Không thể quay lại kiểu thi cũ

Sự bất bình đối với một số bất cập của khâu tuyển sinh đại học-cao đẳng năm nay là hoàn toàn chính đáng, nhưng nếu vì thế mà phủ nhận thành công căn bản của kỳ thi là quá vội vàng. Với cách suy nghĩ thiếu bình tĩnh, nặng cảm tính đó thì chẳng bao giờ có thể đổi mới được giáo dục.

Mặc dù được long trọng tuyên bố là quốc sách hàng đầu nhưng trong một thời kỳ dài cách đây không lâu, chất lượng sút kém của giáo dục là nỗi lo thường xuyên của mọi gia đình, của toàn xã hội.

Tuy nhiên rất may, từ vài năm nay, giáo dục đã bắt đầu chuyển mình, tuy còn xa với yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, năm nay giáo dục đã có một thành công đáng ghi nhận: bắt đầu đổi mới mạnh mẽ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ).

Xưa nay trong xã hội ta thường phổ biến một quan niệm lạc hậu, cũ kỹ về học và thi, nhất là thi tốt nghiệp các cấp.

Trong khi ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, thi cử chỉ là một khâu kiểm tra để bảo đảm kết quả một quy trình học tập thì ở nước ta không biết tự bao giờ nó đã biến thành một khổ dịch nặng nề đối với cả thầy lẫn trò và phụ huynh. Đất nước còn nghèo, đời sống người dân còn khó khăn mà chỉ nguyên một mùa thi hằng năm đã ngốn một khối lượng công sức và tiền của khổng lồ, không kể những hệ lụy tinh thần do áp lực tâm lý gây ra cho thế hệ trẻ. Vì thế, đổi mới thi cử từ lâu đã trở thành một trong những yêu cầu bức thiết để chấn hưng giáo dục.

Đó là lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua đã tổ chức kỳ thi quốc gia THPT thay cho hai kỳ thi riêng biệt tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH-CĐ như mọi năm trước đây.

Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn và sự thực hiện nhìn chung cũng khá suôn sẻ, đó là một thành công đáng ghi nhận. Tất nhiên, vì là lần đầu thực hiện nên không tránh khỏi một số khuyết điểm, đặc biệt trong khâu tuyển sinh, gây ra phản ứng tiêu cực của một bộ phận đáng kể dư luận xã hội đối với chủ trương này. Cho nên việc đánh giá bình tĩnh, khách quan, có cơ sở khoa học, là cần thiết để biết những cái hay cần giữ lại và những cái dở cần tránh cho năm sau.

Cơ sở khoa học của phương án đổi mới thi cử

Trước hết, đổi mới thi cử cần xuất phát từ quan niệm đúng đắn về thi tốt nghiệp ở mọi cấp học, trong một nền giáo dục tiên tiến.

Theo tôi, thi cử trong nhà trường cũng giống như kiểm tra chất lượng trong nhà máy. Sản phẩm cuối cùng (thành phẩm) của một nhà máy thường gồm nhiều bộ phận (mô-đun) lắp ráp lại mà thành. Mỗi bộ phận làm ra ở phân xưởng nào thì phải kiểm tra chất lượng ngay ở phân xưởng đó. Đến khi quy tập các bộ phận để lắp ráp ra thành phẩm thì chỉ cần chú ý xem khâu lắp ráp có vấn đề gì không chứ không có chuyện đến lúc đó lại lôi ra từng bộ phận để kiểm tra lại chất lượng lần nữa.

Tương tự như thế, một quy trình học tập, đào tạo, gồm nhiều học phần (môn), mỗi học phần học đến đâu phải kiểm tra nghiêm túc đến đó, đến năm cuối cấp nếu mọi học phần đều đã đạt yêu cầu kiểm tra thì cấp bằng tốt nghiệp, chứ không cần bắt phải thi lại từng học phần. Nghĩa là không cần thi tốt nghiệp, hoặc có chăng chỉ cần một cách thi có tính chất tổng hợp (ví dụ bảo vệ một tiểu luận), giống như kiểm tra khâu lắp ráp trong nhà máy. Nhiều nước, chẳng hạn Mỹ, đã làm như vậy từ lâu rồi. Rất ít thấy có nước nào thi tốt nghiệp mà phải thi lại hầu hết các môn một cách nặng nề như ta đã làm suốt nhiều năm trước đây.
Như vậy, việc đầu tiên là phải xem lại cách dạy và học của chúng ta, bỏ cách dạy và học lơ mơ, không kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để bảo đảm kết quả vững chắc, mà chỉ dồn hết mọi cố gắng vào kỳ thi tốt nghiệp nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc. Từ cách dạy và học này đã sinh ra hội chứng thi rất đặc biệt của giáo dục Việt Nam: gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy, chủ yếu là học thuộc lòng các loại bài mẫu, các đáp án mẫu. Thêm nữa, vì chỉ mấy ngày thi mà quyết định tốt nghiệp hay không cả một quá trình học tập nhiều năm trời, nên may rủi nhiều, dù học nghiêm túc suốt cả quá trình cũng không chắc thi tốt, điều đó dễ dẫn đến tư tưởng phòng vệ tiêu cực bằng “phao” hay những cách gian lận, quay cóp khác. Thi nhiêu khê, mất nhiều công sức nhưng kết quả thực tế là thường chỉ rớt một số rất ít thí sinh quá kém mà thật ra không cần thi, chỉ cần xét học bạ cũng loại ra được ngay.

