Ngày hội toán học: Bản giao hưởng số pi
Ngày 21/8 vừa qua, tại thư viện Tạ Quang Bửu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, với tâm niệm“Tổ chức ngày hội không phải để mọi người thấy toán dễ, vì toán thật sự không dễ, nhưng chắc chắn toán học không xa cách” (trích lời khai mạc của GS Ngô Bảo Châu), Viện nghiên cứu cao cấp về toán VIASM đã tổ chức Ngày Hội toán học mở “Bản giao hưởng số π” (tiêu đề này ngụ ý tới vẻ đẹp hài hòa, sự bất ngờ, tính phá cách có trong nội tại và cả sự tồn tại dài lâu của toán học, đồng thời cũng đề cập tới tính chất rộng lớn, phức tạp, nhưng cũng rất khoáng đạt của thế giới toán học ngày nay).
Nguyễn Quốc Khánh
Các em chơi các trò chơi Toán học
trong Ngày hội Toán học mở
Với sự phối hợp của 7 tổ chức giáo dục: Học viện sáng tạo S3; Trung tâm Toán tư duy POMATH; Trung tâm toán và khoa học Hexagon; Sputnik Education; CLB Học toán cùng Jenny; Nhóm toán-tin-khoa học MaSSP; và Trường học lớn BigSchool, nhiều trò chơi đa dạng, hấp dẫn và các phương pháp giáo dục toán học khác nhau, có các hoạt động hands-on, có các dự án nhỏ (mini project-based learning), có các nội dung mà cả phụ huynh và học sinh cùng tham gia (family-math), dù cách thức thể hiện khác nhau, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả các phương pháp đó đều có một điểm chung là tạo được cho học trò không gian thực học thông qua các hoạt động thật của chính các em theo tinh thần các em sẽ học được rất nhiều khi các em phải tự mình đối diện với những câu hỏi khó, hơn nữa đôi khi các em còn học được rất nhiều khi làm việc với bạn bè (học thầy không tày học bạn).
Ngày hội là một Không-gian tương tác và đối thoại mở bắt đầu với Hội thảo“Mấy góc nhìn về giáo dục toán học ở Việt Nam” với tham luận của GS Hà Huy Khoái, TS Chu Cẩm Thơ (Đại học Sư phạm Hà Nội), TS Trần Nam Dũng (Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh), TS Trịnh Hữu Tuệ và ba bài giảng đại chúng trong đó GS Ngô Bảo Châu (Chicago University & VIASM) nói về hành trình số học từ cổ điển đến hiện đại với câu chuyện bài toán cuối cùng của Fermat, sự thú vị nội tại của toán học và ranh giới giữa làm toán nghiệp dư và làm toán chuyên nghiệp, GS Vũ Hà Văn (Yale University) nói về lý thuyết toán học trong chuyện “Người say đi đánh đề” hay là những “sự ngây thơ” của xã hội thiếu mất những hiểu biết toán học thuần túy lý thuyết căn bản. Cuối cùng không khí được đẩy lên đỉnh điểm với một Tọa đàm về một chủ đề nóng “Thi đấu toán học, ích gì?” với nhiều khách mời có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục toán học nói chung và ươm mầm các tài năng toán học từ xưa tới nay nói riêng.
Đây là lần thứ hai VIASM tổ chức ngày Hội mở về toán học với sự tham gia của sáu đơn vị xuất bản và phát hành sách vở, học liệu giáo dục (bao gồm NXB Kim Đồng, Nhà sách Long Minh, Xưởng sáng tạo Gara Creative, công ty sách Sputnik, trung tâm sách POMATH và Quảng trường sách The Booksquare Hà Nội). Nhiều khách mời là các nhà toán học và khoa học đầu ngành, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục uy tín, hơn 100 huấn luyện viên (instructors) và tình nguyện viên (volunteers) cùng với rất nhiều phụ huynh và gần 2000 học sinh sinh viên tới từ gần 20 tỉnh thành khắp cả nước đã “dắt nhau đi nghe nhạc toán”. “Trong ngày hội lần này, các bạn trẻ say sưa chơi các trò chơi toán học để lấy thẻ, bạn nào cuối ngày được 10 thẻ thì được đổi lấy kỷ niệm chương của Viện cao cấp. Các bạn già say sưa hội đàm từ sáng sớm đến xế chiều về học toán, dạy toán và thi toán, với cao trào là thuyết trình của GS Văn về kỳ vọng lợi nhuận trong số đề và của GS Tuệ về nghĩa không đen.” – GS Ngô Bảo Châu (Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về toán và chương trình trọng điểm quốc gia về toán giai đoạn 2010-2020) tổng kết ngay khi ngày hội vừa kết thúc.