Nghèo đi vì… giáo dục?

Một cuộc điều tra đối với 4128 người thuộc 8 thành phố lớn: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán, Thành Đô, Thẩm Dương, Tây An; 7 thành phố thị trấn nhỏ và vùng nông thôn ngoại vi thuộc Triết Giang, Phúc Kiến, Liêu Ninh, Hà Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây vào cuối năm 2005 cho thấy, 40-50% số người được hỏi khẳng định: nguyên nhân đầu tiên và quan trọng khiến gia đình mình trở nên khó khăn là “trong nhà có trẻ tới trường”.

Các nhà kinh tế học thường đo trình độ phát triển của một xã hội dựa trên những con số. Trong tổng thu nhập của mỗi gia đình, nếu như khoản chi cho ăn uống chiếm càng nhiều phần, thì xã hội ấy càng trì trệ. Ngược lại, nếu khoản chi cho giáo dục và văn hóa của gia đình càng lớn, thì xã hội đó càng phát triển. Theo thống kê của các nước phát triển, khoản chi cho việc giáo dục con cái của mỗi gia đình đều không vượt quá 10% thu nhập của họ; bởi thế không khỏi giật mình khi nhìn lại chỉ tiêu tương quan của chúng ta: cao đến kỳ lạ, thậm chí các nước phát triển phải thua xa! Theo số liệu của “Báo cáo nghiên cứu chỉ số chất lượng cuộc sống cư dân Trung Quốc 2005”, trong các gia đình nông thôn Trung Quốc, khoản chi cho giáo dục con cái chiếm 32,6% thu nhập của họ; trong các gia đình ở thành phố và các thị xã, thị trấn nhỏ hơn, tỉ lệ này lần lượt là 25.9% và 23.3% (Theo báo Thanh niên Trung Quốc, ngày 8/2/2006).
Trung Quốc là một nước đang phát triển, mà lại có “hiện tượng siêu phát đạt” trong khoản chi cho giáo dục của mỗi gia đình!? Chỉ có điều, con số siêu cao này không hề là hình ảnh phản ánh sự siêu phát triển của xã hội. Gánh nặng chi phí cho giáo dục của các gia đình đương nhiên không khiến ai vui vẻ, chỉ đáng để suy ngẫm. Đúng như những gì “Báo cáo nghiên cứu chỉ số chất lượng cuộc sống” chỉ ra, chi phí cho giáo dục đã trở thành nguyên nhân đầu tiên và quan trọng khiến cư dân Trung Quốc trở nên nghèo hơn. Vật chất để sinh tồn phải là cái có trước, sau đó mới có thể tính chuyện phát triển tinh thần; chân lý này đã trở thành kiến thức nằm lòng phổ biến của xã hội loài người. Bởi vậy, người ta lại càng khó hiểu hơn trước hiện tượng nghịch dị: “nghèo đi vì chi phí giáo dục” ở Trung Quốc! Những ai hiểu xã hội này đều không khó khăn gì để đi đến kết luận: đây là hiện tượng phát sinh dưới tác dụng chung của chế độ giáo dục và khuynh hướng văn hóa.
Trung Quốc có văn hóa “vọng tử thành long” (mong con thành tài), chúng ta có truyền thống để con cái gánh vác chuyện thay đổi số phận của dòng họ. Song trong thời đại “kinh tế tri thức” này, nhóm người dưới đáy xã hội (về phương diện kinh tế) thông thường cũng không được học hành chu đáo, trong cuộc sinh nhai, họ phải chịu thua thiệt trước những “nhân tài” được thụ hưởng một nền giáo dục đầy đủ; ước muốn thay đổi địa vị kinh tế gia đình của đời họ trở nên vô vọng, bởi vậy, họ ký thác niềm hi vọng lên con cái, chỉ mong qua khoản đầu tư cho giáo dục siêu phụ tải, con cái họ có được năng lực cạnh tranh, từ đó vươn mình để đổi đời. Đời cha “nếm trải cái đắng trong trái đắng”, là để cho con cái có thể “làm được người hơn người”. Hi sinh hiện tại, đầu tư tương lai, đó chính là bí mật của hiện tượng “nghèo đi vì chi phí giáo dục ”. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là câu trả lời trọn vẹn.
Trong khuynh hướng văn hóa của chúng ta, ước muốn đời con thay đổi địa vị kinh tế xã hội của dòng tộc có lẽ sẽ tạo ra áp lực nào đó đối với sự phát triển nhân cách của thanh thiếu niên, nhưng từ góc độ xã hội, điều này không có gì sai trái, bởi đó là nhu cầu chính đáng được rút ngắn khoảng cách giàu nghèo liên thế hệ. Bất kể một loại hình cạnh tranh nào cũng không thể tránh khỏi tình trạng bất bình đẳng ở chừng mực nào đó. Nhưng một trong những chức năng trọng yếu của quốc gia chính là cung cấp cho công dân môi trường cạnh tranh bình đẳng nhất có thể (còn gọi là “bình đẳng cơ hội”). Trong đó bình đẳng về cơ hội giáo dục chính là loại bình đẳng cơ hội xã hội quan trọng nhất. Một gia đình Trung Quốc bỏ ra 1/4 đến 1/3 thu nhập để chi trả cho giáo dục, nhưng đầu tư cho giáo dục của quốc gia vẫn không đầy 1/20 GDP (lạc hậu so với toàn thế giới), điều này có nghĩa quốc gia đã đẩy chức trách “bình đẳng hóa cơ hội giáo dục” cho xã hội, và rồi “phân bổ” tới mỗi gia đình. Tôi cho rằng, đây chính là mấu chốt của hiện tượng “nghèo đi vì chi phí giáo dục” mà những người làm quyết sách phải suy ngẫm.
Mấy năm nay, các cuộc thảo luận quanh vấn đề giáo dục trở nên inh tai nhức óc, những phê phán quanh tệ nạn thương mại hóa giáo dục cũng không kém phần ầm ĩ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự thay đổi nào có tính thực chất và thật sự tích cực.
Khẩu hiệu “Khổ nữa cũng không để con cái khổ, nghèo nữa quyết không để con nghèo giáo dục” đã được các gia đình quán triệt quá mức. Để chiến lược lớn “Giáo dục chấn hưng đất nước” được thắng lợi, cần tiến hành phân phối các nguồn vốn của xã hội bằng những cải cách hợp lý, công bằng.

Lưu Kình (Học giả Thượng Hải)
Nguồn tin: China.com.cn (Nhuệ Anh dịch )

Tác giả