Ngày 20/11, nhà giáo nghĩ gì?

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để tôn vinh nhà giáo. Một mục tiêu rất tốt đẹp. Nhưng sự tôn vinh một ngày đó thực sự có ý nghĩa không khi mà 364 ngày còn lại là một thực tại nặng nề, khi hết năm này đến năm khác các điều kiện làm việc và đãi ngộ của nhà giáo Việt Nam hầu như vẫn chẳng có gì cải thiện?

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại một lần nữa đang đến. Trong những ngày này, có vẻ như toàn xã hội đều cùng lao vào chăm lo cho các nhà giáo cả về tinh thần lẫn vật chất. Ở các trường, từ mầm non đến đại học, có thể thấy mọi người tưng bừng tham gia các hội thao, hội diễn hoặc hội thảo, họp mặt để mừng ngày 20/11. Trong các gia đình thì các bậc phụ huynh đang loay hoay tính toán nên mua quà gì để tặng thầy cô của con mình, nếu không phải là tất cả thì chí ít cũng phải được thầy/cô giáo chủ nhiệm lớp hoặc thầy/cô dạy môn chính. Ở một số trường có Hội phụ huynh năng động, người ta còn vận động đóng góp để cuối cùng có thể tặng cho tất cả các thầy cô một phong bì nho nhỏ, với giá trị vài trăm ngàn đồng chẳng hạn.

Không thể không kể đến vào những ngày sát cận ngày 20/11 ta thấy hoa được bày bán khắp nơi, đặc biệt là ở các cổng trường để bán lẻ từng bông hồng, từng cành lan, hoặc từng bó cúc cho các em học sinh đem vào lớp tặng thầy, cô giáo. Không khí lễ hội của ngày 20/11 kéo dài đến vài tuần, chẳng kém gì những ngày lễ lớn của phương Tây với hàng loạt dịch vụ  kèm theo đầy tính thương mại để kích thích tiêu dùng, như trong dịp lễ Noel vào tháng 12 sắp tới đây.

Nhìn từ bên ngoài như vậy, có lẽ tất cả chúng ta cũng tạm cảm thấy yên tâm nếu không muốn nói  là tự hào vì các nhà giáo Việt Nam rất được quan tâm và tôn trọng. Nhưng các nhà giáo của chúng ta có nghĩ như vậy không?

Vào ngày Nhà giáo, các giáo viên vẫn phải đi dạy bình thường vì đây không phải là một ngày nghỉ chính thức. Tùy từng trường, có thể người ta sẽ tổ chức một buổi “lễ” hoặc họp mặt toàn trường, các thầy cô giáo mặc quần áo đẹp, được tặng hoa, tặng “phong bì” (có lẽ đã được đưa riêng từ trước), nghe vài bài hát, vài lời ca ngợi chung chung, vài lời động viên xem chừng có chút sáo rỗng. Buổi lễ có lẽ kéo dài vài tiếng đồng hồ, “trong không khí ấm cúng, thân mật”, sau đấy ai về lớp nấy. 

Niềm vui có thể kéo dài thêm trọn ngày. Và sau ngày đó, tất cả các thầy cô lại trở về với 364 ngày còn lại để có thể hoàn tất chương trình giảng dạy nặng nề, giảm tải mãi mà tải hình như cứ tăng thêm, chỉ với một bộ sách giáo khoa duy nhất hoàn toàn không xét đến những khác biệt của từng đối tượng học sinh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Hệ thống thi cử thì nặng nề và đầy áp lực, khiến nhu cầu học thêm của học sinh là hoàn toàn có thật. Dạy thêm vì vậy đã trở thành nguồn thu nhập bổ sung chính đáng từ hoạt động nghề nghiệp của các thầy cô, nhưng hiện đang bị hệ thống nhìn nhận như một hành động phạm pháp vốn được quản lý rất chặt chẽ từ trường đến các phòng và Sở Giáo dục. Họ vẫn phải sống đời nhà giáo của mình với đồng lương không đủ sống, và lời hứa “giáo viên sẽ sống được bằng lương vào năm 2010” đã qua đi 2 năm rồi nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Những áp lực nói trên thường xuyên bào mòn sức lực của người thầy từng ngày, từng giờ. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nghề giáo ở Việt Nam bây giờ còn là một nghề hết sức rủi ro, với sự gia tăng của tình trạng học trò đánh thầy cô, phụ huynh học sinh xúc phạm thầy cô, và tệ hại hơn, là những lời sỉ nhục, mạt sát vô tình hay cố ý của giới truyền thông đối với hình ảnh của người thầy trên báo chí hôm nay. Gần đây nhất, một cô giáo trẻ dạy Văn trong độ tuổi hai mươi phải đã xin nghỉ việc, chỉ vì sự cố “canh gà Thọ Xương” của cô – chưa biết thực hư thế nào – đã được báo chí đưa lên như một scandal để dư luận tha hồ lên án, ném đá. Giờ đây, trong không khí “tưng bừng” chào đón ngày 20/11, chẳng hiểu cô giáo trẻ của chúng ta đang ở đâu, và nghĩ gì?

Có lẽ chúng ta cũng sẽ rất bất ngờ khi nghĩ về điều này: các scandal liên quan đến ngành giáo dục được khai thác trên báo chí khá nhiều đến nỗi đã tạo ra một hình ảnh xấu về nghề giáo. Nhưng hầu như không bao giờ ta được nghe lời phản hồi từ chính các nhà giáo về những scandal có liên quan đến mình, hoặc trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình là Công đoàn ngành Giáo dục. Những tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo trong các scandal là gì, những hoàn cảnh nào khiến cho họ rơi vào những sai lầm – nếu quả là họ có sai lầm – liệu lâu nay có ai tìm hiểu để giúp họ khắc phục, cải thiện hay không? Hình như câu trả lời ở đây là: trong các vấn đề liên quan đến nhà giáo, thì chính nhà giáo lại là đối tượng vắng bóng và im tiếng nhất. Họ không hề có mặt, và không hề có tiếng nói!

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để tôn vinh nhà giáo. Một mục tiêu rất tốt đẹp. Nhưng sự tôn vinh một ngày đó thực sự có ý nghĩa không khi mà 364 ngày còn lại là một thực tại nặng nề, khi hết năm này đến năm khác các điều kiện làm việc và đãi ngộ của nhà giáo Việt Nam hầu như vẫn chẳng có gì cải thiện?
           
         

Tác giả