Phản biện GS Hồ Ngọc Đại về giáo dục (5)

Trong phần này, tôi muốn phân tích một cách độc lập câu hỏi: chương trình phổ thông nên gồm bao nhiêu năm, và phân cấp như thế nào, là hợp lý nhất? Đồng thời tôi sẽ phản biện luận điểm cải cách số năm học của GS HNĐ.

Chương trình giáo dục phổ thông ở miền Bắc VN ngày trước là theo hệ 11 năm (1 năm vỡ lòng + từ lớp 1 đến lớp 10, không tính mẫu giáo). Sau đó có cải cách thống nhất chương trình trên hai miền thành 12 năm. Trong “Giải pháp căn bản và toàn diện cho nền giáo dục hiện đại”1 do GS HNĐ nêu ra gần đây lại đề nghị rút ngắn lại thành 10 hay 11 năm, gồm 5 năm trung học và 5 hay 6 năm tiểu học. Các lý do mà ông nêu ra trong văn bản trên cho đề nghị cải cách này của ông là:

1) Không nên kéo dài 12 năm giáo dục phổ thông : lãng phí thời gian và làm mất hứng thú học.

2) Về việc phân làm 2 bậc tiểu học và trung học (thay vì 3 bậc như hiện tại): thời tiểu học (cho đến 11/12 tuổi) là thời “hình thành nhân cách”, còn trung học (5 năm sau đó) là  “vượt ra khỏi vòng tay gia đình theo hướng hội nhập ngày càng sâu vào xã hội bên ngoài”.

Trong phần này, tôi muốn phân tích một cách độc lập  câu hỏi: chương trình phổ thông nên gồm bao nhiêu năm, và phân cấp như thế nào, là hợp lý nhất ? Đồng thời tôi sẽ phản biện lại luận điểm cải cách số năm học của GS HNĐ.

Chương trình giáo dục phổ thông mấy năm là hợp lý?

Trước hết, thế nào nghĩa là “hợp lý”? Theo tôi, hợp lý có nghĩa là có được một số tính chất sau:

1) Đúng mục đích của giáo dục phổ thông

2) Đạt tối ưu trong bài toán tối ưu hai chiều “chi phí / hiệu quả”

3) Cân đối hài hòa với các mặt hoạt động khác của xã hội

4) Tiện lợi cho việc hòa nhập thế giới

Con người càng sống lâu, càng trẻ lâu, càng giàu có, thì càng có thời gian và điều kiện vật chất để mà có thể học dài hơn. Ngày xưa, trong chuyện Romeo và Juliet, mẹ của Juliet lúc đó chưa đầy 30 tuổi đã được gọi là “bà già”, thì “học đến tận năm 18 tuổi” quả là xa xỉ. Nhưng trong thế giới hiện đại giàu có hơn, tuổi thọ đã tăng lên nhiều, thì học đến 18 tuổi không còn là xa xỉ. Câu trả lời “chương trình phổ thông đến năm bao nhiêu tuổi là hợp lý nhất” có lời giải không phải là một hằng số, mà thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào hoàn cảnh điều kiện ở các nơi trên thế giới.

Nói về mục đích giáo dục phổ thông, mục đích cơ bản nhất là gì ? Theo tôi, từ quan điểm xã hội, đó là chuẩn bị cho mỗi đứa trẻ thành một công dân của xã hội, thành những con người trưởng thành, sẽ tham gia vào các hoạt động của “người lớn” trong xã hội. Trong xã hội có qui định độ tuổi trưởng thành, và đứng từ quan điểm học phổ thông cho đến khi trưởng thành, thì lúc kết thúc phổ thông trùng với đúng độ tuổi trường thành là hợp lý nhất.

Từ quan điểm hội nhập thế giới, nếu có cùng hệ thống học như các nước thì dễ hội nhập hơn, là một mình một phách. Bởi vậy, khi phần lớn thế giới đi theo một hệ thống nào đó, thì ta cũng nên đi theo nó, trừ khi có những lý do rất đặc biệt để đi đường riêng.

