MOOCs giữa ngã ba đường
Khái niệm MOOCs (Massive Open Online Courses – Các khóa học đại trà mở trực tuyến) xuất hiện lần đầu năm 2008, và lên đến đỉnh điểm thu hút sự quan tâm của công luận bốn năm sau đó, đến mức tạp chí New York Times gọi năm 2012 là “năm của MOOCs”. Cũng trong năm đó, nhiều người thậm chí so sánh MOOCs với những phát minh lớn của loài người trước kia như việc tìm ra lửa hay sự ra đời của Internet. Hai năm sau “đỉnh cao”, MOOCs vẫn phát triển nhưng không bùng nổ đúng như kỳ vọng trước đó. Tại sao vậy?
Khát vọng xây dựng nên một nền giáo dục là công cụ xóa bỏ giàu nghèo, đẳng cấp, giai cấp; nền giáo dục cho mọi người, từ nghèo nhất đến giàu nhất, từ không có địa vị xã hội đến có địa vị xã hội, từ phi tôn giáo đến tôn giáo là ước mong cháy bỏng của loài người hàng trăm năm nay.
Anh Quốc là quốc gia đầu tiên nghĩ đến và thực hiện được điều này. Năm 1858, trường Đại học London (một trường không thuộc hệ thống các trường tôn giáo vốn thịnh hành thời bấy giờ) được Nữ hoàng Victoria phê chuẩn quyền được tổ chức kiểm tra đánh giá và cấp bằng cho sinh viên. Sự kiện này mở ra cơ hội có bằng đại học cho hàng nghìn người dân lao động nghèo thời bấy giờ. Đến cuối thế kỷ XIX, người Mỹ, được chắp cánh bởi đạo luật Morrill về cấp đất cho các trường, tiếp tục phát huy tinh thần “giáo dục đại chúng” của người Anh với việc lần lượt Đại học Chicago và Đại học Columbia mở rộng phạm vi hoạt động theo các chương trình đào tạo từ xa cho hàng trăm nghìn công nhân nhập cư trong ngành than mỏ để trở thành những giám sát viên và kỹ sư bậc cao.
Thập kỷ 1950, thập kỷ đầu tiên sau khi Thế chiến thứ II kết thúc là bước khởi đầu cho công cuộc “đại chúng hóa giáo dục đại học” lần thứ hai trên thế giới. Tại Mỹ, đạo luật GI Bill ra đời, hỗ trợ tài chính cho cựu quân nhân quay lại ghế giảng đường giúp nước này có thêm gần năm triệu người có bằng đại học. Tại châu Âu, chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước cũng giúp giáo dục đại học mở rộng nhanh chóng. Tại châu Á, những trường đại học hiện đại nối tiếp nhau được thành lập. Giáo dục đại học thực sự chuyển mình từ “tinh hoa” sang “đại chúng”.
Cho đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, toàn thế giới đã có tới hơn 150 triệu sinh viên. Ngay cả tại những nước đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ thanh niên là sinh viên đại học đã vượt ngưỡng hơn 20%. Tại những nước đã phát triển, giáo dục đại học thậm chí nhảy sang nấc thang mới: “phổ cập giáo dục đại học” (universe higher education). Tỷ lệ thanh niên là sinh viên ở những nước như Hàn Quốc, Đài Loan hay Mỹ lên tới hơn 80%.
Dân số bùng nổ, giáo dục đại học mở rộng quá nhanh, nhu cầu đi học từ người dân quá lớn. Hệ thống các trường đại học và cao đẳng, cả công và tư, khắp nơi trên thế giới “bung ra” chưa có tiền lệ. Nhà nước không đủ nguồn lực để bao cấp cho giáo dục đại học: đầu tiên là cắt giảm hỗ trợ sinh hoạt phí; rồi học phí tăng dần theo từng năm. Để hỗ trợ người dân, các chương trình tín dụng ra đời nhằm giảm bớt gánh nặng, nhưng rốt cục, kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, vay vốn cho việc học đại học lại trở thành gánh nặng đối với nhiều người. Tại Mỹ, báo cáo hồi đầu năm của Cục Trách nhiệm giải trình cho biết từ 2005 đến 2013, tổng số nợ tín dụng sinh viên trong cả nước đã tăng từ 400 lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Có những người vay tiền đi học bốn năm để rồi cả đời vẫn chưa hết trả nợ.
