Nhà giáo khai sáng

Nhà giáo là người đóng vai trò quyết định cho sự thành công của giáo dục. Nhưng nhà giáo là ai, công việc của nhà giáo là gì, và bên cạnh công việc chuyên môn thì nhà giáo còn phải có thêm hiểu biết gì, thì chưa được bàn đến thấu đáo. Bài viết này sẽ tập trung trao đổi những nội dung này nhân dịp 20/11 sắp tới.


Ảnh minh họa. Nguồn: Worldbank Vietnam.

Nhà giáo là ai?

Khi làm công việc giảng dạy với tư cách một nhà giáo, muốn giảng dạy tốt, thì việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với nhà giáo là trả lời rốt ráo một câu hỏi rất cơ bản: Nhà giáo là ai?

Đây chính là một triển khai cụ thể của một câu hỏi nhân sinh cơ bản khác: Tôi là ai? Sự triển khai này được tiến hành vào một loại hình công việc cụ thể, với một đối tượng cụ thể, là những người đang giảng dạy.

Chỉ khi nào trả lời được câu hỏi này một cách mạch lạc rõ ràng thì nhà giáo mới thấu hiểu bản thân và công việc của mình, từ đó lãnh đạo được bản thân và làm chủ được công việc của mình, rộng hơn là làm chủ được cuộc sống của mình. Chỉ khi đó, nhà giáo mới có thể giảng dạy một cách hiệu quả, và mới thấy công việc giảng dạy có ý nghĩa.

Chỉ khi đó, nhà giáo mới thực sự trở thành nhà giáo. Còn nếu không, người đó chỉ là một thợ dạy, theo nghĩa thực hiện việc giảng dạy như một công việc để kiếm sống. Điều này tuy không có gì sai, cũng không có gì xấu, nhưng nếu chỉ sống và giảng dạy như một thợ dạy, cũng đồng thời làm cho công việc giảng dạy mất hết ý nghĩa.

Vì sao lại như vậy?

Với câu hỏi “Tôi là ai?”, cuộc sống của một người trên thực tế là sự hiện thực hóa câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” này, trong vô thức hoặc có ý thức. Mà không chỉ cá nhân, cách thức tổ chức và vận hành xã hội cũng chính là sự hiện thực hóa câu trả lời này. Nếu trả lời rằng, tôi là một thần dân, thì xã hội tương ứng sẽ là xã hội phong kiến mà ở đó mỗi người thực sự là một thần dân. Còn nếu trả lời, tôi là một công dân, bình đẳng với mọi công dân khác trước pháp luật, thì xã hội tương ứng sẽ là một xã hội dân chủ pháp quyền.  

Khi một người không biết mình là ai, thì cuộc sống của người đó sẽ gặp nhiều bế tắc và mệt mỏi. Chất lượng sống của người đó cũng rất thấp. Tình trạng này còn thảm hại hơn tình trạng của một người lữ hành trên đường xa mệt mỏi mà không biết đích đến ở đâu và đi để làm gì. Hệ quả là người đó sẽ rất dễ rơi vào quẩn quanh bế tắc, mệt mỏi chán đời, và thấy cuộc sống thật vô nghĩa.

Với nhà giáo thì câu chuyện cũng diễn ra tương tự. Toàn bộ công việc và phần lớn đời sống cá nhân của nhà giáo sẽ là sự hiện thực hóa câu trả lời cho câu hỏi “Nhà giáo là ai?” này. Chỉ có điều, đó là câu trả lời tường minh trong ý thức, hay câu trả lời theo quán tính ở trong vô thức. Sự khác biệt giữa nhà giáo và thợ dạy nằm chính ở sự khác nhau trong câu trả lời ở trong ý thức hoặc vô thức này.

Khi không trả lời được câu hỏi “nhà giáo là ai?” thì một người, dù có dạy học mấy chục năm đi chăng nữa, vẫn chỉ là một thợ dạy chứ chưa phải là một nhà giáo đích thực. Vì một lẽ hiển như, người ta không thể là một thứ mà người ta không biết. Người ta cũng không thể làm tốt một việc mà người ta không hiểu. Về mặt hình thức, một thợ dạy có thể vượt qua mọi kiểm tra chuyên môn bởi các thợ dạy khác, nhưng từ trong sâu thẳm, người đó không phải là một nhà giáo đích thực, và chỉ đang thực hiện công việc đó như một công việc để kiếm sống.

Trả lời được câu hỏi “Nhà giáo là ai?”, và sau đó là sống và làm việc như một cách hiện thực hóa tự nhiên và chân thật câu trả lời đó, là chìa khóa và bước chuyển quan trọng nhất để một người chuyển hóa từ một thợ dạy trở thành một nhà giáo đích thực.

