Kant với vấn đề giáo dục

Bài viết nhằm giới thiệu một số ý kiến của triết gia thời Khai sáng, I. Kant, về vấn đề giáo dục mà không đưa ra phê phán hay hệ thống hoá, có mục đích cung cấp tài liệu tham khảo để thảo luận hay suy nghĩ tiếp.

Giáo dục (Erziehung) hay đào tạo (Bildung) là khái niệm trưởng cho những phân loại những chiều kích khác nhau trong lý thuyết GD của Kant. Về tính cách sư phạm, Kant phân biệt GD tiêu cực trong nghĩa nghiêm khắc, kỷ luật, kỷ cương trên bình diện sinh vật lý và GD tích cực trong nghĩa chăm sóc, trau dồi, đào tạo văn hóa, vun trồng văn minh, huấn luyện đạo đức. Về cấu trúc GD, thoạt tiên khái niệm GD của Kant bao gồm 3 chiều kích: nuôi nấng (Wartung), kỷ luật (Disziplin) và giáo huấn (Unterweisung). Ba chiều kích này Kant xếp vào lãnh vực GD thể dục (physische Erziehung). Sau đó khái niệm GD lại được phân biệt rõ hơn bao gồm:
Kỷ luật (Disziplin), Văn hoá (Kulturalisierung), văn minh hoá (Zivilisierung), đạo đức hoá (Moralisierung). Trong ba khái niệm sau được xếp vào nguyên tắc trau dồi tính khéo léo, khôn ngoan và đức hạnh. Trong 3 nguyên lý này lý tính về kỹ thuật thực hành, thực tiễn thực hành và đức lý thực hành được thực hiện. GD như thế phải có khả năng thực hiện tất cả những cách thế hiện tượng của lý trí thực tiễn.
Theo Kant GD kỷ luật làm nảy sinh ý thức về qui luật, về nguyên tắc và hướng dẫn người học biết tư duy và vào trong lãnh vực liên chủ thể, biết tôn trọng tha nhân như là chủ thể giống mình. GD kỷ luật tạo nên trong ý thức của người học cơ sở lý trí (thay đổi thú tính), trong lúc GD văn hoá giúp sự vun trồng tự ngã, bản ngã cũng như đào tạo một chân trời qui tắc về hành xử trong cuộc sống cho cá nhân và từ đó lý tính văn hóa liên hệ đến chủ thể đặc thù được phát sinh. GD văn hoá nhào nặn con người trở nên một chủ thể có bề dày kiến thức về văn hóa và tinh thần. GD văn minh kiện toàn tri thức và giá trị của một chủ thể văn hoá nằm trong xã hội, làm thế nào để chủ thể này là một phần tử con người trong tôn trọng người khác. GD văn minh đào tạo con người trở nên một công dân hoàn vũ. Nhưng theo Kant tất cả ba chiều kích này cần được xây dựng trên nền tảng đạo đức như là mục đích của GD: nền tảng này theo Kant làm nền móng cho giá trị con người trong quá trình “thành nhân”: đó là tự chủ và tự do trong sáng tạo và ngay chính trong hành động đạo đức.
Khái niệm về “con người” được xem là một thực thể khác với những sinh vật khác ở điểm nó có lý trí nhưng đồng thời cũng mang thú tính tự nhiên. Con vật sống theo bản năng và tùy thuộc vào sự chỉ định của thế lực bên ngoài. Con người cũng là con thú nhưng là con thú có lý trí tự chủ, từ tình trạng sơ sinh lệ thuộc vào người khác (như con thú, nhưng con thú có bản năng tự vệ tự nhiên bẩm sinh) con người có thể được hướng dẫn trở thành độc lập và tự chủ. Giáo dục con người chính là để giảm thiểu, kiểm soát thú tính và làm nảy nở phát triển lý tính của con người trong viễn tượng sống chung với loài người: “con người chỉ là người khi được giáo dục”.
Lý thuyết GD của Kant di chuyển trong sự căng thẳng của cặp mâu thuẫn nằm chính trong định nghĩa con người: thú tính – nhân tính, tự chủ (Autonomie) – ngoại thuộc (Heteronomie), kỷ luật cứng rắn (bắt buộc) – giải phóng tự do (Freiheit), tùy thuộc – độc lập, cá thể – hợp quần.
Kant cho rằng một nền GD thành công là phải làm thế nào luyện tập con người trong kỷ cương, tuân thủ tuyệt đối, khéo léo tài tình trong mọi ứng xử bên ngoài, đồng thời chính từ kỷ cương ấy con người có thể phát triển nội lực tự chủ, sức mạnh giải phóng và ý chí tự do, và nhất là cảm nghiệm đạo đức làm người.

