Lựa chọn cuối cùng của học sinh tốt nghiệp THCS 

Dù có sự điều hướng của nhà nước và nhà trường, tỷ lệ phụ huynh và học sinh chọn học nghề vẫn không cao. Dường như học nghề được xem như lựa chọn cuối cùng, khi các lựa chọn khác đều không khả thi.

Doanh nghiệp thường có công nghệ và máy móc hiện đại hơn so với các cơ sở đào tạo tới 20 – 30 năm. Ảnh: Nam Long Nguyen/ Shutterstock.

Chuột chạy cùng sào mới vào… trường nghề

Cuối cấp Trung học cơ sở là thời điểm căng thẳng bởi các trường phổ thông trung học công lập sẽ không đủ chỗ cho ít nhất 30% các em muốn học lên cao hơn ở Hà Nội và TP.HCM.  Trong tương lai, cuộc cạnh tranh này sẽ còn khốc liệt hơn khi dân số cả nước và ở các thành phố lớn ngày càng tăng nhưng số lượng các trường công lập sẽ không tăng và có thể còn ít đi so với lượng học sinh tăng lên, do chủ trương xã hội hóa giáo dục. Dự báo đến năm 2027, số học sinh không thể vào các trường THPT công lập sẽ tăng từ 50.000 lên 100.000 em. Vậy nếu không thi đỗ cấp 3, các em sẽ đi đâu? 

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cho các em đáp án. Các em sẽ có ba lựa chọn: (1) Học trung học phổ thông bổ túc văn hóa (2) Sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và (3) Mô hình 9+. Trong đó, mô hình 9+ là mô hình cho phép học sinh học song song hai chương trình bổ túc văn hóa trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung cấp nghề tại các trường trung cấp và cao đẳng nghề. Sau ba năm học, học sinh sẽ vừa có bằng THPT do sở giáo dục cấp và bằng trung cấp nghề do cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp, và do vậy đủ điều kiện để tham dự kì thi đại học. Đó còn chưa kể, đề án dường như “đang mở cửa” gọi các em khi đặt mục tiêu ít nhất khoảng 30% học sinh sẽ được hướng nghiệp và phân luồng vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thậm chí, hòa chung vào “không khí phân luồng này”, nhiều trường cấp hai cũng “thúc ép” một tỉ lệ nhất định học sinh của mình vào các cơ sở giáo dục nghề. 

Tuy nhiên, thực tế thường khác xa so với dự đoán. Dù có sự điều hướng của nhà nước và nhà trường, tỷ lệ phụ huynh và học sinh chọn học nghề vẫn không cao. Dường như học nghề được xem như lựa chọn cuối cùng, khi các lựa chọn khác đều không khả thi. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT thường đạt đủ, thậm chí quá tải, trong khi các trường nghề lại rơi vào tình trạng vắng vẻ. Mục tiêu hàng đầu của các gia đình vẫn là tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Khảo sát nhanh của tôi tại năm cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy, mặc dù học nghề là lựa chọn khó khăn nhất, nhưng các em vẫn ưu tiên theo chương trình 9+, với rất ít học sinh tốt nghiệp lớp 9 chọn chỉ học nghề mà không tham gia vào chương trình giáo dục thường xuyên.

Mặc dù học nghề là lựa chọn khó khăn nhất, nhưng các em vẫn ưu tiên theo chương trình 9+, với rất ít học sinh tốt nghiệp lớp 9 chọn chỉ học nghề mà không tham gia vào chương trình giáo dục thường xuyên.

