Môn Văn: Nơi học sinh phải được thể hiện văn hóa cá nhân

Cho dẫu nhìn nhận Ngữ Văn như một môn học có những quy phạm trường ốc thì nội dung quan trọng nhất, đồng thời cũng là yếu tố lớn nhất làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của nó vẫn là nó cho phép người học được thể nghiệm những gì cá nhân nhất của mình: từ góc nhìn, từ những xúc động, khả năng tưởng tượng, khả năng biểu đạt. Bởi vậy, việc dạy học, ra đề thi, soạn đáp án, chấm điểm môn học này cần chú trọng các tiêu chí định tính hơn các tiêu chí định lượng.

Thấy gì qua những cải tiến ở đề thi năm nay?

Đề thi môn Văn năm nay được ra theo tinh thần đánh giá năng lực học sinh qua các kỹ năng đọc và viết, khả năng tích lũy vốn sống, trải nghiệm thực tế, hình thành quan điểm cũng như khả năng cảm thụ các văn bản nghệ thuật. Do là năm đầu tiên sáp nhập kỳ thi tốt nghiệp trung học và kỳ thi đại học nên hoàn toàn có thể thông cảm được khi những người ra đề chọn giải pháp an toàn với một đề thi vừa sức, có mức độ phân hóa vừa phải. Chủ trương lượng hóa cách đánh giá được thể hiện rõ ở phần một của đề thi – phần Đọc hiểu, gồm hai đoạn trích với tám câu hỏi. Hai đoạn trích gồm một văn bản nghị luận và một đoạn thơ.

Tôi sẽ không bình luận chi tiết về đề thi vì điều này không còn tính thời sự mà chỉ muốn nhìn từ đề thi để suy nghĩ lại về định hướng dạy học môn Văn trong nhà trường. Phần “Đọc hiểu” vốn là phần kiểm tra kỹ năng nắm bắt, xử lý, suy luận, diễn giải thông tin khi đọc một văn bản. Nó có thể làm ta liên hệ đến phần “Reading Comprehension” trong sách luyện thi IELTS, TOEFL, Cambridge… Điều đáng nói nếu ở trong các bộ đề thi tiếng Anh lấy chứng chỉ quốc tế này, người ta hạn chế tối đa việc đưa các văn bản nghệ thuật, thay vào đó là văn bản khoa học, chính luận, báo chí. Các câu hỏi nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu thường rất chú trọng khả năng suy luận, phân tích logic của văn bản, hiểu nghĩa các từ, các thuật ngữ, các cách diễn giải đặc biệt… Hiện tại, nếu nhìn vào đề thi minh họa của Bộ, đề thi thử của các đơn vị đào tạo và đề thi chính thức, chúng ta lại quan tâm nhiều hơn đến việc nhận dạng văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nào và các câu hỏi chủ yếu đều hướng đến việc nắm bắt các thông tin lộ thiên. Dung lượng văn bản trong các đề thi ở Việt Nam tương đối ngắn nên đề thi cũng khó kiểm tra được khả năng “quét” thông tin của thí sinh trong một khoảng thời gian áp lực.

Mọi vấn đề của đời sống đều có thể trở thành đề thi. Song nhìn vào cách những người ra đề đưa đáp án, và nhất là qua thực tiễn giảng dạy phần nghị luận xã hội ở nhà trường, có lẽ chúng ta đang hướng học sinh trở thành những người bình luận tin nhanh và thay vì định hướng học sinh đưa ra góc nhìn cá nhân của mình, chúng ta đang áp đặt một tư duy chiết trung vô tận trước các vấn đề của đời sống được đưa vào đề thi cùng với việc quy nạp mọi góc nhìn về một thái độ đạo đức. Điều đáng nói đó lại là một thứ đạo đức của số đông, đã định hình, đã sẵn có, đã được thiết chế hóa.

