Người xưa dạy sử Việt ra sao?
Câu hỏi này có lẽ xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống hiện tại, khi học sinh ngày càng chán/ngán môn lịch sử, coi học lịch sử chỉ là một việc vô bổ, không liên quan gì đến cuộc đời của họ. Những kiến thức sáo mòn, xơ cứng đang được giảng dạy trong nhà trường cũng khiến không ít người muốn quay trở lại quá khứ xem trước nay các nhà giáo dục đã "cư xử" như thế nào với môn lịch sử.  
Thứ nhất: người Việt có truyền thống ít quan tâm đến sử Việt. Người Việt lâu nay vẫn tự hào là một đất nước văn hiến, có mấy ngàn năm lịch sử. Nhưng qua khảo sát của TS Nguyễn Thị Hường, các sách dạy lịch sử Việt Nam mới chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX (cuốn còn lại có niên đại sớm nhất là 1880). Còn từ đó trở về trước, trong vòng cả ngàn năm, người Việt chỉ thích học sử… Tàu. Các học giả cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã khẳng định đó thực là sai lầm lớn của học giới nghìn năm. Sách “Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư” đã phê phán như sau: “coi thường nhà mình mà chú trọng người khác thì chung quy là nô lệ. Cho nên có kiến thức mênh mông, có tài năng thông tuệ mà không biết sử Nam, không rõ việc Nam thì ắt là không thể giúp ích gì cho nước Nam, cũng không thể xứng đáng là người dân của nước Nam. Như vậy, đọc sử Nam là một nghĩa vụ thứ nhất hiện nay.” Các tác giả đã trực tiếp công kích vào cái óc nô lệ vào sử Tàu của người Việt. Trong cả ngàn năm dựng nước, hàng trăm hàng ngàn tiến sĩ trạng nguyên xưa dường như chỉ tụng niệm Bắc sử và những từ chương sáo rỗng của Trung Hoa.
“Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm” do NXB Thế giới ấn hành, dày 360 trang, gồm ba chương: Chương 1: Sự hình thành và phát triển của sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; Chương 2: Đặc điểm văn bản các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; Chương 3: Nghiên cứu giá trị của các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Sách được xuất bản với sự hỗ trợ của Quỹ Không gian Sáng tạo Trung Nguyên. |
Kết luận thứ hai: Qua nghiên cứu các sách giáo khoa lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tác giả Nguyễn Thị Hường nhận định, sử Việt là bản sắc và động lực của văn hóa Việt, tinh thần Việt. Sử Việt được coi là “công cụ đúc nên quốc hồn”, là “linh đan bồi bổ quốc não” (chú quốc hồn chi cơ khí, bổ quốc não chi linh đan). Không những thế, việc đem dạy sử Việt trong nhà trường được coi như là phương sách quan trọng để vun bồi tinh thần yêu nước, chấn hưng dân tộc, bảo vệ quốc gia. Sử Việt phải được đem dạy cho con em Việt Nam, như thế đó là một cách để “phát dương quốc túy, điểm xuyết quốc hoa”. Các tác giả đã đặt ra các hệ thống khái niệm mới như quốc gia, quốc dân, quốc ngữ, quốc túy, quốc sử, dân khí… để khơi dậy truyền thống lịch sử và tinh thần dân tộc của người Việt. Trong đó, quốc sử là công cụ để “giáo dục quốc dân”: “tinh thần giáo dục quốc dân không ở đâu đầy đủ hơn trong quốc sử. Phát huy tinh thần giáo dục của quốc dân không gì gấp hơn quốc sử”. Quốc sử được coi là một biểu hiện quan trọng của “chế độ giáo dục thời văn minh”. Các nhà giáo dục kêu gọi việc “cải lương tân sử”. Qua phong trào biên soạn các sách dạy lịch sử Việt Nam, các nhà giáo dục cuối thế kỷ XIX đã lần đầu tiên đưa môn khoa học về lịch sử vào Việt Nam, thay thế lối ghi chép sử biên niên khô cứng và lạc hậu theo truyền thống của Trung Hoa.
Có thể nói, đây là chuyên luận đầu tiên nghiên cứu về các sách dạy lịch sử Việt Nam từ giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Để thực hiện được công trình này, tác giả của chuyên luận đã phải làm việc với hàng trăm tư liệu gốc để từ đó tiến hành xử lý, phân loại, khai thác và phân tích. Điều này được thể hiện rất rõ trong các bảng phụ lục ở cuối sách. Trong số hàng ngàn cuốn thư tịch cổ hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tác giả đã lọc được 211 đầu sách dùng để giảng dạy giáo dục Nho học trong suốt 1.000 năm (phụ lục 2, phụ lục 4), để từ đó đưa ra kết luận: việc biên soạn sách lịch sử Việt Nam mới chỉ được hình thành từ cuối thế kỷ XIX dưới ảnh hưởng của nền khoa học phương Tây, và mới chính thức áp dụng đưa vào hệ thống giáo dục từ năm 1906. Bước tiếp theo, tác giả đã lọc ra 186 văn bản sách dạy lịch sử của 20 cuốn sách dạy lịch sử Việt Nam từ năm 1880 đến năm 1952. Việc giám định niên đại, xác định truyền bản và 20 văn bản nền của các sách này đã được triển khai tỉ mỉ, công phu trong hai chương đầu của cuốn sách. Những khảo sát mang tính thao tác của nghiên cứu cơ bản này có những giá trị quan trọng để triển khai nhiều vấn đề thú vị khác.
TS Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1981, tại Bắc Giang, tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2004, chị về công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm sau đợt thi tuyển công chức với số điểm đứng đầu danh sách các ứng viên tham dự kỳ thi. Năm 2005, chị hoàn thành luận văn Thạc sỹ về Nghiên cứu văn bia chữ Nôm. Ngày 7 tháng 9 năm 2012, chín ngày trước khi qua đời trong một tai nạn giao thông, chị đã bảo vệ luận án Tiến sỹ Hán Nôm về đề tài Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, và được Hội đồng khoa học đánh giá loại xuất sắc.
Lĩnh vực quan tâm: thư tịch học, văn tự học chữ Nôm, sử học, phong tục cổ truyền,… Công trình tiêu biểu: Quốc sử di biên (2010, đồng dịch giả), Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh (2009, đồng dịch giả) và một số di cảo (chung riêng) chưa công bố như Từ điển điển cố văn học Nôm, Tự điển chữ Nôm cổ.v.v. |