Khủng hoảng GD ĐH tại Trung Quốc

    Những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên của giáo dục đại học Trung Quốc đã bộc lộ từ lâu, nhưng bị khỏa lấp bởi những thành tựu dễ làm lóa mắt - sự phát triển vượt bậc về số lượng đã có lúc khiến cả thế giới phải quan tâm theo dõi1, cùng với đó là thái độ trầm trồ, thán phục của các nước đang phát triển, xem Trung Quốc như hình mẫu để học tập. Mãi gần đây, khi khủng hoảng đã ảnh hưởng rõ rệt đến phát triển kinh tế và xã hội, báo chí Trung Quốc mới bắt đầu lên tiếng, phơi bày mặt trái của tấm huân chương.

   
     “Trung Quốc không có nổi một trường đại học đẳng cấp quốc tế!”

    Tựa nhỏ trên đây là phát biểu vừa được đăng ngày 18/4/2010 trên chinadaily.com.cn trong mục “Trích dẫn trong tuần” (Weekly Quote). Tác giả của nó là nguyên Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, ngôi trường luôn luôn dẫn đầu danh sách xếp hạng các trường đại học Trung Quốc. “Đẳng cấp quốc tế” ở đây cần được hiểu là 200 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng đại học thế giới (ARWU) của Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU). 
    Việc không có tên trong 200 vị trí đầu của ARWU là rất bình thường đối với hầu hết các trường đại học trên khắp thế giới. Có lẽ ngoài Trung Quốc (và một vài nước đua đòi theo giấc mơ “đại học đẳng cấp quốc tế” của Trung Quốc) thì bảng danh sách này không có ý nghĩa gì lắm đối với giới lãnh đạo giáo dục các nước khác. Tổng số trường đại học trên thế giới hiện nay theo ước tính thận trọng nhất cũng đã lên đến cả chục nghìn trường (chỉ riêng Mỹ đã có hơn 4.000). Con số 200 so với hơn 10 nghìn là một tỷ lệ đủ nhỏ để người ta có thể xem nó như một ngoại lệ hơn là quy luật.
     Nhưng đối với Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Theo Nian Cai Liu, tác giả của ARWU, bảng xếp hạng có mục đích giúp các trường đại học Trung Quốc hiện thực hóa ước mơ và cũng là chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Phải xây dựng cho được một số trường đại học đẳng cấp quốc tế. Từ lúc ra đời vào năm 2004 đến nay, việc soán được một vị trí cao trong bảng xếp hạng ARWU trở thành mục tiêu phấn đấu của giáo dục đại học Trung Quốc, cũng là cơ sở để quyết định mức độ đầu tư của Nhà nước cho các trường trọng điểm. Thế nhưng dù đã được Nhà nước liên tục đổ hàng núi tiền, các trường vẫn cứ quanh quẩn vị trí 300-400, mức khởi đầu khi bảng xếp hạng ra đời. 
     Song kể cả bỏ qua việc kém thành công ở bảng xếp hạng này thì vẫn còn rất nhiều dấu hiệu khủng hoảng khác đang bộc lộ dồn dập trên nhiều khía cạnh, tạo ra hình ảnh về giáo dục đại học Trung Quốc không giống những điều người ta vẫn tự hào và tin tưởng bấy lâu nay.  