Với các nước đang phát triển, khi giáo dục đại học mới phổ cập ở mức 20-30% thanh niên, vấn đề cân bằng “chất lượng – số lượng” còn nghiêm trọng hơn. Để đảm bảo chất lượng, đầu tư cho sinh viên phải tăng, nhưng nhà nước lại cạn nguồn lực; học phí vì vậy phải tăng; nhưng học phí tăng tức là con nhà nghèo khó có khả năng chi trả; trong khi tín dụng sinh viên không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Giữa lúc “tiến thoái lưỡng nan” trong cân bằng “chất lượng – số lượng”, MOOCs xuất hiện như một cứu tinh. Trước MOOCs đã có e-learning. Nhưng khác e-learning, MOOCs có sự hỗ trợ của mạng xã hội, giúp tăng cường tương tác thầy- trò, điểm yếu nhất của e-learning.
Cả thế giới hy vọng vào MOOCs.
Những kết quả ban đầu với MOOCs thật khả quan. Mùa thu 2011, Đại học Stanford mở ba khóa theo hình thức MOOCs, ngay lập tức thu hút 160.000 sinh viên ghi danh. Rồi lần lượt EdX, Coursera rồi Udacity ra đời, với sự tham gia của hàng loạt các trường lớn như Harvard, Berkeley, Stanford … với vốn đầu tư hàng chục triệu USD, thu hút hàng triệu học viên. Cũng năm 2012, sự tỏa sáng của Học viện Khan (Khan Academy) theo hình thức MOOCs từ nỗ lực của cá nhân đơn lẻ (Salman Khan) càng làm người ta tin tưởng hơn vào sự thành công của hình thức học mới này.
Thực vậy, học online, bài giảng do các giáo sư hàng đầu trình bày, giá rẻ, tương tác thầy – trò (hoặc trò – trò) được đẩy mạnh nhờ mạng xã hội.
MOOCs có thực sự là cứu tinh?
Nhưng rồi, ngày vui qua mau, MOOCs không phải là thuốc tiên như người ta nghĩ. Thống kê cho thấy hơn 90% sinh viên ghi danh rời bỏ khóa học trước khi nó kết thúc. Kể cả với sự hỗ trợ của mạng xã hội như Facebook hay Twitter, và kể cả khi người thiết kế bài giảng đã nghĩ ra rất nhiều cách để làm bài giảng bớt buồn ngủ hơn, chẳng hạn như bắt buộc sinh viên phải trả lời câu hỏi (quiz) giữa chừng thì mới cho học tiếp, tỷ lệ sinh viên hoàn hành khóa học vẫn không thể vượt quá 10%. Lại là một sự hao phí nguồn lực giống như tín dụng sinh viên (sinh viên không thể trả nợ sau tốt nghiệp), nhưng theo một cách khác.
Giữa lúc “tiến thoái lưỡng nan” trong cân bằng “chất lượng – số lượng”, MOOCs xuất hiện như một cứu tinh. Trước MOOCs đã có e-learning. Nhưng khác e-learning, MOOCs có sự hỗ trợ của mạng xã hội, giúp tăng cường tương tác thầy, trò – điểm yếu nhất của e-learning. |
Trong bối cảnh đó, nhiều người phản ứng với MOOCs: họ lo ngại vấn đề bản quyền; họ sợ MOOCs phát triển sẽ dẫn đến giảng viên bị thất nghiệp. Đây đó trên toàn thế giới, phong trào chống MOOCs ra đời.
MOOCs bắt đầu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam qua nỗ lực của TS. Giáp Văn Dương. Đầu năm 2013 GiapSchool được TS. Dương cho ra đời; đến tháng Tám cùng năm, TS. Dương trình bày tham luận về MOOCs và GiapSchool tại Hội thảo khoa học tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán. Sự say mê và tinh thần dấn thân của TS. Dương thuyết phục được tất cả mọi người. Báo chí trong nước sau đó ngập tràn các bài viết về GiapSchool nói riêng cũng như MOOCs nói chung. Cùng thời gian đó, một đề án do Bộ GD&ĐT chủ trì với việc thành lập hai trung tâm giáo dục trực tuyến gắn với hai Viện Đại học Mở ở hai đầu cả nước theo mô hình MOOCs cũng được xúc tiến.
