Một số vấn đề về quản lý và những thách thức trong nền giáo dục Việt Nam*

Với tư cách là người hoạt động trong giáo dục đại học, cũng như với tư cách là phụ huynh học sinh, tôi xin nêu vài suy nghĩ của mình về vấn đề quản lý giáo dục, quản trị đại học và những thách thức đối với giáo dục Việt Nam. Trong phần đầu về quản trị, tôi sẽ lấy ví dụ nhiều hơn trong giáo dục đại học, là lãnh vực mà tôi có nhiều trải nghiệm thực tế. Trong phần hai, về minh bạch tài chánh, tôi sẽ nói về nền giáo dục một cách rộng rãi hơn, với quan điểm vừa của người trong ngành vừa là phụ huynh học sinh, thành phần của công chúng sử dụng dịch vụ giáo dục từ các nhà trường.




1.    Quản trị đại học Việt Nam và tính minh bạch

Cần nói ngay là có những yếu tố có vẻ thuận lợi cho việc tăng cường tính minh bạch trong quản trị đại học Việt Nam. Nhưng thuận lợi chỉ thấy ở bề mặt và thường không được sử dụng đúng, nguy cơ nằm ở bề sâu và sẽ không khắc phục được căn cơ nếu không nhận diện rõ ràng.

Quản lý tập trung có nhiều bất lợi, đặc biệt là trong quản trị đại học, vì các trường đại học, hơn mọi cơ sở giáo dục ở trình độ khác, cần sự tự chủ, độc lập để thực thi sứ mạng của mình. Nhưng ít ra, quản lý tập trung cũng có vẻ (và thường gây ảo tưởng là) thuận lợi cho sự minh bạch.

Trước hết, khi quản lý tập trung, trách nhiệm điều hành và giải trình được quy về một hay một số ít đầu mối. Không một trường mẫu giáo, trường phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hay đại học nào ở Việt Nam, dù là công hay tư, dù do người Việt hay người nước ngoài làm chủ, có thể ra đời, hoạt động mà không có sự cho phép bằng văn bản (sau một quá trình xét duyệt, thẩm định có nhiều bộ phận của cơ quan công quyền tham gia và thường tốn thời gian không ngắn) của một cơ quan nhà nước Việt Nam, trong nhiều trường hợp là Bộ Giáo dục&Đào tạo, song nếu không, cũng là một cơ quan nhà nước phần lớn từ cấp tỉnh, thành phố trở lên. Sau khi đã có quyết định thành lập, rất nhiều hoạt động khác của nhà trường, từ mở chương trình, ngành, bậc học mới đến các hoạt động thường xuyên như tuyển sinh, cấp bằng tốt nghiệp, công nhận giáo sư và xếp ngạch, bậc giảng viên, giáo viên, quản lý lao động, khen thưởng, kỷ luật giảng viên, nhân viên và sinh viên đều có những quy định của Bộ, Sở, có sự xét duyệt, công nhận của cơ quan công quyền các cấp. Mọi người cũng có quyền (ít nhứt là trên nguyên tắc) khiếu nại, khiếu tố, khiếu kiện lên chính quyền cấp trên nếu cảm thấy không hài lòng về chủ trương, chánh sách hay quyết định của nhà quản lý các cơ sở giáo dục. Có đầu mối tập trung, là thuận lợi cho việc đặt ra và yêu cầu tuân thủ các chuẩn mực quản lý, điều hành cho phép kiểm soát chất lượng, ngăn ngừa tiêu cực. Khi xảy ra khiếm khuyết hay vi phạm, về lý mà nói, cũng dễ chỉ ra cơ quan hay bộ phận, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

Tiếp theo, quản lý tập trung cho phép cơ quan quản lý yêu cầu, thậm chí cưỡng chế sự minh bạch thông tin từ các cơ sở đào tạo, như hiện nay Bộ Giáo dục đã bắt đầu làm thông qua chủ trương công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục sau phổ thông.

Vậy thì, tại sao cảm giác bất an, trì trệ vẫn nặng nề?

