Nghiên cứu tổng thể đầu tiên về VNEN

Mô hình trường học mới (VNEN) được thực hiện thí điểm trong ba năm và đã tạo ra những tranh luận xã hội trái ngược, thậm chí có sự “phân hóa” sâu sắc trong chính ngành giáo dục. Trong khi một số tỉnh như Hà Tĩnh phản đối gay gắt và có quyết định sẽ dừng triển khai đại trà VNEN thì một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh ra thông báo chính thức về việc sẽ tiếp tục mô hình này. Cho đến tháng 8 vừa qua, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), được thực hiện với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong đã đánh giá tổng thể về tác động mô hình trường học mới VNEN.


Học sinh học theo mô hình trường học mới VNEN. Ảnh: Lao động.

Những ai muốn thay đổi mô hình giáo dục truyền thống?

Nền giáo dục phổ thông truyền thống hiện nay vẫn đang duy trì mô hình sư phạm không đổi là giảng – nghe, đọc – chép. Điều đó làm hạn chế khả năng giao tiếp và tư duy phản biện của học sinh, về lâu dài khiến trẻ khó có khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, và không thể trở thành người có tư duy phê phán, thiếu kỹ năng lãnh đạo, quản lý và làm việc nhóm. Hệ quả là đa số người lao động Việt Nam thiếu kỹ năng trong việc ra quyết định, tổ chức công việc, làm việc nhóm, tính sáng tạo và tự chủ… theo báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2014 của WB. Để khắc phục những nhược điểm trên và đáp ứng được đòi hỏi về nguồn nhân lực trong thế kỷ 21, Bộ GD&ĐT với sự hỗ trợ của WB đã áp dụng thí điểm mô hình trường học mới VNEN cho 1447 trường tiểu học trên cả nước với mục tiêu tập trung vào nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh, gồm kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, tự chủ, độc lập, sáng tạo… thông qua đổi mới phương pháp tổ chức dạy học trong lớp học nhằm kích thích tối đa sự chủ động của học sinh. Ví dụ, thay vì nhìn lên bảng xem thầy cô giảng bài một cách thụ động, mô hình VNEN cho phép học sinh ngồi theo nhóm và tìm tòi, khám phá kiến thức mới, trao đổi, giải quyết vấn đề trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên. Dự án mô hình trường học mới VNEN bắt đầu được thực hiện từ năm học 2013 – 2014 tập trung vào ba nội dung chủ yếu gồm thay đổi phương pháp dạy (chuẩn kiến thức trong SGK giữ nguyên nhưng cách trình bày SGK có điều chỉnh để phù hợp với hoạt động tự đọc hiểu và thảo luận trên lớp của học sinh), tập huấn giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất chủ yếu gồm dụng cụ học tập, tủ sách, SGK/ sách hướng dẫn học cho 1447 trường trong dự án. Tuy nhiên, liệu nhu cầu thay đổi mô hình giáo dục từ giảng – nghe sang mô hình lấy học sinh làm trung tâm của sáng tạo có phải chỉ là ý chí chủ quan được “áp” từ trên xuống? Giáo viên và phụ huynh có đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Nghiên cứu đánh giá tác động của mô hình VNEN được thực hiện theo phương pháp khác biệt kép (difference in difference) là phương pháp đánh giá và đo lường tác động khoa học và tối ưu. Để đánh giá tác động của VNEN tới các trường trong Dự án này [1], số liệu được thu thập trên 651 trường trong đó có 325 trường thuộc Dự án VNEN và số còn lại là các trường không áp dụng mô hình VNEN thuộc nhóm đối chứng. Mỗi trường được chọn ngẫu nhiên 20 học sinh để đánh giá chất lượng trong ba năm liên tục qua các bài kiểm tra môn toán, tiếng Việt, bảng hỏi phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên và học sinh. Tổng số mẫu khảo sát khoảng 13.000 học sinh và phụ huynh, hơn 6.000 giáo viên và 651 hiệu trưởng.

Một trong vấn đề đầu tiên nghiên cứu này đặt ra là nhận thức của giáo viên và phụ huynh về mô hình dạy học truyền thống – liệu có còn hợp lý và nên tiếp tục duy trì hay không? Cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh của 651 trường được khảo sát đều nhận thấy cần phải thay đổi mô hình giáo dục đặt học sinh ở thế “bị động” như hiện nay. Cụ thể, có 70% giáo viên ở cả các trường trong dự án VNEN và nhóm đối chứng đều nhận thấy điều đó, 75% hiệu trưởng ở các trường VNEN và 63% hiệu trưởng các trường ở nhóm đối chứng đồng ý cần phải cải cách mô hình giáo dục, thậm chí tỉ lệ này ở phụ huynh trong các trường thuộc nhóm đối chứng lên tới hơn 80%.