 

Thi cử trong nhà trường cũng giống như kiểm tra chất lượng trong nhà máy. Sản phẩm cuối cùng của một nhà máy thường gồm nhiều bộ phận lắp ráp lại mà thành. Mỗi bộ phận làm ra ở phân xưởng nào thì phải kiểm tra chất lượng ngay ở phân xưởng đó. Đến khi quy tập các bộ phận để lắp ráp ra thành phẩm thì chỉ cần chú ý xem khâu lắp ráp có vấn đề gì không chứ không có chuyện đến lúc đó lại lôi ra từng bộ phận để kiểm tra lại chất lượng lần nữa.

Đó là những lý do xác đáng khiến nhiều người đã đề nghị bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong tình hình cụ thể của chúng ta, trước mắt chưa thể bỏ ngay được, nhưng trong bước quá độ để tiến tới đó, có thể và cần giảm nhẹ đến mức tối thiểu bằng cách: chỉ thi hai môn chính bắt buộc (văn, toán), và cho thí sinh được tự chọn thi một số môn khác, đồng thời để xét tốt nghiệp, không chỉ dựa duy nhất vào kết quả thi mà còn căn cứ vào học bạ nữa. Mặt khác, để phục vụ việc tuyển sinh ĐH-CĐ, những môn thi do thí sinh tự chọn sẽ dùng để tổ hợp thành các nhóm môn thi theo yêu cầu từng khối thi xét tuyển ĐH-CĐ. Có thể nói phần thi tự chọn đóng vai trò giống như thi ba chung trước đây, nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều.

Phương án này khi mới đưa ra rất được học sinh hoan nghênh.

Theo tôi hiểu, đây hoàn toàn không phải là sự kết hợp máy móc hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Quả thật, nếu giữ thi tốt nghiệp như kiểu cũ thì hai kỳ thi này có yêu cầu khác biệt hẳn nhau, kết hợp gượng ép chỉ có thể gây ra thảm họa cho cả hai, như nhiều người đã cảnh báo từ lâu. Song vì yêu cầu thi tốt nghiệp THPT đã thay đổi, được giảm nhẹ đến mức gần như bỏ hẳn, cho nên sự kết hợp hai kỳ thi trở thành tự nhiên, khả thi và hợp lý. Hoàn toàn không phải là làm ngược với thế giới, mà tôi nghĩ đây thật sự là một giải pháp tốt, vừa tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế, vừa thích hợp với thực tế trong nước. Thực chất đây không phải là kết hợp hai kỳ thi trong một, mà là bỏ kiểu thi ba chung trước đây và thay vào đó, cải tiến cách thi tốt nghiệp THPT để một mặt làm cho kỳ thi nhẹ nhàng vì có chú ý thích đáng các sở thích, xu hướng nghề nghiệp tương lai khác nhau của thí sinh; mặt khác có thể dùng các kết quả thi tốt nghiệp THPT phục vụ luôn cho tuyển sinh ĐH-CĐ. Theo tôi, cách thiết kế kỳ thi như vậy khá hợp lý và khoa học. Trái lại, nếu vẫn tiếp tục giữ kiểu thi tốt nhiệp THPT nặng nề như cũ, và sau đó một tháng là thi ba chung căng thẳng, thì e rằng đó mới chính là cách làm không giống ai, đi ngược lại xu thế phổ biến của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Hiệu quả thực tế của kiểu thi mới

Về phương diện học thuật, như trên đã phân tích, việc tổ chức chỉ một kỳ thi quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để lấy kết quả phục vụ tuyển sinh ĐH-CĐ là một sáng kiến đổi mới rất hợp lý, có cơ sở khoa học. Nhưng quan trọng hơn, về phương diện thực tế kỳ thi năm nay so với những năm trước đã giảm đáng kể áp lực tinh thần, tâm lý cho thí sinh và phụ huynh, đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và một khối lượng công sức, tiền của rất lớn cho xã hội. Đó là cái được đáng kể nhất của cuộc đổi mới thi cử.

