Hướng đến sự thấu cảm trong việc dạy-học văn ở nhà trường phổ thông

Định nghĩa về sự thấu cảm ở đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mới đây đã gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn. Tuy nhiên, bên cạnh những phản biện có tính thuyết phục về cách diễn giải khái niệm này, rất ít người chú ý đến sự thay đổi trong diễn ngôn của đề thi văn, từ đó, nhìn nhận lại những khả năng của việc dạy- học môn văn đối với sự phát triển con người.


Nhập vai, hóa thân vào nhân vật là một hoạt động đang được áp dụng nhiều trong dạy học văn hiện nay song đó không phải là phương pháp duy nhất để khơi dậy tiềm năng thấu cảm. Học “Truyện Kiều” bằng cách hóa thân vào nhân vật tại trường THPT Trưng Vương (Quận 1, TP.HCM), tháng 4/2015. Nguồn: muctim.com.vn

1. Trên trang cá nhân của mình, Đặng Hoàng Giang – tác giả của đoạn trích về sự thấu cảm được sử dụng làm đề thi – đã phát biểu: “Chữ “thấu cảm” ít xuất hiện trong xã hội hiện nay, ít hơn nhiều so với những chữ như “kỹ năng”, “tài năng”, “quyết tâm” hay “chăm chỉ”. Đây là một điều đáng tiếc, bởi thấu cảm là nền tảng để trên đó xây dựng sự khoan dung, lòng trắc ẩn và sự tử tế.”

Tạm thời chưa bàn đến việc thật sự thấu cảm có phải là gốc của “sự khoan dung, lòng trắc ẩn và sự tử tế”, quan sát của Đặng Hoàng Giang cho thấy những từ khóa thời thượng trong các diễn ngôn về giáo dục hiện nay nhấn mạnh vào sự thành công, sự thông minh về trí tuệ, nghị lực chiến thắng hoàn cảnh… như là những giá trị quan trọng nhất mà giáo dục cần phải định hướng cho học sinh. Quan sát này có phần xác đáng nếu ta thử khảo sát các đề thi môn văn từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông được giới thiệu trên mạng, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội thường được lấy từ các sách kỹ năng sống hay các văn bản mang tính ngụ ngôn, qua đó yêu cầu học sinh trình bày quan điểm của mình về những vấn đề đạo đức thiên về tính duy ý chí như sự kiên trì, lòng lạc quan, trách nhiệm đối với đất nước, quê hương, gia đình, hay sự trải nghiệm thực tế. Tất cả những giá trị trên đều cần được bồi đắp cho học sinh, song nếu như chỉ khai thác những giá trị ấy, việc dạy-học văn ở nhà trường sẽ mất đi nhiều sức mạnh của nó, với tư cách là một môn học mang tính khai phóng.

Một quan sát khác của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trên trang cá nhân của ông cũng rất đáng để suy ngẫm. Ông đặt câu hỏi: “Giá lúc này đây trước mặt tôi là một học sinh chuyên văn. Tôi sẽ hỏi em những bài văn nào trong nhà trường đã dạy cho em về lòng trắc ẩn khiến em sẽ nhớ trong suốt cuộc đời. …rất ít, có phải không em?” Nỗi băn khoăn của ông thực sự làm tôi, trong tư cách của người dạy học môn văn trong nhà trường phổ thông, phải nghĩ lại về công việc mình vẫn làm.

2. Thấu cảm là một mối quan hệ liên chủ thể giữa “ta” và “kẻ khác”/”cái khác”. Nói cụ thể hơn, khi thấu cảm, ta cảm nhận được những gì mà một người khác, có thể rất xa lạ, không thân quen gì với ta, đang nếm trải bên trong. Thấu cảm là một nỗ lực để hiểu kẻ khác trong toàn bộ tính phức tạp, mâu thuẫn của họ. Nó không phải là sự xóa nhòa cái tôi của mình, đồng nhất cái tôi ấy vào người khác. Nó chỉ là sự từ chối phán xét, là cố gắng đến gần hơn tha nhân. Nói như lời của Nam Cao, thấu cảm là cách để “người gần với người hơn”, song không phải trong sự đồng dạng mà trong sự đa dạng, phong phú, khác biệt của nhân cách, cá tính, tư tưởng…

Trên phương diện ấy, văn học, hay nói hẹp hơn môn văn trong nhà trường, có khả năng lớn trong việc khơi dậy và bồi dưỡng năng lực thấu cảm. Nhưng đây là vấn đề chưa được nhận thức thấu đáo trong việc dạy và học văn hiện nay.

