Môn triết học và mục tiêu đào tạo con người độc lập

Ngày 16/6 vừa qua, học sinh lớp 12 ở Pháp đã thi môn triết trong kỳ thi tú tài. Đọc các đề thi môn học này, chúng ta có thể thấy phần nào mục tiêu đào tạo con người có khả năng tư duy độc lập, lập luận một cách logic dựa trên lý tính và có óc phản biện mà giáo dục phổ thông của họ đặt ra.

Dưới đây là các đề thi môn triết dành cho các phân ban khác nhau trong bậc trung học phổ thông, mỗi ban đều có ba đề để thí sinh chọn một:

Đề thi của ban Khoa học (Bac Scientifique):

Đề 1: Phải chăng người nghệ sĩ (nghệ nhân) làm chủ tác phẩm của họ?

Đề 2: Phải chăng chúng ta sống để được hạnh phúc?

Đề 3: Yêu cầu thí sinh giải thích, bình luận một trích đoạn của Descartes trong tác phẩm “Règles pour la direction de l’esprit” (Các quy tắc hướng dẫn tinh thần) viết năm 1628, khoảng nửa trang. Thí sinh được yêu cầu không cần thiết phải liệt kê những kiến thức liên quan đến học thuyết của triết gia, mà chỉ cần chứng tỏ mình hiểu chính xác bản văn và các vấn đề mà bản văn đặt ra.

Tôi đọc một đề xuất “đáp án” của đề thi này trên trang Ledudiant.fr thì thấy thí sinh được gợi ý trước tiên phải trình bày rõ những vấn đề mà triết gia Descartes đặt ra, mà trong đoạn trích nói trên, vấn đề trung tâm là: Tại sao cần xem toán học là một mẫu hình của tất cả loại hình nghiên cứu về sự thật. Các thí sinh phải tìm cách làm rõ luận thuyết này trong bối cảnh của bản văn, liên hệ đến tư tưởng của các triết gia khác như Nietzsche hay của Kant. Trong phần kết luận, thí sinh được khuyên nên trình bày các giới hạn của học thuyết Descartes bằng cách sử dụng lý luận của các nhà phê bình…

Đề thi của ban Văn chương (Bac de Littérature):

Đề 1: Phải chăng các tác phẩm nghệ thuật giáo dục nhận thức của chúng ta?

Đề 2: Phải chăng chúng ta làm tất cả để được hạnh phúc?

Đề 3: Yêu cầu thí sinh giải thích một đoạn văn trong tác phẩm “La connaissance objective” (Tri thức khách quan)  của Popper, xuất bản năm 1972. Cũng như trên thí sinh được yêu cầu không cần thiết phải liệt kê những kiến thức liên quan đến học thuyết của Popper, mà cần giải thích rõ, chứng tỏ rằng mình hiểu chính xác đoạn trích và các vấn đề mà bản văn đặt ra.

Đề thi của ban Kinh tế và Xã hội (Bac Economique et Social):

Đề 1: Phải chăng để được tự do chỉ cần có chọn lựa là đủ?

Đề 2: Tại sao cần phải tìm để hiểu chính mình?

Đề 3: Thí sinh được yêu cầu giải thích một trích đoạn của Hannah Arendt, trong tác phẩm “Condition de l’homme moderne” (Thân phận con người hiện đại) viết năm 1958. Thí sinh cũng được yêu cầu như các đề thứ ba của hai ban đã trình bày phía trên.

Đề thi của Ban Kỹ thuật (Bac Technologique):

Đề 1: Phải chăng sự trao đổi qua lại luôn có lợi ích cần thiết?

Đề 2: Một chân lý có thể tồn tại vĩnh viễn không?

Đề 3: Thí sinh được yêu cầu giải thích một đoạn trích trong tác phẩm “Gorgias” của Platon.

Đề thi của ban Âm nhạc và Khiêu vũ:

Đề 1: Phải chăng sự khác biệt của các nền văn hoá là rào cản đối với sự thống nhất nơi loài người?

Đề 2: Chúng ta có thể thờ ơ với chân lý được không?

