Kỳ thi quốc gia: Đúng hướng, nhưng vẫn vướng!

Có thể thấy những thay đổi khá mạnh dạn, thậm chí mang tính cách mạng, trong phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 mà Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố. Nhưng bên cạnh đó, dường như vẫn có những kịch bản chưa được tính đến đầy đủ để có giải pháp phù hợp.

Những thay đổi có tính cách mạng và đúng hướng

Sau thời gian dài bàn bạc, tham khảo ý kiến chuyên gia và thăm dò dư luận quần chúng, ngày 9/9 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án chính thức cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015. Đây là lần đầu tiên kỳ thi này được sử dụng với mục đích kép, vừa công nhận tốt nghiệp vừa sử dụng làm một căn cứ quan trọng để tuyển sinh vào đại học.

Theo phương án thi mà Bộ vừa công bố, có thể thấy những thay đổi trong kỳ thi THPT năm 2015 là khá mạnh dạn, thậm chí có những thay đổi mang tính cách mạng. Sử dụng chung kết quả của một kỳ thi cho cả hai mục đích tốt nghiệp và tuyển sinh sẽ làm giảm áp lực đối với học sinh, đồng thời cũng giảm các chi phí hữu hình và vô hình của toàn xã hội – một điều mà cả xã hội đã lên tiếng từ nhiều năm nay. Đưa môn ngoại ngữ vào danh sách các môn thi bắt buộc cũng là một việc làm rất cần thiết, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước. Quan trọng hơn, lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, vai trò chủ động của người học đã được nhìn nhận khi thí sinh được trao quyền lựa chọn môn thi tốt nghiệp, dù quyền lựa chọn này hiện nay vẫn còn hạn chế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần cấp cho học sinh đã học xong chương trình lớp 12 nhưng không có nhu cầu vào đại học một tờ giấy chứng nhận hoàn tất chương trình THPT (có thể phân quyền cho các sở). Khi nào các em có ý định đi học đại học thì lúc ấy các em sẽ đăng ký thi tốt nghiệp sau cũng không muộn.

Vể mặt kỹ thuật, việc xây dựng bài thi cũng có nhiều đổi mới. Theo thông tin chính thức từ Cục Khảo thí, đề thi năm 2015 sẽ tiếp tục hướng đi đã được bắt đầu từ kỳ thi năm 2014 là chú trọng đánh giá năng lực người học, tăng các câu hỏi ở các mức độ nhận thức cao hơn là chỉ nhận biết kiến thức, tăng các câu hỏi mở để đánh giá khả năng vận dụng và sáng tạo. Những câu hỏi này nhằm phân hóa học sinh và giúp các trường đại học có thể dựa vào đó để lựa chọn được các thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường. Mặt khác, bài thi vẫn duy trì phần cơ bản mà thí sinh chỉ cần làm được hết phần đó là đạt được yêu cầu tốt nghiệp. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu giảm áp lực thi cử cho thí sinh cũng như toàn xã hội.

Mặc dù ngay lúc này vẫn còn quá sớm để đưa những ra nhận định chính xác, nhưng rõ ràng đã có một số dấu hiệu về tác động của việc đổi mới thi cử đối với việc dạy và học ở trường phổ thông. Học sinh lớp 12 đã bắt đầu có ý thức đầu tư vào những môn học mà mình yêu thích và có thế mạnh để có thể xét vào trường đại học theo khối thi mà mình muốn, theo tinh thần “học cho mình”. Thầy cô giáo dạy Văn bắt đầu chú trọng cho học sinh làm những đề mở và sáng tạo hơn. Trong khi đó, các trường chuyên bắt đầu lo lắng về khả năng bị giảm học sinh trong tương lai, do cách tuyển sinh đại học từ năm 2015 làm cho những lợi thế của học sinh trường chuyên giảm đi rất nhiều so với trước đây. Nói vắn tắt, kỳ thi quốc gia phản ánh những thay đổi sâu sắc trong quan điểm của những nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục, và ta có quyền hy vọng rằng con tàu giáo dục của Việt Nam đang bắt đầu đi đúng hướng.

