2003; Shidu, 2007). 

Theo Hiệp định GATS, mọi quốc gia đều có quyền tự do quyết định về việc mở ra những loại dịch vụ nào. Pháp, Đức, Nigeria và Nga là những nước chỉ có các điều chỉnh tối thiểu. Mặt khác, những nước như Nam Phi, Cyprus, UAE áp dụng những quy định điều chỉnh vô cùng nghiêm khắc (Verbik and Jokivirta, 2005 dẫn theo Varghese, 2007.) Nếu như thiếu các quy định sẽ gây ra quan ngại về tình hình giáo dục trong nước, thì quá nhiều quy định sẽ cản trở việc hợp tác quốc tế.  Theo Varghese (2007), những nước như Việt Nam nên áp dụng quy định ở mọi giai đoạn của quá trình đào tạo – từ việc đăng ký học đến việc cấp bằng và công nhận, nhằm bảo vệ giáo dục trước động cơ vì lợi nhuận của các trường tư.  

 

Giáo dục đại học Việt Nam

Cải cách kinh tế bắt đầu từ Đổi mới năm 1986 đã khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài (foreign direct investment -FDI) đổ vào Việt Nam và cùng với xu hướng này, giáo dục đại học Việt nam đã mở rộng rất đáng kể trong những năm 90. Ngày nay, tỉ lệ nhập học tổng quát (GER) là khoảng 10 đến 12 phần trăm, và lịch trình cải cách đã đề xuất mở rộng hệ thống này gấp ba đến bốn lần quy mô hiện nay từ nay đến năm 2020. Người ta mong đợi rằng đến năm 2020, sẽ có gần 40% sinh viên học tại các trường tư. (Varghese, 2007).

Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tác động sâu sắc và mang đến nhiều thách thức cho giáo dục đại học Việt Nam. Vẫn còn những mối quan ngại về việc thông qua mở rộng tự do trong các dịch vụ giáo dục, hiệp định GATS sẽ đưa giáo dục theo hướng không mong đợi, vì giáo dục sẽ được định hình bằng những nguyên tắc của thị trường trái với chức năng của Nhà nước (Altbach, 2001; Robertson et al. 2002, Sidhu, 2007, Varghese, 2007). Chẳng hạn, vì những chính sách thương mại ở một thời điểm nhất định có thể mâu thuẫn với những mối quan tâm của quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục, Susan Robertson et al. (2002) đoan chắc rằng sự cố kết xã hội và sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ có thể chịu rủi ro khi bị áp chế dưới sự dắt dẫn thương mại của Hiệp định GATS. Những giá trị truyền thống và bản sắc quốc gia có thể bị coi là thứ yếu dưới những ưu tiên quốc tế hóa và thương mại hóa. Những thay đổi và bình đẳng xã hội cũng có khả năng bị coi nhẹ dưới quá trình mở rộng tự do của giáo dục đại học. Chẳng hạn, ai có khả năng trả tiền nhiều hơn thì sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học hơn. Điều này có nghĩa là các nhà giáo dục Việt nam nhất thiết phải hiểu rõ tầm quan trọng của các triết lý giáo dục nhằm bảo vệ các thế hệ học sinh sinh viên sắp tới của mình.

 

Những cơ hội mới cho Giáo dục Đại học Việt Nam

Tuy vẫn có nhiều thử thách không tiên lượng được, việc mở rộng tự do trong các dịch vụ giáo dục cũng sẽ mang tới nhiều cơ hội. Chẳng hạn, việc gia nhập Hiệp định GATS sẽ đưa vào Việt Nam những hình thức đào tạo mới. Ninomiya (2003) cho rằng việc cung ứng dịch vụ giáo dục xuyên biên giới như đào tạo từ xa và dùng những nội dung số hóa trong việc giáo dục xuyên biên giới là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh. Cùng với tỉ lệ nhập học tổng quát đang tăng nhanh trong giáo dục đại học, giáo dục xuyên biên giới cũng sẽ phát triển nhanh trong những thập kỷ tới.  Đặc biệt trong lãnh vực dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, (Mode 1) là đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa. Một mô hình đào tạo có tiềm năng hữu dụng trong việc hỗ trợ đào tạo xuyên biên giới giữa giáo dục đại học Việt Nam và Nhật Bản có khả năng sẽ là đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa (Mode 1). Giáo dục đại học Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với yêu cầu của kinh tế toàn cầu hóa. Việc tiếp cận khoa học công nghệ, xóa mù tin học, học tập hợp tác sẽ trở thành những lĩnh vực quan trọng của giáo dục đại học không chỉ ở Nhật mà cả ở Việt Nam.