Riêng đối với nhóm phụ huynh có con học ở các trường áp dụng mô hình VNEN, nghiên cứu này tập trung làm rõ hơn mức độ ủng hộ hay phản đối VNEN của họ. Trái với thông tin trên một số kênh truyền thông về việc phụ huynh ở một số địa phương phản đối gay gắt mô hình VNEN, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ phản đối và rất phản đối VNEN chỉ chiếm 6%, tỉ lệ trung lập chiếm 9%, tỉ lệ ủng hộ và rất ủng hộ lần lượt là 24% và 61% số người được hỏi (Biểu đồ 1). “Chúng tôi khẳng định đây là số liệu trung thực, bởi toàn bộ băng ghi âm phỏng vấn các phụ huynh học sinh, giáo viên, hiệu trưởng, bài thi của học sinh và những bên liên quan vẫn được lưu trữ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp dữ liệu này cho những ai muốn truy cập để kiểm tra tính xác tín”, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, trưởng nhóm nghiên cứu độc lập tham gia thiết kế và điều tra cho nghiên cứu này cho biết.


Thái độ của  phụ huynh đối với mô hình VNEN. Nguồn: Nhóm tác giả Báo cáo đánh giá tác động của VNEN.

Học sinh VNEN năng động hơn

Liệu phụ huynh những học sinh đang học mô hình VNEN có ủng hộ mô hình giáo dục này một cách cảm tính, thiếu căn cứ? Căn cứ lớn nhất ở đây chính là kết quả học tập của học sinh trong mô hình VNEN và không học VNEN. TS. Phùng Đức Tùng cho biết, nghiên cứu này được thiết kế để đánh giá tổng thể năng lực của học sinh các trường trong dự án nhằm tìm ra sự khác biệt giữa học sinh VNEN và nhóm đối chứng và giải đáp băn khoăn lớn nhất của phụ huynh trong cả nước là “con tôi học theo mô hình VNEN có bị kém về mặt kiến thức so với trường học truyền thống hay không”. Để đánh giá năng lực học sinh, nhóm nghiên cứu chọn mẫu ngẫu nhiên 20 học sinh trong một trường được khảo sát, tổ chức thi trong ba năm liên tiếp. “Để đảm bảo kết quả thi trung thực, chuyên gia giáo dục ra đề và niêm phong tại Hà Nội, quá trình chuyển đề thi tới các trường đều có giám sát chặt chẽ. Toàn bộ các phòng thi được quay video trong suốt quá trình coi thi. Mặt khác, chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên và lưu lại hình ảnh của học sinh để tránh bị ‘tráo’ học sinh giỏi trong suốt ba năm tổ chức thi”, TS. Phùng Đức Tùng nói.

Kết quả khảo sát cho thấy học sinh theo mô hình VNEN có năng lực kiến thức tương đương nhóm đối chứng nhưng lại có kỹ năng mềm vượt trội thông qua quá trình tương tác và chủ động trong học tập cũng như tham gia các hoạt động thực hành gần gũi với đời sống (Biểu đồ 2). Như vậy, mô hình VNEN không “đánh đổi” kiến thức cơ bản (cắt bỏ thời lượng hoặc giảm nhẹ nội dung) để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, do đó không làm mất đi một trong những mục tiêu căn bản của mô hình giáo dục truyền thống. Mặt khác, điểm ưu trội của VNEN là học sinh học VNEN có thời gian và cơ hội thực hành các kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, trình bày, ứng dụng các bài học trong thực tế… hơn rất nhiều so với mô hình giáo dục truyền thống. Đây là những yêu cầu căn bản của giáo dục phổ thông nhằm góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực đủ khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường xã hội hiện đại, nhiều biến động trong thế kỷ 21. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra, các trường đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực con người được tập huấn kỹ lưỡng, cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương và giáo viên có nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi mô hình giáo dục truyền thống… thì hiệu quả đạt được của chương trình giáo dục theo mô hình VNEN sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ đo lường, cho điểm để so sánh kỹ năng mềm của học sinh VNEN và nhóm đối chứng trên “tổng thể” chứ chưa có đánh giá chi tiết về từng kỹ năng mềm của học sinh. Muốn đánh giá, cần triển khai những nghiên cứu tiếp theo.

So sánhkỹ năng mềm của học sinh VNEN và nhóm đối chứng. Nguồn: Nhóm tác giả Báo cáo đánh giá tác động của VNEN.

Cần sáng tạo với tư duy mở

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, để thực hiện được mô hình VNEN, đào tạo bồi dưỡng giáo viên thực hiện tổ chức dạy học theo phương pháp mới là thách thức lớn nhất. Bởi vì giáo viên phải chuyển từ cách giảng bài truyền thống sang cách thức “hướng dẫn/hỗ trợ” học sinh. Chẳng hạn, đầu tiên giáo viên phải tìm được cách sắp xếp các nhóm học sinh trong lớp có đủ cả nam, nữ, học sinh giỏi, trung bình và yếu sao cho tối ưu để các nhóm có thể tự học, thảo luận và phát triển khả năng sáng tạo. Các nhóm được thay đổi, luân chuyển thường xuyên để học sinh thích nghi và học cách hỗ trợ, lắng nghe và cùng hợp tác. Bên cạnh đó, để nâng cao kỹ năng mềm của các học sinh, giáo viên cũng cần phải được đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đủ kĩ năng để dạy học và có cách thức tổ chức lớp học để tạo sự thích thú cho học sinh, học sinh sáng tạo.