Tôi xin nêu ra một số trong các nguyên nhân. Đó cũng là những thách thức phải vượt qua, nếu chúng ta thực sự thấy thiết yếu cần tăng cường tính minh bạch và chất lượng giáo dục.

Nguyên nhân thứ nhứt: sự thiếu ràng buộc và nếu có ràng buộc cũng là không tương xứng giữa quyền hạn quản lý, cấp phép và nghĩa vụ, trách nhiệm giải trình, xử lý vi phạm hay bất cập. Quy trình lấy quyết định thường phức tạp, trải qua nhiều khâu xét duyệt, lấy ý kiến của nhiều Vụ, Cục, Phòng, Ban thuộc Bộ/Sở/UBND trước khi có quyết định do lãnh đạo Bộ/Sở/UBND/Chính phủ ký. Nhưng khi phát hiện sơ hở, khiếm khuyết, thậm chí vi phạm ít nhiều nghiêm trọng thì người ta lại chần chừ trong việc xác định trách nhiệm cá nhân và bộ phận, cấp quản lý nhà nước. Cùng lắm, chỉ có cơ quan nói chung hay cấp lãnh đạo cao nhứt của Bộ phải “giải trình” – thường không tới nơi tới chốn –  trước công luận, còn trách nhiệm cụ thể của cấp tác nghiệp thường bị che phủ hoặc bởi lý cớ là quy trình phức tạp, có nhiều tác nhân tham gia, hoặc bởi sự “im lặng vì lý do tế nhị”. Sự vi phạm trong giáo dục càng được coi là “nhạy cảm”, khó đề cập hay công bố, vì cái bị ngộ nhận là “truyền thống tôn sư trọng đạo” hay các thành kiến khác khẳng định tính “thiêng liêng” của giáo dục và sự “không tương thích” giữa giáo dục và lợi ích tài chánh, càng không tương thích khi đó là lợi ích bất chính.

Nguyên nhân thứ hai: sự thiếu chú trọng đến quản lý tài chánh trong bộ máy quản lý, cũng như trong toàn đội ngũ những người hoạt động giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập. Sự thiếu chú trọng nầy dẫn đến bất cập kéo dài về nhân lực, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt về kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ nói chung và kiểm soát tài chánh nói riêng. Lưu ý: kiểm soát chủ yếu là kiểm soát việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chánh, không có nghĩa là người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đều được bình luận vô tội vạ về những dữ kiện họ không có tri thức đầy đủ, cũng không có thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra.

Nguyên nhân thứ ba, là nguyên nhân cơ bản nhứt: quan hệ xin-cho và bản thân cơ chế quản lý tập trung quan liêu triệt tiêu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, kể cả dạy nghề và cao đẳng, đại học, hay nói gọn hơn, triệt tiêu mọi nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm của họ. Khi các trường bị Bộ và các Ủy ban nhân dân đối xử như trẻ vị thành niên, họ không chủ động trong chiến lược và hành xử của mình, không chọn được cách làm hiệu quả nhứt cho chất lượng và cũng không chịu trách nhiệm về hậu quả, tác hại gây ra, nếu có. Nhà nước bắt đầu nói đến uy tín, độ tin cậy của từng cơ sở giáo dục (thường bị gọi sai và hiểu sai là “thương hiệu”); nhưng thiệt ra, cơ chế quản trị đại học hiện tại chưa cho phép từng trường thực sự quản lý uy tín và độ tin cậy riêng của mình. Sự thiếu minh bạch đầu tiên chính là thiếu minh bạch – bên cạnh những khiếm khuyết, bất cập khác – của các chính sách, quy chế quản lý giáo dục ở nhiều cấp độ. Mọi điều kiện hoạt động bình thường của cơ sở giáo dục phụ thuộc quá nhiều vào thẩm quyền “xét duyệt” và “ban phát” của cấp trên, thì đó là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh và phát triển.