Nhìn từ góc độ kinh tế, trẻ em chưa trưởng thành mà đã bắt đi lao động tự nuôi thân thì là “bóc lột trẻ em”, không nên (trừ khi nhà quá nghèo không thể nuôi cho con học được đến lúc trưởng thành). Hơn nữa, người chưa trưởng thành mà “tung ra” thị trường lao động thì cũng chỉ làm được các công việc chân tay đơn giản với công suất lao động thấp thôi, không phải là hướng đi của nền kinh tế hiện đại, và lại có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp nếu làm tranh việc của người lớn. Nếu như trong giai đoạn chưa trưởng thành, mà không lao động mà cũng không học thì sẽ “nhàn cư vi bất thiện”, và bởi vậy càng nên cho trẻ em học cho đến tuổi trưởng thành. Kể cả khi đã đến tuổi trưởng thành, vẫn nên được học tiếp nếu có điều kiện trước khi ra thị trường lao động ngay, và đây là hướng đi của các nước tiên tiến (đa số thanh niên được học tiếp sau phổ thông ở các trường kỹ thuật hay đại học chứ không đi làm ngay).

Nhìn từ tất cả các khía cạnh trên, thì độ tuổi hợp lý nhất để học hết phổ thông hiện tại là 18 tuổi. Đây chính là độ tuổi trưởng thành theo pháp luật, và cũng là độ tuổi hết phổ thông ở phần lớn các nơi trên thế giới. Nếu như ta tính là trẻ em chính thức vào học phổ thông từ năm 6 tuổi (tuổi đi học bắt buộc, trước đó có thể ở nhà hoặc đi mẫu giáo tùy ý), thì tức là 12 (= 18 – 6) năm học phổ thông.

Hai lý do chính mà GS HNĐ đưa ra trong đề nghị giảm chương trình phổ thông từ 12 năm (học cho đến năm 18 tuổi) xuống còn 10-11 năm (theo tôi hiểu, thì có nghĩa là chỉ học đến 16-17 tuổi thôi) là:

1) Lãng phí thời gian

2)  Làm mất hứng thú học

Về khoản “mất hứng thú học”, tôi không hiểu tại sao lại “mất hứng thú học”. Một mặt thì GS HNĐ công nhận rằng cả người lớn cũng cần được học (nói theo Lenin là “học, học nữa, học mãi”), một mặt lại lý luận “học lâu thì mất hứng thú”. Tôi đã là trung niên rồi, nhưng vẫn thích học đủ thứ, chưa bao giờ mất hứng thú, và tôi tin đa số mọi người đều có hứng thú như tôi khi có cơ hội học được những điều mới thú vị và có ích. Hứng thú hay không không phụ thuộc vào học nhiều hay ít, mà phục thuộc vào bản thân môn học có thú vị không, giáo viên dạy có hay không. Nếu học sinh mất hứng thú, thì đấy không phải lỗi của số năm học, mà là lỗi của chương trình và cách dạy học.

Về khoản “lãng phí thời gian”, tôi không hiểu GS HNĐ định cho học sinh “tiết kiệm thời gian” để làm gì khi 16 tuổi thôi không học nữa. Cho đi chơi ngoài đường? Hay là cho đi học nghề ? Nếu là học nghề khi chưa thành niên, thì vẫn nên kết hợp với học thêm một số kiến thức chung để thành công dân, và vẫn có thể gọi là trường phổ thông (như là hệ thống lycée theo hướng học nghề ở Pháp), nhưng đâu phải trẻ em nào cũng muốn đi học nghề sớm vậy. Hay GS HNĐ định nói đến lãng phí thời gian của xã hội (của giáo viên) ? Nếu thế thì lại phải quay về bài toán “chi phí / hiệu quả”. Về điểm này, chúng ta cần phân tích về giá trị kinh tế của giáo dục, coi giáo dục cũng là có đóng góp trực tiếp cho tổng sản lượng kinh tế quốc dân (nếu các dịch vụ như cắt tóc, tẩm quất có tính vào GDP thì giáo dục cũng phải được tính, mà phải được tính một cách đàng hoàng). Nếu tính đàng hoàng về công suất lao động của giáo viên và giảng viên, thì sẽ thấy giá trị của việc dạy học, và trả lương được đàng hoàng cho ngành giáo dục và đại học. (Trước đây, tôi đã làm một phân tích cho thấy giảng viên đại học công ở VN trung bình lãng phí 2/3 tiềm năng công suất lao động của họ, và ngay cả với công suất lao động hiện tại thì thu nhập của họ cũng chỉ xứng đáng tương đương với 1/3 công suất của họ, tức là lương của họ phải được tăng 3 lần thì mới hợp lý).