 

Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho Giáo dục Xuyên Biên giới giữa Việt Nam và Nhật bản

Trong việc phát triển giáo dục xuyên biên giới, chương trình đào tạo cần được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Theo nghĩa ấy, việc lựa chọn mục đích, mục tiêu, và triết lý phù hợp với mối quan tâm của cả sinh viên Nhật và Việt là điều quan trọng dẫn tới thành công trong hợp tác quốc tế. Một khả năng hợp tác trong giáo dục xuyên biên giới giữa Việt Nam và Nhật Bản là xây dựng một chương trình khuyến khích 1/ việc tiếp cận internet của sinh viên 2/xóa mù tin học cho sinh viên Việt và Nhật 3/ học tập thể như một hoạt động có tiềm năng dẫn tới những hiểu biết có tính chất toàn cầu và sự khoan dung đối với những khác biệt văn hóa.

Một trường hợp nghiên cứu điển hình do Iinuma et al (2008) thực hiện ở một trường dại học Nhật để tìm một giải pháp thực tiễn nhằm cải tiến chất lượng việc học tập thể và nâng cao hiểu biết quốc tế trong giới giáo dục đại học Nhật. Trong công trình này, một môi trường trực tuyến không đồng bộ, một trang web tập thể dã được dùng để hỗ trợ cả giảng viên và sinh viên. Một nhóm hai mươi sinh viên ở Đại học Keio University, Japan, tham gia một lớp học ngoại ngữ tiếng Anh nâng cao. Trong khóa học, sinh viên dược tham gia “Dự án Định hướng Văn hóa về Việt Nam” trong đó, lớp học sẽ dùng sách giáo khoa của tác gỉa Iinuma & Thy (2007) cũng như những phương tiện kỹ thuật khác như mô hình 3D, video files, và Microsoft Sharepoint® một trang web hợp tác. Trang web này được các thành viên trong lớp sử dụng cả trong và ngoài thời gian của khóa học. Sinh viên dùng trang web này để tiếp cận các nội dung số hóa như các mô hình 3D và video clips, để giao tiếp với thành viên khác trong lớp thông qua bảng thảo luận, e-mails, WIKI, và blogs. Trang web này cũng được dùng để hợp tác trực tuyến trong các nhóm nhỏ. Bằng cách này, mỗi nhóm có thể có không gian riêng trong trang web để giao tiếp với các thành viên khác qua những công cụ điện tử để thực hiện dự án của họ.

Cũng vậy, website hợp tác đã được dùng dể dẩy mạnh giao tiếp giữa giảng viên và lớp học. Một trợ giảng người Việt bên ngoài nước Nhật truy cập vào trang web hợp tác và giao tiếp với những sinh viên đang theo học bằng cách dùng bảng thảo luận trên trang web và email được hệ thống này hỗ trợ. Hình 1, cho thấy trang web hợp tác này dã cho phép tạo các trang web con cho những nhóm nhỏ sinh viên như thế nào. 



Hình 1. Trang web tập thể

Công trình nghiên cứu của Iinuma (2008) có thể áp dụng cho giáo dục xuyên biên giới giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giáo dục đại học. Dùng Microsoft Sharepoint®, làm việc nhóm và hợp tác giữa các sinh viên với nhau và giữa sinh viên với giảng viên có thể thực hiện được dễ dàng ngay cả trong tình trạng xuyên quốc gia. Nội dung đào tạo theo kiểu mới dung những phương tiện truyền thông như 3DCG và video có thể chia sẻ rất dễ dàng. Chẳng hạn, hình 2 là một tài liệu 3 D mẫu được tạo ra bằng những phần mềm như Lattice Designer® và Microsoft Excel® có thể xem và chia sẻ được dễ dàng giữa sinh viên Việt Nam và Nhật Bản như một hình thức giáo trình số hóa trực tuyến. Hoàn toàn có khả năng là sinh viên Việt Nam và Nhật Bản có thể tiếp cận trang web tập thể này và chia sẻ tài liệu dưới nhiều cách thức. Sinh viên cũng có thể tham gia vào việc tạo ra danh mục tác phẩm hay câu chuyện kể của riêng họ dưới dạng số hóa để đưa lên mạng và chia sẻ với bạn học của mình.

