Những cuộc đua phản chức năng

Cách đây mấy tuần, báo giới Mỹ đã đưa tin và bình luận về một cuộc đua chạy cự ly 3.200m của bang Ohio, trong đó Meghan Vogel 17 tuổi, đáng lý đã về đích, nhưng khi phát hiện một bạn đua gần kiệt sức cách đích đến 30m, thay vì vượt lên để giành chiến thắng, Volgel đã quàng tay qua vai McMath và dắt dìu cô này cùng về đích.1

Theo luật chơi thì đáng lý Vogel và McMath đều bị loại, nhưng ban tổ chức giải đua đã quyết định cho McMath về thứ 14 và Vogel về thứ 15 để biểu dương tinh thần fair play trong thể thao của Vogel. Báo chí sau đó đã khen ngợi hành động cao đẹp này. Trả lời phỏng vấn, Vogel cho biết là đã choáng với những khen ngợi “quá lời” của báo chí, cô bé chỉ giản dị rằng: “Giúp đỡ bạn ấy đến được đích làm cho tôi thấy thỏa mãn hơn là đoạt được chức vô địch của toàn bang”. Câu chuyện đang tác động tích cực lên xã hội nói chung và lứa tuổi teen nói riêng. 

Cũng trong thời gian này, tại Việt Nam cũng diễn ra một cuộc đua khác, đó là thi tốt nghiệp phổ thông. Qua các clip video mà một em học sinh quay được ở Đồi Ngô, người ta thấy người lớn và các cô cậu sĩ tử rất đoàn kết dắt dìu nhau về đích. Câu chuyện này cũng đang gây xôn xao báo giới và xã hội, tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực nặng nề, không những làm nhiều người chẳng còn tin tưởng gì vào các con “số đẹp” tỷ lệ tốt nghiệp được công bố sau đó, mà đáng ngại hơn là sự kiện này đang phản ánh hiện tượng dối trá, gian lận đang tồn tại ngay trong môi trường giáo dục.

Cả hai câu chuyện đều rất đặc biệt, đều “phản chức năng”. Vogel trong cuộc đua chạy đáng lý ra là phải tìm mọi cách để vượt lên các đối thủ, để đạt được thành tích, thứ hạng cao, thế mà cô bé tuổi teen này đã làm một chuyện phản chức năng so với bản chất của sự kiện, nhưng đây là một hành động đẹp. Hành động này chắc chắn có sự góp phần của nhà trường, một kênh quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của cô bé, mà hành động dắt dìu đối thủ kiệt sức cùng về đích chỉ là một thể hiện tự động của một nhân cách được giáo dục. Hành động có tính tập thể ở Đồi Ngô cũng rất phản chức năng, bởi đã biến nhà trường, nơi đáng lẽ dạy cho học sinh sự trung thực, nơi có nhiệm vụ tạo ra nhân cách đẹp của thanh thiếu niên, thì đã trở thành một trường đua vốn không phải là chức năng của giáo dục, nơi người ta đã sử dụng những dối trá gian lận để về đích trong cuộc đua thành tích có quy mô quốc gia.

Có lẽ sự gian lận ít nhiều đều tồn tại ở tất cả các xã hội, nhưng có mấy xã hội mà sự gian dối đó lại được tập thể hóa, được tổ chức ngay chính trong môi trường giáo dục như ở xã hội ta?

Một lần khi đang nằm nghỉ trưa, tôi nghe hai chị em con ông chủ mà tôi thuê nhà ở đã chơi trò đóng vai. Cô bé đang học lớp 2, bắt em mình làm học trò, còn mình làm cô giáo. Buổi học tưởng tượng có nội dung là cô giáo bố trí cho học sinh cách thức để đối phó với phái đoàn dự giờ đến từ phòng giáo dục của quận vào ngày hôm sau. Một cách rất giống giọng điệu của cô giáo, cô bé bố trí cho bạn A làm gì, bạn B làm gì…rất tự nhiên. Tôi giật mình và nghĩ, tại sao cô bé không lấy chủ đề khác làm nội dung đóng vai mà lại lấy nội dung gian dối trong trường học như thế? Chẳng lẽ sự gian dối đó đã đi vào nhân cách của bé và trở thành chuyện tự nhiên như vậy rồi sao? Đây là một thể hiện khác của sự gian lận có tổ chức tồn tại bàng bạc trong nhà trường từ lâu mà ai cũng có thể có kinh nghiệm.

Theo các nhà xã hội học, nhà trường là một kênh quan trọng bậc nhất trong quá trình “xã hộ hóa” giới trẻ, là nơi mà quá trình nội tâm hóa các giá trị đạo đức, các chuẩn mực văn hóa xã hội diễn ra trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Những điều này không chỉ nhờ vào nội dung các giờ học đạo đức công dân một cách chính thức trên lớp, mà còn thông qua môi trường sư phạm, sự mực thước của các giáo viên, sự tương tác với các bạn học một cách phi chính thức. Nghĩa là một môi trường giáo dục tốt sẽ góp phần đắc lực tạo ra những nhân cách nơi các công dân tương lai của xã hội tốt, ngược lại, một môi trường giáo dục mà học sinh được yêu cầu đóng vai trong những vở kịch gian lận bên cạnh chính các thầy cô giáo của mình, thì tất yếu, những điều như thế sẽ góp phần thiết kế nên nhân cách của học sinh.

Môi trường giáo dục không chỉ là góp phần tạo ra nhân cách của cá nhân một học sinh mà còn tạo ra nhân cách của nhiều thế hệ, tạo ra tập tính cả của một xã hội. Nếu nhân cách của một cá nhân sẽ quyết định vị thế, số phận của cá nhân đó, thì tập tính của một dân tộc sẽ quyết định vị thế và số phận của dân tộc đó.

Nói như thế để biết sự kiện “Đồi Ngô” nguy hiểm cỡ nào, bởi sự kiện này không còn là chuyện cá nhân mà đã trở thành một hiện tượng tập thể, không chỉ là tập thể tại hội đồng thi Đồi Ngô mà có lẽ đã là chuyện của toàn hệ thống giáo dục. Sự nguy hiểm ở đây không phải liên quan đến kết quả của một kỳ thi, nhưng liên quan đến tương lai cả của một dân tộc. Nền giáo dục của một quốc gia mà sự gian dối tiêu cực đã tồn tại một cách có tổ chức, có tính tập thể như thế, thì tương lai của quốc gia đó thế nào?

Mong các vị lãnh đạo hãy nghiêm túc suy ngẫm về câu hỏi này nếu thực lòng muốn “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, chứ không chỉ biết thanh tra hội đồng thi Đồi Ngô, hay tệ hơn nữa là nghĩ đến chuyện kỷ luật em học sinh đã can đảm quay lại các clip video gian lận.
——————–
1. Xem clip video: http://abclocal.go.com/wabc/story? section=news/lifestyle&id=8690897

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)