Để thấy rõ sự khác biệt, chỉ cần nhớ lại cảnh tượng hãi hùng một mùa thi trước đây, hàng triệu con người vừa sĩ tử vừa cha mẹ, hoặc anh chị, dắt díu nhau về các thành phố lớn, thuê ở trọ hàng tháng trời trước kỳ thi để tìm một chỗ học khả dĩ trong các lò luyện thi chật chội, nóng bức, không chắc có giúp học thêm được chút gì không nhưng mọi người cứ tin là cần thiết. Có ai thử tính tất cả gánh nặng những chi phí lớn lao về thời gian, công sức và tiền của mà mỗi gia đình có con em đi thi phải chịu đựng trong mỗi mùa thi như vậy, chưa kể biết bao hệ lụy tiêu cực gây ra từ áp lực tâm lý trong một xã hội từ xưa vốn rất nặng tư tưởng khoa bảng, bằng cấp?

Cho nên, chí ít thì cuộc cải cách thi cử vừa qua đã giúp giải thoát cho xã hội khỏi một cảnh tượng lạc hậu phi lý mà chỉ ở Việt Nam mới có.

Vài con số để minh chứng rõ hơn cho nhận định đó. Năm 2014 có khoảng 900.000 thí sinh dự thi tốt nhiệp THPT và 1,3 triệu thí sinh dự thi cả ba đợt tuyển sinh ĐH-CĐ. Năm 2015, trong khoảng 1 triệu thí sinh dự thi kỳ thi quốc gia chỉ có khoảng 700.000 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Như vậy năm nay, con số thí sinh đã giảm chỉ còn một nửa, kèm theo đó là sự tiết kiệm những khoản chi phí không nhỏ về ra đề thi, chấm thi, tổ chức thi, v.v.

Rất tiếc việc tuyển sinh ĐH-CĐ sau đó làm không được tốt đã gây ra cảnh hỗn loạn, rắc rối, nộp rút, rút nộp hồ sơ rất tốn kém và căng thẳng tinh thần cho một bộ phận thí sinh. Do đó đã phát sinh nhiều luồng ý kiến trái chiều, lẻ tẻ có ý kiến đánh giá việc đổi mới thi cử này là thất bại, thậm chí đòi dừng đổi mới và quay lại kiểu thi cũ lạc hậu trước kia.

Đương nhiên sự bất bình đối với một số bất cập của khâu tuyển sinh là hoàn toàn chính đáng, ngành giáo dục cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc về việc đó. Nhưng nếu vì thế mà phủ nhận thành công căn bản của kỳ thi là quá vội vàng. Với cách suy nghĩ thiếu bình tĩnh, nặng cảm tính đó thì chẳng bao giờ có thể đổi mới được giáo dục.
 

Dù thế nào cũng không thể quay lại kiểu thi cũ, cũng phải thay đổi, mà thay đổi như vừa qua, với tất cả những sai sót khó tránh hoàn toàn của nó, thì cái giá ấy thật chẳng có gì là cao so với thiệt hại nếu duy trì kiểu thi cũ.

Thật ra, những bất cập trong tuyển sinh cũng có mức độ chứ không đến nỗi quá nghiêm trọng như một số ý kiến đã cường điệu. Theo thống kê, số lượt thí sinh phải rút hồ sơ để nộp vào trường khác chỉ chiếm 9% tổng số, mà số này nếu thi theo kiểu cũ chắc chắn phải đổ về các thành phố lớn, chui vào các lò luyện thi hàng tháng trời, cái khổ đó còn gấp mấy việc đi rút và nộp lại hồ sơ như vừa qua. Nếu thi theo kiểu cũ, đâu chỉ có số hơn ba vạn thí sinh đó mà cả mấy chục vạn thí sinh sẽ cùng chịu cảnh khổ như thế. Chưa kể còn bao nhiêu căng thẳng, tốn kém phức tạp khác liên quan đến việc tổ chức liền mấy kỳ thi quy mô cả nước trong vòng chỉ hơn một tháng. Cho nên nếu tính đầy đủ, khách quan mọi mặt thì ngay cả với những căng thẳng và tốn kém gây ra do các bất cập trong tuyển sinh, kỳ thi vừa qua so với kiểu thi cũ vẫn là nhẹ nhàng và tiết kiệm hơn rất nhiều – điều mà, như tôi đã kiên trì kiến nghị từ cả chục năm trước, lẽ ra cần phải thực hiện từ lâu rồi đối với một đất nước nghèo và còn nhiều khó khăn như ta.

