Lòng nhân ái và cơ sở tự lập

Tư duy giáo dục của chúng ta cần được cải tổ bắt đầu từ câu hỏi: Chú trọng giáo dục nhân phẩm như thế nào?

Giáo dục về nhân phẩm là nội dung chiếm một phần nhỏ trong chương trình giáo dục các cấp trong nước hiện nay. Ở các cấp phổ thông, giáo dục nhân phẩm được đưa vào các lớp dạy môn giáo dục công dân, còn ở cấp đại học thì được bổ sung thêm trong các lớp dạy về triết học và ý thức công dân. Cách thức giáo dục tách biệt như vậy quá khô khan, nặng về lý thuyết, thiếu sức sống, và thực tế đã cho thấy nó không giúp cải thiện đáng kể những hiện tượng suy thoái đạo đức xã hội.

Giáo dục về nhân phẩm không thể là một nội dung tách biệt hoàn toàn. Nó phải là một phần trong hầu hết mọi nội dung giáo dục khác, kể cả giáo dục phục vụ ngành nghề. Bởi vì con người không thể được coi đơn thuần là một công cụ thực hiện các chức năng do xã hội phân công. Trong mọi nội dung hoạt động mà con người tham gia, yếu tố nhân phẩm luôn nổi bật lên đầu tiên, dù là ngầm mặc định hay công khai, thường thể hiện trên hai phạm trù: đạo đức và văn hóa. Trong chính trị có đạo đức và văn hóa chính trị, trong khoa học có đạo đức khoa học và văn hóa khoa học, và trong từng ngành nghề, giáo dục về đạo đức và văn hóa nghề. Với mỗi lĩnh vực, đạo đức và văn hóa đều có thể được coi là nội dung giáo dục quan trọng hàng đầu. Nhưng khái niệm đạo đức và văn hóa còn khá chung chung trong giáo dục ở các cấp học của ta hiện nay, chưa giúp học sinh/sinh viên nắm bắt được giá trị cốt lõi của phạm trù nhân phẩm, đó là giúp con người định vị bản thân mình trong thế giới. Để nắm bắt rõ hơn điều này, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa mà có thể nhìn lại trong tinh thần của chữ Lễ của nền giáo dục Nho giáo.

Lễ trong Nho giáo

Khổng Tử nói, “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, nghĩa là không để cái tôi chi phối, hành xử theo Lễ vì lòng nhân ái. Hay nói theo cách khác là bước ra ngoài cái tôi nhỏ hẹp, quan tâm tới con người và thế giới, liên tục khám phá và cầu tiến để tìm hành xử hài hòa.

Lễ có thể hiểu là những hành xử mạch lạc, đạt tới sự hài hòa với nội tâm cũng như ngoại cảnh. Khi ứng xử không hài hòa, cá thể sẽ không tránh khỏi bị chông chênh, như Khổng Tử nói “bất học lễ, vô dĩ lập”, nghĩa là người ta không học lễ thì không biết mình đứng ở đâu.

Nhưng để biết mình đứng ở đâu thì phải biết tới gốc rễ, điểm tựa rốt ráo đằng sau mọi hành xử. Gốc rễ đó là tình yêu thương con người. Lễ không phải là biểu thị hình thức bề ngoài một cách cứng nhắc. Khổng Tử nói, “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, nghĩa là không để cái tôi chi phối, hành xử theo Lễ vì lòng nhân ái, hay nói cách khác là bước ra ngoài cái tôi nhỏ hẹp, quan tâm tới con người và thế giới, liên tục khám phá và cầu tiến để tìm hành xử hài hòa.

Lòng nhân ái với con người ở đây không phải là thứ tình cảm mơ hồ, mà phải được thể hiện qua những tương tác cụ thể, khởi đầu với chính những người xung quanh mình: ở trong nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài kính nhường người hơn tuổi, thận trọng giữ chữ tín, yêu thương mọi người và thân cận [học hỏi] người nhân đức (“Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc để, cẩn nhi tín, ái chúng nhi thân nhân).

