Những điều có thể học từ hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ (Tiếp theo)

Giảng viên đại học ở Mỹ - tuy có được sự tôn trọng tương đối trong xã hội – nhưng nhìn chung vẫn chỉ được coi là một trong các nghề. Họ là người giúp sinh viên suy nghĩ, chứ không phải người áp đặt suy nghĩ; bản thân họ cũng liên tục phải học hỏi, chứ không phải đã vào trường là vĩnh viễn ngồi đó, giảng hết năm này qua năm khác với một giáo trình cũ.

(trong bài viết tôi dùng lẫn hai từ giáo viên và giảng viên. Từ giáo sư tôi cũng dùng để chỉ chung người dạy, chứ không có ý nghĩa chặt chẽ như ở Việt Nam).

Giáo viên là người thày, người bạn, người giúp đỡ.
Mỗi sinh viên được phân một người hướng dẫn (advisor) ngay từ khi vào trường. Giáo sư hướng dẫn có nhiệm vụ giúp sinh viên suy nghĩ và xây dựng lịch học riêng, phù hợp với mong muốn của mình; giới thiệu sinh viên với những giáo sư có chuyên môn trong lĩnh vực mà sinh viên quan tâm; theo dõi quá trình học của sinh viên; giúp tháo gỡ các khó khăn học hành; viết thư giới thiệu khi sinh viên xin học bổng, xin việc… Sinh viên có quyền đổi giáo sư hướng dẫn trong quá trình học, tùy theo nhu cầu ở từng thời điểm. Cá nhân tôi đổi giáo viên hướng dẫn hai lần trước khi tìm được người phù hợp.

Hầu hết các giáo sư trong trường đều rất sẵn lòng gặp mặt, nói chuyện, làm đề tài riêng với sinh viên nếu như lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Mỗi lần tôi muốn gặp một giáo sư nào đó để nói chuyện, tôi có thể email hẹn gặp và đến nói chuyện thoải mái. Lấy ví dụ như nếu tôi học về tâm lý trẻ em và có vướng mắc về lịch sử hình thành khái niệm “ấu thơ”, tôi có thể hẹn gặp giáo sư ở khoa sử hoặc khoa nhân chủng học để nói chuyện.

Mỗi giáo sư thường chuyên về một lĩnh vực hẹp nào đó, ngoài việc có kiến thức chung. Vì thế, nhắc đến tên một giáo sư nhất định trong trường là bạn nghĩ chính xác đến lĩnh vực chuyên môn của người đó, ví dụ như bà Tina chuyên về phúc lợi trẻ em, bà Lambert chuyên về chính sách lao động, bà Henly chuyên về cộng đồng, ông Johnson chuyên về HIV/AIDS. Có những sinh viên chuyển từ các bang khác hoặc trường khác tới trường tôi chỉ vì muốn theo học một giáo sư nhất định nào đó. Bên khoa kinh tế của trường tôi chẳng hạn, có một vài giáo sư được giải Nobel vẫn đang giảng dạy và mỗi người chuyên một lĩnh vực nào đó, sinh viên theo họ thành từng trường phái; thậm chí có thể gọi tên và nói X chịu ảnh hưởng của thày Y, A là học trò của giáo sư B.

Kết thúc mỗi học kỳ, sinh viên bao giờ cũng phải có một bản đánh giá kín (không công bố tên sinh viên) với giảng viên mình vừa học trên tất cả các mặt như kiến thức chuyên môn, sự nhiệt tình, việc chuẩn bị bài, việc giảng bài, thái độ với sinh viên, vân vân… Điểm đánh giá của các giảng viên được nhà trường công khai với sinh viên và đầu mỗi học kỳ, khi quyết định chọn học môn nào, các sinh viên thường có thói quen kiểm tra điểm đánh giá của giảng viên đó ở các năm trước. Điều này khiến cho các giảng viên liên tục phải cố gắng về chuyên môn và tận tình với sinh viên.

Việc phong tặng các danh hiệu như Giảng viên xuất sắc, Giảng viên ưu tú hàng năm là do sinh viên đề cử và bầu chọn, chứ không phải do hội đồng giáo viên bầu.

Giảng viên còn là người bạn, là đồng nghiệp với sinh viên và có thể phát triển một quan hệ bền vững cả đời, chứ không chỉ lúc còn trong trường. Ví dụ như lúc tôi học thạc sỹ ở Nebraska, tôi chơi rất thân với một giáo sư người Mỹ; đến mức, tôi thường đến nhà ăn tối, đi chơi xa cùng gia đình bà ấy. Kể cả khi tôi chuyển lên Chicago học tiến sỹ, chúng tôi vẫn email, gọi điện thoại, gửi quà vào các dịp lễ. Tôi cũng vẫn trao đổi về học thuật với các thày giáo cũ trong khoa; vẫn xin thư giới thiệu từ họ và nếu mình có thành công gì, trong khoa các thày cũng vẫn gửi thư chúc mừng. Hầu hết các sinh viên đều xây dựng quan hệ gắn bó với ít nhất một giáo sư nào đó trong trường, nếu là giáo sư hướng dẫn thì là lý tưởng nhất.

