Mô hình phát triển tài chính đại học

Phát triển tài chính đại học là một trong các vấn đề chủ yếu của bất kỳ hệ thống giáo dục đại học nào trên thế giới trong quá trình chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng. Bài viết này nhằm giới thiệu một số kết quả nghiên cứu trên thế giới về các xu thế chung của giáo dục đại học và các mô hình phát triển tài chính đại học, trên cơ sở đó tác giả đưa ra một vài đề xuất có liên quan đến việc phát triển nguồn tài chính đại học của Việt Nam.

I. MƯỜI XU THẾ CHUNG CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Mười xu thế chung của giáo dục đại học được trình bày dưới đây được tổng hợp bởi một nhóm chuyên gia quốc tế cao cấp về giáo dục đại học (Michael & Kretovics, 2005):

1. Nhu cầu học tập ở đại học không ngừng gia tăng (Greater Participation)

Số người có nhu cầu học tập ở đại học không ngừng gia tăng ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Sự gia tăng này không chỉ do sự gia tăng cơ học của dân số ở mỗi quốc gia mà còn thể hiện nhu cầu được hiểu biết, được tiếp cận những công việc mang lại thu nhập tốt hơn trong thời đại nền kinh tế tri thức đang ngày càng chiếm lĩnh ưu thế.

2. Hệ thống trường học ngày càng phát triển (Greater Institutional Diversification)

Đi đôi với sự gia tăng số trường đại học là sự xuất hiện ngày càng nhiều các trường đào tạo chuyên ngành, chẳng hạn các trường đại học kỹ thuật, kinh tế, y khoa, … Để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận giáo dục đại học, nhiều quốc gia đã quan tâm phát triển hệ thống các trường cao đẳng/đại học cộng đồng, các hình thức đào tạo tại chức/từ xa/qua mạng.

3. Đối tượng người học ngày càng đa dạng (Greater Student Diversity)

Cùng với sự gia tăng số người học đại học là sự phát triển của đối tượng người học không/phi chính quy, từ các quốc gia khác đến, từ các cộng đồng thiểu số, và từ các tầng lớp xã hội khác nhau. Ở một số quốc gia, tỷ lệ người học là nữ cũng đang tăng lên nhanh chóng.

4. Nguồn tài chính đại học ngày càng phong phú  (Greater Diversification of Sources of Funding)

Mặc dù chính phủ là nhà đầu tư chủ yếu cho giáo dục đại học ở hầu hết các quốc gia, ngày càng có nhiều nguồn tài chính khác giúp chia sẻ chi phí này: người học, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội/phi chính phủ trong và ngoài nước, sự tài trợ của quốc tế, … Bản thân các trường đại học cũng đang ngày càng nâng cao khả năng tăng nguồn thu thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ cộng đồng, …

5. Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của trường đại học ngày càng được tăng cường (Greater Accountability and Control)

Các trường đại học ngày càng được trao quyền quyết định nhiều hơn trên tất cả các mặt: học thuật, nhân sự, tài chính, …. Thông qua hoạt động kiểm định đại học ngày càng phổ biến ở tất cả các quốc gia, các trường đại học cũng ý thức và thực hiện tốt hơn trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội.

6. Mức độ tư nhân hóa giáo dục đại học ngày càng tăng (Greater Privatization)

Giáo dục đại học đang được nhiều quốc gia xem là một “thị trường” theo đúng nghĩa của nó, và vì vậy sự xâm nhập của thành phần tư nhân vào giáo dục đại học là điều tất yếu. Tư nhân hóa một phần của giáo dục đại học còn là chính sách của đa số các quốc gia nhằm góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí và mở rộng cơ hội học tập cho nhiều người dân. Hệ thống đại học tư thường được phân ra thành hai loại: phi lợi nhuận (non-profit) và vì lợi nhuận (for-profit). Một đặc điểm đáng lưu ý là trong thập kỷ qua, nhiều trường thuộc nhóm vì lợi nhuận được đánh giá cao về chất lượng và vì vậy đã thu hút ngày càng nhiều người học, tiêu biểu trong số này là Trường Đại học Phoenix của Hoa Kỳ.