Dĩ nhiên, sự lựa chọn của các em một phần xuất phát từ định kiến của gia đình và xã hội. Người Việt, chịu ảnh hưởng của triết học Khổng Tử, thường coi trọng học vấn. Phụ huynh, nhất là khi không nắm bắt được thông tin về các cơ hội việc làm mới trong một xã hội có sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, thường mặc định rằng học nghề không mang lại cơ hội việc làm tốt như học cấp 3 hay đại học. Học nghề thường bị xem là một “thất bại”, và thực tế cho thấy ít người xuất thân từ hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thể được tuyển dụng vào các vị trí quản lý hay lãnh đạo trong các cơ quan công quyền trong 10-20 năm qua, nếu họ không có các bằng cấp do Bộ GD quản lý. Hơn nữa, đặc biệt tại các thành phố lớn, tâm lý của lứa tuổi và tính thụ động của học sinh cũng là một vấn đề. Các em và gia đình đã quen với phương pháp học tại trường phổ thông, vốn chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, ít chú trọng đến hoạt động nhóm và kỹ năng mềm. Điều này dẫn đến hạn chế trong sự phát triển cá nhân của học sinh, đặc biệt khi sĩ số lớp học đông. Trong khi đó, GDNN lại tập trung vào việc phát triển kỹ năng cụ thể gắn với thực tế, đòi hỏi các em phải chủ động và bươn chải hơn, điều này hoàn toàn khác biệt so với những năm tháng học phổ thông, khiến phụ huynh và học sinh cảm thấy e ngại. 

Tuy nhiên, những định kiến này không hoàn toàn vô căn cứ, vì nhiều lo ngại của phụ huynh có cơ sở thực tế. Trong nhiều khảo sát và nghiên cứu của tôi, phụ huynh thể hiện một số thiện cảm với các bài học thực hành, coi đây là một kênh phát triển kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, quan điểm chung của họ vẫn là tiêu cực đối với giáo dục nghề nghiệp. Một nghiên cứu về nhận thức của cha mẹ về GDNN cho thấy phụ huynh nghi ngờ chất lượng đầu vào của hệ thống GDNN, cho rằng kỹ năng giảng dạy thực hành của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và cơ sở vật chất còn nghèo nàn.

Nghi ngờ này đã được xác nhận bởi một loạt báo cáo từ các tổ chức quốc tế nghiên cứu về GDNN tại Việt Nam, bao gồm cả Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu giáo dục EduCluster từ Đại học Jyväskylä, Phần Lan, năm 2023, cơ sở vật chất và môi trường học tập tại các trường nghề “chưa thực sự tốt”, và giáo viên “có ít hoặc không có kinh nghiệm thực tế trong ngành công nghiệp hoặc kỹ thuật”.

Học sinh học nghề vẫn bị “phân biệt đối xử” trong hệ thống giáo dục. Nguồn ảnh: Fanpage Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”.

Trong dự án “Skill for Industry” (Kỹ năng cho nền công nghiệp) do cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ tài trợ, tôi đã phỏng vấn các công ty sản xuất tại Việt Nam. Nhiều công ty – những người tiếp nhận học viên từ trường nghề – cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng đào tạo. Họ cho rằng: “Điều quan trọng nhất là hầu hết giáo viên chưa từng tạo ra sản phẩm nào đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Vậy làm sao họ có thể tự tin dạy sinh viên về những sản phẩm đó?” Mặc dù theo Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định rằng giáo viên phải thực tập tại doanh nghiệp trong hai tuần mỗi năm, nhưng thời gian này có quá ít và tính chất thực tập có thực sự hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp thường có công nghệ và máy móc hiện đại hơn so với các cơ sở đào tạo, liệu kiến thức và kỹ năng mà giáo viên học được có thể áp dụng vào giảng dạy hay không? Cơ sở vật chất của các trường nghề cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Một số doanh nghiệp thẳng thắn cho biết: “Công nghệ và máy móc ở trường đã tụt hậu so với công ty chúng tôi từ 20-30 năm.”

Với những điều kiện như vậy, việc đảm bảo chất lượng đầu ra tốt là rất khó khăn. Mặc dù các trường nghề có quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nhưng khác với chương trình trung học phổ thông, vốn tập trung vào lý thuyết và thống nhất trên toàn quốc, việc xây dựng chương trình đào tạo nghề phức tạp hơn nhiều do tỷ lệ thời gian thực hành lớn và cần phải nghiên cứu độc lập. Chất lượng chương trình phụ thuộc vào mức độ liên kết giữa nhà trường và khối công nghiệp. Tuy nhiên, các trường nghề ở Việt Nam vẫn thường áp dụng cách tiếp cận “nhà trường là trung tâm”, dẫn đến việc xây dựng chương trình chủ yếu do nhà trường tự quyết định, mà mức độ tham gia của doanh nghiệp chưa rõ ràng.

