Phần Lan: với PISA

Ngày 4/12/2007, sau khi kết quả điều tra được chính thức công bố, một lần nữa – và cũng là lần thứ ba liên tiếp – học sinh Phần Lan lại vượt lên các quốc gia công nghiệp phát triển (57 quốc gia) để đứng đầu trong cuộc điều tra giáo dục PISA. Mặc dù đã khá quen với tính cách điềm đạm của người Phần Lan nhưng tôi vẫn cứ thấy lạ trước cái cách người dân và báo chí Phần Lan đón nhận sự kiện đáng phải được xem là “kỳ tích” này. Thực sự là bình thản và lặng lