Khủng hoảng nhân lực cho kinh tế biển
Hàng hải là một trong những ngành được xác định là mũi nhọn của kinh tế biển, đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất lớn so với thế giới. Cả nước hiện chỉ có hai đại học, hai trường cao đẳng và một trường dạy nghề hàng hải… hàng năm cho ra lò 1.000 – 1.500 người từ trung cấp đến đại học, nhưng chỉ hơn một nửa làm đúng nghề được đào tạo.
Khai thác thuỷ sản bị người học quay lưng
Năm học 2011 – 2012, khoa Khai thác của trường đại học Nha Trang lấy chỉ tiêu 180 sinh viên bao gồm các ngành khai thác thuỷ sản, an toàn hàng hải, điều khiển tàu biển. Kết quả tuyển sinh: số thí sinh đậu nguyện vọng 1, tức trên điểm sàn, vào hệ đại học chỉ vỏn vẹn bốn người! Nếu tính cả hệ cao đẳng, lấy 10 điểm trở lên, có lẽ toàn khoa có chưa tới 30 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1.
TS Trần Đức Phú, trưởng khoa cho biết, nếu như năm 2007 khoa mở được hai lớp với 94 sinh viên, thì liên tục hai năm 2008 – 2009 mỗi năm chỉ mở một lớp với 14 sinh viên. Riêng năm 2010, không mở được lớp nào do số sinh viên quá ít.
Khoa khai thác thuỷ sản là một trong bảy khoa đặc thù của đại học Nha Trang (trước đây là đại học Thuỷ sản), nơi có bề dày hơn 50 năm giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển như: kỹ thuật chế tạo ngư cụ, khai thác thuỷ sản, kỹ thuật hàng hải và pháp luật hàng hải, quản lý nghề cá, hải dương học nghề cá… Theo thời gian, đặc biệt sau khi trường đại học này chuyển đổi thành đại học đa ngành, quy mô đào tạo của khoa thu hẹp dần, đến nay chỉ còn hai ngành chủ yếu là khai thác thuỷ sản và khoa học hàng hải (ghép từ hai ngành an toàn hàng hải và điều khiển tàu biển). Ngành cơ khí thuỷ sản trước kia được chuyển thành kỹ thuật tàu thuỷ vẫn không có nguồn tuyển và nhiều năm liền gần như không có sinh viên. “Với đà này chỉ vài năm nữa, các địa phương sẽ không có người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quản lý ngư trường, tàu thuyền…”, ông Phú lo lắng nói.
“Với đà này chỉ vài năm nữa, các địa phương sẽ không có người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quản lý ngư trường, tàu thuyền…” |
Không bi đát như các ngành khai thác thuỷ sản, nhưng thực trạng của ngành chế biển thuỷ sản lại mang một sắc thái khác. Hiện cả nước có hơn 30 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề đào tạo các ngành nghề có liên quan đến công nghệ thực phẩm và chế biến thuỷ sản nhưng thực tế đào tạo thì mỗi nơi mỗi khác. Ở đại học Nha Trang, ngành chế biến thuỷ sản được xếp chung nhóm công nghệ thực phẩm, và nuôi trồng thuỷ sản nhiều năm liền không đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Văn Việt, hiệu trưởng trường cao đẳng Thuỷ sản, Bắc Ninh thừa nhận: “Mười năm trước, khoa nuôi trồng thuỷ sản của trường mỗi năm tuyển được hàng trăm sinh viên, gần đây trầy trật lắm chỉ tuyển được vài chục người”.
Không học vì sợ ra biển?