Nhiều doanh nghiệp cho biết các cơ sở đào tạo nghề chỉ coi họ là “nơi để sinh viên thực tập” và ít liên quan đến quá trình lựa chọn sinh viên, thiết kế hay đánh giá chương trình đào tạo. Nếu có sự kết nối, thì đó cũng chủ yếu phụ thuộc vào sự linh hoạt của giáo viên. Ngay cả khi giáo viên thực tập tại doanh nghiệp và tiếp cận công nghệ mới, việc điều chỉnh chương trình để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất tại trường cũng cần thời gian dài. Đến khi chương trình mới được áp dụng, công nghệ mà học sinh học có thể đã lạc hậu vài năm. Một khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy chỉ khoảng 30% chương trình được điều chỉnh định kỳ để phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, dẫn đến việc sinh viên học những kỹ năng không còn phù hợp, ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của họ.

Nguyên tắc thiết kế nội dung giảng dạy trong giáo dục nghề nghiệp yêu cầu rằng thời gian thực hành chiếm từ 65-70% tổng thời gian khóa học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều sinh viên cho biết họ dành đến 60% thời gian cho lý thuyết mà không có cơ hội thực hành. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng kiến thức vào thực tế. Theo khảo sát trong chương trình “Skill for Industry”, có một nghịch lý: sau khi thực tập tại các cơ sở sản xuất, sinh viên thường được giáo viên và công ty nhận xét là đã hiểu rõ môi trường làm việc thực tế và quy trình vận hành của một dây chuyền cụ thể dưới sự hướng dẫn của cán bộ công ty. Đây là lợi ích lớn nhất từ việc tham gia thực tập sản xuất. Tuy nhiên, nội dung chương trình thực tập do nhà trường thiết kế thường không được ghi rõ. Thông thường, sinh viên thực tập tại cơ sở sản xuất dưới sự điều hành của công ty, trong khi nhà trường chỉ đóng vai trò phối hợp. Điều này đặt ra câu hỏi về việc hình thành kiến thức và kỹ năng của sinh viên. Nhà trường dường như bị động trong quá trình này, dẫn đến sự chênh lệch giữa thiết kế chương trình thực tập và thực tế tại công ty. 

Phụ huynh nghi ngờ chất lượng đầu vào của hệ thống GDNN, cho rằng kỹ năng giảng dạy thực hành của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và cơ sở vật chất còn nghèo nàn.

Nỗi khổ của trường nghề

Bức tranh về giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã có những điểm sáng, như sự hình thành một hệ thống GDNN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trải dài trên 63 tỉnh thành và sự ra đời của Bộ luật GDNN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mảng tối chiếm ưu thế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ tình hình khách quan. Các cơ sở trung cấp nghề đang phải vật lộn để tồn tại trước những hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trong khi vẫn phải cung cấp miễn phí nguồn nhân lực có kỹ năng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, học sinh trung học cơ sở khi theo học nghề không phải đóng học phí, điều này càng làm gia tăng áp lực lên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Theo báo cáo về đào tạo nghề ở Việt Nam, năm 2021 của Cơ quan Phát triển Đức, GIZ, đầu tư ngân sách cho đào tạo nghề ở Việt Nam có xu hướng giảm dần từ năm 2018. Tỉ trọng đầu tư cho GDNN so với tổng đầu tư cho giáo dục giảm từ 8.4% năm 2018 xuống còn 7.4% vào năm 2021. Còn về con số tuyệt đối, số tiền đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp năm 2021 là khoảng 18.5 tỉ đồng, ít hơn năm 2020 khoảng 8.4%. Hiện nay, cả nước có 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm các trung tâm GDNN, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề. Trung bình, mỗi cơ sở sẽ nhận khoảng 10 tỷ VNĐ (18.490 tỷ/1.904). Khoản tiền này bao gồm cả lương cán bộ và giáo viên, cũng như các chi phí khác như điện, nước, điện thoại, v.v. Nếu giả sử muốn mua một máy tiện với công nghệ hiện đại nhất hoặc một ô tô mới cho giáo viên và học sinh thực tập, chắc chắn các cơ sở đào tạo sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư. Lưu ý rằng đây chỉ là cho một nghề, trong khi hầu hết các cơ sở đều đào tạo nhiều nghề khác nhau. Có thể nói, kinh phí này tác động trực tiếp đến cơ sở vật chất phục vụ thực hành của trường và làm giảm thiện cảm của GDNN trong mắt của không chỉ doanh nghiệp, phụ huynh mà cả đội ngũ giáo viên trong trường. 