Ở Việt Nam, chúng ta đã rất quen với định nghĩa được cho là của Maxim Gorky về văn học – “Văn học là nhân học”, đến mức xem đấy là một chân lý không thể bác bỏ. Nhưng trên thực tế, thứ “nhân học” mà Gorky hình dung gần với “dân tộc học” nhiều hơn.[1] Hệ quả là, trong một thời gian dài, những người giảng dạy và nghiên cứu văn học coi cái đích của việc tìm hiểu văn chương là khám phá con người giai cấp, con người xã hội chứ không phải là con người cá nhân với vô vàn những nét dị biệt, nghịch lý, không thể quy giản về những phạm trù trừu tượng. Đó cũng là lý do vì sao khái niệm “điển hình” lại được nâng lên thành chuẩn mực cho sáng tạo và thẩm định văn học. Ở một hình tượng điển hình, cái được nhấn mạnh là những phẩm chất mang tính đại diện, tính phổ biến của nhân vật hơn là những gì riêng tư nhất, cá biệt nhất, sâu kín nhất. Nội dung sẽ được đào sâu khi học truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao là bi kịch của người nông dân bị đẩy vào bước đường cùng, ở “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là bi kịch của người phụ nữ trong xã hội gia trưởng nam quyền… Thực ra, sự thấu cảm rất hiếm khi nảy nở được trên nền tảng những “điển hình”, những “tấm gương” như vậy.

Khái niệm “thấu cảm” có thể sẽ được ít người nghiên cứu và giảng dạy văn học chú ý vì có vẻ như nó gần với một khái niệm thông dụng hơn, được lắp vào hầu hết các bài văn là khái niệm “nhân đạo”. Nhưng ở những diễn ngôn về “nhân đạo” trong việc dạy-học văn ở phổ thông, lại có thể dễ dàng nhận thấy nội hàm của nó nghiêng về nhận thức và đồng cảm với tình trạng nạn nhân của con người và thường quy hoàn cảnh là nguyên nhân cho tình trạng ấy. Nhìn vào các mẫu chữa các đề bài nghị luận về giá trị nhân đạo của tác phẩm văn học, có thể thấy ngay thứ tình cảm này đã bị quy về các khuôn mẫu, các công thức không đòi hỏi sự chất vấn, suy tư lại. Nhân đạo, được hiểu đơn giản, là thương nỗi khổ của con người, căm ghét các thế lực gây ra nỗi khổ ấy, ngợi ca nghị lực, khả năng chiến đấu chống lại hoàn cảnh, số phận con người. Trong khi đó, nhân đạo, trong sự rộng rãi nhất, theo tôi, chính là thấu cảm, là sự nhận ra và tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác, sự phức tạp nằm ngoài quy luật đã có của những tình thế nhân sinh, sự bí ẩn của nội tâm con người và thế giới. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Chí Phèo” phong phú hơn rất nhiều so với việc nó lên tiếng về nguy cơ lưu manh hóa của những con người dưới đáy; nó nằm trong những trạng thái cảm xúc của nhân vật mà nếu chỉ dùng khung đạo đức để nhận diện và đánh giá nó sẽ là hẹp hòi: nỗi sợ tuổi già, cái chết, sự cô độc của nhân vật; ở cái ngẩn ngơ của Chí Phèo khi thấy cái bóng mình nhễ nhại dưới trăng, khi vật ngửa Tự Lãng để nhìn vào khuôn mặt của ông già say khướt ấy; ở cảm giác của Chí Phèo thèm làm nũng Thị Nở như với mẹ mình; ở sự tỉnh táo nhưng đau đớn đến tột cùng khi biết rằng khuôn mặt đầy vết rạch của mình đã vĩnh viễn bị xem không phải là mặt người… Những cảm giác ấy nhiều khi rất mơ hồ, nhiều khi lý tính không chạm vào được, chính chúng làm nên sự bí ẩn của nhân vật, khiến chúng ta phải không ngừng nghĩ lại về nhân vật của Nam Cao dù đã có bao nhiêu nghiên cứu về tác phẩm “Chí Phèo”.