Vấn đề bất cập trở nên rõ hơn khi đề thi đưa các văn bản văn chương vào nội dung của phần Đọc hiểu với các câu hỏi cố gắng “lượng hóa” tối đa để có thể chấm điểm một cách chính xác nhất. Các câu hỏi phổ biến dùng cho đọc hiểu văn bản văn chương từ đề thi minh họa đến đề thi thử, thi chính thức thường là: “Nội dung của đoạn thơ này là gì?”, “Đoạn thơ truyền tải thông điệp gì của tác giả”, “Hãy nêu hai biện pháp tu từ có trong đoạn văn trên và phân tích ngắn gọn hiệu quả của chúng?”… Cách đặt câu hỏi như vậy, nhìn chung, vẫn nằm trong cách tư duy văn học cũ: xem nội dung văn học là cái tồn tại độc lập với hình thức, tác phẩm văn học là sự phản chiếu một hiện thực đời sống khách quan, là sự thể hiện một tâm tư, nỗi lòng của tác giả… Để có thể lượng hóa đáp án, người ra đề chỉ có thể chọn những văn bản “đơn nghĩa”, khống chế tối đa những cách diễn giải đa dạng có thể có. Điều này không những xa rời những phẩm chất quan trọng của văn chương, nó còn có thể làm mai một mỹ cảm ở học trò. Trong khi đó, văn học là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất còn được đưa vào chương trình trung học phổ thông.

Đưa nghị luận xã hội vào đề thi môn Văn ở trường trung học phổ thông được nhiều người xem là một cải tiến đáng ghi nhận của việc đổi mới thi cử môn Văn hiện nay, sau một thời kỳ dài đề thi chỉ độc tôn phần nghị luận văn học với các tác phẩm gói gọn chủ yếu trong chương trình lớp 12. Mục đích của các đề văn nghị luận xã hội, quan trọng nhất, là kích thích ý thức bày tỏ quan điểm, chính kiến – một khả năng ít được khuyến khích trong nhà trường từ nhiều năm, biết lập luận để tạo sức thuyết phục cho quan điểm của mình. Việc áp dụng các tiêu chí định lượng để đánh giá quan điểm cá nhân ở đây có lẽ sẽ dễ trở nên bất nhẫn.

Hình thức của đề nghị luận xã hội cũng có những đổi thay tích cực: từ những đề chủ yếu chờ đợi thí sinh minh họa cho một nhận định đến những đề đặt thí sinh đứng trước những vấn đề có nhiều cách đánh giá để từ đó đề nghị họ phải đưa ra quan điểm của riêng mình. Gần đây hơn, như một nỗ lực phá vỡ định kiến về sự gián cách giữa môn Văn trong nhà trường và thực tế đời sống, các đề thi bắt đầu hướng đến các vấn đề thời sự để yêu cầu thí sinh bình luận. Một quan điểm tương đối đơn giản về khả năng tương tác của môn Văn như thế đã khiến đề thi văn trở thành hiện tượng xã hội, có độ “hot” và nhận được nhiều bình luận trên mạng không kém các tin giải trí. Người ra đề mạnh dạn đưa vào đề thi những nhân vật như Bà Tưng, Sơn Tùng MTP cho đến Ánh Viên, Nick Vujicic; những hiện tượng từ an toàn giao thông, sử dụng facebook cho đến vụ vượt rào vào công viên nước Hồ Tây hay sự kiện giàn khoan HD 981. Tất nhiên, mọi vấn đề của đời sống đều có thể trở thành đề thi. Song nhìn vào cách những người ra đề đưa đáp án, và nhất là qua thực tiễn giảng dạy phần nghị luận xã hội ở nhà trường, có lẽ chúng ta đang hướng học sinh trở thành những người bình luận tin nhanh và thay vì định hướng học sinh đưa ra góc nhìn cá nhân của mình, chúng ta đang áp đặt một tư duy chiết trung vô tận trước các vấn đề của đời sống được đưa vào đề thi cùng với việc quy nạp mọi góc nhìn về một thái độ đạo đức. Điều đáng nói đó lại là một thứ đạo đức của số đông, đã định hình, đã sẵn có, đã được thiết chế hóa.

Đổi mới phải xuất phát từ những đặc trưng của văn chương

Đổi mới đề thi môn Văn là một khâu trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay mà mục tiêu của nó là đào tạo được những con người mới có nhân cách, có tri thức, có những kỹ năng đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống không ngừng chuyển động, trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đổi mới đề thi môn Văn chỉ thật sự hiệu quả khi xuất phát từ những đặc trưng của văn chương, từ những khả năng đóng góp của văn chương trong việc hình thành ở học trò những năng lực để hội nhập, thích ứng, chủ động trong bối cảnh thời đại mới. Nhưng quan trọng hơn, nó phải xuất phát từ những khả năng đóng góp của văn chương trong việc kiến tạo các giá trị nhân văn trong đời sống. Bởi các giá trị nhân văn ấy mới là điểm tựa cho sự phát triển hài hòa các mối quan hệ không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với thế giới.