Giải thích nguyên nhân thiếu sức hút của các ngành khai thác biển, Th.S Nguyễn Trọng Thảo, trưởng bộ môn công nghệ khai thác thuỷ sản bộc bạch: “Sở dĩ có tình trạng như vậy một phần do người học hiểu nhầm tốt nghiệp ngành khai thác là phải đi biển trên tàu cá, mà trong tình hình Biển Đông hiện nay ai dám cho con em mình đi biển, vừa thu nhập thấp vừa không an toàn”. Thực tế trong ba ngành (trừ ngành điện) thì chỉ có ngành điều khiển tàu biển ra trường mới làm việc trên các con tàu, còn lại hai ngành khai thác thuỷ sản và an toàn hàng hải chủ yếu làm việc trên bờ tại các cơ quan quản lý đánh bắt hay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các chi cục kiểm ngư, cảng vụ… Theo ông Thảo, nhiều xí nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản không có lấy một kỹ sư khai thác, làm sao đáp ứng yêu cầu của đầu ra sản phẩm là phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu? Đó là chưa kể lực lượng kiểm ngư Việt Nam mới thành lập cũng cần hàng ngàn kỹ sư khai thác thuỷ sản.
Chưa đến 1% thí sinh chọn các ngành kinh tế biển
“Nhìn lại số liệu thí sinh dự thi các năm qua, nếu như ngành quản trị kinh doanh, ngành kế toán, tài chính – ngân hàng là ba ngành có thí sinh lựa chọn nhiều nhất trong tổng số gần 240 ngành học với tỷ lệ lần lượt là 9,81%, 8,17%, 7,62% thì tỷ lệ thí sinh chọn các ngành kinh tế biển chưa đến 1%, với điểm trung bình thí sinh dự thi không cao. Trong các ngành kinh tế biển thì các ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế có điểm trung bình dự thi của thí sinh đỡ hơn các ngành còn lại. Như vậy, xu hướng chuộng các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cũng xảy ra đối với chính các ngành kinh tế biển. Vì vậy, cần phải có chính sách cho người học đối với các ngành còn lại của nhóm ngành kinh tế biển. Xu hướng chung là ngành học nào ít cơ sở đào tạo, điểm chuẩn thấp thì sẽ thu hút người học. Nhưng điều này lại không đúng với các ngành kinh tế biển. TS Lê Thị Thanh Mai, phó ban Đào tạo sau đại học, |
Bên cạnh đó, mức lương quá thấp và điều kiện lao động nặng nhọc trong các doanh nghiệp đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản cũng là lý do khiến người học quay lưng. “Nhiều người tốt nghiệp làm đủ công việc khác nhau trừ liên quan tới biển”, Trương Hữu Thuật – cựu sinh viên khoa khai thác khoá 37 đại học Nha Trang ra trường làm cho xí nghiệp thức ăn nuôi tôm được sáu năm, sau đó học thêm bằng quản trị kinh doanh rồi lặng lẽ chuyển nghề, cho biết.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, các ngành kinh tế biển phải có sức hút lớn đối với thị trường lao động. Tuy nhiên, trước thực tế trên, TS Trần Đức Phú cho rằng để có thể thúc đẩy phát triển nghề cá, bắt buộc phải có chính sách ưu đãi về học phí, chế độ cử tuyển cho con em vùng duyên hải nghèo, đặc biệt là con em ngư dân; đồng thời Nhà nước cần đầu tư một trung tâm huấn luyện đủ tầm cỡ quốc tế để huấn luyện tay nghề cho ngư dân.
Điểm chuẩn thấp vẫn không đủ tuyển
Hai cơ sở đào tạo cung cấp nhân lực chủ yếu cho ngành hàng hải Việt Nam là đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng) và đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Do yêu cầu khắt khe của các ngành này, những năm trước điểm chuẩn hầu hết đều cao so với mặt bằng tuyển sinh khối A, D. Vài năm trở lại đây, do áp lực cạnh tranh giữa các nhóm ngành và để đảm bảo chỉ tiêu, điểm chuẩn nhóm ngành hàng hải và kỹ thuật tàu thuỷ liên tục giảm chạm sàn: 13 điểm. Riêng nhóm ngành kinh tế vẫn giữ điểm chuẩn khá cao, như ngành kinh tế vận tải biển của đại học Hàng hải năm 2011 lấy điểm chuẩn là 17,5 và không tuyển nguyện vọng 2. Tương tự, đại học Giao thông vận tải TP.HCM lấy điểm chuẩn hai ngành kinh tế vận tải biển và xây dựng công trình thuỷ lần lượt là 14,5 và 13,5, các ngành hàng hải và kỹ thuật tàu thuỷ đều 13 điểm. Theo ông Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng đào tạo đại học Giao thông vận tải TP.HCM, điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thuỷ là hai ngành có chỉ tiêu cao nhất nhưng gần đây rất khó tuyển sinh dù nhu cầu lao động không ngừng tăng.
Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh, hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM khẳng định: với đội tàu biển hàng ngàn chiếc và không ngừng tăng, việc khủng hoảng thuyền viên một ngày gần đây là không tránh khỏi! Tổng số thuyền viên được bổ sung hàng năm từ các trường chừng 1.500, và cũng gần từng ấy sẽ rời tàu vì không còn tuổi đi biển, đồng nghĩa với tổng số thuyền viên hàng năm không tăng bao nhiêu nếu số lượng và quy mô các cơ sở đào tạo không thay đổi. Còn theo dự báo của cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam đang thiếu hụt 600 – 1.000 sĩ quan hàng hải chủ yếu là sĩ quan quản lý, chưa kể nhu cầu xuất khẩu lao động.
Đầu tư đã ít lại lãng phí
Một trong những bất cập lớn nhất của ngành hàng hải là môi trường đào tạo. Ông Cổ Tấn Anh Vũ cho biết, thuyền viên Việt Nam được tổ chức Hàng hải quốc tế đánh giá là khá tốt, đáng lẽ khâu đào tạo phải đạt chuẩn quốc tế từ lâu, nhưng với mức đầu tư hiện nay, khó có thể đào tạo có chất lượng. Với mức học phí của sinh viên chính quy là 1,8 triệu đồng/năm, nội tiền thuê tàu cho sinh viên thực tập trong một tuần đã không đủ. Việc hỗ trợ thực tập cũng như giới thiệu việc làm cho sinh viên trước nay chủ yếu dựa vào những mối quan hệ của nhà trường là chính.
Với đội tàu biển hàng ngàn chiếc và không ngừng tăng, việc khủng hoảng thuyền viên một ngày gần đây là không tránh khỏi! |
Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy ít cập nhật cũng là một trở ngại. Nội dung năm năm đào tạo kỹ sư có đủ thứ lý thuyết nhưng những kiến thức rất cơ bản của nghề đi biển thì không được học. Minh Đức, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển cho biết, quy trình đào tạo trong nhà trường hiện rất lãng phí và chưa sát yêu cầu sử dụng. Nhiều sinh viên sau năm năm đào tạo tốn kém không đủ sức khoẻ làm việc trên tàu, thậm chí sau khi đi thực tập về còn bỏ luôn thi tốt nghiệp, có người trong quá trình làm việc không chịu được áp lực của môi trường trên tàu cũng sớm bỏ nghề.
“Tuy số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành hàng hải và kinh tế biển những năm vừa qua có giảm, nhưng sắp tới chắc chắn sẽ tăng. Về lâu dài các doanh nghiệp vận tải, chủ tàu biển phải tham gia quá trình đào tạo như chủ động đặt hàng đào tạo và hỗ trợ chi phí thì nhà trường mới có thể đáp ứng đủ nguồn cung nhân lực”, ông Vũ nói. (còn tiếp)
Theo ThS Đỗ Thành Sen, phó tổng giám đốc trung tâm Đào tạo và nguồn nhân lực hàng hải (liên doanh giữa đại học Giao thông vận tải TP.HCM và tập đoàn đào tạo vận tải biển và giao thông STC–Group, Hà Lan): từ năm 2005 đến nay trung tâm đã đào tạo và cung ứng hàng trăm sinh viên các ngành đi biển cho các hãng tàu biển với học bổng do các doanh nghiệp chi trả. Sinh viên được đào tạo bổ sung các chứng chỉ theo yêu cầu của công ước quốc tế STCW’95 hoặc của công ty tàu để đạt được chứng chỉ chuyên môn mức vận hành (sĩ quan hàng hải cấp thấp) và mức quản lý (sĩ quan hàng hải cấp cao). Ông Sen cho biết, khoảng 130 sĩ quan tốt nghiệp từ chương trình này đang làm việc cho các chủ tàu quốc tế với mức lương 500 – 2.500 USD/tháng. |