Nghề học

khi hoạt động giáo dục và sát hạch hiệu quả hơn thì học tập sẽ trở lại đúng chức năng của nó với đóng góp xã hội cụ thể và được lượng hóa rõ ràng, điều mà các nước phát triển từ lâu đã xem như một nghề: Nghề học.

Những ngày qua dù không ở Việt Nam, nhưng xem báo mạng, tôi vẫn cảm nhận được không khí căng thẳng quen thuộc của kỳ thi tuyển sinh đại học với cảnh tắt đường, cấp cứu thí sinh ngất xủi, nạn quay cóp và cả những vụ án hình sự vớitội phạm thi hộ “đến hẹn lại lên”… Cuộc chiến giành quyền đi học của gần một triệu thí sinh khi công tác tổ chức thi còn nhiều bất cập khiến việc học, thi dường như trở thành gánh nặng xã hội. Nhưng nhìn sâu bản chất vấn đề, khi hoạt động giáo dục và sát hạch hiệu quả hơn thì học tập sẽ trở lại đúng chức năng của nó với đóng góp xã hội cụ thể và được lượng hóa rõ ràng, điều mà các nước phát triển từ lâu đã xem như một nghề: Nghề học.

Cụ thể, Phần Lan là nơi nền giáo dục hoàn toàn miễn phí cho hầu hết các cấp học nên học sinh, sinh viên không phải đóng học phí khi đi học mà còn được chính phủ “trả lương” hằng tháng như một dạng trợ cấp để “hành nghề” với nhiều ưu đãi như bảo hiểm y tế miễn phí, bữa ăn trưa trợ giá, giảm tiền thuê nhà… Trường, lớp, phòng thí nghiệm, thư viện có trang thiết bị đầy đủ, phòng học nhóm luôn đông nghẹt trong không khí tập trung, chuyên chú. Hoạt động đăng kí môn học, lên lớp, tự học và thi hầu qua mạng nên với một tài khoản cá nhân, mọi thành viên đều có thể tham gia các hoạt động giảng dạy, học tập với thông tin được cập nhật thường xuyên qua hệ thống wifi miễn phí. Cơ sở dữ liệu trực tuyến được chia sẻ miễn phí vì các trường đã mua bản quyền liên kết của hầu hết các các tạp chí khoa học. Vậy xã hội được gì khi đầu tư ngân sách khá cao (hơn 13% ngân sách chính phủ) để chi trả và ưu đãi quá nhiều cho nhóm theo Nghề học này?

Hành nghề học

Cái được lớn nhất không thể phủ nhận là sinh viên sẽ trở thành lực lượng lao động chính, đóng góp nhiều nhất cho xã hội khi tham gia thị trường lao động. Lực lượng lao động có thực lực với kiến thức vững vàng, kỹ năng tinh nhuệ mới có thể tạo ra giá trị thặng dư cao và phúc lợi thực. Một thực tế không thể chối cãi là năng suất lao động của người học thật, kỹ năng tốt, kiến thức cao luôn cao hơn nhiều người học “giả”. Hay ít ra việc học hành bài bản và nghiêm chỉnh cũng tạo ra một thế hệ công dân lành mạnh, trưởng thành và có kỹ năng, làm việc tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao. Ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ngoài tiếng mẹ đẻ thì hầu hết sinh viên Phần Lan có thể nói trôi chảy và viết tiếng Anh cùng một ngôn ngữ thứ ba là tiếng Thụy Điển do họ dạy thật, học thật. Trôi chảy ở đây được đánh giá trong môi trường học thuật chuyên môn của từng ngành mà sinh viên đótheo học chứ không đơn thuần trong giao tiếp thông thường.

Nói như vậy không có nghĩa là xã hội ngồi chờ để gặt hái “lợi ích đầu tư” sau khi sinh viên ra trường, đi làm mà chính nhà trường (nơi được chính phủ cấp ngân sách theo hiệu quả đào tạo) đang áp dụng nhiều cơ chế để khai thác các đóng góp của sinh viên bằng cách tạo điều kiện để sinh viên thực hiện các nghiên cứu, công trình ứng dụng, viết báo khoa học hay các hoạt động công ích. Việc sinh viên khóa trước hỗ trợ khóa sau, sinh viên bản địa giúp quốc tế, nghiên cứu sinh trợ giảng… là các công tác cụ thể mà sinh viên được yêu cầu và khuyến khích tham gia nhằm nâng cao kỹ năng. Nhà trường dần trở thành “nhà tuyển dụng” bắt đầu từ khâu tuyển sinh chọn nguồn sinh viên có tố chất và giao nhiệm học (Study Description) cụ thể cho từng sinh viên với đòi khỏi cao để “sản phẩm đào tạo” của họ mang lại hiệu quả nhất. Đồng thời, để chắc ăn là sinh viên có đủ kinh nghiệm thực tế, hầu hết các trường đều yêu cầu bắt buộc sinh viên đi thực tập tại môi trường làm việc thực tế tại nước ngoài trong ít nhất sáu tháng trước khi tốt nghiệp. Chính sinh viên cũng hào hứng với các hoạt động du học thực tiễn để cọ xát, học thật, làm thật và giữ thế chủ động trong khi “hành nghề” học đồng thời họ còn chủ động đi làm thêm để kiếm tiền vì đa số họ sống tự lập, ít nhận chu cấp từ gia đình. Một điểm thú vị nữa là các “nhà tuyển dụng trường học” không chỉ chăm lo cho đời sống giảng viên, nhân viên mà cả luôn “nhân viên sinh viên” của mình khi tích hợp các khu liên hiệp thể thao đa năng, nhà hàng, phòng máy tính rộng khắp trường.Thậm chí là cho phép mở quán bar trong khuôn viên trường sau giờ hành chính để sinh viên và giảng viên có thể ngồi lai rai, bàn luận. Đó là điểm nhấn trong tư duy quản lý mở và khuyến khích tự chủ có trách nhiệm khi việc học đã được nâng lên một tầm cao mới không chỉ là quyền cơ bản mà đã trở thành một nghề chuyên nghiệpthực thụ, được trang bị đầy đủ điều kiện và công cụ lao động mà sản phẩm đóng góp cho xã hội là tri thức thật, kỹ năng thật và sản phẩm hữu dụng để sau này người học ra đời, đi làm và đóng góp lại cho xã hội bằng cách đóng thuế thu nhập trung bình rất cao. Âu cũng là hợp lý.

* Giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp, Đại học Bách khoa – Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, hiện đang làm nghiên cứu sinh về Đổi mới trong kinh doanh (Business Innovation) theo học bổng EU Erasmus Mundus tại Trường Kinh tế TSE, Đại học Turku, Phần Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)