Đề 3: Thí sinh được yêu cầu giải thích một trích đoạn của Kant, trong tác phẩm “Doctrine de la vertu” (Học thuyết về đức hạnh), viết năm 1795.

Tất cả thí sinh các ban đều có thời gian làm bài như nhau, kéo dài trong 4 giờ.

Môn học của các môn học

Triết học là một môn rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông tại Pháp, tất cả học sinh dù là của bất kỳ chuyên ban nào cũng bắt buộc phải học và thi môn học quan trọng này mặc dù các đề thi có hơi khác nhau để phù hợp với học sinh từng ban. Ngày thi tú tài nói chung và thi môn triết học nói riêng hết sức quan trọng đối với cuộc đời học vấn của học sinh, nên thu hút sự quan tâm của báo giới và dư luận xã hội.

Thông qua nội dung các dạng đề thi cũng như một vài đề xuất “đáp án” liên quan, tôi thấy các thí sinh không phải học thuộc lòng bất kỳ điều gì, cũng không đòi hỏi phải tư duy theo bất kỳ khuôn mẫu nào. Các đề thi đều thuộc dạng mở, khuyến khích khả năng tư duy, biện luận của học sinh. Muốn làm bài tốt, các thí sinh phải có một vốn kiến thức triết học và kiến thức phổ thông rộng, khả năng liên hệ vận dụng những kiến thức triết học vào trong những vấn đề của cuộc sống nhân sinh, có óc phản biện, khả năng tư duy độc lập để trình bày những suy tư của mình về ý nghĩa, mục đích của cuộc sống; về thân phận con người; về hạnh phúc, tự do, chân lý; về sự khác biệt; về nghệ thuật, v.v.

Những chủ đề, những câu hỏi được đặt ra trong các đề thi còn phản ánh trình độ cũng như những đòi hỏi rất cao đối với các thi sinh. Tuy mới là cấp trung học phổ thông, nhưng học sinh đã được tiếp cận với tư tưởng và văn bản của các triết gia từ cổ chí kim: Platon, Descartes, Kant, Popper…

Người Pháp đặt nặng vai trò của môn triết trong chương trình giáo dục phổ thông vì họ ý thức rằng môn học này là môn học cần thiết để trang bị cho học sinh khả năng tư duy độc lập, khả năng lập luận một cách logic dựa trên lý tính.

Trong chương trình trung học phổ thông tại Việt Nam không có môn triết, các kiến thức triết học mà chủ yếu là triết học Mác – Lê được giảng dạy lồng trong môn giáo dục công dân, cụ thể là trong phần “Công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học” của chương trình của lớp 10. Tuy nhiên môn học này bị xem là môn học phụ, không bao giờ có mặt trong chương trình thi tốt nghiệp, nên người dạy và người học đều xem nhẹ.

Mục tiêu của môn học này là hướng đến trang bị cho học sinh những kiến thức phục vụ mục tiêu đào tạo “con người Việt Nam XHCN” theo luật định. Nghĩa là các kiến thức triết học, luật pháp, chính trị, kinh tế và xã hội được giảng dạy trong môn Giáo dục công dân đều đã được định hướng để đào tạo học sinh theo một khuôn mẫu có sẵn, chứ không nhằm trang bị cho học sinh khả năng tư duy một cách độc lập, có chính kiến… như các học sinh cùng lứa người Pháp.

Qua chuyện này, chúng ta cũng phần nào thấy được sự khác biệt trong quan niệm về mẫu người mà hai nền giáo dục phổ thông tại hai quốc gia muốn nhắm tới. Học sinh phổ thông của chúng ta có thể không thua học sinh Pháp về toán, lý, hoá, sinh, v.v, nhưng lại không được trang bị những kiến thức và kỹ năng căn bản như là nền của tất cả các môn học, của sự học, sự phát triển trí tuệ, rèn luyện tư duy, khả năng lý luận và phản biện.

Phải chăng điều này giải thích tại sao, học sinh Việt Nam trải qua 12 năm đèn sách hết sức vất vả nhưng hình như không thể chững chạc trưởng thành để bước vào đời hay bước vào đại học vốn là môi trường dành để tập tành nghiên cứu?

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)