Một chút kỷ niệm với Văn Như Cương


Thầy Văn Như Cương trong giờ nghỉ với học trò trường Lương Thế Vinh ( ảnh: Bùi Văn Sơn)

Thoắt một cái, chỉ mới cách hôm nay chừng hai tuần lễ, tại nhà Đoàn Tử Huyến, chúng tôi chia tay nhau, Văn Như Cương về trước, còn lại Trung Trung Đỉnh, Phạm Xuân Nguyên và tôi ngồi nán lại…

Văn Như Cương lách qua chỗ Đoàn Tử Huyến rồi đi ngang qua tôi, anh nắm tay chào tôi theo thói quen, Đại ca tiếp tục nỗ lực nhé…

Không ngờ, đó lại là lời di chúc của Văn Như Cương cho tôi.

Tôi không phải dân Toán. Tôi vô cùng dốt Toán. Thời Pháp thuộc, học hết Tiểu học, tôi không sao vào nổi một trường công lập, chỉ vì những bài Toán số học lằng nhằng bằng tiếng Tây về cái vòi chảy vào cái vòi chảy ra và những cái cây trồng ở đầu đường…

Cho nên tôi rất khâm phục những người học Toán, càng kính nể những người giỏi Toán.

Vào đầu những năm 1980, tôi chỉ nghe Hồ Ngọc Đại bình luận “Cương nó ủng hộ lắm… cả bà Sính cũng ủng hộ…”. Đó là câu chuyện về cách tổ chức học Toán cho học sinh Tiểu học của trường Thực nghiệm. Một cách học dễ hướng dẫn cho trẻ em tự học.

Dễ nhưng trình độ cao, dễ đến độ anh Lưu Nguyên, giảng viên Toán Đại học sư phạm Hà Nội xung phong về làm Toán Tiểu học ở trường Thực nghiệm, trong một cuộc huấn luyện ở tình Bắc Thái năm 1984 đã đùa trước cả lớp huấn luyện ở trường Đội Cấn “Các bạn thấy không, cách dạy Toán này rất dễ thực hiện, ngay một người dốt Toán như thầy Toàn cũng dạy được… sách Toán Thực nghiệm của ta ngay thầy Văn Như Cương và cô Hoàng Xuân Sính cũng thích…

Tôi ghi nhớ cái tên Văn Như Cương từ đó, như một con dấu bảo hành độ tin cậy cho một cách dạy Toán. Thấy tiếc là những cái đầu lớn đó chưa ngồi với nhau thực sự để làm lợi cho con em…

Mãi tới đầu năm 2000 tôi mới chính thức gặp Văn Như Cương trong một chuyến đi dài xuyên Việt mang tên Toyota. Tôi thường được bố trí ở chung buồng với Văn Như Cương và Nguyên Ngọc.

Tôi thích Văn Như Cương từ dạo đó không vì chuyện Toán Tiểu học, mà thích những nụ cười thầm ẩn khuất sau chòm râu bạc. Thích những thú vui lang thang khi đến một miền đất lạ với anh.

Lang thang ở Kon Tum, anh nhớ tới nước Nga, anh kể tôi nghe chuyện anh học tiếng Nga. “Lần đầu mình viết một bài văn tiếng Nga. Mình mở đầu thế này: Nước Nga lạnh như một cái tủ lạnh vĩ đại… Bà giáo bò ra cười…

Tôi nhận ra một bài học về thao tác tư duy của học sinh cả khi học Toán cũng như khi học Văn hoặc học ngôn ngữ, tất cả đều có một mẫu số chung là trí tưởng tượng cùng với cách biểu đạt trí tưởng tượng bằng những công cụ khác nhau. Bất kể đó là ngôn ngữ tự nhiên hay ngôn ngữ hình ảnh hoặc ngôn ngữ Toán.

Bẵng đi hồi lâu, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong những cuộc vui nhẹ nhàng, khi tôi chiêm ngưỡng Văn Như Cương cầm micro nhảy lên bục hát chung với Văn Giá… hát say sưa như người nghệ sĩ đích thực không biết âu lo là gì. Người có tâm hồn nghệ sĩ đó cũng là người sau những năm xa mẹ về thăm mẹ chỉ có một ước vọng cõng mẹ đi khắp làng cho mẹ được nhìn làng nước…

Kỷ niệm với Văn Như Cương của tôi không nhiều, và thường liên hệ tới những bối cảnh chung. Như với Tạp chí Tia Sáng này chẳng hạn. Những bữa sáng chủ nhật (thường là ở Hà Nội, nhưng có lần lên tận nhà vùng đồi của Văn Như Cương) anh em gặp nhau bàn về nội dung một kỳ báo sắp đến.

Nội dung đa dạng, nhưng thường hay quay về chủ đề Giáo dục. Những buổi đó, Văn Như Cương thế nào cũng có vài đôi câu đối rất nhanh, rất tài hoa, vịnh cảnh, vịnh người. Và chơi chữ nói lái kiểu ông đồ Nghệ. Thầy giáo tháo giầy … lấy giáo án dán áo …

Gần đây, tôi có “vặn” anh về chuyện học sinh thích hay không thích học Lịch sử. Văn Như Cương lại có dịp giễu lại tôi thay cho câu trả lời rất khó trong bối cảnh đất nước ta. Nhân cái đầu gần như trọc của tôi, Văn Như Cương dùng hình ảnh đó làm vế ra đối:

Gặp thầy Toán chẳng quanh co ông sư hỏi Sử, và anh tự đối lại luôn, để cùng cười trừ với nhau  Thời khó khăn cùng cười xòa lá cờ ương Cương…

Thôi mà, tha cho nhau mà, còn lạ gì mà vặn vẹo nhau!

Tình cờ cách nay hơn hai tuần chúng tôi lại hội ngộ ở nhà Đoàn Tử Huyến. Được tận mắt tận tay và được cảm nhận sự bất biến của đời con người: một Đoàn Tử Huyến hiểu mọi điều nhưng không thể nói ra được… một Văn Như Cương vội vàng tìm hiểu nốt bè bạn …

Bữa đó hình như đề tài tôi nói với Văn Như Cương xoay quanh chỉ một chủ đề: cải cách Giáo dục là việc của trăm năm, không phải công việc của một dự án vài ba năm tuổi thọ…

Tiếc rằng chưa ai kịp làm hết những gì mình nghĩ thì Giời đất đã bắt và bắt dần từng người phải dừng tay làm giữa chừng.

Lời chia tay của Văn Như Cương hôm đó, Đại ca tiếp tục nỗ lực nhé… bỗng thành một lời di chúc.

Mình hứa với ông, Văn Như Cương à, mình sẽ cố làm nốt những gì ông nghĩ như mình và mình nghĩ như ông.

Cho tới khi Giời bắt phải ngừng.

Tạm biệt nhé. Giữ cho mình một suất trên chuyến xe mây về cõi xa xôi, ở đó chắc là lạnh như một tủ lạnh vĩ đại… và nóng như một đài Hoàn vũ vĩ đại.

 Hà Nội, 9-10-2017

PGS.TS Văn Như Cương sinh năm 1937 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, và sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Năm 1971, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ. Về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh. Ông đã chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam. Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới và làm Hiệu trưởng đến năm 2014. Ông qua đời rạng sáng ngày 09/10/2017, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)