Thẩm quyền quản lý tập trung thường xuyên bị sử dụng sai mục đích và trái với điều kiện nhằm đạt hiệu quả phân minh, đồng bộ về chất lượng giáo dục. Khi có sự cố (thường là những vi phạm chuẩn mực gây hại cho cộng đồng), quyền lực tập trung thường thiên về giải pháp tự vệ co thủ, giới hạn quyền tự do hoạt động (dù là hoạt động lành mạnh và hiệu quả) của số lớn các cơ sở chỉ vì sự vi phạm trầm trọng của một số ít cơ sở mà người ta không dám “chỉ mặt đặt tên” vì ngại “bứt dây động rừng”. Điều nầy dẫn đến tệ trạng mà công luận than trách đã nhiều nhưng không thấy có dấu hiệu hay cơ may khắc phục; người ta gọi đó là quy luật “hễ không quản lý được (thực chất là quản lý kém hiệu quả, vì có quyền lực quản lý nhà nước, có chức vụ và hưởng lương để làm việc đó, sao lại gọi là “không quản lý được”?) thì cấm”. Trong lúc cấm hay tạm dừng, vẫn có trường hợp được giải quyết ngoại lệ và người ta rất khó xác định mức độ chính đáng của những ngoại lệ không phải ít, không phải nhỏ.

Tóm lại, thách thức lớn nhứt trong quản trị đại học là trả quyền tự chủ một cách rộng rãi và thực chất về cho các cơ sở giáo dục đại học, không phải theo cách nhỏ giọt từng bước “giao quyền” cho những cơ sở được chọn lọc theo một trật tự ưu tiên với những tiêu chí cũng kém minh bạch và khó thuyết phục. Các cơ sở giáo dục phải được kiểm soát về năng lực thực hiện sứ mạng trước khi cấp phép ra đời và hoạt động. Thẩm định trên hồ sơ, giao hoạt động với quy mô nhỏ trong thời gian thử thách đều là những biện pháp thẩm định, kiểm soát khả thi và hiệu quả nếu người ta tự cho mình đủ ý chí và nhân lực chuyên gia thích hợp để thực hiện, nếu các quy trình nầy có sự minh bạch và nghiêm minh cần thiết. Sau khi được cấp phép, các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở các năm cuối phổ thông và ở trình độ sau phổ thông, đều phải có đầy đủ sự tự chủ để có nghĩa vụ giải trình và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình phù hợp với pháp luật. Xây dựng hệ thống pháp luật vừa đủ chặt chẽ để bảo đảm các chuẩn mực vừa đủ cập nhật và linh hoạt để tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của hệ thống giáo dục là điều không quá khó vì có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm, cách làm hay của quốc tế.

Cuối cùng, phát triển hợp tác quốc tế (không đồng nghĩa với bê nguyên xi chương trình, đội ngũ, cũng không giản lược là thực hiện các loại công thức 2+2, 3+1, v.v…, hay chỉ tập trung xây mới đại học quốc tế tại Việt Nam), quốc tế hóa giáo dục đại học (không đồng nghĩa với phát triển tùy tiện và thiếu kiểm soát các trường tự xưng quốc tế một cách ít nhiều chính đáng) và nghiên cứu khoa học là những xu thế phát triển tất yếu sẽ mang lại nhiều cơ may tăng cường minh bạch và chất lượng, hiện đại hóa quản trị đại học tại Việt Nam.

 

2.    Minh bạch tài chánh, thách thức và đề xuất

Các biện pháp gia tăng sự minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chánh trong giáo dục phải phù hợp với sứ mạng của giáo dục, bám sát thực tế hoạt động của các trường trong một môi trường kinh tế-xã hội còn nhiều ô nhiễm.

Như trong báo cáo đề dẫn đã nêu, giáo dục là lãnh vực lớn thứ nhứt hay thứ hai sử dụng ngân sách. Như vậy, chỉ về qui mô, chi tiêu ngân sách cho hiệu quả đã là việc ảnh hưởng lớn đến lợi ích chung. Trong hoàn cảnh Việt Nam, nước nghèo nhưng hiếu học, sự đầu tư chẳng những của nhà nước mà còn của toàn xã hội cho giáo dục là rất lớn và thường là biểu hiện của hy sinh đáng trân trọng từ gia đình và cộng đồng. Do đó, mong mỏi của người dân càng cấp thiết và chính đáng về sự sử dụng hiệu quả nỗ lực đầu tư đó.

