Mơ giữa ban ngày ?

Mùa tuyển sinh 2011-2012 có thể nói là một mùa “thất bát” của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL).

“Nguy cơ tan rã”, “khủng hoảng”, “sống lay lắt ”, đó là những cụm từ rất buồn mà ta có thể bắt gặp trong những tựa báo viết về các trường NCL gần đây. Nhưng các trường NCL chắc chắn còn buồn hơn khi đọc những lời lẽ phê phán đầy thành kiến hoặc chế giễu, mỉa mai như: “dở khóc dở cười”, “ngồi trên lửa”, “đứng ngồi không yên”, “loạn giấy báo nhập học”, “tung chiêu lôi kéo sinh viên”, “tung tiền mua sinh viên”, “bất chấp luật lệ”,  “nhắm mắt làm sai quy chế”, và nhiều lời nặng nề khác nữa.

Những lời phán quyết chụp lên đầu toàn bộ khối trường NCL mà chẳng có mấy chứng cứ. Ừ, thì có một trường nào đó đã tặng số tiền 500,000 cho mỗi sinh viên đến nộp hồ sơ để hỗ trợ chi phí ban đầu khi nhập học. Rồi một vài trường khác hứa cấp học bổng cho những sinh viên nào có điểm đậu cao hơn điểm sàn nộp hồ sơ vào trường vv. Quả có chút hơi hướng thị trường và cạnh tranh, nhưng những việc này có gây hại cho ai?

Những việc tương tự như trên từ nhiều năm nay vẫn thường xảy ra ngay tại Việt Nam trong các “hội chợ giáo dục” (Education Fair) quốc tế. Tại những “hội chợ” như vậy, người tham dự có thể có những phần thưởng nho nhỏ – chẳng hạn, được miễn phí nhập học (admission fee) các trường nước ngoài, được cấp học bổng bán phần, hay được một món quà kỷ niệm. Về bản chất, những hội chợ này cũng chỉ là những chiến dịch tiếp thị tuyển sinh của các trường đại học nước ngoài tại Việt Nam mà thôi, nhưng hoàn toàn không bị báo chí “ném đá” như các trường NCL của Việt Nam.

Trong tình hình tuyển sinh bi đát và sự kỳ thị của dư luận như hiện nay, nguy cơ đóng cửa một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Nhưng có vẻ như dư luận, và cả Bộ Giáo dục nữa, hoàn toàn dửng dưng trước tình cảnh nói trên. Thậm chí, thỉnh thoảng ta còn thấy bộc lộ ra ở đâu đó một sự hài lòng nữa. Chất lượng kém thì đóng cửa là đáng rồi. Làm giáo dục mà chỉ chăm chăm vào lợi nhuận thôi, thì chất lượng ở đâu ra?
Sự khe khắt nói trên chắc cũng không bất ngờ đối với các nhà đầu tư. Hơn ai hết, họ luôn hiểu rằng sự giám sát của dư luận, và sự cạnh tranh của thị trường, bao giờ cũng nghiệt ngã. Và mỗi người chúng ta với tư cách là “người tiêu dùng giáo dục” chắc chắn sẽ không bao giờ nhân nhượng với cách làm giáo dục chỉ vì lợi nhuận, bất chấp những tác hại cho xã hội. Nhưng để cho công bằng, cũng cần đặt câu hỏi rằng những kết luận của báo chí về các trường ngoài công lập (NCL) có phải là kết quả của những cuộc điều tra chính thức với số liệu đáng tin cậy về chất lượng đầu ra của sinh viên hay không, hay chỉ phản ảnh thành kiến cố hữu của những người đã quen với tình trạng bao cấp và độc quyền về giáo dục của Nhà nước?

Để trả lời, chúng ta hãy tự hỏi, liệu khối trường NCL có thể tồn tại đến ngày nay không nếu quả thật chúng đều có chất lượng thấp lè tè mà học phí thì cao ngất ngưởng (vì sinh viên các trường công lập đã được Nhà nước hỗ trợ học phí đến 70%), ra trường thì không kiếm được việc làm tử tế? Có lẽ không ai dại dột đến mức bỏ ra vài chục triệu một năm trong suốt 4, 5 năm trời để cố lấy được một mảnh bằng mà giá trị không hơn một tờ giấy lộn như thế.