Các trường có quyền tự chủ trong việc tuyển chọn giáo viên và quyết định hợp tác với các nghệ nhân hay chuyên gia từ các công ty. Tuy nhiên, việc mời những người có kinh nghiệm này tham gia giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Để trở thành giảng viên tại các cơ sở dạy nghề, các nghệ nhân, kỹ sư hoặc kỹ thuật viên giỏi cần phải có chứng chỉ sư phạm, điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến họ không muốn tham gia.

Các trường nghề ở Việt Nam vẫn thường áp dụng cách tiếp cận “nhà trường là trung tâm”, dẫn đến việc xây dựng chương trình chủ yếu do nhà trường tự quyết định, mà mức độ tham gia của doanh nghiệp chưa rõ ràng.

Ngay cả khi họ sẵn lòng dạy, câu hỏi đặt ra là liệu công ty nơi họ làm việc có cho phép họ tham gia giảng dạy hay không. Nếu trường quyết định tuyển dụng họ vào biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn, thì mức lương của họ sẽ được xác định theo khung lương của nhà nước, đặc biệt là đối với các nghệ nhân. Liệu mức lương này có đáp ứng được kỳ vọng của họ về thu nhập và môi trường làm việc hay không cũng là một điều cần cân nhắc. 

Quan trọng hơn cả, học sinh học nghề hiện đang bị “phân biệt đối xử” trong hệ thống giáo dục. Trong khi học sinh tốt nghiệp THPT hay sinh viên đại học thoải mái được lựa chọn học nghề nếu họ muốn có thêm kĩ năng mới thì các em chỉ học nghề sau khi tốt nghiệp lớp 9 rồi xét tuyển vào Đại học sẽ không có lối ra. Chính xác hơn, các em chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiếp tục học nghề. 

Về nguyên tắc, học sinh học trung cấp nghề có thể học tiếp lên cao đẳng nghề (sau khoảng thời gian từ 3-4 năm) và học lên đại học nhưng trên thực tế đó là điều không khả thi. Việc quản lý hệ thống GDNN và cấp các chứng chỉ nghề thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, việc công nhận văn bằng và chứng chỉ để liên thông lên các bậc học cao hơn lại do Bộ Giáo dục quản lý.   

Học nghề và học văn hóa dựa trên hai quan niệm và sứ mệnh khác nhau. Trong khi học nghề là học một kĩ năng cho phép ai ở bất kì xuất phát điểm nào cũng có thể học, có thể học nhiều kĩ năng, có thể học suốt đời để bắt kịp với thời đại công nghệ thay đổi liên tục, thì học văn hóa là học kiến thức nền tảng. Làm thế nào để Bộ Giáo dục có thể có quy định chuyển đổi kĩ năng thành kiến thức? Hiện nay, hầu như không có lối đi tiếp cho những em chỉ học đến trung cấp nghề. Để có cơ hội học đại học, các em buộc phải học lại chương trình phổ thông trung học (PHTH) hoặc hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Đó cũng là lí do hầu hết các em học theo mô hình 9+ và chọn học song bằng, trong khi rất ít em chỉ học nghề.

Nhưng mô hình 9+ chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Cụ thể, học sinh phải học song song tại hai cơ sở giáo dục với địa điểm khác nhau, thời gian eo hẹp và kiến thức dồn dập trong một ngày, gây áp lực lên sức khỏe và tâm lý. 