Mặt khác, cũng không có chỗ cho sự “cứng nhắc rập khuôn” khi giảng dạy theo mô hình VNEN. “Giáo viên phải nghĩ ra các trò chơi tình huống nào khiến học sinh nắm được kiến thức cơ bản và vận dụng vào trong các trò chơi đó. Nhiều khi, trong các lớp học VNEN như một cái chợ, học sinh trao đổi hoặc chơi trò chơi rất ồn ào, không như lớp truyền thống im phăng phắc. Trong cái ‘chợ’ đó, giáo viên phải nắm bắt được vấn đề của từng nhóm và nhanh chóng hỗ trợ các em. Để làm được điều đó, giáo viên phải tinh ý, năng động và phải sáng tạo hơn trước đây”, TS. Phùng Đức Tùng nói. Điều đó cũng có nghĩa là, cách quản lý và đánh giá hoạt động chuyên môn của giáo viên, đánh giá hiệu quả của môn học ở trong các trường phải thay đổi.  

Những câu hỏi cần được tiếp tục trả lời

Nhìn chung, báo cáo nghiên cứu tổng thể bước đầu này vẫn còn một số câu hỏi ngỏ và cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn, theo TS. Phùng Đức Tùng. Thứ nhất, báo cáo chưa chỉ rõ là việc áp dụng mô hình VNEN có thể đem lại kết quả tốt nhất trong điều kiện nào và phương pháp này được triển khai như thế nào để khi giáo viên tổ chức thực hiện ở các cấp học, các địa phương với các đặc thù kinh tế xã hội khác nhau đều phát huy được thế mạnh của nó. “Ví dụ, hiện nay VNEN đang được áp dụng ở các lớp với điều kiện là học sinh phải đọc thông viết thạo. Tuy nhiên, học sinh lớp ba ở miền núi có thể chưa đủ điều kiện để áp dụng phương pháp dạy học của VNEN? Vì vậy, báo cáo cũng chưa chỉ ra ở từng khu vực cụ thể như miền núi, khu vực học sinh dân tộc thiểu số thì áp dụng ở lớp mấy là phù hợp (từ lớp 3, lớp 4 hay lớp 5 hay thậm chí cấp THCS?). Cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn để chỉ ra các điều kiện cần và đủ khi áp dụng mô hình VNEN”, TS. Phùng Đức Tùng nói. Thứ hai, cần có nghiên cứu chỉ ra rằng, giáo viên cần đáp ứng những kỹ năng mềm nào để có thể dạy theo mô hình VNEN. Để đưa mô hình VNEN vào thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên theo hai cấp (tập huấn cho cán bộ các sở rồi các cán bộ này về tập huấn cho các giáo viên) có thể dẫn đến các sai sót nhất định do vậy cần có đánh giá lại về quá trình tập huấn và khả năng đáp ứng của giáo viên trong các trường thuộc Dự án. Ngoài ra, cần nghiên cứu đánh giá việc áp dụng mô hình ở các trường thuộc diện mở rộng để xác định liệu họ đã có đủ điều kiện áp dụng hay chưa. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để giáo viên và các trường tự chủ động đối chiếu lại với điều kiện của trường và ra quyết định có tiếp tục thực hiện VNEN hoặc áp dụng những thành tố tích cực nào trong mô hình VNEN. Thứ ba, phải có nghiên cứu đánh giá lại SGK, sau đó chỉnh lý và hoàn thiện bởi vì SGK trong chương trình VNEN được xây dựng trong thời gian tương đối ngắn và chưa có nghiên cứu, rà soát và lấy ý kiến sửa đổi từ các giáo viên đang dạy mô hình này. Điều này lại càng cần thiết khi SGK VNEN được xây dựng trên nền tảng chương trình giáo dục hiện tại, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, sự điều chỉnh lại SGK VNEN để tương thích với chương trình mới là điều bắt buộc.

Trước những câu hỏi đang đặt ra ở trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, mô hình VNEN có nhiều ưu điểm nhưng để có thể áp dụng, cần chú ý đánh giá điều kiện của từng trường, đặc biệt cần chú trọng công tác tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý. Điều này cũng phù hợp với việc Bộ GD&ĐT đã khuyến khích và trao quyền tự chủ cho các trường trong việc quyết định lựa chọn mô hình dạy học phù hợp, các trường và giáo viên có quyền chọn cách giảng phù hợp, chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

——–

Chú thích:

[1] Nhằm đánh giá tác động của dự án nên nghiên cứu này chỉ đánh giá các trường thuộc dự án VNEN mà không khảo sát các trường trong diện mở rộng áp dụng VNEN. Trong thực tế, ngoài 1447 trường áp dụng mô hình VNEN trong dự án VNEN thì có trên 2000 trường khác trên cả nước áp dụng mô hình này theo diện mở rộng.

Tác giả