Phẩm chất mới của các lãnh đạo trường học

Change Leadership: A Practical Guide to Transforming Our Schools1 bàn về cách "nâng cao chất lượng giảng dạy bằng cách trở thành một nhà lãnh đạo giảng dạy hiệu quả”, nhưng nó "không đưa ra công thức cải tổ trường học. Nó là bộ khung với rất nhiều câu hỏi gai góc cho các nhóm lãnh đạo giáo dục tự suy ngẫm về công việc của mình“.(8)

Cuốn sách là kết quả của một chương trình nghiên cứu kéo dài trong 5 năm, được thực hiện bởi nhóm Lãnh đạo Thay đổi (Change Leadership Group) của trường Đại học giáo dục thuộc Đại học Harvard. 

Sự đồng thuận của tất cả mọi người về việc cần phải thay đổi

Các tác giả của nhóm Change Leadership Group (CLG) hiểu rằng muốn cho sự thay đổi diễn ra cần được tất cả mọi người đồng thuận về việc cần phải thay đổi. Nghĩa là họ phải giúp toàn bộ cộng đồng ý thức về sự cần thiết phải thay đổi bằng cách trả lời câu hỏi: “Vì sao phải thay đổi?”

Công trình này khởi đi từ việc xác định vấn đề thực sự của nền giáo dục Mỹ. Các tác giả cho rằng việc không nhìn thấy được vấn đề thực sự sẽ đưa tới việc không lựa chọn được những chiến lược giải quyết phù hợp. Và theo xác định của họ, vấn đề của xã hội Mỹ là: “cơn thủy triều của những thay đổi sâu sắc về kinh tế xã hội” (35) Những thay đổi này đến từ sự hình thành của một nền kinh tế tri thức, và nền kinh tế tri thức đòi hỏi những kỹ năng mới mà nền giáo dục Hoa Kỳ chưa tạo lập được cho học sinh. “Nền kinh tế ngày nay không chỉ đòi hỏi một hệ thống kỹ năng mới mà còn bắt buộc các học sinh phải sử dụng chúng thành thạo” (39).

Các tác giả công trình muốn những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là những người lãnh đạo, nhận thức điều đó, và đối diện với những thách thức mới. Đấy là cơ sở đầu tiên nếu muốn thay đổi.

Từ nhận thức về vấn đề như vậy, câu hỏi đặt ra là “cải cách” hay “cải tổ”? Và nhóm các nhà nghiên cứu này cho rằng phải cải tổ, tức là phải định nghĩa lại nền giáo dục, chứ không chỉ là đơn thuần là cải cách (reform).
 
Các nhà lãnh đạo trở thành hình mẫu của sự thay đổi

Nhóm nghiên cứu CLG, với các kết quả của chương trình, khẳng định rằng, để có thể nâng cao kết quả học tập của học sinh, các nhà lãnh đạo phải là hình mẫu của sự thay đổi, tức là bản thân họ phải thay đổi. Nghệ thuật lãnh đạo giờ đây biểu hiện ở nỗ lực thay đổi niềm tin và hành vi cá nhân của chính người lãnh đạo, biểu hiện ở nỗ lực không ngừng học hỏi của người lãnh đạo. Có như vậy người lãnh đạo mới có thể biến đơn vị của mình thành một “tổ chức liên tục học hỏi”. Hẳn nhiên, nếu người thầy không tự học suốt đời thì làm sao có thể dạy cho học sinh khả năng tự học suốt đời? Đây là phát biểu của Micheal Ward, người từng làm tổng giám quản tại Khu học chánh trường công West Clermont tại Ohion, nói: “Chúng tôi đề ra trách nhiệm xây dựng các ngôi trường của mình và phát hiện ra rằng, nếu muốn thật sự thành công, bản thân chúng tôi phải thay đổi” (54).

Và để có thể thay đổi, cần phải bắt đầu từ việc thừa nhận một sự thực là người lãnh đạo không có tất cả các câu trả lời cho những câu hỏi về việc nâng cao chất lượng dạy học. Vì vậy mà cần phải tập hợp ý kiến của tất cả mọi người. Quan niệm này dẫn tới một phương thức lãnh đạo mới: liên kết làm việc giữa các hiệu trưởng, hình thành nhóm lãnh đạo; đồng thời phá vỡ sự cách biệt với giáo viên, tăng cường gặp gỡ, thảo luận và tham vấn ý kiến của giáo viên về các vấn đề của trường học.

Vấn đề mà nhóm các nhà nghiên cứu thuộc “Nhóm Lãnh đạo thay đổi” đặt ra không chỉ là sự cải cách giáo dục mà là cải cách liên tục. Do vậy người lãnh đạo phải liên tục thay đổi. Thay đổi trở thành một phẩm chất cần thiết của nghệ thuật lãnh đạo. Điều này hết sức sáng rõ đối với những ai hiểu rằng thay đổi là điều kiện thiết yếu nếu muốn phát triển và hoàn thiện.

Cuốn sách đưa ra những hướng dẫn mang tính chất thực hành, những bài tập, những câu hỏi, những gợi ý, những cảnh báo về khó khăn hoặc về sự phức tạp, thậm chí cả sự thiếu đồng thuận có thể xảy ra đối với người thực hành, hay đối với người đọc. Tôi sẽ không trình bày chi tiết trong một bài viết ngắn chỉ nhằm giới thiệu cuốn sách này cho những ai đang làm việc ở lĩnh vực giáo dục. Không ai thay thế được mỗi chúng ta trong việc trực tiếp đọc và trực tiếp chiếm lĩnh những kinh nghiệm quý giá đã giúp người khác thành công.

Trong nhận thức của các nhà nghiên cứu giáo dục ở Đại học Harvard, “lạc hậu và cải tổ” là bản chất của những thách thức mà nền giáo dục Mỹ cần đối diện. Nếu nhìn vào khủng hoảng của giáo dục Việt Nam hiện nay thì bản chất của vấn đề là gì? Để trả lời câu hỏi này, cần có những nghiên cứu sâu và rộng, thực hiện trong khoảng thời gian ít nhất cũng bằng số năm mà nhóm CLG đã bỏ ra để hoàn thành công trình này, nếu muốn nhận diện những vấn đề thực sự của nền giáo dục nước nhà để có thể đi tới những thay đổi và phát triển.
—————
1. Bản tiếng Việt Lãnh đạo sự thay đổi: cẩm nang cải tổ trường học do Trần Thị Ngân Tuyến dịch, NXB Trẻ/DT Books, 2011. Các trích dẫn từ cuốn sách này sẽ có chú thích về số trang đặt trong ngoặc đơn.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)