Một cách nói khác

Có thể hiểu hành vi xô đổ cổng trường Thực nghiệm của các bậc phụ huynh chính là một cách nói khác của người dân về tính bức thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay, như Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu ra hồi đầu năm ngoái.

Năm học cũ chưa kết thúc, nhưng không khí năm học mới đã nóng hầm hập sau sự kiện hàng trăm phụ huynh xô đổ cổng sắt trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ vào lớp 1 cho con sáng 12/5. Ngay ở một đất nước mà việc xếp hàng hầu như được mặc định chưa phải là thói quen như Việt Nam thì sự kiện không mấy đẹp mắt này vẫn khiến người ta phải suy nghĩ. Vì sao các bậc phụ huynh “quyết liệt” như vậy? Vì sao nạn nhân lại là cái cổng trường Thực nghiệm chứ không phải của ngôi trường nào khác?

Trường PTCS Thực nghiệm ra đời năm 1978, là mô hình cụ thể hóa tư tưởng công nghệ hóa quá trình giáo dục để có thể kiểm soát nó một cách chắc chắn, không may rủi của GS Hồ Ngọc Đại. Ngôi trường nổi tiếng với những khẩu hiệu như: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, “Trò là nhân vật trung tâm, thầy đóng vai trò quyết định”, “Thầy thiết kế – trò thi công”…

Thế nhưng, nên biết rằng tư tưởng giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ngay từ đầu đã không nhận được sự ủng hộ từ những người có học hàm học vị, có chức trách nhà nước. GS Hồ Ngọc Đại kể: Khi tôi đưa ra khẩu hiệu học trò là trung tâm thì họ la lên thầy giáo sẽ bị cho ra rìa à? Khi tôi nói phải công nghệ hóa quá trình giáo dục thì họ bảo giáo dục là “mềm dẻo”, sao lại là một công nghệ cứng nhắc?

Trong khi việc tranh luận học thuật còn chưa ngã ngũ và phương pháp giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn chỉ dừng ở thử nghiệm, thì sự lựa chọn của các bậc phụ huynh lại tỏ ra rất rõ ràng và dứt khoát – hình ảnh cổng trường bị xô đổ đủ nói lên điều đó. Có bậc cha mẹ nào không mong muốn một môi trường giáo dục tốt lành cho con mình, bởi vậy hành động của họ có thể bột phát, nhưng không hẳn là ngẫu nhiên, và ở khía cạnh nào đó, còn đáng được thông cảm, nếu chúng ta nhìn vào thực tế phổ biến của nền giáo dục bấy lâu nay – tốn kém, nhiều áp lực mà không hiệu quả. Cũng có thể hiểu hành vi xô đổ cổng trường chính là một cách nói khác của người dân về tính bức thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay, như Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu ra hồi tháng 1/2011.

Từ trước đó, Việt Nam đã không ngừng thể hiện mong muốn và quyết tâm đổi mới nền dục qua Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 và các chỉ thị đi kèm. Nhưng vì mọi sự đổi mới chỉ hạn chế trong phạm vi sách giáo khoa – mà về cơ bản vẫn là độc quyền, những đổi mới cốt lõi về phương pháp và triết lý giáo dục hầu như không được đề cập, nên các vấn đề bí bách như nạn học thêm, học vụ điểm, chạy trường chạy lớp…, không được giải quyết tận gốc. Qua sự kiện phụ huynh xô đổ cổng trường Thực nghiệm, một lần nữa chúng ta lại được kiểm chứng kết quả thực tế, chứ không phải là kết quả trên giấy tờ, của chương trình năm 2000: Sau nhiều năm ngành giáo dục thực hiện đổi mới với biết bao tốn kém, các bậc phụ huynh vẫn chưa trút được nỗi hoang mang, lo lắng về con đường học tập của con cái mình.

Lên tiếng bằng một cú xô đổ cổng, các bậc phụ huynh cho thấy lòng kiên nhẫn và niềm tin của họ ở ngành giáo dục đang bị thử thách đến giới hạn. Vấn đề là tiếng nói đó sẽ được lắng nghe như thế nào?

Tia Sáng

Tác giả