Sự thực hành lòng nhân ái một cách cơ bản với những con người và môi trường xung quanh cụ thể như vậy có tác dụng tích cực giúp chúng ta nhận thức và định vị được bản thân mình một cách khách quan (có kiểm chứng qua thực tế), khiến chúng ta tôn trọng bản thân mình và thế giới, và từ đó có cơ sở lành mạnh vững chắc để tiếp tục phát triển sự học hỏi để biết trân trọng những giá trị phong phú và tinh tế khác – thực hành [lòng nhân ái] mà còn dư sức thì có thể học văn (“hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”). Và đó chính là nền tảng để con người ngày càng hoàn thiện sự hài hòa trong mọi hành xử, ở mọi hoàn cảnh và mọi lĩnh vực.   

Có thể nói rằng tuy Nho giáo là một hệ thống giáo dục ít nhiều bị phê phán vì sự bảo thủ cứng nhắc, nhưng những nguyên tắc giáo dục trên đây là khá hiện đại và linh hoạt, giúp người học liên tục tự giáo dục và chủ động tự làm mới mình trong suốt đường đời, phù hợp với mọi lĩnh vực và hoàn cảnh sống mà họ phải thích nghi.

Hệ quả của tư duy giáo dục thời bao cấp

Giáo dục thời bao cấp là một quá trình trang bị cho mỗi cá nhân một số chức năng nhất định, và khi quá trình này hoàn tất thì người học được phân công công tác theo nhu cầu của hệ thống xã hội. Thoạt nghe thì có vẻ phương thức này đem lại sự tồn tại hài hòa giữa cá thể và hệ thống xã hội, nhưng trong thực tế nó rất trái với quy luật phát triển trong thế giới tự nhiên, nơi tất cả mọi cá thể đều phải nỗ lực để học cách định vị bản thân mình và không ai – cá nhân hoặc tổ chức – có quyền hay đủ năng lực để làm thay họ điều này.

Nền quản lý kiểu bao cấp ngày nay đã hầu như không còn, nhưng tư duy từ nền giáo dục của nó còn kéo dài đến nay ở nước ta. Người học thụ động tiếp thu kiến thức từ bên ngoài rót vào thay vì do mình chủ động tự xây dựng lấy. Họ làm những bài tập mà người thầy giao xuống như những người làm thuê, và không ý thức được rằng chỉ khi tri thức được hấp thụ nhằm phục vụ cho quá trình tự định vị bản thân thì tri thức ấy mới thực sự có sức sống lâu bền và trở thành tài sản đích thực của họ.   

Hệ quả của một nền giáo dục theo tư duy bao cấp là rất nhiều những học sinh và sinh viên bị mất định hướng, không xác định được mình đang ở đâu trong thế giới, và không hình dung được những sức ép khi phải tự lập khởi nghiệp. Họ được học bách nghệ, thậm chí được đào luyện chuyên sâu và trở thành gà chọi, nhưng tri thức chưa bao giờ thực sự là của họ, và sau một thời gian sẽ bị lãng quên bay biến. Thậm chí không ít người có xu hướng ngộ nhận về thế giới, cho rằng mọi giá trị đều đã được hệ thống định hình, tối ưu hóa, không cần thiết phải nghi ngờ, phải đặt câu hỏi để xây dựng lại những chân lý và hệ thống xã hội một cách toàn diện từ đầu. Từ đó, họ trở thành kẻ lệ thuộc vào sự sắp xếp của hệ thống, hoặc dễ buồn chán chỉ nghĩ nhiều cho cái tôi. Điều đó lý giải tại sao nhiều thanh niên trẻ ngày nay được tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ qua internet, được tiếp xúc với cái hay cái đẹp qua nhiều loại phương tiện nghe nhìn, nhưng họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc, thậm chí hiện tượng trầm cảm còn phổ biến hơn.

Nhưng vấn đề gây hệ lụy lớn nhất trong hệ thống giáo dục theo tư duy bao cấp là người học được đào tạo các chức năng để sau này phục vụ xã hội và được tiếp thu những bài giảng đạo lý khô khan, song hệ thống giáo dục ấy lại không thúc đẩy việc thực hành lòng nhân ái một cách liên tục, thiết thực và cụ thể. Lòng nhân ái của họ không được cọ xát và phát huy, không chịu những sức ép cần thiết để trưởng thành, nuôi lớn những niềm đam mê và ý chí.