Hơn một năm trôi qua, số lượng khóa học của GiapSchool vẫn còn khiêm tốn và Đề án của Bộ vẫn còn đang chờ phê duyệt. MOOCs ở Việt Nam chưa thất bại nhưng rất nhiều người phải thừa nhận: không dễ. Cũng như nhiều nơi trên thế giới, hàng loạt các vấn đề với MOOCs được các nhà giáo dục trong nước chỉ ra:
MOOCs có thể thay thế được chương trình học chính quy theo cách truyền thống hay không? Nếu có thì là toàn phần hay một phần?
Nếu đáp án cho câu hỏi một là Có (dù là toàn phần hay một phần) thì kiểm định chất lượng ra sao? Kiểm tra, đánh giá như thế nào? Làm sao để chống gian lận? Làm sao để giảm tỷ lệ bỏ dở học giữa chừng của sinh viên?
Riêng ở Việt Nam và những nước đang phát triển, liệu MOOCs có thành công ở mức độ đại trà khi dân nghèo cũng như người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có thói quen tiếp nhận công nghệ mới một cách dễ dàng? 1
Bài học từ MOOCs: Thứ nhất, đại trà, miễn phí không phải lúc nào cũng là hay. Chỉ khi sinh viên phải đóng tiền thì họ mới có động lực hoàn thành hết khóa học.
Thứ hai, tương tác luôn là yếu tố quan trọng. Trong điều kiện máy tính không làm tốt vai trò này thì việc bổ sung sự hỗ trợ của con người vẫn vô cùng cần thiết. Thứ ba, xác định đúng đối tượng và nội dung học là yếu tố quyết định. Ví dụ về khóa học kỹ năng giao tiếp tại Việt Nam đã phản ánh điều này.
|
Cơ hội của MOOCs
Trong khi những người quan tâm đến MOOCs ở Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời, tín hiệu vui về MOOCs ở một số nơi đem đến nhiều hy vọng:
Tại Brazil, MOOCs đặc biệt thành công, nhưng với một dạng biến thể khác. Sinh viên vẫn phải đóng tiền (chứ không miễn phí như hình dung ban đầu về MOOCs) để tham dự các bài giảng theo hình thức online; và quan trọng hơn, thay vì có thể ngồi học ở mọi nơi, sinh viên vẫn phải đến lớp, học trên máy tính với sự giúp đỡ của những moderator (những người không phải giáo sư nhưng vẫn đủ năng lực để giúp đỡ sinh viên tại chỗ). Có những trường tư tại Brazil mở cơ sở tại hơn 500 địa điểm và thu hút đến 150.000 sinh viên – thành công vượt cả mong đợi. Nói cách khác, MOOCs đã thành công ở Brazil với định dạng MOCs, khi bỏ đi chữ O ban đầu (Open – không còn “mở”, không còn miễn phí).
Với Việt Nam, hình thức MOCs thay vì MOOCs, cũng cho những tín hiệu đáng mừng. Báo cáo của Mạng lưới e-learning quốc tế cuối 2013 cho biết, bên cạnh Malaysia, Việt Nam là một trong hai nước có tốc độ tăng trưởng đào tạo e-learning (có thu học phí) nhanh nhất thế giới. Hội thảo do Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức đầu tháng 8/2014 tái khẳng định điều này, ít nhất ở thị trường TP Hồ Chí Minh. Một diễn giả (giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ e-learning) cho biết, có những khóa rất rẻ (chỉ vài nghìn đồng) nhưng lại thu hút đến 40.000 người ghi danh, chủ yếu là sinh viên sắp tốt nghiệp hoặc mới tốt nghiệp; nội dung lại thật bất ngờ: kỹ năng giao tiếp (tưởng chừng vốn chỉ hiệu quả với cách học truyền thống).Như vậy, MOOCs thực ra vẫn còn “đất diễn”. Nhưng chúng ta có thể rút được bài học gì từ hai ví dụ trên?