Sự thiếu minh bạch mà ai cũng thấy và rất nhiều người là nạn nhân, trước hết là thiếu minh bạch về học phí và chi phí khác cho học tập. Nhiều trường học Việt Nam, nhứt là trường công, còn quá nhiều chi phí thiếu công khai, minh bạch mà phụ huynh phải chi cho giáo dục con em. Bất chấp công luận nhiều lần lên tiếng, cơ quan nhà nước ban hành hết chỉ thị nầy đến nhắc nhở kia, học phí và các chi phí khác phải nộp chính thức cho nhà trường luôn khác biệt, có khi rất xa giữa các cơ sở giáo dục công với nhau, mà không có sự giải trình rõ ràng và thuyết phục. Bên cạnh chi phí nộp chính thức còn vô số những khoản chi không chính thức, chi gián tiếp khác làm mất hẳn ý nghĩa của công bằng cơ hội mà giáo dục công có trách nhiệm bảo đảm như một sứ mạng cơ bản của mình.

Thực trạng nầy trước hết làm khổ số đông các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ sư phạm lương thiện của nhà trường, làm mất uy tín ngành giáo dục, tổn thương quan hệ thầy trò, trong khi người hưởng lợi chỉ là một thiểu số mà chưa thấy trường nào, cấp trên nào của trường xác định và truy tố được, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi. Sự thiếu minh bạch, nhứt quán cũng làm cho các khoản thu và chi chính đáng cũng kém sức thuyết phục một cách oan uổng. Tất nhiên, nạn nhân đông nhứt là học sinh và gia đình của họ. Vì vậy, tuy phải chi thường là nhiều lần cao hơn cho các trường phổ thông quốc tế, phụ huynh vẫn có cảm giác dễ chịu, yên tâm hơn. Bởi sự thiếu minh bạch tài chánh liên quan đến nhiều sự thiếu minh bạch, thiếu công bằng khác mà không ai muốn con mình là nạn nhân trong thời thơ trẻ của các cháu. Di hại của sự mất lòng tin – và càng về sau, cảm giác hình như ngày càng nhiều cháu không có cả một lòng tin ban đầu để mà mất – vào các giá trị trung thực, lương thiện, công lý, chưa nói đến quan hệ thầy trò, bè bạn, sự ganh đua lành mạnh trong nỗ lực học tập, rèn luyện là rất lớn lao, lâu dài, mức độ tàn phá đối với sự cố kết của cộng đồng và nhân phẩm các công dân tương lai không sao lường hết được!

Các nhà trường cũng là nơi tiêu dùng ngày càng nhiều những sản phẩm, dịch vụ từ xã hội. Họ là khách hàng có nhu cầu tiêu dùng và sức mua ngày càng cao; mà tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và cơ sở pháp lý để các nhà quản lý giáo dục và giáo viên tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích chính đáng của học sinh, của xã hội không tăng tương ứng với các khoản chi trong ngân sách của họ. Thủ phạm của các vi phạm về tài chánh có thể gồm cả người bên ngoài nhà trường (người cung ứng sản phẩm, dịch vụ; nhưng không loại trừ cơ quan quản lý cấp trên hay những người có vị thế mà nhà trường phải kiêng dè) lẫn người bên trong nhà trường, từ cấp quản lý, giáo viên, nhân viên đến cả một số học sinh có đặc quyền hơn các bạn. Thật không đơn giản cho những người lương thiện muốn giữ sự trong sạch, danh dự của bản thân hay muốn tố cáo tiêu cực, góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục, một sự trong sạch cần thiết như không khí người ta thở. Không khí đó bị ô nhiễm thì mọi nỗ lực giáo dục, đào tạo đều có nguy cơ trôi sông đổ biển.

