Người Mỹ trăn trở: Học ngành KHKT hay Nhân văn?

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy giảm khả năng cạnh tranh trước những đối thủ mới nổi từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc - những nơi mà nền giáo dục có truyền thống chú trọng rèn luyện học sinh và sinh viên các kỹ năng của khoa học tự nhiên – nước Mỹ đứng trước câu hỏi, liệu có nên ưu tiên cho các bộ môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học, hơn so với các bộ môn xã hội và nhân văn. Dưới đây là quan điểm của Michael Brown, cây viết thường xuyên của tạp chí The Chronicle of Higher Education

Một số ý kiến đề xuất chương trình đào tạo dạy bao gồm cơ bản các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học (viết tắt là STEM1). Việc ưu tiên các môn học này là lý tưởng hóa tính duy lý và định lượng so với các môn được cho là tập trung vào sự đánh giá, cảm nhận, và thúc đẩy biểu hiện các “giá trị” [mang tính định tính] trong cuộc sống.

Một chương trình theo hướng STEM về cơ bản cho rằng giáo dục bậc cao trong tương lai phải nhấn mạnh những nhận thức mang tính trung tính về giá trị của lý trí thị trường, hơn là những nhận thức [định tính] giúp con người xác lập thành các giá trị (Christensen 2). Đặc tính của hành vi thị trường là ưu tiên tính định lượng. Vì thế người ta nghĩ rằng những kiến thức được sinh ra từ các thị trường, giống như các môn khoa học tự nhiên, có đặc thù trung tính, và vì thế có tính phổ quát cao. Từ đó, người ta cho rằng những lý trí thực dụng là nguồn hiểu biết duy lý [khách quan] duy nhất và nó biện minh cho việc ưu tiên các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học so với các môn nhân văn.

Một số người bảo vệ cho các ngành nhân văn với lý do các môn đó làm giàu nền giáo dục, nhưng như vậy vẫn chưa nói đúng và đủ về sự cần thiết phải cân bằng giữa khoa học và nhân văn. Khi mà một ngành tri thức được xây dựng theo định hướng giúp giáo dục cho con người một thái độ phê phán về những hoàn cảnh chung của đời sống, thì ngành tri thức ấy không đơn giản chỉ là làm giàu cho giáo dục.

Nhưng luận điệu trên đây sẽ không thuyết phục nữa nếu như người ta thấy rằng nhân văn giúp xây dựng và duy trì những tri thức mà không chỉ giới hạn trong phạm vi những sự biểu đạt, trân trọng, và đánh giá các giá trị.

Một số người bảo vệ cho các ngành nhân văn với lý do các môn đó làm giàu nền giáo dục, nhưng như vậy vẫn chưa nói đúng và đủ về sự cần thiết phải cân bằng giữa khoa học và nhân văn. Khi mà một ngành tri thức được xây dựng theo định hướng giúp giáo dục cho con người một thái độ phê phán về những hoàn cảnh chung của đời sống, thì ngành tri thức ấy không đơn giản chỉ là làm giàu cho giáo dục. Chúng ta phải nhớ rằng các môn nhân văn cung cấp hiểu biết quan trọng về bản chất xã hội, và những hiểu biết này sẽ bị loại bỏ nếu người ta theo đuổi một phiên bản cực đoan của chương trình giáo dục lấy các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học làm hạt nhân.

Sự hấp dẫn của chương trình giáo dục lấy STEM làm hạt nhân này là nó có sự hậu thuẫn từ ý tưởng cho rằng nước Mỹ chỉ có thể cạnh tranh được với thế giới nếu tư duy kỹ thuật được coi trọng hơn tư duy xã hội. Đây là một quan điểm độc đoán, phớt lờ vai trò của giáo dục về đời sống cá nhân và xã hội. Tại sao người ta lại làm vậy? Câu trả lời là, “vì chúng ta có thể.” Nói cách khác, ai có quyền lực thì người đó có tiếng nói quyết định trong cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa khoa học và nhân văn. Có lẽ việc ủng hộ một chương trình học chủ yếu là các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học cho thấy một sự tập trung quyền lực gắn liền với lợi ích của một bộ phận cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học.

… Bảo vệ các môn STEM bằng cách hy sinh các môn nhân văn cũng có nghĩa là “giảm giá” bản chất xã hội của chúng ta.

Những người đang an toàn về quyền lợi như vậy dễ tự tin rằng lợi ích của mình đại diện cho lợi ích quốc gia, và cũng dễ tuyên bố rằng những gì họ cung cấp sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mọi cá nhân và xã hội. Một tuyên bố như vậy mặc định cho rằng sự tiến bộ xã hội đòi hỏi phải có một chương trình giáo dục gồm chủ yếu những môn học phù hợp với lý tưởng của một mô hình quyền công dân mang tính cá nhân với định hướng thiết thực. Trong mô hình này, đặc thù của công dân là nhìn nhận các vấn đề theo bản chất kỹ thuật và tuân thủ theo các luật lệ mang tính kỹ trị.