MOOC không phát triển nhanh như mong đợi, đó là sự thực. Những khó khăn mà MOOC phải vượt qua là rất lớn. Nhưng ảnh hưởng của MOOC đến sự phát triển của giáo dục đại học là không thể phủ nhận. Với Việt Nam, câu chuyện về MOOC sẽ có những điểm rất khác so với thế giới. Trong khoảng hai chục năm qua, giáo dục đại học không có cải cách gì đáng kể, ngoài việc đổi mới thi cử một cách nhỏ giọt. Các chương trình cải cách giáo dục chủ yếu tập trung cho phần phổ thông, mà hầu như không chạm đến phân khúc đại học này, vì khó và quá sức của Bộ GD&ĐT. Hệ quả là nội dung chương trình đào tạo lạc hậu, sinh viên tốt nghiệp ra trường hầu hết phải đào tạo lại thì mới có thể làm việc được. Vì thế, trong bối cảnh chương trình khung của bậc đại học vẫn bị quy định cứng, giáo trình giảng dạy cũ kỹ, đội ngũ giảng viên đại học thiếu và yếu ở Việt Nam, MOOC không chỉ đóng vai trò như một dạng từ xa, mà còn là một kênh đưa tri thức thế giới về Việt Nam và trực tiếp góp phần đổi mới nội dung chương trình bậc đại học, hội nhập với trình độ quốc tế. Dù gì đi nữa, MOOC cũng đã là một xu hướng. Nếu MOOC không thể bén rễ ở Việt Nam thì nguyên nhân không phải do bản thân MOOC, mà do MOOC chưa được quan tâm đúng mức, hoặc những người thực hiện nó chưa đến nơi đến chốn. Tiến sĩ Giáp Văn Dương
|
Thứ nhất, đại trà, miễn phí không phải lúc nào cũng là hay. Chỉ khi sinh viên phải đóng tiền thì họ mới có động lực hoàn thành hết khóa học.
Thứ hai, tương tác luôn là yếu tố quan trọng. Trong điều kiện máy tính không làm tốt vai trò này thì việc bổ sung sự hỗ trợ của con người (như việc dùng moderator tại Brazil) vẫn vô cùng cần thiết.
Thứ ba, xác định đúng đối tượng và nội dung học là yếu tố quyết định. Ví dụ về khóa học kỹ năng giao tiếp tại Việt Nam đã phản ánh điều này.
Để kết thúc bài viết, xin mượn nhận định của Dennis Yang, CEO của trường MOOCs Udemy, trong một bài bình luận trên Huffington Post hồi tháng Ba năm nay. Theo ông Yang, cũng như những ý tưởng sáng tạo công nghệ khác, MOOCs sẽ phải trải qua năm giai đoạn theo quy luật chu trình hype, bao gồm:
(1) Đòn bẩy công nghệ (technology trigger): Bắt đầu được sinh ra nhờ một sáng kiến công nghệ nào đó (kéo dài khoảng đa hai năm);
(2) Đạt tới cực đỉnh mong đợi (peak of inflated expectations) từ phía công chúng (dao động từ hai – năm năm);
(3) Rơi vào hố giải ảo (trough of disillusionment) khi công chúng bắt đầu bình tĩnh xem xét lại tính khả dụng của công nghệ này (dao động từ năm – mười năm);
(4) Sườn dốc sáng tỏ (slope of enlightenment) khi công chúng bắt đầu nhìn ra những giá trị thực của công nghệ mới (kéo dài hơn mười năm) và cuối cùng
(5) Giai đoạn của sản xuất (plateau of productivity) khi ý tưởng công nghệ được áp dụng đại trà.
Căn cứ vào chu trình này, có thể thấy, MOOCs đã qua hai giai đoạn đầu và bắt đầu bước vào giai đoạn thứ ba; việc thất bại tạm thời đâu đó của MOOCs cũng là lẽ thường tình.
MOOCs vẫn còn rất nhiều cơ hội trước mắt để phát triển; tuy vậy, MOOCs sẽ tiến xa trong tương lai hay không (tương ứng độ dốc của giai đoạn bốn là cao hay thấp); MOOCs sẽ phát triển thành gì: OOCs (ngụ ý không thể phát triển đại trà và bỏ mất chữ M-massive), hay thành MOCs (ngụ ý không còn open – miễn phí) hay thành MoOCs (chữ o viết thường thay vì viết hoa – ngụ ý không phải miễn phí toàn bộ) – điều này phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn và nỗ lực của những người làm MOOCs hôm nay.
——–
* Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan.
1 Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện về những chiếc máy tính “đắp chiếu” không ai dùng tại các huyện vùng sâu, vùng xa theo các Đề án tin học hóa giáo dục trước kia.