     “Công bố đi rồi chết!”
     “Publish or perish” (Công bố hay là chết) là phương châm hoạt động của giới học thuật phương Tây, với ý nghĩa mọi giảng viên đại học và nhà nghiên cứu đều cần có công bố khoa học để tồn tại một cách xứng đáng. Nghiên cứu và công bố cũng là những yếu tố đánh giá trong bảng xếp hạng ARWU, và điều này đã khiến cho các giảng viên Trung Quốc “điên cuồng” chạy đua công bố khoa học trong những năm qua.
    Nhưng tại sao lại là Công bố đi rồi chết (Publish and perish), như tựa của một bài viết đăng trên tờ China Economic Review2 hồi tháng 3/2010? Bài viết dường như đã điểm đúng tử huyệt của giáo dục đại học Trung Quốc: nạn “tham nhũng học thuật” đang làm ô nhiễm trầm trọng môi trường học thuật của đất nước này. 
     Bài báo nêu, cuộc khảo sát do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thực hiện năm 2006 cho thấy, 60% các giáo sư thừa nhận đã sao chép tác phẩm của người khác, đút tiền để được đăng bài trên tạp chí khoa học, hoặc khai man số bài báo khoa học của mình. 
     Cũng theo bài báo, sự gian lận này không phải không ai biết. Đã từng có nhiều lời than phiền cùng những lá đơn thỉnh nguyện của giới trí thức kêu gọi các nhà lãnh đạo phải ra tay, có điều chúng đều bị bỏ ngoài tai. Chỉ đến khi gian lận bị phát hiện ở nước ngoài thì những người có trách nhiệm mới bắt đầu có một vài động thái, chẳng hạn như đuổi việc những giảng viên thuộc Đại học Vũ Hán bị lộ tẩy đạo văn năm 2007. 
     Tiếc thay, những động thái mạnh mẽ như trên còn khá hiếm hoi, bởi vậy hầu như chẳng cải thiện được tình hình. Ngoài việc đạo văn, thực chất là “đánh cắp tài sản trí tuệ” của người khác, trước áp lực nặng nề của việc phải có công bố khoa học để tồn tại hoặc duy trì các vị trí mà tài năng của họ không tương xứng, một số “nhà khoa học” Trung Quốc còn có các hành vi đáng lên án khác như tạo ra những “công trình khoa học rác” với số liệu giả và kết luận vô căn cứ; hoặc dùng tiền để mua bài viết, luận án tiến sĩ, công trình khoa học từ các “lò đạo văn” rồi công bố dưới tên mình. Một nguyên nhân căn bản khác của nạn đạo văn là áp lực khủng khiếp mà ARWU vô tình tạo ra từ chỉ tiêu khắt khe: tỷ lệ công bố khoa học trên giảng viên. 

Chính tham vọng đẳng cấp quốc tế của giới lãnh đạo chính trị đã gây ra nhiều sức ép đối với giới học thuật, cộng với sự lẫn lộn giữa vị trí hành chính và vị thế chuyên môn, đã tạo ra tình trạng “tham nhũng học thuật”, tình trạng nhộn nhạo chợ luận văn và công trình, bài báo ma, công trình giả, dỏm, luận văn mua… hỗn loạn trong giáo dục đại học Trung Quốc hiện nay.