Nhưng cứ thử giả định rằng tất cả các trường NCL đều tệ hại, và trước sau gì “bong bóng đại học NCL” cũng sẽ bị vỡ. Ai sẽ được lợi, và ai bị thiệt hại khi điều ấy xảy ra?

Người bị thiệt trước hết là Nhà nước. Khi các trường NCL phá sản, thì chủ trương “xã hội hóa giáo dục” – một chủ trương đúng đắn, phản ánh đúng xu thế phát triển đại học trên thế giới ngày nay – cũng đồng thời bị phá sản.

Người học và gia đình, và xa hơn nữa là toàn xã hội, cũng sẽ bị thiệt hại. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh hiểu rất rõ đầu tư cho việc học của con cái là đầu tư cho tương lai – “đi học để thoát nghèo” là suy nghĩ thông thường của rất nhiều người dân Việt Nam. Nhưng không có trường NCL, tức sự lựa chọn ít đi, thì cơ hội đầu tư cho tương lai của người dân cũng trở nên hạn chế. Lúc ấy toàn xã hội cũng thiệt hại, vì không có đủ nhân lực có trình độ để phát triển kinh tế.

Có vẻ như người được lợi chính là các trường ĐH, CĐ công lập, vì không còn bị cạnh tranh. Nhu cầu học đại học ở VN hiện đang rất lớn và sẽ còn tiếp tục tăng, vì đó là xu thế chung của nền kinh tế tri thức toàn cầu. Khi không còn lựa chọn nào khác, thì người học sẽ phải dồn vào trường công, bất kể chất lượng ra sao. Mặt khác, vì không đủ chỗ học cho mọi người, nên nếu không vào được hệ chính quy thì người học sẽ phải chấp nhận vào hệ phi chính quy, tất nhiên với mức học phí cao hơn. “Nồi cơm” của các trường đại học công lập có thể sẽ nở ra thêm một chút.

Nhưng về lâu dài, chính các trường công lập của Việt Nam cũng sẽ bị thiệt hại. Khi không còn cạnh tranh, các trường sẽ không còn động lực để cải tiến, chất lượng đương nhiên sẽ đi xuống. Người học vì không hài lòng với “dịch vụ giáo dục” kém chất lượng mà họ được cung cấp tại các trường công lập của Việt Nam sẽ có những lựa chọn khác. Rất hiển nhiên, nếu có đủ tiền, nhiều người sẽ chọn tham gia các chương trình đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam, hoặc “xuất dương” du học.

Thử nhìn sự thành công của RMIT Việt Nam, một trường có 100% vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, với mức học phí trên 150 triệu/năm. Ở Úc, RMIT chỉ là một trường “thường thường bậc trung”. RMIT Việt Nam – hoạt động hoàn toàn độc lập với “thương hiệu mẹ” ở Úc – có lẽ cùng lắm chỉ có chất lượng gần bằng trường gốc. Nhưng ở Việt Nam, RMIT được xem là một ngôi sao sáng chói. Sự thành công này có liên quan gì với việc RMIT được hưởng đầy đủ mọi sự tự chủ đối với Bộ Giáo dục, đặc biệt là trong việc tuyển sinh, và cũng hoàn toàn thoát khỏi mọi sự soi mói, thành kiến của báo chí?

Một sự kỳ thị ngược của báo chí Việt Nam đối với các trường đại học của chính mình?

Nhưng biết đâu những bài báo thiếu thiện cảm trên báo chí trong mùa tuyển sinh năm nay chỉ là một cách nói khích các trường NCL và kích thích dư luận lên tiếng, để từ đó dẫn đến một sự nhìn nhận lại vai trò và sự đóng góp của khối trường NCL trong sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam?

Và biết đâu sau khi bài viết này được đăng lên, Nhà nước sẽ nghĩ lại và cho phép các trường đại học NCL của Việt Nam – vốn không sử dụng ngân sách của Nhà nước – được hưởng một sự tự chủ về tuyển sinh giống như trường RMIT kia? Nếu được như thế, thì sự “thất bát” của mùa tuyển sinh năm nay thực sự là “tái ông mất ngựa”.

Chỉ mong rằng những gì được viết ở trên đây không phải là mơ giữa ban ngày.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)