Việc xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, tốn kém, mua sắm những thiết bị ngày càng phức tạp, hiện đại đặt ra thách thức ngày càng cao, nguy cơ kém hiệu quả ngày càng lớn cho các nhà trường. Không có đội ngũ quản lý nào từ các trường phổ thông và nhiều trường đại học có thể tự trang bị đủ tri thức và kinh nghiệm để là người tiêu dùng hiểu biết, khôn ngoan, hiệu quả trong những lãnh vực xa với chuyên môn, nghiệp vụ của mình đến vậy.

Lương thấp và/hoặc không công bằng, hợp lý (ngay trong nội bộ một trường, một bậc học), chế độ đãi ngộ bất cập từ nhà nước, nhà trường tăng thêm nguy cơ, cám dỗ của những “tấn công” từ xã hội mà nhà giáo là nạn nhân trực tiếp, sau đó biến đồng nghiệp, học sinh mình và cộng đồng thành nạn nhân ở cấp số nhân.

Có thể đề xuất gì trước muôn vàn thách thức ấy?

Trước hết, tôi nghĩ cần công khai các dữ liệu, thông tin để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của cơ sở giáo dục, không chỉ là nơi thực thi sứ mạng giáo dục, mà còn là một tổ chức, cần được quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả như bất kỳ tổ chức nào khác.

Cần thực sự tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý giáo dục, không chỉ là quản lý sư phạm, mà còn là quản lý tổ chức về nhiều phương diện, quản lý các nguồn lực trong đó có nhân lực và tài chánh. Phải hướng đến phân công, tổ chức lao động thế nào để người thầy, cũng là người lao động, dùng tài sức, tâm trí của mình giáo dục, đào tạo học sinh, đồng thời cũng làm tròn nghĩa vụ đóng góp cho hoạt động của nhà trường, được bảo đảm điều kiện làm việc hiệu quả, nghỉ ngơi hợp lý; đặc biệt quản lý sao cho người thầy cơ hữu thực sự làm việc toàn thời gian, và được trả lương, đãi ngộ xứng đáng, tại một cơ sở giáo dục; chấm dứt tình trạng “chạy sô”, lạm dụng dạy ngoài giờ là những vi phạm nghiêm trọng cả về kỷ luật lao động, cả về đạo đức nghề nghiệp, lẫn sự lương thiện cơ bản nhứt. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp hiệu quả giữa quy chế quản lý và sự đề cao lương tâm nghề nghiệp, lòng tự trọng của người làm giáo dục; chớ không dùng biện pháp mệnh lệnh hành chánh thô thiển, thiệt ra hoàn toàn không hiệu quả.

Quản lý tài chánh cùng nhiều mặt quản lý khác (cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, quy trình mua sắm, khấu hao, v.v…) của nhà trường cũng cần tăng tính chuyên nghiệp; thực hiện theo các nguyên tắc quản lý thông thường trong mọi tổ chức. Muốn vậy, cần “phi thiêng liêng hóa” tính đặc thù của cơ sở giáo dục. Nếu quả thật quản lý tài chánh, tài nguyên minh bạch, hiệu quả là quan trọng, thiết yếu trong giáo dục – mà tôi tin mạnh mẽ là như vậy, vì các lý do đã phân tích ở trên – thì càng cần thiết có quy định pháp lý, có đầu tư nhân lực chuyên nghiệp (về quản lý tổ chức) để bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả đó; để xử lý thích đáng, kịp thời các vi phạm bằng quy chế của ngành, pháp luật nhà nước.

Cải tiến quản lý, đổi mới phương pháp dạy, học, thi cử, kiểm tra, xét tuyển, thi tuyển vào cấp học cao hơn theo hướng giảm thiểu rủi ro và chủ quan “ban phát” ơn huệ trong đánh giá và trong quản lý giáo dục nói chung, tăng cường sự chủ động của cấp cơ sở, của người dạy, người học, sự tương tác hiệu quả giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau, giữa người dạy, người học và cộng đồng trong, ngoài nhà trường, trong, ngoài nước Việt Nam đều là những xu thế mới trong giáo dục, chẳng những có lợi ích sư phạm lớn lao, mà còn gia tăng sức mạnh của nhà giáo dục và người học, của cộng đồng trong việc quản lý giáo dục đào tạo một cách minh bạch và hiệu quả, bảo đảm chất lượng đồng bộ với một mức tối thiểu đáp ứng được chuẩn mực phổ quát.