7. Mức độ đóng góp của người học ngày càng lớn (Greater User-Pay)

Sự gia tăng số người học và chi phí thực tế trên mỗi người học đã buộc hầu hết các quốc gia đi đến giải pháp gia tăng mức đóng góp của người học thông qua học phí. Bên cạnh sự gia tăng này, nhiều quốc gia đã thiết lập cơ chế cho phép người học vay nợ và sau đó trả dần sau khi tốt nghiệp.

8. Qui mô đầu tư của Nhà nước cho trường đại học ngày càng gắn với chất lượng (Growing Popularity of Performance Funding)

Ở nhiều quốc gia, đầu tư cho đại học từ chính phủ không còn theo kiểu bình quân hay dựa vào số lượng sinh viên đầu vào mà căn cứ chủ yếu vào việc đạt được các chỉ số thực hiện (performance indicators) thể hiện năng lực duy trì chất lượng của mỗi trường. Chẳng hạn tại Anh, sự phân bổ kinh phí đại học được căn cứ trên kết quả kiểm toán các trường đại học tiến hành bởi Cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (QAA – Quality Assurance Agency for Higher Education).

9. Chí phí đại học ngày càng được chú ý (Greater Cost Consciousness)

Chi phí đào tạo đại học, được hiểu là tổng chi phí để đào tạo một sinh viên ra trường, ngày càng tăng cao. Nhìn chung, mức tăng này còn cao hơn cả tỷ lệ lạm phát bình quân của xã hội. Về bản chất, mức tăng này là kết quả của sự nhận thức ngày một đầy đủ hơn về các chi phí thực tế trong hoạt động của trường đại học. Nhiều quốc gia đã có chính sách buộc các trường đại học phải không ngừng cải tiến phương pháp quản lý, phục vụ để giảm bớt chi phí.

10. Xếp hạng đại học ngày càng được quan tâm (Commercial Ranking of Institutions)

Một khi giáo dục đại học trở thành thị trường, thì tất yếu khách hàng cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm. Đa số người học không có đủ thời gian và kiên nhẫn để nghiên cứu các báo cáo về chất lượng của các trường đại học dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Họ mong muốn được nhìn thấy một kết quả xếp hạng tương đối giữa các trường để có thể đưa ra sự lựa chọn. Nhiều trường đại học, tuy phản đối chuyện xếp hạng hay không đồng tình với bộ tiêu chí dùng để xếp hạng do các tổ chức độc lập đưa ra, họ cũng không thể thản nhiên đứng ngoài việc xếp hạng. Với nhiều trường đại học, thà được có mặt trong bảng xếp hạng với những tiêu chí chưa đạt còn hơn là không có tên trong danh sách xếp hạng! (Not to be listed at all is seen as worse than being listed with information that seems unsatisfactory) (Michael & Kretovics, 2005, tr.23).

 
II. BỐN MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH ĐẠI HỌC

Bốn mô hình phát triển tài chính đại học được trình bày dưới đây đã được tổng hợp bởi Hauptman (2007):

Mô hình 1: Giáo dục đại học công lập miễn phí hoặc với học phí thấp (Expansion of a public sector charging little or no tuition fees)

Đây là mô hình chủ đạo ở nhiều quốc gia trong suốt nửa thế kỷ qua. Nhà nước đóng vai trò là nhà đầu tư chủ yếu để phát triển nền giáo dục đại học công lập và chỉ yêu cầu một phần đóng góp khiêm tốn từ người học và gia đình thông qua nguồn thu học phí. Trong mô hình này, học phí chỉ chiếm khoảng 10% chi phí hoạt động của trường đại học dành cho giảng dạy và quản lý (chưa tính đến chi phí nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác).