Nhưng bảo vệ các môn STEM bằng cách hy sinh các môn nhân văn cũng có nghĩa là “giảm giá” bản chất xã hội của chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta mặc định rằng mọi câu hỏi về giá trị đều nên được giải quyết theo logic “thị trường sẽ quyết định giá cả”, vốn được cho là tự cân bằng, hiệu quả, trung tính, chính xác và phổ biến đối với mọi hoạt động quan trọng của con người.

Hoàng Minh lược dịch
The Sciences vs. the Humanities: a Power Struggle của Michael Brown đăng tháng 4/2011 trên tạp chí The Chronicle for Higher Education
—–
1 Viết tắt của Science, Technology, Engineering, và Math
2 Theo bài Disrupting College: How Disruptive Innovation Can Deliver Quality and Affordability to Postsecondary Education của Clayton M. Christensen, Michael B. Horn, Louis Caldera, Louis Soares đăng trên trang chuyên ngành của Viện Innosight, tháng 2/2011

Trong khi các học giả Mỹ còn tranh luận liệu nên chú trọng giáo dục khoa học tự nhiên và kỹ thuật hay là nhân văn, những ý kiến* của độc giả bình dân trên diễn đàn của trang The Take Away cho rằng không nhất thiết phải có chuyên môn thiên về kỹ thuật và các kỹ năng thực dụng mới có thể có một sự nghiệp thành công. Những ý kiến trái chiều cho rằng bản thân những người học các chuyên ngành về nhân văn cũng cần được đào tạo đầy đủ hơn các kỹ năng thực dụng cơ bản như kế toán, viết lách, giao dịch, tổ chức,… Về cơ bản các góc nhìn chung nhau quan điểm cho rằng các kỹ năng về kỹ thuật là chưa đủ để thành công trong đời sống.

Greg Neill từ Los Angeles, California:

Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Triết học từ một trường đại học chuyên về khoa học xã hội và nhân văn. Tôi hiểu rằng những ngành liên quan tới kinh doanh đòi hỏi các chuyên môn về tài chính hay kế toán, nhưng cá nhân tôi thì không có nhu cầu. Tôi khởi nghiệp rất thành công theo ngành viết phần mềm, và cuối cùng thành một chuyên gia phát triển phần mềm, tất cả đều chỉ nhờ vào đào tạo tại chức. Hiện nay tôi đang chuẩn bị học cao học chuyên ngành tâm lý. Nhìn lại, tôi thấy mình sẽ không bao giờ đánh đổi những kỹ năng đời sống và kiến thức xã hội được học từ trường đào tạo xã hội và nhân văn, để lấy một bằng cấp thiên về kỹ thuật và nghiệp vụ. 

Darlene từ Ferndale, Michigan:

Xu thế gia tăng hiện nay là một tấm bằng về kỹ thuật không đảm bảo cho bạn một công việc tử tế, khi mà các công việc trong lĩnh vực này bị chuyển giao sang cho Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà những người tài năng cũng chỉ kiếm sống ở mức 15 USD một giờ, hoặc thấp hơn. Trong bối cảnh như vậy mà bạn chịu vay nợ số tiền vài chục nghìn USD để đi học là không hợp lý về kinh tế. Những ngành đáng đồng tiền bát gạo hiện nay có vẻ là những ngành giúp bạn kiếm sống mà không lệ thuộc quá mức vào một ông chủ nào đó; nói cách khác, bạn cần học những kỹ năng thiết thực tối thiểu, như kế toán căn bản, viết, marketing, kỹ năng tổ chức, và học để biết thế nào là một giao dịch kinh tế hợp lý.

Độc giả giấu tên từ Fairfield County, Connecticut:

Tốt nghiệp từ một trường xã hội và nhân văn danh tiếng (Ivy League school), nhưng khi ra trường tôi đã thực sự sốc khi nhận ra mình đã kém chuẩn bị như thế nào trước khi vào “đời thực”. Vậy nên tôi đã phải học tiếp lấy một tấm bằng MBA để có thể hiểu biết và thành công trong kinh doanh. Đây cũng là lý do tôi quyết định mở một công ty tư vấn cho sinh viên. Một mặt tôi tin vào công lao của các trường xã hội và nhân văn, mặt khác tôi thấy rằng những trường này có nghĩa vụ dạy cho sinh viên về kế toán, thống kê, và tài chính ngay trong 4 năm đại học.
*http://www.thetakeaway.org/2011/mar/28/liberal-arts-or-technology-question/

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)