Nói tóm lại, cả hai lý do mà GS HNĐ nêu lên để đề nghị giảm số năm học phổ thông đều không hề có tính thuyết phục, và hơn nữa ông không hề tính đến các lý do chính đáng để đi theo hệ 12 năm như thế giới.

Cùng ý tưởng với GS HNĐ có GS nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Lanh cũng muốn giảm hệ phổ thông xuống còn 10 năm. Tôi đã có viết 1 bài bình luận về ý tưởng hệ 10 năm của GS Lanh ở đây2.

Nên chia chương trình phổ thông thành mấy cấp?

Trong các tài liệu trên thế giới, hệ thống giáo dục thường được chia làm 3 bậc:

– Đại học (gồm có cả cao đẳng, dạy nghề sau phổ thông) và sau đại học

– Trung học

– Tiểu học

Giáo dục phổ thông gồm tiểu học và trung học. Cách chia này có tính qui ước, và trung học thường được chia thêm thành 2 mức. Ở VN hai mức đó gọi là THCS và THPT (ngày xưa thì gọi là cấp 2 và cấp 3), còn ở Pháp thì gọi là “collège” và “lycée”, ở Mỹ thì gọi là “middle school” và “high school”. Điều tôi muốn bàn đây là : tại sao lại cần thêm  cấp 3 (lycée) trong khi theo quan điểm của GS HNĐ chỉ cần cấp 1 và cấp 2?

Việc phân chia cấp này có phần mang tính qui ước, và gắn liền với lịch sử phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông. Ngày xưa, khi điều kiện về giáo dục còn khó khăn, mục tiêu giáo dục đại trà của các nước chỉ ở mức “ai cũng được học hết cấp 1″ (có trình độ tiểu học), còn chỉ có một phần dân số lên đến cấp 2. Khi điều kiện tốt lên, thì mục tiêu được nâng lên thành “ai cũng học được hết cấp 2″, và học cấp 2 trở thành bắt buộc ở nhiều nước, và chỉ một phần dân số học lên cấp 3.Hiện tại, học cấp 3 không là bắt buộc, nhưng mục tiêu chung là để làm sao cho phần lớn trẻ em được học hết cấp 3. Một trong các lý do để có 3 cấp (thay vì chỉ có 2) là sự phát triển từng bước về mục tiêu giáo dục tạo thành vậy. Tại sao lại 3 mà không phải là 4 hay 5 cấp ? Điều này tôi không “giải thích chặt chẽ” được, nhưng có lẽ có thể qui nó về nguyên tắc “tự tổ chức” trong “hệ động lực”: cách chia thành 3 cấp là một trong các cách chia “hợp lý, ổn định, dễ dùng” nhất trong các cách chia nên cuối cùng được đa số tán thành.

Một lý do tồn tại quan trọng cho cấp 3 (tức là tách trung học thành 2 cấp, thay vì gộp chung lại hoàn toàn) là vấn đề hướng nghiệp:  nếu như ở cấp hai có “chương trình cơ bản” chung cho toàn bộ học sinh (và ngoài ra học sinh có thể học thêm một số môn lựa chọn hay nâng cao), thì cấp 3 về ý tưởng có sự phân chia ban ngành, hướng nghiệp rõ rệt hơn, và các môn học ở các ban khác nhau có thể khác nhau khá nhiều, tùy theo thiên hướng của học sinh: có những học sinh sẽ học thiên về máy móc để hướng thành công nhân kỹ thuật, có học sinh học thiên về các môn xã hội, có học sinh thiên về tự nhiên, v.v, tạo ra nhiều lựa chọn thích ứng cho học sinh. Ở VN hiện tại vẫn chưa đạt được mức phân ban cấp 3 như vậy, nhưng đây là hướng mà nền giáo dục VN nên đi theo, để tiến tới học sinh nào cũng được học cấp 3 theo thiên hướng của mình và tìm được chỗ đứng của mình.


1/ http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5212&CategoryID=6

2/ http://zung.zetamu.net/2011/10/gi%E1%BA%A3m-h%E1%BB%87-ph%E1%BB%95-thong-con-10-nam/

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)