Lạm bàn về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Luật Giáo dục (GD) là đạo luật được xã hội đặc biệt quan tâm bởi giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà, mọi giai tầng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, sự hưng thịnh của dân tộc. Ban chuẩn bị Dự thảo luật giáo dục (Dự thảo) đã có nhiều nỗ lực, chuẩn bị công phu cho đạo luật quan trọng này, trong đó thể hiện được tinh thần hội nhập trên cơ sở bám sát thực tiễn đất nước và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của chúng ta trong tương lai; đồng thời sửa chữa một số nhược điểm, hạn chế, tồn tại của luật cũ, bổ sung một số vấn đề mới.

Nền giáo dục của chúng ta cần đạt chất lượng và chuẩn mực quốc tế. Ảnh: Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những trường tiên phong trong việc thúc đẩy nghiên cứu và công bố quốc tế. Nguồn: vnua.edu.vn.

Tuy nhiên, khi đọc Dự thảo, không ít người vẫn còn băn khoăn về tên gọi cũng như quan điểm và tư tưởng chỉ đạo khi tiến hành biên soạn văn bản quan trọng này.

Về tên gọi. Phải chăng tên Dự thảo nên là ‘Luật Giáo dục (sửa đổi)’, hoặc nếu có thể thì nên là ‘Luật Giáo dục năm 2018’. Không nên để tên là dự thảo ‘Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục’, bởi Dự thảo lần này đụng chạm đến hầu hết các Điều của Luật GD 2005 và Luật sửa đổi, sung 2009 (50 Điều). Hơn nữa, đã đến lúc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 2005 một cách toàn diện. Cần rà soát lại tất cả, không phải chỉ 50 điều, để có thể sửa đổi, bổ sung thành một đạo luật đủ mạnh, tạo cơ sở pháp lý đủ tầm cho sự phát triển GD&ĐT của đất nước nói riêng, sự phát triển kinh tế xã hội nói chung trong những thập niên tới. Có như vậy mới thực sự đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế như yêu cầu của Nghị quyết 29 (NQ29 TW8).

Tư tưởng chỉ đạo và quan điểm

Luật phải thể hiện tinh thần và cụ thể hóa được Hiến pháp 2013, nhất là Điều 39 và Điều 61. Ví dụ, Điều 39 nêu ‘công dân có quyền và nghĩa vụ học tập’, muốn vậy luật phải định hướng việc thiết kế nền giáo dục sao cho nhu cầu học là nhu cầu thực và bức thiết hằng ngày như ăn, như thở, khi đó tự khắc mọi công dân sẽ đều có nhu cầu ‘học tập suốt đời’, việc học tập mới không còn tính trang trí hình thức. Bên cạnh đó, để làm được điều đã khẳng định tại Điều 61, ‘phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài’, trước hết phải làm rõ các nội hàm thực sự của ‘quốc sách hàng đầu’ và ‘bồi dưỡng nhân tài’ là những gì.

Luật phải thể hiện được tinh thần các Nghị quyết (NQ) của Đảng về GD&ĐT. Trước hết là NQ 29 TW8, phải cụ thể hóa nội hàm ‘hội nhập quốc tế’ – phải chăng nội hàm ở đây là nền giáo dục của chúng ta hướng tới đạt chất lượng và chuẩn mực quốc tế, để học sinh, sinh viên (HS, SV) của chúng ta có thể trở thành ‘công dân toàn cầu’, đảm bảo tính liên thông với nền giáo dục thế giới, mà trước hết là với các nước trong ASEAN? Luật cũng cần cập nhật thêm những nội dung của Nghị quyết 19 về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập và vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục; hay tương tự như vậy với Nghị quyết Trung ương 6.