Dù có được gọi tên ra hay không thì chất lượng giảng dạy của nhà giáo, và sâu xa hơn là toàn bộ cuộc sống của chính nhà giáo, chính là sự hiện thực hóa câu trả lời này. Sự khác nhau chỉ nằm ở chỗ, sự hiện thực hóa đó được tiến hành có ý thức hay âm thầm diễn ra ở trong vô thức.

Nếu nó diễn ra ở trong ý thức thì bản thân việc giảng dạy, và rộng hơn, bản thân việc trở thành nhà giáo, sẽ được triển khai ra dưới dạng một lựa chọn. Đó là một lựa chọn chân thật, trong tự do và sau khi suy xét. Khi đó, nhà giáo sẽ thực hiện công việc của mình ở trong tỉnh thức, có tự do đối với nó, có trách nhiệm với nó, có khả năng làm chủ nó và hoàn thiện nó, và đặc biệt có thể biến nó trở thành một công việc đầy ý nghĩa.

Ngược lại, nếu nó diễn ra ở trong vô thức, thì bản thân việc giảng dạy, và rộng hơn là cuộc sống của chính nhà giáo, chỉ là một quán tính, một trách nhiệm được ai đó lựa chọn và giao phó. Khi đó, người dạy học chỉ đơn thuần là đang làm một công việc để kiếm sống, chứ không phải là đang sống cuộc sống của một nhà giáo đích thực.

Sự khác biệt giữa việc giảng dạy như một thợ dạy và một nhà giáo đích thực là vô cùng to lớn. Có thể hình dung sự khác biệt này qua ví dụ sau: Một người buôn bán có thể sẽ chỉ là một người buôn để kiếm sống. Khi đó, mối quan tâm của người đó sẽ chỉ đơn thuần là ngày hôm nay mình kiếm được bao nhiêu. Nhưng cũng người đó, và vẫn thực hiện công việc buôn bán đó, nếu thực hiện với tâm thế của một doanh nhân, thì người đó sẽ không chỉ đơn thuần là buôn bán để kiếm sống. Mối quan tâm của người đó sẽ không chỉ đơn thuần là ngày hôm nay mình kiếm được bao nhiêu, mà còn là xây dựng hệ thống, phát triển văn hóa, phát triển khả năng lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý, lên kế hoạch, tuân thủ luật pháp, trách nhiệm xã hội, phát triển đội ngũ… Nhìn từ bên ngoài thì rất có thể trong hai trường hợp, công việc vẫn diễn ra tương tự nhau, nhưng về bản chất thì khác nhau hoàn toàn.

Với nhà giáo, trong trường hợp đầu, tức dạy học như một công việc để kiếm sống của một thợ dạy, thì đó chỉ là một công việc lặp đi lặp lại qua ngày, miễn sao có thu nhập để sống. Mối quan tâm của một người như thế sẽ không vượt quá mối quan tâm về thu nhập. Tầm nhìn của một người như thế sẽ không quá những sự vụ mà họ phải thực hiện để có được mức thu nhập đó.

Còn khi nhà giáo thực hiện công việc của mình như công việc của một nhà giáo đích thựcthì khi đó, nhà giáo không chỉ là một người thực hiện công việc giảng dạy như một công việc để kiếm sống như một thợ dạy. Nhà giáo khi đó sẽ thực hiện công việc của mình như một nhà lãnh đạo, một nhà quản lý, một chuyên gia và một hình mẫu. Sở dĩ như vậy là vì với vai trò dẫn dắt thế hệ trẻ, nhà giáo cần thiết phải có các kiến thức và kỹ năng về lãnh đạo và quản lý; với vai trò truyền tải tri thức, nhà giáo phải là một chuyên gia, không chỉ về chuyên môn mình giảng dạy, mà còn về con người và cuộc sống, và cuối cùng, nhà giáo còn phải là một hình mẫu để học sinh noi theo.

Một cách ngắn gọn, chỉ khi nào trả lời được câu hỏi “Nhà giáo là ai?” thì nhà giáo mới nhận thức được đầy đủ về bản thân và bản chất công việc mà mình đang thực hiện, tức biết được mình là ai, công việc mình đang thực hiện là gì, và vì thế mang lại ý nghĩa cho công việc đó. Còn nếu không, người đó sẽ chỉ là một thợ dạy, đang dạy học như một công việc để kiếm sống. Tâm thế và động lực làm việc của hai trường hợp này khác hẳn nhau. Chất lượng công việc và chất lượng sống do đó cũng khác nhau một trời một vực.

