Mở ra ô cửa mới

Trao đổi với PV của tạp chí Tia Sáng, TS. Pierre Lesaffre, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp hiện đang làm việc tại phòng thí nghiệm LERMA, Đài thiên văn Paris – một trong những trung tâm thiên văn lớn nhất trên thế giới – đã chia sẻ một số cảm nhận về triển vọng sinh viên Việt Nam theo học chương trình đào tạo thạc sĩ khoa Vũ trụ và Ứng dụng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Ông cho biết năm nay khoa đặt chỉ tiêu tuyển khoảng 15 em, và tới nay đã có khoảng 20 – 30 em quan tâm gửi hồ sơ đăng ký học. Tất cả những sinh viên này sẽ phải vượt qua kỳ phỏng vấn để được nhận vào học. Do nội dung chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên toàn bộ nội dung phỏng vấn cũng được thực hiện bằng tiếng Anh, và đây được coi là một nhược điểm cơ bản của nhiều sinh viên Việt Nam. Là một cán bộ giảng dạy tại khoa trong năm học tới, TS Lesaffre đã trực tiếp tham gia phỏng vấn khoảng 12 người, và ông nhận thấy rằng có tới một nửa trong số này có trình độ ngoại ngữ khá hạn chế. Tuy nhiên, ông cho biết trình độ chuyên môn khoa học của các em nhìn chung đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của trường. Trong số 12 người đã qua phỏng vấn, ông đánh giá có khoảng 10 người đủ khả năng được nhận vào học.

Trong những năm học tới, dự kiến số lượng sinh viên đủ tiêu chuẩn theo học sẽ được nâng lên, do có khả năng sẽ tiếp nhận một số cử nhân do chính Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học KHCNHN) đào tạo ra, và một phần khác là do thông tin về khoa được phổ biến rộng rãi hơn.

Khóa học sẽ trang bị cho các sinh viên này những kiến thức cơ bản để họ có thể theo đuổi một trong hai con đường sự nghiệp, một là trở thành chuyên gia kỹ thuật và được nhận bằng Thạc sĩ ngành kỹ sư vũ trụ, hai là đi theo con đường mang tính học thuật nhiều hơn và được nhận bằng Thạc sĩ ngành Khoa học vũ trụ và Ứng dụng. Điều khiến TS Lesaffre ngạc nhiên là qua phỏng vấn cho thấy số lượng sinh viên mong muốn theo đuổi con đường ứng dụng kỹ thuật và con đường học thuật thuần túy là khá đồng đều nhau.

Đội ngũ giảng viên tới làm việc tại khoa hằng năm dự kiến sẽ có khoảng 20 người Pháp, 3 người Việt, tất cả đều phải có bằng tiến sĩ cấp bởi một quốc gia có nền khoa học tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, v.v. Trưởng khoa là TS Yannick Giraud– Héraud, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp. Trường Đại học KHCNHN có lợi thế đặc biệt do được những giảng viên từ các đại học của Pháp tới giảng dạy tại trường theo chương trình hợp tác giữa 2 chính phủ. “Đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp chỉ định 50 trường liên kết hỗ trợ gửi giảng viên tới Đại học KHCNHN, trong đó có những trường hàng đầu của Pháp, TS Lesaffre cho biết. Trong bối cảnh cơ sở vật chất của khoa nói riêng và Đại học KHCNHN nói chung còn rất hạn chế, thì mối quan hệ hợp tác như trên là rất cần thiết, vì sẽ giúp các sinh viên của trường được tạo điều kiện sang Pháp đi thực tập ở những phòng thí nghiệm hiện đại.

Mục tiêu đào tạo mà khoa Vũ trụ và Ứng dụng đặt ra là đào tạo được những thạc sĩ đủ năng lực để làm việc tại các cơ sở ứng dụng công nghệ vũ trụ, hoặc tiếp tục theo đuổi chuyên sâu vào con đường học thuật tại các chương trình đào tạo tiến sĩ của Pháp và các nước có nền khoa học vũ trụ tiên tiến. Kết thúc mỗi khóa học tại khoa, khoảng 10 người giỏi nhất sẽ được gửi đi thực tập tại Pháp.

Nguyễn Hữu Quang, thư ký Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, cho biết rằng ngoài những lớp đào tạo chuyên môn khoa học kỹ thuật, các sinh viên của khoa còn bắt buộc phải học một số môn xã hội có mối liên quan mật thiết với sự nghiệp của họ sau này, dù đó là sự nghiệp mang tính ứng dụng hay học thuật, bao gồm: quản trị dự án, quản trị doanh nghiệp và tổ chức, quản trị nhân lực, và tài chính.

Cũng theo Quang, ở Đại học KHCNHN tuyệt đối không có sự thỏa hiệp. Các sinh viên phải thi theo đúng tiêu chuẩn đào tạo của Pháp, nếu thi không qua sẽ phải thi lại, và nếu thi lại không qua sẽ phải học lại. Tuy nhiên, đến nay đa số các nghiên cứu sinh thạc sĩ của trường đều nỗ lực quyết tâm, chỉ có 10% có môn phải thi lại, và chưa từng có ai phải học lại.

TS Lesaffre nhìn nhận rằng trong tương lai gần, nhu cầu sử dụng nhân lực được đào tạo từ khoa Vũ trụ và Ứng dụng sẽ gia tăng. Những vấn đề nóng bỏng trong thực tế như tranh chấp biển đảo và giám sát đánh bắt cá trên biển Đông, giám sát biến động môi trường nông thôn và đô thị, giám sát và dự đoán ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tất cả đều đòi hỏi không chỉ sự đầu tư về công nghệ, thiết bị, mà cả một nguồn nhân lực đáng kể được đào tạo bài bản về ứng dụng công nghệ vũ trụ. Việt Nam sẽ không chỉ cần những người biết sử dụng các trang thiết bị mà còn cần cả những người có năng lực về phân tích, đánh giá dữ liệu do vệ tinh cung cấp.

Tuy nhiên, do năm nay sẽ là năm đầu tiên khởi động chương trình thạc sĩ khoa Vũ trụ và Ứng dụng nên TS Lesaffre cho rằng chưa có căn cứ xác thực để dự đoán được mức độ thành công cua chương trình. Thách thức lớn nhất mà ông đặt ra cho mình là làm sao cung cấp được những bài giảng phù hợp cho tất cả mọi sinh viên dù họ khởi đầu với những khác biệt về trình độ, năng lực. Ông mong muốn sẽ đem lại niềm vui cho tất cả mọi sinh viên vào ngày cuối khóa học, cho dù họ khởi điểm rất khác nhau.

PV thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)