Hình 2. 3DCG và văn bản có thể tạo sẵn trên trang web tập thể

Những công nghệ mới này có thể thực hiện khá dễ dàng ở các trường đại học Nhật, chi phí rất hiệu quả và dễ sử dụng thậm chí kể cả những người mới tập tành vi tính, và có thể là một công cụ mạnh nhằm nối kết các thành viên xuyên quốc gia ở cấp độ địa phương hóa hơn. Nó cũng có thể hỗ trợ cho những nỗ lực tạo ra các chương trình đào tạo được chia sẻ có thể giúp ích cho cả sinh viên Việt và Nhật. Những công cụ công nghệ được lựa chọn này ngày nay đang bắt đầu được sử dụng chủ yếu trong bối cảnh làm ăn, và biết cách sử dụng những công cụ ấy sẽ có lợi cho sinh viên khi họ tham gia vào thị trường lao động.

 

Kết luận

Tham gia hiệp định GATS sẽ mang lại cả cơ hội và thử thách cho giáo dục đại học Việt Nam. GATS sẽ mang động lực vì lợi nhuận vào giáo dục đại học và có thể đặt lợi ích quốc gia sang một bên. Dồng thời nó cũng sẽ mang lại cơ hội mới cho cải cách giáo dục nhằm dáp ứng nhu cầu của xã hội toàn cầu hóa và vun trồng một thế hệ sinh viên mới cho Việt Nam. Một lãnh vực dược mong đợi sẽ phát triển khá nhanh là dịch vụ giáo dục xuyên biên giới. (Mode 1). Một giải pháp thực tế cho sự phát triển này là khuyến khích các hoạt động quốc tế giữa các nước như Việt và Nhật, thông qua việc cùng tham gia xây dựng những chương trình đào tạo với tinh thần chia sẻ mục tiêu và lợi ích. Một khả năng dể dẩy mạnh những hoạt động như vậy là dùng công nghệ dể hỗ trợ những nỗ lực hợp tác giữa các lớp học. Công nghệ mới này có thể hỗ trợ việc cùng xây dựng chương trình đào tạo cho cả giáo viên và sinh viên Việt và Nhật.

 

Phạm Thị Ly dịch

———-

* Khoa Nghiên cứu Truyền thông, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Tokyo, Nhật Bản

Tư liệu tham khảo

Altbach, P. (2001) Higher education and the WTO: Globalization run amok. The Chronicle of Higher Education.

Iinuma, M. & Chiyokura, H. (2008) Integrating Global Media Contents for EFL Course in Japan: “Cultural Orientation Project on VietnamInternational Journal of Pedagogies and Learning, Vol.4.Issue 4

IinumaM. & Tran Nu Mai Thy (2007)“Spirit of Vietnam: International Perspective” Keio SFC Academic Society; Endo, Fujisawa

McConnell, D. (2005). Examining the dynamics of networked e-Learning groups and communities. Studies in Higher Education. Vol. 30, No. 1, pp.-25-42

Ninomiya, A. (2003). Some WTO/GATS Issues of Free Trade of Higher Education Service. Hiroshima University Journal of  Educational Research, Vol. 3 No.52 2128

Robertson,S.L., Bonal, X. & Dale, R.2002GATS and the education service industry: the politics of scale and global reterritorialization. Comparative Education Review; 46,4; p.472-496.

Sidhu, R. (2007). GATS and new developmentalism: Governing transnational education. Comparative Education Review. Vol 51. No.2 203-227.

Varghese, N.V. (2007). GATS and higher education: the need for regulatory policies. International Institute for Educational Planning. UNESCO, Paris.

Yepes, C. (2006). World regionalization of higher education: Policy proposal for international organization. Higher Education Policy, 19, 111-128.

Authors

Mizuho Iinuma Ed.D is an Assistant Professor at Tokyo University of Technology, Department of Media Studies. She has earned her doctoral degree from Teachers College, Columbia University.

Tagiru Nakamura, M.A is an instructor at Tokyo University of Technology, Department of Media Studies. He has earned his masters degree at Keio University.

Tomoki Itamiya, M.A is a doctoral candidate at Keio University.

Hiroaki Chiyokura, Ph.D is a professor at Tokyo University of Technology, Department of Media Studies. He has earned his doctoral degree from Tokyo University.

Tác giả