     Bài viết Công bố đi rồi chết còn dẫn ra nghiên cứu của Đại học Vũ Hán cho biết, ba năm qua, các nghiên cứu sinh và giáo sư của Trung Quốc đã bỏ ra đến 146 triệu USD mua “bài viết ma” để nộp làm luận án tiến sĩ hoặc công bố khoa học của mình. 
     Nạn mua bán công trình khoa học thậm tệ đến nỗi nhật báo China Daily của Nhà nước Trung Quốc phải thốt lên: “Một số trí thức Trung Quốc ngày nay thực sự không còn biết hổ thẹn là gì nữa!” 
     Hiện tượng này cũng được AsiaOne, tờ báo mạng của Singapore Press Holdings, nêu ra hồi tháng 3/2010 trong bài viết có cái tựa dí dỏm “Đại nhảy vọt” đã kích thích các khu nhà ổ chuột trong giới học thuật3. Bài viết có đoạn: “Nhiều giáo sư và sinh viên [Trung Quốc] hoàn toàn không hổ thẹn về việc đạo văn của mình vì cho rằng ai cũng làm như thế. Thật lố bịch khi một bài báo khoa học trong ngành Y đã bị đạo văn đến sáu lần khác nhau với tổng số “đạo chích” lên đến 25 người!” 
     Phải làm gì bây giờ? Kỷ luật thật nặng, đuổi việc, tước bằng, cách chức, như đã bắt đầu xảy ra gần đây? Tờ China Daily đưa ra một quan điểm khác, thoạt nhìn có vẻ bất ngờ nhưng nghĩ kỹ lại hoàn toàn phù hợp với tình hình Trung Quốc và các quốc gia nơi nhà nước can thiệp khá sâu vào công việc của trường đại học, đó là: chấm dứt chế độ lương thưởng dựa trên thành tích công bố khoa học của các giáo sư. “Những giáo sư nào cảm thấy cần công bố thì cứ việc công bố, chứ không nên thúc ép họ công bố theo kiểu ngu xuẩn như lâu nay nữa,” bài báo viết. 
              ***
     Những ví dụ trên cho thấy rõ là giáo dục đại học Trung Quốc chưa thành công, thậm chí có thể nói là đã thất bại, trong tham vọng “tạo ra một số trường đại học đẳng cấp quốc tế”. Cho dù điều đó là chỉ đạo của lãnh đạo tối cao của đất nước này từ cuối thập niên 1990 mà hơn một thập niên nay các trường đại học của đất nước này đã miệt mài theo đuổi, với sự hỗ trợ về tài chính rất lớn lao từ ngân sách công. 
     Tại sao có thể xem là ngành giáo dục của Trung Quốc đã thất bại trong giấc mơ đẳng cấp quốc tế? Là bởi vì, cho đến nay không những Trung Quốc vẫn chưa thực hiện được kế hoạch lọt vào top 200 của bảng xếp hạng ARWU, mà ngay cả điều kiện cơ bản là có các giáo sư, các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh giỏi chuyên môn và có đạo đức học thuật thì Trung Quốc cũng hoàn toàn chưa làm được. Ngược lại, chính tham vọng đẳng cấp quốc tế của giới lãnh đạo chính trị đã gây ra nhiều sức ép đối với giới học thuật, cộng với sự lẫn lộn giữa vị trí hành chính và vị thế chuyên môn, đã tạo ra tình trạng “tham nhũng học thuật”, tình trạng nhộn nhạo chợ luận văn và công trình, bài báo ma, công trình giả, dỏm, luận văn mua vv hỗn loạn trong giáo dục đại học Trung Quốc mà hiện nay cả thế giới đều biết rõ.
     Tuy nhiên, đánh giá thành tựu của giáo dục đại học Trung Quốc chỉ thông qua số lượng công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, các giải thưởng lớn về khoa học công nghệ, hay sự tồn tại của các trường đại học nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế có lẽ là không  chính xác. Bởi giáo dục đại học không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ ở đỉnh cao, mà có lẽ quan trọng hơn, là nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế của một quốc gia.
     Một quốc gia như Trung Quốc với trên một tỷ dân và một nền kinh tế mới nổi, đang chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, thì trước hết cần có các trường đại học giảng dạy (teaching universities) tốt, còn việc xây dựng các đại học nghiên cứu có tầm cỡ để cạnh tranh với Mỹ có thể cũng chưa cần thiết. Cũng vậy, các giảng viên làm việc trong các trường đại học giảng dạy như vậy không nhất thiết phải là những người có nhiều công bố trên các tạp chí khoa học mà đa phần là của các nước tư bản phương Tây, vốn có một truyền thống học thuật rất khác với Trung Quốc. Vậy, những thành tựu của giáo dục đại học Trung Quốc trong việc đào tạo nhân lực cho xã hội là như thế nào nhỉ?.
    (Xem tiếp kỳ 2: Một số khía cạnh khủng hoảng khác của giáo dục đại học ở Trung Quốc – sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm lao động phổ thông, các trường đại học địa phương mở ra ồ ạt nay đang phá sản hàng loạt – đồng thời lý giải nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng.
)   

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)