Luật cũng phải phù hợp với cam kết quốc tế của nhà nước ta, như WTO, CPTPP, chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc 2030 và các điều ước quốc tế khác; đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong những thập niên tới. Để tăng tính thuyết phục của Dự thảo, cần có một Phụ lục về nền giáo dục quốc tế, nhất là của các nước xung quanh để biết họ đã làm như thế nào, những vấn đề gì Việt Nam có thể vận dụng, những vấn đề nào không, để đất nước có thể theo kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Để thể hiện tính kế thừa cao, mỗi khi thay đổi chính sách cần phải tổng kết chính sách cũ. Chúng ta cần làm rõ về nhu cầu cấp bách chỉnh sửa, bổ sung luật cũ hay thậm chí là xây dựng luật mới, căn cứ trên một báo cáo tổng kết phản ánh đúng với thực tế, trung thực, khách quan về các kết quả đã đạt được cũng như các tồn tại, vướng mắc, hạn chế mà nền GD đang phải đối mặt. Với từng mặt tồn tại, yếu kém của giai đoạn trước (ví dụ, các hạn chế trong hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới, cân đối trong cơ cấu, trình độ, mục tiêu phát triển năng lực cá nhân, sự mất cân đối giữa dạy chữ với dạy người, v.v…) cần chỉ ra giải pháp sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện trong luật mới, được thể hiện cụ thể và thiết thực. Đặc biệt cần làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước, xã hội, người học và gia đình họ để đạt được mục tiêu của GD&ĐT như NQ 29 và Hiến pháp 2013 đã đề ra sau 13 năm thực hiện Luật cũ. Cần khẳng định và nêu bật những cam kết mới, ví dụ phải đạt mục tiêu phổ cập, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm kể từ sau 2020, hay miễn học phí cho giáo dục mầm non tới 5 tuổi trước 2020 v.v…

Luật GD nên được coi là luật gốc, là nền tảng, là cơ sở, để từ đó xây dựng các luật về mầm non, luật về phổ thông, luật về đại học, luật về giáo dục nghề nghiệp, luật nhà giáo, v.v…. hình thành Bộ Luật về GD trong tương lai. Đồng thời, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và các Luật khác trong hệ thống pháp luật của chúng ta, như Bộ Luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Bình đẳng giới, Luật Giáo dục nghề nghiệp, v.v… Ví dụ, Luật Lao động qui định các chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng các nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho người lao động của mình, điều đó cũng phải được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục lần này.

Luật Giáo dục cần được viết để xã hội thấy chúng ta đặt việc giáo dục cao hơn việc học, nhất là ở bậc phổ thông, có như thế mới đảm bảo ‘thày ra thày trò ra trò; trường ra trường lớp ra lớp’. Các ‘chủ thể’ của nền giáo dục và mối quan hệ giữa họ với nhau cần được làm rõ. Ví dụ trong quan hệ giữa người học, phụ huynh, nhà giáo, nhà trường, hiện nay không có quy định nào về việc cha mẹ phải có nghĩa vụ tôn trọng nhà giáo.

Cần phân biệt Luật Giáo dục với Luật về các cấp học, bậc học. Cụ thể, việc giáo dục phổ thông, đặc biệt là giáo dục đầu đời (từ 1 đến 3 tuổi là nhà trẻ, 3 đến 6 tuổi là mẫu giáo, và 5 năm tiểu học) có vai trò quan trọng nhất để hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực của con người, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa nhà trường và gia đình. Giáo dục phổ thông chính là để giúp cho đất nước trong tương lai có được những con người yêu nước, tự trọng, trung thực, quí trọng đồng loại và yêu quí thiên nhiên, mang văn hóa và tâm hồn Việt; đồng thời có những phẩm chất sáng tạo, tự chủ, tự tin, độc lập và có bản lĩnh. Với GD đại học thì mục tiêu đặt ra lại khác, đó là: đào tạo cho đại chúng phải đảm bảo người học nào cũng có một ‘nghề’ để kiếm sống; bên cạnh đó đào tạo ra những chuyên gia, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý giỏi về chuyên môn, vững về kiến thức nhân văn – xã hội, có tinh thần dấn thân và tư tưởng đổi mới – những cái gốc của sự sáng tạo, theo tinh thần của giáo dục khai phóng, với quan điểm đào tạo đại học là quốc tế hóa càng sớm càng tốt, càng sâu rộng càng tốt, nhằm sớm nhất có những chuyên gia, các nhà khoa học đầu đàn, các nhà quản lý tài ba, tiệm cận nhanh chóng với các chuẩn mực quốc tế về chuyên môn và ngoại ngữ, để đất nước sớm có thể xuất khẩu chuyên gia chứ không chỉ xuất khẩu lao động.