Đổi mới đề thi môn Văn chỉ thật sự hiệu quả khi xuất phát từ những đặc trưng của văn chương, từ những khả năng đóng góp của văn chương trong việc kiến tạo các giá trị nhân văn trong đời sống. Bởi các giá trị nhân văn ấy mới là điểm tựa cho sự phát triển hài hòa các mối quan hệ không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với thế giới.

Văn chương là lĩnh vực của những trải nghiệm cá nhân. Cho dẫu nhìn nhận Ngữ Văn như một môn học có những quy phạm trường ốc thì nội dung quan trọng nhất, đồng thời cũng là yếu tố lớn nhất làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của nó vẫn là nó cho phép người học được thể nghiệm những gì cá nhân nhất của mình: từ góc nhìn, từ những xúc động, khả năng tưởng tượng, khả năng biểu đạt. Nói một cách khác, qua bài văn, người viết thể hiện được văn hóa cá nhân của mình. Một đề bài lý tưởng để tính cá nhân của người học được bộc lộ nên có độ mở và do đó, các tiêu chí định tính để đánh giá phải được chú trọng hơn các tiêu chí định lượng.

Một thí dụ có thể minh họa cho tính mở mà đề văn có thể hướng đến: Năm 2006, kỳ thi đại học ở Thượng Hải chỉ có một câu như sau:

Hãy làm theo đề bài: “Tôi muốn nắm lấy bàn tay bạn”. Yêu cầu: 1- Bài làm trên 800 chữ; 2- Không được làm thành thơ; 3- Không được tiết lộ thông tin liên quan đến cá nhân.

Đề bài chỉ đơn giản đưa một mệnh đề, ngoại trừ yêu cầu không được phép viết thành thơ, thí sinh được phép sử dụng linh hoạt các phương thức biểu đạt, miễn là men theo cách thí sính diễn dịch mệnh đề. Khi đọc hai bài văn được điểm cao nhất với đề bài này, có thể thấy người chấm hoàn toàn căn cứ theo sự thuyết phục của cách đặt vấn đề và khả năng diễn đạt của thí sinh chứ không phải theo những sườn ý có sẵn của đáp án. Điều thú vị là ở hai bài, cách hiểu và phát triển mệnh đề “Tôi muốn nắm lấy bàn tay bạn” đi theo hai hướng rất khác nhau. Bài làm thứ nhất, diễn giải hành động “nắm tay” tượng trưng cho sự chia sẻ, ủng hộ, bênh vực còn “bạn” ở đây là những người “dám nói lên sự thật”, bất chấp điều này có thể khiến họ chịu nhiều sức ép, bị cô lập, thậm chí ảnh hưởng đến sinh mệnh như bác sĩ Chung Nam Sơn, người đầu tiên nêu ra bệnh SARS hay Cao Diệu Khiết, người Trung Hoa đầu tiên, công bố thông tin về bệnh AIDS ở đại lục và vấp phải sự đe dọa, cảnh cáo của nhiều quan chức địa phương. Ở bài làm thứ hai, theo tôi, độc đáo hơn, thí sinh coi “văn chương” chính là “người bạn”, “tôi muốn nắm lấy bàn tay bạn” là hành động thể hiện sự tri ân của cá nhân người viết đối với những giá trị mà văn chương đem đến trước hết cho riêng mình. Một bài có sự sắc nét của lối văn nghị luận trong khi bài còn lại có thể xem như một bài tản văn nghệ thuật.1

Đề thi văn phải là nơi cái cá nhân được khuyến khích thể hiện mình. Có như thế môn Ngữ Văn trong nhà trường mới không mâu thuẫn với bản chất của văn chương. Giáo viên trung học cần phải là người định hướng, khích lệ học trò hình thành nên văn hóa cá nhân của riêng mình. Và về điều này, môn Văn có nhiều ưu thế để giúp giáo viên tác động đến học trò.

Khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp diễn ra, người ta chứng kiến một “cơn sốt” của độc giả Việt Nam trước đề thi tú tài của Pháp (chữ dùng của nhà báo Danh Đức)2. Đúng hơn, khi nhìn vào hình thức kiểm tra, đánh giá các môn khoa học xã hội và nhân văn của nước ngoài, ta mới thấy khoảng cách còn rất xa của giáo dục Việt Nam với mặt bằng thế giới. Trong khi triết học hầu như bị gạt khỏi chương trình phổ thông hoặc được giảng dạy phiến diện, hời hợt ở bậc đại học, thiết tưởng các giáo viên văn không nên chỉ ngồi đó thở dài, rằng nước mình thì khác. Hãy bắt đầu thay đổi từ các bài đọc hiểu. Hãy mạnh dạn đưa những bài luận, những trích đoạn kinh điển để học trò cũng tìm hiểu, diễn giải. Nếu nhà trường có vẻ thụ động thì thực tế cho thấy xã hội nhạy cảm hơn trong việc tìm ra các giải pháp phát triển toàn diện cho trẻ em. Những cuốn sách triết học cho các bạn trẻ hiện đã được xuất bản như bộ Thú vui tư duy của NXB Tri thức, Những câu hỏi hóc búa về cái Tôi, về đức tin của NXB Kim Đồng… và nhận được sự quan tâm của một số phụ huynh. Nhưng thật tiếc, trong những dịp được làm việc với các đồng nghiệp của mình tại một số trường phổ thông ở Hà Nội, tôi nhận thấy họ hầu như không có thông tin gì về chúng. Hoặc có người gạt đi phũ phàng, những sách ấy làm gì phù hợp với trình độ của học sinh bây giờ. Sẽ thật buồn nếu như chúng ta làm công việc giảng dạy nhưng lại luôn định kiến đối tượng của chúng ta là đối tượng không thể cải tạo, không thể dung nạp bất cứ cái gì phức tạp và không thực dụng.

Nỗi ám ảnh định lượng

Theo cấu tạo chương trình môn Ngữ Văn ở trường trung học phổ thông hiện nay, trọng tâm nằm ở phần Văn chứ không phải là phần Ngữ. Văn chương vốn không phải là lĩnh vực mà các phương pháp đánh giá định lượng có thể áp dụng hiệu quả. Thế nhưng từ trước đến nay, việc dạy học, ra đề thi, soạn đáp án, chấm điểm môn học này bị ám ảnh quá lớn bởi tính chất định lượng. Hậu quả là giáo viên phải biết quy một tác phẩm văn chương về một vài diễn giải được xem là chuẩn kiến thức, học sinh phải nắm được đầy đủ ngầy ấy đơn vị chuẩn kiến thức để thể hiện trong bài thi của mình, đáp án cũng lượng hóa thang điểm đến mức nhỏ nhất là 0,25 và người chấm thì thường tuân theo chủ trương “đếm ý đo điểm”.

Có thể liệt kê nhiều hệ lụy từ việc dạy và học văn như vậy nhưng ở đây chỉ xin nói thêm hai điểm theo quan sát của một người làm công việc dạy văn ở trường phổ thông: Thứ nhất, đây là nguyên nhân sâu xa và quan trọng của tình trạng học sinh không còn tìm thấy hứng thú ở môn Văn trong nhà trường. Thay vì là môn học khuyến khích bản chất sáng tạo, khuyến khích sự hình thành quan điểm cá nhân và tự do biểu đạt (dù gì thì đến cấp trung học, môn Văn là một “nghệ thuật” duy nhất được giảng dạy chính thức), nó lại biến thành một môn học thuộc với rất nhiều những kỵ húy. Thứ hai, điều oái oăm là trong khi áp dụng phương pháp định lượng để đánh giá học sinh thì chính giáo viên văn lại cảm thấy bối rối bởi sự rạch ròi, chi ly bởi các hình thức lượng hóa. Nhiều giáo viên không ủng hộ hình thức đánh giá lượng hóa triệt để nhất là biến đề thi môn Văn thành đề trắc nghiệm. Các giáo viên cũng rất ngại ngần cho điểm 10 môn Văn bởi luôn mặc định trong đầu, với môn học này, tái hiện kiến thức không thôi là chưa đủ, nêu hết các ý có trong đáp án cũng chưa phải là toàn bích. Cần có thêm “một cái gì đó nữa”. Nhưng đó là cái gì? Sự mơ hồ này khiến việc chấm điểm đánh giá ở môn Văn luôn có yếu tố cảm tính, chủ quan và đây cũng là điều khiến học sinh thường ít tự tin về bài làm Văn của mình sau mỗi kỳ thi.




1 Xin xem Những bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh thi đại học Trung Quốc (2006-2012), Ngọc Ánh biên dịch, NXB Văn học 2014, trang 18-27.

2 Danh Đức, “Từ cơn sốt đề thi tú tài Pháp”, báo Tuổi trẻ 23/6/2015, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150623/tu-con-sot-de-thi-tu-tai-phap/765420.html

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)