3. Sự thấu cảm, có lẽ không cần bàn cãi nhiều, là năng lực mà giáo dục cần thiết phải vun đắp. Chỉ có điều ta cần ý thức khai thác khả năng này từ đâu. Thế giới đương đại tiềm tàng nhiều nguy cơ làm thui chột sự thấu cảm ở con người mà rất có thể chúng ta chưa ý thức hết: bầu không khí chính trị thế giới trong vài năm trở lại đây chứng kiến những sự phân rẽ, tấn công vào sự đa dạng, khác biệt từ màu da, giới tính, chủng tộc, tôn giáo; xu hướng toàn cầu hóa với áp lực cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng lớn khiến các diễn ngôn về giáo dục nhấn mạnh hơn vào những kỹ năng, những chiến lược để thích nghi, để thành công, để làm chủ kẻ khác và theo đó, biến con người thành công cụ hơn là một chủ thể tự do; thời đại của những tiến bộ không ngừng về công nghệ tiếp sức cho quá trình giản lược hóa con người, biến con người trở thành những thực thể bị số hóa… Trong ngữ cảnh ấy, việc dạy học văn nên thay đổi không phải chỉ để phù hợp hơn với hoàn cảnh mà quan trọng hơn, còn để kháng cự lại những nguy cơ đơn giản hóa nhân tính, làm rỗng con người bên trong, làm nghèo nàn cảnh quan tinh thần ở nhân loại.

Nhận thức được điều ấy, trong chương trình ngữ văn mới, thay vì chỉ khai thác những tác phẩm có thể giúp ích cho việc hình thành con người công dân, rất cần chọn lựa những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, dần dần đưa học sinh tiệm cận sự phức tạp, sự bí ẩn khôn cùng của thế giới và con người, từ đó trân trọng, bảo vệ chính điều ấy. Tác phẩm văn chương luôn có tiềm năng khơi dậy khả năng thấu cảm, trắc ẩn nhưng cần phải tìm được góc độ và phương pháp khai thác. Nhập vai, hóa thân vào nhân vật là một hoạt động đang được áp dụng nhiều trong dạy và học văn hiện nay song đó không phải là phương pháp duy nhất, hiệu quả nhất. Đối với tôi, sự thấu cảm được khơi dậy từ các câu hỏi với mục đích làm sao để học sinh nhận ra còn có phần nào đó mình chưa biết được về con người qua nhân vật, qua những tình thế được mô tả trong tác phẩm văn học. Văn chương, về bản chất, không phải là câu trả lời trọn vẹn cho bất cứ cái gì, nhất là về con người. Nhưng nó luôn làm chúng ta phải thắc mắc, trong nhận thức và cả trong tình cảm đạo đức, rằng mình đã hiểu đúng hơn, sâu hơn, thấu đáo hơn về con người hay chưa. Nó là một kinh nghiệm về thái độ “cận nhân tình”.

Giáo viên cũng nên nghĩ lại về tham vọng đem đến cho học trò một khuyên nhủ, một bài học đạo lý từ tác phẩm văn học. Sự thấu cảm không tồn tại trong hình thức ấy. Rất có thể việc dạy và học văn chỉ giúp cho người dạy lẫn người học mỗi lúc một vỡ lẽ hơn về sự thật này: làm người rất khó, rất khổ, nhưng chính sự chấp nhận cái khó, cái khổ ấy qua việc chống lại thói quen, đối mặt với những thách thức không tưởng, biết trước thất bại mà vẫn dấn thân, thấy trước sự cô độc mà vẫn lựa chọn, ý nghĩa của đời sống con người mới được xác lập. Lòng trắc ẩn đúng nghĩa chính là sự trắc ẩn về sự khổ đau nhưng cũng đẹp đẽ của con người trong nỗ lực kiến tạo ý nghĩa đời sống ấy.

 


[1]Nhà nghiên cứu người Trung Quốc Liu Weiquin trong bài báo Second Thought on the Proposition “Literature is the Study of Man” (Nghĩ lại về mệnh đề “Văn học là nhân học”) trên tạp chí Social Sciences in China (Khoa học xã hội Trung Quốc), số II, tháng Năm năm 2011, đã có những phát hiện rất đáng chú ý về mệnh đề được cho là của Maxim Gorky này. Theo đó, chưa thể xác quyết xuất xứ câu nói này từ văn bản nào của Gorky. Thêm nữa, cứ cho đây là điều Gorky nói, thì theo diễn giải của nhiều nhà văn và học giả Trung Hoa, khái niệm nhân học mà Gorky nói đến gần với dân tộc học nhiều hơn. Hoặc cũng có thể xem định nghĩa này của Gorky chỉ là cách ông phản ứng lại một số phê bình về bút pháp chủ nghĩa hiện thực của ông vốn cho rằng nó gần với lối miêu tả dân tộc học (trang 106-117). Cũng theo Liu, vào thời kỳ Cách mạng văn hóa, khái niệm “văn học và nhân học” được một số nhà văn diễn dịch lại, theo hướng văn học nghiên cứu về cảm xúc, về bản chất con người phổ quát thì lại bị phê phán từ lập trường giai cấp (trang 106-117).

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)