Không có chuyện hối lộ, gian lận giữa sinh viên và giáo viên; phần vì giáo viên được thù lao xứng xáng, phần vì họ rất có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Đa phần họ lựa chọn nghiên cứu và giảng dạy làm sự nghiệp cả đời của mình và rất toàn tâm toàn ý với lựa chọn này. Có thể thấy là họ rất hạnh phúc vì môi trường học đường luôn có cái mới, có tri thức mới. Khi tôi ở trong ký túc xá của trường Chicago, tôi có quen một ông cụ đã hơn 70 tuổi nhưng ngày nào cũng ăn mặc chỉnh tề, cắp cặp đến lớp để ngồi nghe giảng hoặc nói chuyện với sinh viên. Tôi hỏi thì được biết cụ trước đây là giáo sư trong trường, giờ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn thích trường học nên ngày nào cũng đến. Nhiều giáo sư trường tôi, nhất là các giáo sư giỏi, đã cao tuổi lắm rồi nhưng vẫn lên lớp, vẫn gặp sinh viên hàng ngày và nhanh nhẹn vô cùng.

Giáo viên lên lớp thường có thể ăn mặc thoải mái, giảng bài theo hướng thảo luận và nói chuyện với sinh viên; chấp nhận chất vấn với sinh viên, cười đùa với sinh viên, nhưng cũng có thể gay gắt tranh luận các vấn đề với sinh viên mà không tư thù. Họ không hách dịch, kẻ cả, lấp liếm khi sai. Quan trọng hơn, họ liên tục nâng cao trình độ và liên tục học thêm (từ đồng nghiệp và từ sinh viên), chứ không trì trệ ở một chỗ hết năm này qua năm khác.

Giảng viên cũng phải chịu sự đánh giá trình độ.

Giảng viên đại học ít nhất phải có bằng thạc sỹ; ở các trường lớn thì hầu hết có bằng tiến sỹ mới có thể làm đơn xin vào trường giảng dạy.
Một người muốn xin vào trường giảng dạy thì phải thông qua các bước nộp hồ sơ, phỏng vấn công khai và thuyết trình về các công trình khoa học một cách công khai tại trường (sinh viên được quyền đến xem và cho ý kiến). Nếu được nhận vào, địa vị của họ cũng chưa chắc chắn mà vẫn chỉ là thử việc trong một số năm nhất định, thường ở vị trí giảng viên cấp 1 (còn gọi là giáo sư trợ lý – assistant professor). Trong khoảng thời gian này, họ phải giảng bài, phải nghiên cứu và có công trình nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí khoa học. Đến cuối kỳ thử việc, hồ sơ của họ sẽ được một hội đồng độc lập, gồm cả giáo sư trong trường và một hội đồng độc lập, không được công bố ở ngoài trường xem xét và bỏ phiếu kín để quyết định họ có đủ năng lực làm giảng viên không (hội đồng ở bên ngoài thường là các giáo sư có uy tín trong lĩnh vực của người nộp hồ sơ, và ở một trường khác). Nếu được thông qua, giảng viên mới chính thức vào “biên chế” của trường; nhưng điều đó không có nghĩa là họ yên vị vĩnh viễn.
Trong mỗi năm học, để tăng bầu không khí thân mật, nhà trường hoặc khoa thường tổ chức nhiều buổi tiệc, lễ hội… trong đó giảng viên và sinh viên tham gia thoải mái. Ví dụ như trong khoa tôi có ngày hội Sáng tạo để sinh viên và giảng viên đến thể hiện những tài năng thơ, nhạc, họa… bên ngoài nghiên cứu và những thứ hàn lâm trong trường. Vào những dịp như Lễ Hoá Trang (Halloween), các giáo sư thường đến trường trong trang phục hoá trang rất thoải mái. Trường học cũng được trang trí theo không khí từng dịp lễ hội; ví dụ như treo hình đầu lâu xương chéo vào dịp hội hoá trang, có cây thông vào dịp Giáng Sinh… Khu sảnh chính của khoa tôi học có nhiều bàn ghế để sinh viên tụ tập nói chuyện, ăn trưa; đó cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính của khoa. 

Phan Việt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)