Đáng nói nhất là kiểu thi cũ tạo ra một tâm lý học chỉ cốt để thi đỗ, để giành giật một mảnh bằng, chứ không cốt mở mang trí tuệ, phát triển kỹ năng, rèn luyện tư cách, phẩm chất. Nhiều người ngoại quốc đã nói rất đúng: cả thời kỳ dài trước đây, muốn hiểu giáo dục Việt Nam lạc hậu đến đâu chỉ cần quan sát một mùa thi. Cho nên tôi thật sự nghĩ rằng, ngày nay mà còn tiếp tục duy trì kiểu thi cũ kỹ, cực kỳ tốn kém và lạc hậu đó, là một tội ác đối với con em ta. Dù thế nào cũng không thể quay lại kiểu thi cũ, cũng phải thay đổi, mà thay đổi như vừa qua, với tất cả những sai sót khó tránh hoàn toàn của nó, thì cái giá ấy thật chẳng có gì là cao so với thiệt hại nếu duy trì kiểu thi cũ.

Mặt khác cũng cần thấy rằng những bất cập trong cách tuyển sinh không gắn liền với cách thi mới mà hoàn toàn có thể khắc phục được với khả năng hiện nay của ta.

Mọi lộn xộn chỉ bắt nguồn từ việc không có biện pháp thích hợp và công việc xử lý hồ sơ đều làm phần lớn theo phương thức thủ công, lợi thế của công nghệ thông tin như hiện nay đã phổ biến khắp nơi trên thế giới và hoàn toàn trong tầm khả năng của ngành giáo dục chưa được khai thác. Trong khi đó, thí sinh năm nay lại được nhiều tự do hơn trong việc lựa chọn trường, chứ không phải chỉ ba nguyện vọng như những năm trước.

Rất may, khó khăn đó sẽ không còn nếu áp dụng phương pháp có cơ sở khoa học vững chắc dựa trên phân tích toán học mà GS Hà Huy Khoái đã đề nghị với Bộ GD&ĐT và vừa mới đây đã trình bày lại trước một cử tọa khá đông tại Viện Toán học. Do đó có thể tin rằng nếu củng cố nền tảng công nghệ thông tin để tuyển sinh hoàn toàn trên mạng và áp dụng phương pháp khoa học GS Hà Huy Khoái đã đề nghị, thì sẽ không còn những khó khăn vấp váp như vừa qua.

***

Thay đổi một kiểu thi đã thành tập quán từ nhiều chục năm không phải là chuyện đơn giản, vì phải vượt qua không ít rào cản tư duy, tâm lý. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận, do sự sa sút kéo dài nhiều năm trước đây của giáo dục (khiến riêng tôi cũng đã nhiều lần góp ý khá gay gắt) nên nhiều người ít nhiều đã mất tin tưởng, không nhìn thấy hết những cố gắng và tiến bộ của giáo dục mấy năm gần đây. Mặc dù giáo dục còn nhiều tồn tại lớn, nhất là bậc đại học, nhưng công bằng mà nói, một số những tồn tại đó xét ra có phần không chỉ do lỗi Bộ GD&ĐT mà còn do nhiều mắc mứu trong cơ chế quản lý kinh tế xã hội hiện nay của ta nữa. Lấy ví dụ tự do học thuật là điều kiện tối cần thiết để phát triển đại học đang bị nhiều hạn chế, và hệ lụy chủ nghĩa lý lịch chưa phải đã xóa hết; hay tình trạng thất nghiệp hằng năm của một số khá lớn cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ, gây bức xúc cho xã hội. Đây là những vấn đề lớn, rất đáng đưa ra mổ xẻ, phân tích kỹ các nguyên nhân liên quan đến cả đường lối phát triển kinh tế xã hội của chúng ta, thay vì chỉ suy nghĩ đơn giản và quy hết cho yếu kém của giáo dục và đào tạo.

Nhân đây tôi cũng muốn nhắc tới một việc nữa là vừa qua có lúc dư luận rộn lên về chuyện một em học sinh 14 tuổiphát biểu tại một diễn đàn người lớn, phê phán giáo dục của ta hiện nay là thối nát. Mặc dù ý kiến đó khá phù hợp bức xúc của nhiều người đứng trước thực trạng nhiễu nhương đáng xấu hổ của xã hội hiện nay, tôi thành thật không nghĩ rằng đó là một cách phê phán giáo dục mà ta nên khuyến khích đối với học sinh nhỏ tuổi. Theo tôi, có nhiều cách giáo dục cho trẻ em tư duy phê phán và tinh thần độc lập suy nghĩ hay hơn là biến các em thành những ông cụ non, dù là những ông cụ rất đáng được xã hội ngưỡng mộ về tư tưởng và nhân cách.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)