Ngôi trường tiểu học trong mơ của tôi
Buổi sinh hoạt sư phạm tháng 12 do nhóm Cánh Buồm tổ chức đã diễn ra dưới chủ đề Ngôi trường tiểu học trong mơ của bạn. Xin giới thiệu văn bản ghi lại bài nói của nhà giáo Phạm Toàn trong buổi sinh hoạt này.
Biết thế, nhưng vẫn cần nói to lên một giấc mơ ấy.
Như một di chúc.
Tôi mơ thấy gì? Tôi đang nhìn thấy những khoảng không gian từ 5 đến 6 hecta dành cho chỉ một trường tiểu học. Trường học chuẩn bị cho trăm năm ngàn năm thì không thể chen chúc được. Đặc biệt, trường Tiểu học và trường Đại học phải thật đàng hoàng. Tiểu học mà 5-6 hecta, thì đại học phải cả chục hecta. Trong khuôn viên tiểu học phải có vườn lớn, thì đại học phải có hẳn một cánh rừng. Con người chen chúc chắc chắn không thoát khỏi lối suy nghĩ nhỏ nhen, tủn mủn, Bác sĩ Alexandre Yersin tuy là con nhà nghèo nhưng ngày ngày mở cửa sổ là nhìn ra hồ Léman rộng hơn 500 kilomet vuông. Vì thế, khi qua Việt Nam làm việc, ông đã tìm đến ngay cao nguyên Lang Bian, và chọn nơi yên nghỉ bên cạnh các phòng thí nghiệm ở bờ biển Nha Trang. Và đó là con người tìm ra Đà Lạt cho Việt Nam và là vị bác sĩ tìm ra virus dịch hạch hoành hành nhiều thế kỷ đem lại những cái chết đen thui cho nhiều triệu kiếp người.
Một trường tiểu học dăm sáu hecta và một trường đại học cả một cánh rừng!
Sẽ có câu hỏi “lấy đất đâu?” Không khó lắm! Quốc hội sẽ ra một nghị quyết lịch sử có tên “Mười năm xây dựng thiên đường tiểu học cho con em” – mười năm, xin nhắc lại, mười năm, không dây dưa – với 2 giải pháp chi tiết tối thiểu như sau:
(1) Toàn bộ kinh phí cho giáo dục trong vòng dăm bảy năm liền chỉ tập trung cho việc xây trường tiểu học.
(2) Xây dựng chế độ miễn thuế cho doanh nghiệp nào chủ động góp kinh phí xây trường tiểu học.
Chẳng nhẽ chỉ có vậy? Bây giờ nói tiếp giấc mơ tiểu học của tôi.
Trong khuôn viên cái trường tiểu học ấy phải có một khu vườn với những nét chủ đạo như sau:
Có một cây thị cao to, một quán nước đầu làng dưới gốc thị, một đống rơm, một ngôi lều nhà quê nghèo nhưng đẹp và bên trong có các vật dụng nhà quê xưa kể từ ông đầu rau tới cái liềm cái hái cái nơm cái đó, cái guồng quay tơ bên cạnh cái khung dệt … bên ngoài lều thì có cây cau với cái đài bằng lá cau để hứng nước mưa vào ang đựng nước với gáo dừa đặt ở miệng ang …
Dưới tàn lá của cây thị sẽ có một khoảng đất trống rộng để trẻ em chơi kéo co, đấu vật, đánh cờ người, hát trống quân, hát cò lả… chính các em sẽ học hát chèo, hát tuồng và cải lương để tự biểu diễn ở đây… chính các em sẽ kể khan (sử thi Tây nguyên) tại không gian cộng đồng này… Lưu ý: trong tán lá của cây thị sẽ có một mặt trăng giả dùng điện LED cho các em hưởng cảnh đêm trăng ngay khi không có trăng.
Xa xa khỏi vùng cây thị sẽ là vùng của cuộc sống đương thời: một máy bay cánh quạt bốn cánh một động cơ (làm bằng nhựa to gần bằng thật), một xe buýt cũng to bằng thật, (có thêm một máy bay trực thăng thì càng tốt) và một nhà hát kiêm studio-film để các em tự sử dụng diễn kịch, quay phim, dựng phim…
Ôi, tôi miên man kể mãi mà vẫn không đủ về chi tiết giấc mơ, mà quên nói đến cái chủ đề, để các kiến trúc sư không bị lạc: tôi mơ ước một tập hợp những vật thể chứa đựng nền văn hóa cổ truyền Việt Nam bên cạnh những vật thể hiện đại, sao cho con em có trong tay những dụng cụ học tập và vui chơi theo định hướng ấy …
Một ngôi trường tiểu học như thế đòi hỏi một chương trình học kèm theo sách giáo khoa thể hiện truyền thống dân tộc được hiện đại hóa hoặc đi song song với cuộc sống hiện đại.
Nếu bạn tinh ý, có lẽ bạn đã nhận ra cái tư tưởng truyền thống – hiện đại ấy trong bộ sách Cánh Buồm hoặc trong thực tại triển diễn của tư tưởng Cánh Buồm, ở đó những “đồ dùng học tập” không thể chỉ là mua nhựa phế liệu về đùn đẩy trễ nải thành những chữ A B C và những con số nhựa vô duyên vô hồn.
Nhà trường tiểu học Cánh Buồm ước mơ con em không đào tẩu theo một nền giáo dục khác.
Tạm thời giấc mơ của tôi được di chúc như thế đã.