Vào những năm 1950 và 1960, Hoa Kỳ đã áp dụng mô hình này để phát triển nền giáo dục đại học đại chúng, bao gồm việc phát triển hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học công lập. Trong một phần tư thế kỷ qua, một số quốc gia của khu vực Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan cũng đã áp dụng mô hình này. Để có thể áp dụng thành công mô hình, các quốc gia cần phải có đủ năng lực tài chính để đầu tư cho giáo dục công. Đây là điều khiến nhiều quốc gia không thể áp dụng mô hình này.

Mô hình 2: Chi phí đại học được hoàn trả sau khi sinh viên tốt nghiệp (Publicly financed fees repaid through the tax system once students graduate)

Úc đã giới thiệu một mô hình phát triển đại học mới vào cuối những năm 1980 thông qua Chương trình hỗ trợ đại học (HECS). Chương trình này được xây dựng trên hai cơ sở: thứ nhất là sự cần thiết phải có sự tham gia của các thành phần tư nhân vào sự nghiệp phát triển giáo dục đại học, thứ hai là nhiều sinh viên và gia đình của họ không muốn chi trả học phí theo cung cách truyền thống. Để thực hiện chương trình này, chính phủ Úc đã đầu tư kinh phí hoạt động cho các trường, và sau đó tổ chức thu hồi lại từ sinh viên thông qua hệ thống thuế thu nhập cá nhân. Anh và Thái Lan cũng đã bắt đầu áp dụng các mô hình tương tự như của Úc từ năm 2006.

Yêu cầu then chốt của việc áp dụng mô hình này, cũng tựa như đối với mô hình 1, là các quốc gia cần có đủ năng lực tài chính để đầu tư ban đầu cho hệ thống giáo dục đại học. Ngay đối với Úc cũng đã từng xem xét đến việc giảm bớt sự hỗ trợ đối với các đối tượng có thu nhập thấp, đồng thời gia tăng tỷ lệ thu nợ từ sinh viên tốt nghiệp để chương trình có thể tồn tại bền vững. Một yêu cầu quan trọng nữa là Nhà nước cần thiết lập được một cơ chế hữu hiệu nhằm thu hồi nợ vay của sinh viên. Theo Phạm (2007), tỷ lệ hoàn vốn từ nguồn nợ vay của sinh viên Trung Quốc là 55%, của Hàn Quốc là 64%, còn đối với các nước phát triển thì cao hơn. Nhằm giảm bớt áp lực cho bộ máy quản lý, nhiều số quốc gia đã giao trách nhiệm cho vay-thu hồi nợ này cho hệ thống ngân hàng (Tilak, 2006).

Mô hình 3: Gia tăng học phí kết hợp với mở rộng các chính sách hỗ trợ (Increased cost sharing combined with higher levels of student aid)

Theo mô hình này, học phí của giáo dục đại học được tính toán sao cho có thể bù đắp một phần đáng kể các chi phí hoạt động của nhà trường, đồng thời mở rộng các chính sách hỗ trợ học phí đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong một phần tư thế kỷ qua, Hoa Kỳ, New Zealand, và Canada có thể được xem là những quốc gia áp dụng thành công mô hình này.

Gia tăng học phí được xem như một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục. Trong thực tế, các quốc gia thực hiện giải pháp này theo những cách khác nhau. Nhiều quốc gia ở Châu Âu và Châu Phi thiết lập cơ chế học phí song song: những sinh viên không hội đủ những điều kiện nào đó về kết quả học tập thì không được theo học miễn phí mà phải đóng học phí ở mức cao. Tuy nhiên, cách làm này không thể hiện được sự công bằng về quyền được hưởng các phúc lợi công trong giáo dục đại học (Salerno, 2006), dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học hoặc không tiếp cận được giáo dục đại học của nhóm sinh viên nghèo (Phạm, 2007).