Để tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả quản lý tài chánh nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung, Việt Nam cần phi thiêng liêng hóa nhà trường và nghề dạy học; cần đãi ngộ tốt hơn đội ngũ sư phạm, không bằng lời lẽ tôn vinh sáo rỗng mà bằng cơ chế quản lý bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc thực tế hiệu quả cho nhà giáo dục, trước hết là bằng cách tăng thu nhập thực tế của nhà giáo và sửa đổi những cơ chế đang gây tổn hại nặng nề đến uy tín và lòng tự trọng nghề nghiệp của họ.

Việc tự động hóa quản lý hệ thống thông tin cũng là giải pháp kỹ thuật, tuy không đủ, nhưng hữu dụng, nhằm bảo đảm tính nhứt quán và tạo thuận lợi cho kiểm tra, kiểm soát, trước hết là kiểm soát nội bộ. Kiểm định chất lượng giáo dục, nhứt là theo chuẩn mực quốc tế và được thực hiện bởi cơ quan kiểm định độc lập cũng là những giải pháp có lợi về nhiều mặt cho minh bạch và chất lượng.

Xã hội và các nhà trường cũng cần có cơ chế công khai khuyến khích toàn thể thành viên trong và ngoài tổ chức giáo dục – bao gồm người học và cộng đồng xã hội – góp phần vào tính minh bạch, lành mạnh, trong sạch và chất lượng, hiệu quả của hoạt động giáo dục. Các cơ chế nầy cần được xây dựng và không ngừng hoàn thiện trên cơ sở học tập các cách làm hay (best practices) của quốc tế.

Tóm lại, để tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả quản lý tài chánh nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung, Việt Nam cần phi thiêng liêng hóa nhà trường và nghề dạy học; cần đãi ngộ tốt hơn đội ngũ sư phạm, không bằng lời lẽ tôn vinh sáo rỗng mà bằng cơ chế quản lý bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc thực tế hiệu quả cho nhà giáo dục, trước hết là bằng cách tăng thu nhập thực tế của nhà giáo và sửa đổi những cơ chế đang gây tổn hại nặng nề đến uy tín và lòng tự trọng nghề nghiệp của họ.

Những người chống tiêu cực trong ngành giáo dục – từ nhà quản lý từ chối bẻ cong quy định để được lòng cấp trên hay đồng nghiệp, học sinh; tới nhà giáo (bao gồm người thầy và nhân viên làm các công tác quản lý đào tạo, quản lý khác) kiên quyết bảo vệ công bằng trong đánh giá học sinh, lương thiện trong sử dụng mọi nguồn tài nguyên (kể cả thời lượng và chất lượng lao động theo nghĩa vụ, ràng buộc do hợp đồng lao động) của tổ chức; người học từ chối quay cóp, ăn gian, mua điểm số, văn bằng bằng tiền hay bằng lợi ích khác được cung cấp bất lương cho những người có quyền “ban phát” trong tổ chức giáo dục – tất cả những nỗ lực phù hợp đạo làm người và có trách nhiệm công dân đó phải được khuyến khích và tưởng thưởng, chí ít là bằng cơ chế bảo đảm an toàn và lợi ích xứng đáng cho họ. Và đương nhiên, những vi phạm phải bị xử phạt nghiêm minh, tương xứng.

Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong giáo dục, chống tham nhũng, lãng phí, bất lương trong lãnh vực hoạt động rất quan trọng nầy là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, gian khó. Nhưng tôi tin là nó xứng đáng cho chúng ta dành tâm sức, thời gian, trí tuệ để tìm ra và thực hiện những biện pháp hữu hiệu. Vì để kéo dài tình trạng như hiện nay, thì tác hại đã, đang, sẽ vô cùng lớn lao và nghiêm trọng, không chỉ riêng đối với chất lượng của giáo dục.

———————

*Tham luận tại Hội thảo “Tham nhũng và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục Việt Nam Làm thế nào nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình?”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)