Con đường tiềm năng 

Học nghề dĩ nhiên là một con đường tiềm năng. Các doanh nghiệp luôn trong tình trạng khan hiếm các ứng viên chứng chỉ nghề. Theo khảo sát của tôi, cũng trong dự án “Skill for Industry”, 85% các công ty cho biết họ gặp “khó khăn” hoặc “rất khó khăn” trong việc tuyển dụng các vị trí vận hành máy (bậc trung cấp) và kỹ thuật viên (bậc cao đẳng). Nó nên là một lựa chọn nếu các em thực lòng muốn theo đuổi. Nhưng có nhất thiết phải định hướng chặt chẽ các em tốt nghiệp Trung học cơ sở hiện nay vào con đường học nghề? Hay có thể đợi đến thời điểm sau tốt nghiệp THPT? 

Có nên áp đặt các em học sinh ở lứa tuổi 15-16 – khi kiến thức văn hóa vẫn còn mỏng và vẫn còn quá sớm để quyết định một ngành nghề mình theo đuổi suốt đời – vào môi trường trung cấp nghề, nơi vẫn còn đang chật vật trong những bài toán không lời giải về chất lượng? Có ý kiến cho rằng, kể cả khi các em học nghề mà không có nền tảng sâu dày về văn hóa thì cũng chỉ có thể làm lao động giản đơn, không dễ đáp ứng với yêu cầu của sự thay đổi trong công việc và nền kinh tế đang ngày càng mở rộng quy mô của Việt Nam. Thực tế, cũng theo báo cáo của EduCluster chỉ có 26% lực lượng lao động của Việt Nam là những người có chứng chỉ nghề và tỉ lệ những người chỉ có bằng trung cấp nghề trong số đó còn ít hơn nữa. 

Không có nhiều mô hình học nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS trên thế giới. Chương trình đào tạo nghề cho các em ở lứa tuổi này cần phải được thiết kế một cách đặc biệt. Mô hình thành công nhất là mô hình KOSEN của Nhật Bản. KOSEN ra đời để đào tạo ra những kĩ sư thực hành xuất sắc – phục vụ nguồn nhân lực cho khối công nghiệp của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ vào những năm 60. Cũng giống như hệ thống trung cấp nghề của Việt Nam, hệ thống KOSEN cũng rải khắp các tỉnh thành của Nhật Bản, được đầu tư hoàn toàn bởi nhà nước. Nhưng chương trình đào tạo của KOSEN rất nghiêm ngặt bao gồm cả học văn hóa và thực hành, kéo dài năm năm với chất lượng được các doanh nghiệp đánh giá rất cao và săn đón tuyển người. Khoảng 10% kĩ sư của Nhật Bản đến từ hệ thống KOSEN này. 

Nhưng học sinh học tại KOSEN không bắt buộc phải chọn nghề gắn bó suốt đời từ tuổi 15. Sau khi học ba năm, các em có thể thi đại học nếu không cảm thấy phù hợp (Đã có những người từ KOSEN trúng tuyển vào những đại học danh giá nhất Nhật Bản). Các kiến thức “nghề” của ba năm đầu không nhằm mục đích ngay lập tức biến các em thành “kĩ sư lành nghề” mà chỉ cung cấp cho các em những hiểu biết cơ bản về quá trình và dây chuyền sản xuất. Mặc dù chương trình đào tạo của KOSEN nghiêm ngặt bao gồm cả nền tảng văn hóa lẫn thực hành, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng, nó không nặng hơn so với chương trình phổ thông và luyện thi đại học của các học sinh ở bên ngoài. Bản thân yêu cầu với giáo viên ở KOSEN cũng cao hơn nơi khác, 80% đội ngũ ở đây có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực họ nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, phần lớn các chương trình ở KOSEN được kiểm định nước ngoài. 

Điều quan trọng nhất, nhà nước không “điều hướng” học sinh vào KOSEN và không phải học sinh nào cũng có thể vào hệ thống này. Chỉ có chưa đến 1% học sinh trung học cơ sở được vào KOSEN và phải trải qua một kì thi tuyển chọn gắt gao. Nếu Việt Nam muốn tiếp tục mô hình 9+, có thể tham khảo mô hình KOSEN. Và, thay vì điều hướng các em không đỗ THPT hiện nay vào học nghề, có thể thay thế mô hình KOSEN bằng các trường THPT Chuyên ở các tỉnh. Thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết, chúng ta nên chú trọng phát triển kỹ năng thực hành cho học sinh ngay từ sớm.□ 

Tác giả

(Visited 310 times, 1 visits today)