Một cách làm khác có thể giúp vừa gia tăng sự chia sẻ chi phí giáo dục, vừa đáp ứng tốt hơn yêu cầu công bằng là: những sinh viên theo học những ngành được Nhà nước quan tâm phát triển thì sẽ đóng mức học phí thấp, còn những sinh viên theo học các ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao như kinh tế hay luật thì sẽ phải đóng học phí ở mức cao. Các mức học phí khác nhau còn được áp dụng đối với các cấp độ đào tạo và đối tượng người học: học phí chương trình sau đại học thì cao hơn so với chương trình đại học, sinh viên nước ngoài hoặc học viên tại chức phải đóng mức học phí cao hơn so với sinh viên chính qui bản xứ. Úc là một ví dụ đối với cách làm này: những sinh viên thỏa mãn các điều kiện tham gia chương trình HECS được tính mức học phí theo qui định của chính phủ, còn các sinh viên khác và sinh viên nước ngoài phải đóng mức học phí cao hơn nhiều.

Mô hình 4: Mở rộng hệ thống đại học tư (Expansion of a private sector of institutions)

Mở rộng hệ thống đại học tư được xem như một giải pháp giúp chia sẻ chi phí đại học và đồng thời đáp ứng nhu cầu học đại học ngày một gia tăng. Ở các quốc gia thuộc Trung Đông và một số quốc gia ở Châu Á, hệ thống đại học tư đã phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đào tạo nghề. Đối với Nhật và Hàn Quốc, sự phát triển gần đây của hệ thống giáo dục đại học chủ yếu nằm ở khu vực tư nhân. Ba Lan cũng là một ví dụ điển hình ở Châu Âu về sự phát triển hệ thống đại học tư.

Một điều có tính phổ biến là trong khi số sinh viên đầu vào của hệ thống đại học tư ngày càng tăng nhanh, thì số sinh viên vào các trường đại học công có xu hướng tăng chậm hoặc không tăng. Sự khác biệt này chủ yếu do nguồn ngân sách Nhà nước dành cho các trường công hầu như không được gia tăng đáng kể. Một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thu hút sinh viên vào học tại các trường đại học tư là cho phép sinh viên cũng được vay để đi học, và được xét cấp các loại học bổng. Một giải pháp đáng kể khác là Nhà nước cần tổ chức hoạt động kiểm định để đánh giá các chương trình đào tạo được các trường tư cung cấp.

II. MỘT VÀI ĐỀ XUẤT

Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng trong những năm gần đây. Bảng 1 cho thấy chỉ sau 7 năm (từ 2000 đến 2007), số lượng trường đại học của Việt Nam đã tăng gấp đôi, trong đó có sự phát triển đáng kể của hệ thống đại học ngoài công lập. Tuy nhiên, do phần lớn các trường đại học được xây dựng gần đây có qui mô trung bình/nhỏ, nên tổng số sinh viên theo học chỉ tăng được khoảng hơn 1,5 lần.
Bảng 1: Sự gia tăng của hệ thống trường đại học của Việt Nam
(nguồn: Website Bộ GD&ĐT)

  NH 1999 – 2000 NH 2006 – 2007
Tổng số trường đại học        69          139
Công lập        52      109
Ngoài công lập        17       30
Tổng số sinh viên     719.842     1.173.14