Đặt việc giáo dục cao hơn việc học còn thể hiện ở đánh giá HS, SV không chỉ qua các kỳ thi và điểm số môn học, mà còn qua các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng… trong quá trình học của các em. Cũng không nên bó hẹp thời gian học trong trong ĐH một cách cứng nhắc, nên cho phép SV đang học có thể nghỉ đi làm, đi khởi nghiệp, vài ba năm lại trở về học tiếp. Nên có những quy định cụ thể về việc cho phép HS phổ thông học sớm hoặc muộn 1-2 tuổi, HS học xuất sắc có thể học vượt cấp v.v.

Các khái niệm, các thuật ngữ trong luật cần được làm rõ để ai đọc cũng hiểu. Ví dụ, thế nào là hệ thống giáo dục mở (đặc trưng, phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở), và liên thông (quy trình cách thức quản lý trong liên thông và phân luồng các cấp học); giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; giáo dục trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), v.v… – phải chăng cái gì ngược với chính quy thì được coi là không chính quy, ngược lại với thường xuyên là không thường xuyên, và liệu giáo dục thường xuyên khác và giống gì với giáo dục suốt đời của các nước?

***
Luật giáo dục là một luật lớn, liên quan đến các thành phần xã hội, nên cần xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội nhiều lần, kể cả các em HS, SV, trên tinh thần thực sự cầu thị, thực chất, tránh hình thức, làm cho có, cho đủ thủ tục; cần công khai các ý kiến đóng góp, làm rõ cái gì tiếp thu, cái gì chưa hoặc không tiếp thu. Tránh tình trạng ai góp ý cứ góp ý, còn ban soạn thảo cứ biên soạn theo chủ quan của mình, hoặc chỉ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo các bộ ban ngành của Trung ương, hoặc những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội.

Về Mục tiêu giáo dục, đã được nêu: “nhằm phát triển toàn diện con người, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của họ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế; nghĩa là chúng ta hướng đến mục tiêu xây dựng nền GD Việt Nam dân tộc, tiên tiến, hiện đại”, cũng cần phải cụ thể hóa cho các cấp học, ví dụ như học sinh tốt nghiệp tiểu học có thể làm được những việc gì, tương tự với các bậc THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, v.v… thành một hệ thống chuẩn các năng lực, kĩ năng, phẩm chất từ dưới lên trên. Quy định về đầu tư cho giáo dục cần có định hướng sau này mở rộng thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa để cùng với ngân sách nhà nước phát triển giáo dục, vì vậy cần có quy định về các thủ tục để chuyển đổi các hình thức sở hữu. Vấn đề hệ thống cơ sở giáo dục: cần phải xác định rõ hơn, mạch lạc hơn với các loại hình nhà trường, chuyển đổi các loại hình nhà trường theo quy định mới như thế nào. Ví dụ, trong Dự thảo sửa đổi chúng ta chia ra hai loại trường, công lập và ngoài công lập, ngoài công lập lại chia ra bốn loại trường; các loại trường này có cơ chế tài chính khác nhau. Vì thế, dự thảo cũng cần làm rõ, phải có quy định cụ thể. Trách nhiệm của nhà trường đó với sản phẩm đào tạo ra cũng cần được làm rõ. Quản lý giá dịch vụ giáo dục: và theo cơ chế giá hiện nay các loại trường thu học phí rất khác nhau; vậy ở các cấp học khác nhau, loại hình trường khác nhau, vùng miền khác nhau…nhà nước có quy định giá không, và nhà nước quản lý như thế nào?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)