Mục tiêu của giáo dục không là gì khác ngoài việc tạo ra những con người tự do có khả năng lãnh đạo bản thân và làm chủ cuộc sống. Vì thế, bên cạnh việc khai sáng về bản thân mình và cuộc sống, với tư cách một nhà giáo dẫn dắt thế hệ trẻ đi qua cuộc sống đầy biến động và thách thức, nhà giáo còn phải có khả năng xây dựng một bộ giá trị cốt lõi, sử dụng làm khung tham chiếu để định hướng cho suy nghĩ và hành vi của mình và học trò, đồng thời làm cơ sở cho đạo đức của nhà giáo. Một khung tham chiếu như thế, tốt nhất là một bộ các giá trị phổ quát đã được kiểm chứng bởi thời gian và địa lý, và một sự tiếp nối của truyền thống, thay vì những phát kiến và nhập khẩu kiến thức nhất thời.

Hành trình tìm kiếm một bộ giá trị như thế đã đưa tôi đến với bộ giá trị phổ quát: Chân – Thiện – Mỹ – Hòa. Nhà giáo chỉ cần nắm vững bốn giá trị phổ quát này, thực hành chúng và trở thành chúng, rồi sử dụng chúng làm những tiêu chuẩn định hướng cho nhận thức và hành vi của cả mình và học trò, thì sẽ trưởng thành vững vàng và không lạc lối trên hành trình sống đầy thử thách và biến động.

Khai sáng là gì?

Theo I. Kant, thì “Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra”1. Sự thoát ly ở đây, chúng ta có thể hiểu theo một nghĩa mạnh mẽ hơn, là sự vượt thoát. Vượt thoát khỏi cái gì? Tất nhiên là khỏi tính trạng vị thành niên do chính mình gây ra như câu trả lời của Kant. Nhưng đến đây, để hiểu câu trả lời thoạt nhìn có vẻ đơn giản này, có hai chi tiết cần làm rõ. Đó là: “Tình trạng vị thành niên” và “do chính mình gây ra”.

Tình trạng vị thành niên là tình trạng gì? Dấu mốc nào dùng để phân biệt tình trạng vị thành niên và tình trạng trưởng thành của con người?

Đơn giản nhất, và cũng dễ dãi nhất, là dùng tuổi sinh học. Theo đó, một cách tương đối phổ biến, người ta quy định người dưới 16 tuổi là vị thành niên. Nếu đọc các văn bản pháp luật, chúng ta sẽ thấy, người vị thành niên không phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho các hành vi dân sự của mình. Vì thế, những người phạm tội dưới 16 tuổi sẽ không bị xét xử theo khung pháp luật áp dụng đối với người trưởng thành.

Tuy nhiên, tuổi sinh học có thể khác hoàn toàn so với tuổi tuổi trí tuệ. Một người có tuổi sinh học 60 chưa chắc đã có tuổi trí tuệ tương ứng. Người đó thậm chí vẫn còn trong giai đoạn vị thành niên về mặt trí tuệ. Vì thế, tình trạng vị thành niên mà Kant nói đến, ắt hẳn phải là vị thành niên về mặt trí tuệ, chứ không phải là vị thành niên về mặt sinh học, vì vị thành niên sinh học sẽ tự động chấm dứt khi một người bước qua tuổi 16.

Vậy thế nào là vị thành niên về mặt trí tuệ?

Để ý trong các văn bản pháp quy, chúng ta thấy có một chi tiết về người giám hộ đối với trẻ vị thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự. Vì sao với hai đối tượng này thì pháp luật lại quy định phải có người giám hộ? Muốn trả lời câu hỏi này rõ ràng, ta sẽ đi vòng qua một câu hỏi tương đương với nó: Người giám hộ sẽ làm gì trong các trường hợp này?

Quan sát công việc của người giám hộ, và đọc những quy định cụ thể về vai trò của người giám hộ, ta sẽ thấy công việc chủ yếu của người giám hộ là giúp cho người được giám hộ tổ chức và quản lý đời sống cá nhân của mình, bằng cách giúp họ đưa ra các quyết định.

Vì sao vậy? Vì người được giám hộ khi đó không có khả năng tư duy độc lập, nên không thể tự đưa ra các quyết định và chịu trách nhiệm về nó. Các quyết định do người vị thành niên đưa ra cũng nhiều khả năng không hợp lý và hợp pháp. Lý do là do họ chưa trưởng thành về trí tuệ, hoặc không đủ năng lực trí tuệ. Vì thế, họ cần trông cậy vào trí tuệ của người khác. Đó chính là lý do vì sao họ cần người giám hộ.  