Đối chiếu với 10 xu thế của giáo dục đại học trên thế giới, có thể nhận ra rằng giáo dục đại học của Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật và sự vận động chung. Trong số 10 xu thế này, chỉ còn hai xu thế chưa diễn ra ở Việt Nam nhưng cũng đã nằm trong kế hoạch/dự kiến của Bộ GD&ĐT: gắn qui mô đầu tư trường đại học với kết quả kiểm định chất lượng, và xếp hạng trường đại học! (Bộ GD&ĐT, 2008).
Về tài chính đại học, trong nhiều năm qua giáo dục đại học Việt Nam phát triển chủ yếu theo Mô hình 1. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống đại học ngoài công lập trong thập niên vừa qua đã góp phần không nhỏ trong việc chia sẻ bớt nguồn lực Nhà nước dành cho giáo dục đại học (theo Mô hình 4). Trong vài năm gần đây, sinh viên được vay tiền Nhà nước để trang trải chi phí học tập (theo Mô hình 2), và Nhà nước cũng đang nghiên cứu khả năng tăng học phí đại học kết hợp với mở rộng hệ thống chính sách hỗ trợ cho sinh viên (theo Mô hình 3). Như vậy, có thể nói rằng giáo dục đại học của Việt Nam đã, đang, và sẽ triển khai theo cả bốn mô hình nói trên. Vấn đề là chúng ta nên chọn ưu tiên phát triển theo mô hình nào tương ứng với từng giai đoạn phát triển, và với mỗi mô hình cần lưu ý đến những vấn đề gì để sự phát triển có tính bền vững và đạt hiệu quả cao. Bảng 2 nhằm giới thiệu những đề xuất có tính tóm tắt của tác giả liên quan đến việc áp dụng các mô hình phát triển tài chính đại học trong bối cảnh của Việt Nam.

Bảng 2: Những vấn đề cần quan tâm đối với các mô hình phát triển tài chính đại học

Mô hình Những vấn đề cần quan tâm

Giáo dục đại học công lập miễn phí hoặc với học phí thấp

Chỉ nên sử dụng đối với các trường quân sự hoặc đối với một số ngành học đặc thù cần cho sự phát triển bền vững của quốc gia nhưng hiện ít được SV ưa chuộng (chẳng hạn một số ngành thuộc khối nông-lâm-ngư, ngành khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, …).

Cần sớm xây dựng cơ chế cấp kinh phí công cho các trường đại học dựa trên kết quả kiểm định chất lượng.


Chi phí đại học được hoàn trả sau khi sinh viên tốt nghiệp

Cần sớm xây dựng giải pháp thu hồi nợ vay từ SV, hoàn thiện hệ thống theo dõi thu nhập cá nhân và các chính sách liên quan đến thu hồi nợ vay của SV.Mở rộng hệ thống các quỹ tín dụng SV trên cơ sở kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp (chẳng hạn Quỹ tín dụng “Chắp cánh tương lai” của Hội SV Tp. HCM).

Gia tăng học phí kết hợp với mở rộng các chính sách hỗ trợ Xây dựng khung học phí đa dạng, gắn với ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo, đối tượng người học, và kết quả kiểm định chất lượng về chương trình đào tạo và nhà trường.
Các chính sách hỗ trợ cần đặc biệt chú ý đến các nhóm SV nghèo, thuộc các dân tộc thiểu số, và khuyết tật.
Mở rộng hệ thống đại học tư Tăng cường công tác kiểm định chất lượng để công bố với xã hội về chất lượng của các chương trình đào tạo, của nhà trường.
Hoàn thiện cơ chế liên thông (cả về chương trình đào tạo lẫn các bậc đào tạo) giữa hai hệ thống đại học công và tư.

Tài liệu tham khảo
Bộ GD&ĐT (2008). Thông báo số 1007/TB-BGDĐT ngày 13/2/2008 về “Kết luận của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học, ngày 05 tháng 01 năm 2008”.
Hauptman, A. M. (2007). Four models  of growth. International Higher Education, 46.
Michael, S. O. & Kretovics, M. A. (Eds.) (2005). Financing higher education in a global market. New York: Algora Publishing.
Phạm, Phụ (2007). Công bằng xã hội trong giáo dục đại học (Bài trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Tia sáng). Tải về ngày 6/4/2008 tại: www.tiasang.com.vn/print?id=1618
Salerno, Carlo (2006). Cost sharing in higher education financing: economic perils in developing countries. International Higher Education, 43.
Tilak, J.B. G. (2006). Global Trends in Funding Higher Education. International Higher Education, 42.
(Tất cả các bài viết thuộc tạp chí International Higher Education có thể được tải về từ địa chỉ: http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/)

* Trường Đại học Nha Trang

Lê Văn Hảo

Tác giả