Mô hình trường học 1USD ở Nepal
Uttam Sanjel bắt đầu thành lập hệ thống trường học xây dựng bằng tre với cái tên Samata Shiksha Niketan ở thủ đô Kathmandu từ năm 2001. Samata Shiksha Niketan có nghĩa là “giáo dục cho mọi người” với chi phí học tập thuộc loại thấp kỷ lục: chỉ 100 Rupi Nepal/ học sinh/ tháng (1,35 USD).
Một nền giáo dục tốt là giấc mơ xa vời đối với nhiều người dân Nepal. Nepal có tỉ lệ người trưởng thành biết chữ chưa tới 50%. Hiện nay quốc gia này có khoảng 7 triệu người ghi danh theo học ở các bậc tiểu học và trung học, nhưng chỉ có 1 trong số 4 trẻ em học tới lớp 10, tỉ lệ học sinh bỏ học cao, đặc biệt là học sinh nữ. Bấp chấp việc Nepal đã chi tới 17% GDP cho giáo dục, hệ thống trường công ở đất nước này hãy còn rất nghèo nàn, giáo viên đã được đào tạo còn thiếu và yếu.
Nạn tham nhũng lan rộng và chính trị hoá trường học được cho là những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Quy chế bổ nhiệm giáo viên bị ảnh hưởng bởi các đảng phái chính trị, trong khi các khoản chi ngân sách thì được quản lý một cách yếu kém.
Tuy nhiên, hiện nay đang có một người đi tiên phong trong sứ mạng quét sạch nạn mù chữ ở Nepal bằng sáng kiến xây dựng trường tư chi phí thấp. Vào năm 2001, Uttam Sanjel bắt đầu thành lập hệ thống trường học xây dựng bằng tre với cái tên Samata Shiksha Niketan ở thủ đô Kathmandu. Samata Shiksha Niketan có nghĩa là “giáo dục cho mọi người”. Trường có chi phí học tập thuộc loại thấp kỷ lục: chỉ 100 Rupi Nepal/ học sinh/ tháng (1,35 USD).
Hệ thống trường Samata Shiksha Niketan do Uttam Sanjel xây dựng được đánh giá là chuỗi trường giáo dục ngoài công lập lớn nhất Nepal với 19 trường học, thu hút hơn 25.000 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Năm 2010, trong tất cả số học sinh thi tốt nghiệp lấy chứng chỉ ra trường, đã có 80% học sinh đỗ. Uttam Sanjel đang lên mục tiêu đầy tham vọng là mở ít nhất là một trường Samata tại mỗi quận trong tổng cộng 75 quận của Nepal.
Ý tưởng đặc biệt này của Uttam đã nhận được các khoản hỗ trợ từ nhiều doanh nhân địa phương, người nước ngoài, nhà ngoại giao và các tổ chức từ thiện nước ngoài. Các khoản tài trợ này chiếm tới 75% ngân sách hoạt động. Uttam khẳng định rằng ông đang tự mình điều hành 19 trường học dựa trên số ngân sách 250.000 USD tiền quyên góp/năm. Khoảng một nửa số giáo viên của Uttam là các tình nguyện viên và họ đã có công việc dạy học chính ở các trường khác.
Vấn đề lớn nhất của Uttam là chỉ có một mình ông đứng ra cáng đáng mọi việc. Mỗi tháng, Uttam kiểm tra tài khoản ngân hàng để xem liệu đã đủ tiền để trả lương cho các giáo viên tận tâm của mình chưa. Và nhiều khi ông không đủ tiền. Các giáo viên rất thông cảm vì điều đó, nhưng để đầu tư giáo dục cho 25.000 trẻ em thì quả là mạo hiểm, đặc biệt là Uttam vẫn đang lên kế hoạch cho những dự án mới: thành lập một trường đại học và một bệnh viện, cả hai đều sẽ được xây dựng bằng tre.
Thanh Hải lược dịch
Nguồn: http://www.aljazeera.com/programmes/101east/2012/10/20121015175122492927.html