Chú trọng trật tự xã hội hay giá trị con người cá thể

Quá trình giáo dục đề cao tính tương tác đó hợp với tự nhiên, làm sớm bộc lộ và phát huy những giá trị tinh túy tốt đẹp bên trong con người, tạo ra sản phẩm là những con người đĩnh đạc đường hoàng, tự chủ và không quên ý thức về giá trị nhân phẩm của mình.

Giữa giáo dục Nho giáo và nền giáo dục theo tư duy bao cấp có nhược điểm chung, đó là sự gò ép con người cá nhân, buộc con người chấp hành theo tập thể và trật tự của hệ thống. Bản thân điều này cũng có ưu điểm là duy trì tính cân bằng trong gia đình và xã hội, cho phép các cá thể hòa thuận với nhau, đặc biệt là đối với một nền kinh tế dư dả đủ để đảm bảo chất lượng đời sống cho số đông (ví dụ như mô hình xã hội Nhật Bản). Nhưng một cộng đồng xã hội như vậy cũng dễ có xu hướng giảm năng lực sáng tạo, khó có phát triển đột phá.

So sánh giữa tư duy giáo dục Nho giáo với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới mà hiện nay đang tập trung tại các nước phương Tây, chúng ta thấy nền giáo dục ở các nước này vẫn bảo tồn được những mục tiêu cốt lõi cao đẹp tương tự như của Nho giáo – tính nhân ái và tinh thần tự lập, chủ động gánh vác các trách nhiệm, liên tục cầu tiến – mà không cần gò ép con người vào các khuôn khổ, đồng thời thúc đẩy tương tác giữa con người với nhau một cách lành mạnh. Trẻ em được khẳng định mình, học cách tự chủ tương tác trong mọi mối quan hệ xã hội từ rất sớm, trên tinh thần yêu thương và tôn trọng người khác, đối với từng cá nhân cụ thể và không phân biệt hoặc bỏ sót ai. Quá trình giáo dục đề cao tính tương tác đó hợp với tự nhiên, làm sớm bộc lộ và phát huy những giá trị tinh túy tốt đẹp bên trong con người, tạo ra sản phẩm là những con người đĩnh đạc đường hoàng, tự chủ và không quên ý thức về giá trị nhân phẩm của mình.

Bên cạnh đó, ngay từ phổ thông trung học các học sinh ở các nước phát triển đã được học về kinh tế và tài chính, những điều sẽ giúp họ có những nhận thức cụ thể thiết thực về thế giới bên ngoài và sự cần thiết của việc tự lập xây dựng một kế hoạch cho tương lai. Tâm lý được chuẩn bị vững vàng này cũng đem lại những giá trị gia tăng tích cực cho việc định hình và hoàn thiện nhân cách của con người.

Tất nhiên, để đạt được kết quả tiến bộ như vậy là sau cả một quá trình phát triển song hành tương hỗ của xã hội và giáo dục. Vì vậy, với nền giáo dục Việt Nam, chúng ta sẽ phải xác định xã hội mình đang ở chặng đường phát triển nào – có cần quá chú trọng tới sự ổn định, hay trật tự ổn định ấy liệu có gây trì trệ và kìm hãm phát triển hay không – từ đó đưa ra lựa chọn cho một tư tưởng trong giáo dục: đề cao trật tự xã hội hay con người cá thể.

Nhưng dù thế nào, điều trước mắt mà nền giáo dục của chúng ta cần phải làm là thoát khỏi tư duy cô lập giáo dục nhân phẩm khỏi các lĩnh vực khác, thúc đẩy việc thực hành lòng nhân ái và tôn trọng con người ngay từ cấp giáo dục tiểu học, tạo một nền tảng cơ bản để con người sớm tự lập và liên tục tự làm mới sự học, tự định vị lại bản thân mình.

Tác giả