Lúng túng hai cụm thi

Mặc dù có nhiều ưu điểm trên những nét lớn, nhưng kỳ thi quốc gia vẫn còn một số điều gây băn khoăn và tranh cãi trong cách tổ chức. Nổi cộm nhất có lẽ là sự tồn tại của hai loại cụm thi – cụm thi của các trường đại học và các cụm thi của các sở giáo dục. Theo phương án do Bộ công bố, cụm thi của các sở (cụm thi địa phương) là dành cho thí sinh không có nguyện vọng vào đại học. Việc phân loại đối tượng để xếp vào hai loại cụm thi khác nhau dựa trên việc thí sinh có hoặc không có nguyện vọng vào đại học đã tạo ra một sự bất bình đẳng về đẳng cấp giữa hai loại cụm thi này. Đã có các trường đại học ngay lập tức tuyên bố sẽ “nói không với các thí sinh thi ở cụm thi của sở”1. Trong khi đó, theo nguyên tắc thì trong cùng một kỳ thi không thể có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với thí sinh thi ở cụm này hay cụm khác.

Sự phân biệt hai loại cụm thi khác nhau đang tạo ra một tình trạng không thể chấp nhận là tấm bằng tốt nghiệp THPT của các học sinh khác nhau sẽ có giá trị khác nhau, dựa trên việc người cầm tấm bằng ấy đã đăng ký dự thi ở cụm thi nào. Chỉ tấm bằng tốt nghiệp của những người đã thi ở cụm thi của trường đại học mới có giá trị xét tuyển vào đại học. Trả lời về sự không công bằng giữa hai thí sinh thi ở hai loại cụm thi khác nhau, lãnh đạo Cục Khảo thí cho rằng điều này cũng chỉ giống như trước đây có những thí sinh có bằng tốt nghiệp nhưng không nộp đơn thi vào đại học mà thôi2. Thực ra thì hai điều này không hoàn toàn giống nhau, nhưng có thể tạm chấp nhận. Tuy nhiên có một điều mà Bộ chưa làm rõ, đó là tấm bằng tốt nghiệp của các em đã thi ở cụm thi của sở sẽ được nhìn nhận ra sao vào những năm sau. Liệu có thể xảy ra tình trạng tấm bằng của những thí sinh đã thi ở cụm thi của địa phương sẽ mãi mãi không bao giờ được công nhận để xét tuyển vào đại học? Và nếu tình trạng này xảy ra, thì có nghĩa là chúng ta đang có hai loại bằng tốt nghiệp khác nhau (mặc dù hoàn toàn giống nhau về hình thức, tên gọi, cùng dựa trên một kỳ thi chung với cùng một bộ đề thi). Những em đã dự thi tốt nghiệp ở cụm thi của sở khi muốn vào đại học ắt hẳn sẽ lại phải thi tốt nghiệp ở cụm thi của một trường đại học để được công nhận. Như vậy, việc dự thi tốt nghiệp ở cụm thi của sở gần như chỉ là một thủ tục để xác nhận việc hoàn tất chương trình trung học phổ thông chứ không có giá trị gì khác. Trong trường hợp đó, Bộ chỉ cần cấp cho học sinh đã học xong chương trình lớp 12 nhưng không có nhu cầu vào đại học một tờ giấy chứng nhận hoàn tất chương trình THPT (có thể phân quyền cho các sở). Ý tưởng này đã được nhiều người nêu ra trước đây, và không phải là không có lý. Khi nào các em có ý định đi học đại học thì lúc ấy các em sẽ đăng ký thi tốt nghiệp sau cũng không muộn. Chẳng cần bắt các em đi thi ngay năm vừa hoàn tất lớp 12 (nhưng chưa có ý định vào đại học) để khỏi tốn kém, và quan trọng hơn là còn tạo ra tình trạng hỗn loạn trong đó cùng một tấm bằng giống nhau lại có thể có giá trị khác nhau. Thời gian tới, Bộ cần có những quyết định dứt khoát về hai loại cụm thi khác nhau, và thông báo đầy đủ và rộng rãi cho mọi người được biết trước khi thực sự triển khai – một thời gian không còn dài nữa.

———

1 http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/198711/dh—noi-khong—voi-thi-sinh-o-cum-thi-so.html

2 http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/198513/bo-lo—boc-suon—so-ho-ky-thi-quoc-gia.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)