Nhìn chung, nền tảng dự án GD của Kant là nền tảng nhân bản cho rằng con người được có thiên chức làm người trong xã hội con người. Đối tượng của GD không phải là một con người cô lập, mà là một cá nhân trong xã hội trên bình diện không gian, một công dân của thế giới hoàn vũ, trên bình diện thời gian nó là mắt xích của lịch sử, thừa hưởng di sản thế hệ đi trước và có trách nhiệm đối với người đi sau. Trách nhiệm đối với người đi trước là “học làm người” và trách nhiệm với người đi sau là “giáo hóa” thế hệ trẻ trong viễn tượng “thành người” trong thế giới nhân bản tương lai.

Nhìn từ tương quan mâu thuẫn ấy, GD của Kant mang đặc tính siêu việt, không thuộc bình diện thực nghiệm của lý thuyết sinh lý học về con người như một tiền định, cũng không duy lý cực đoan cho rằng con người không lệ thuộc thú tính. Siêu việt tính trong lý thuyết GD của Kant chính nằm trong ý niệm lý tính là đặc điểm nền tảng nhân bản của mỗi người. Tính nhân bản ấy theo Kant là mầm mống nền tảng từ khi con người sinh ra, chỉ cần khai phóng và giáo hóa, thay đổi sự thô thiển – đó là thú tính – để lấy chất sáng của ngọc ẩn núp trong đá thô kệch bằng điều tiết và hướng dẫn, dạy bảo. Lý tính chính là sự tiến bộ của con người trong ý nghĩa khai sáng trí tuệ và trưởng thành (Mündigkeit) trong hành động qua sự đào luyện của GD.
Từ quan điểm ấy, một nền GD toàn diện không phải bắt đầu từ đại học mà bắt đầu từ sự nuôi nấng dạy bảo trẻ em, ngay cả trẻ sơ sinh: nớm bú cũng là một khía cạnh GD trong nghĩa nhân bản. Ở đây Kant ủng hộ phương pháp rèn luyện cứng rắn và chống lại mọi cách làm mềm yếu trẻ con. Kant lập luận sự nuôi dưỡng không ở trên bình diện sinh lý hay y lý, mà ngay chính ở đây đã thấy ý niệm nhân bản về giáo dục của ông. Theo đó sự săn sóc trẻ sơ sinh phải được kiện toàn theo những tiêu chuẩn giáo dục nâng cao phẩm chất con người.
Bên trên lập luận theo tự nhiên của Rousseau về tương quan săn sóc trẻ con, còn có sự đòi hỏi về đức lý trong nghĩa tuyệt đối, phải để cho trẻ sơ sinh nhận được những giúp đỡ đầy đủ mọi mặt về tinh thần trong đó có tình thương. Ngay ở trong lãnh vực nuôi dưỡng, phải đưa vào những cách ứng xử sửa soạn tính tự do và đồng thời hợp lý sư phạm chỉ dạy trẻ con.
Như thế Kant đã hội nhập ý niệm về sự trưởng thành (Mündigkeit) ngay ở giai đoạn này. Ngoài ra ông từ chối sự phân chia cách biệt giữa GD và nuôi nấng. Hơn thế nữa ông còn công nhận nơi đứa trẻ sơ sinh giá trị chủ thể (Subjektwertigkeit). Chính từ giá trị chủ thể của đứa trẻ, những khả thể cốt tủy nhân bản của con người được thực hiện qua nuôi nấng và giáo dục:
“Phương pháp sư phạm đúng đắn là phương pháp đào tạo trước hết người hiểu biết, rồi đến người có lý trí, rồi đến người uyên bác…”. Người trẻ tuổi “không nên học những ý tưởng mà nên học biết tư duy; ta không nên cõng nó trên lưng mà dẫn dắt nó, nếu ta muốn rằng trong tương lai nó nên tự đi lấy một mình”.
Với Kant: “Người ta không thể làm cho con người hạnh phúc, nếu không làm cho con người trở nên đạo hạnh và khôn ngoan”.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)