Cần người giám hộ với trẻ vị thành niên là một yêu cầu phổ biến với tất các các xã hội. Khi con bạn đi du học ở nước ngoài, nếu con bạn vẫn còn ở tuổi vị thành niên, thì luật pháp sở tại thường yêu cầu phải có người giám hộ để giúp con tổ chức đời sống cá nhân và đưa ra các quyết định. Nói nôm na là con bạn vẫn đang ở giai đoạn cần người nghĩ hộ, vì chưa đủ trưởng thành về mặt trí tuệ.

Vì vậy, dấu mốc để phân biệt một người đã thoát khỏi tình trạng vị thành niên hay chưa chính là ở khả năng tư duy độc lập của người ấy. Nếu người đó có khả năng tư duy độc lập, thì đó được coi là người trưởng thành về mặt trí tuệ. Còn nếu không, thì người đó vẫn đang ở trong tình trạng vị thành niên về mặt trí tuệ, dù về mặt hình thể, người đó có thể đã tóc trắng phơ phơ.

Điều oái oăm là tình trạng vị thành niên này không phải do sự chưa trưởng thành về mặt sinh học gây ra, lại cũng không phải do người khác gây ra, mà do tự mình gây ra cho chính mình. Bằng cách nào? Bằng cách sợ. Bằng cách a dua. Bằng cách luôn trông đợi vào câu trả lời của người khác mà không dám tự đi tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Theo trào lưu triết học khai sáng ở phương Tây, thì tình trạng vị thành niên đó là do con người không dám sử dụng đầu óc của mình để tư duy độc lập. Chính vì không dám tư duy độc lập nên phải lệ thuộc vào tư duy của kẻ khác. Đó chính là nguyên nhân làm cho con người cứ mãi ở trong tình trạng vị thành niên về mặt trí tuệ mà không thoát được ra.

Vì thế mà phải vùng thoát ra khỏi tình trạng vị thành niên này. Cũng vì thế, các triết gia thời kỳ khai sáng đã đề cao lý tính và giương cao khẩu hiệu: Hãy dám biết!

Hãy dám biết, bằng cách tư duy độc lập, bằng cách dám sử dụng đầu óc của mình để suy nghĩ, để tự đi tìm ra câu trả lời thay vì trông đợi ở tư duy của kẻ khác, là tinh thần xuyên suốt về khai sáng theo quan niệm của I. Kant và các triết gia khai sáng phương Tây.

Tuy nhiên, với những người sống ở phương Đông, thì khai sáng sẽ không chỉ đơn thuần là câu chuyện của của lý tính, của tư duy độc lập. Với văn hóa phương Đông, khai sáng còn mang trong mình nội hàm về sự giác ngộ. Đó là sự giác ngộ về chính bản thân mình và cuộc sống xung quanh. Đó là đi xuyên qua các giới hạn của ngôn ngữ và lý tính. Đó là một truyền thống văn hóa và một thực hành khai sáng khác hẳn so với phương Tây.

Vì lẽ đó, khai sáng của người phương Đông là một câu chuyện thú vị và phức tạp hơn câu chuyện ở phương Tây rất nhiều. Trải nghiệm khai sáng ở phương Đông cũng chấn động và sâu sắc hơn chuyện hãy dám biết rất nhiều. Vì biết thì còn nằm trong tư duy và lý tính. Còn giác ngộ thì vượt qua các giới hạn của tư duy và lý tính. Đó là một trải nghiệm chủ quan – bản thể chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được, chứ không thể diễn giải bằng ngôn từ cho người khác hiểu. Một người nếu đã đi qua trải nghiệm này sẽ trở thành một con người tự do và tỉnh thức, vượt thoát khỏi các ước định của xã hội, về chính họ và về chính xã hội.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không có ý định đi sâu vào việc thảo luận về khái niệm khai sáng, mà chỉ nêu ra để lưu ý một điều rằng, với sự tiếp nối của mạch nguồn truyền thống, nếu thấu hiểu và tỉnh thức về chính công việc của mình, thì một nhà giáo đích thực phải là một nhà giáo khai sáng. Đó không chỉ là khai sáng theo quan niệm của Kant, tức trưởng thành về mặt trí tuệ bởi dám tư duy độc lập, mà còn là sự giác ngộ về chính bản thân và cuộc sống của mỗi người, thông qua việc trả lời những câu hỏi nhân sinh cơ bản nhất, như “Tôi là ai?”, “Cuộc sống là gì?”, “Ta đang đi qua cuộc sống này như thế nào?”2

Chỉ khi đó, nhà giáo mới thoát khỏi thân phận của một thợ dạy để chuyển hóa trở thành một nhà giáo đích thực, nhân văn và khai sáng.
————-
1 I.Kant, Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?, bản dịch của Thái Kim Lan.
2 Các nội dung này được trình bày chi tiết trong khóa học “Nhà giáo khai sáng” do tác giả dẫn dắt.

Tác giả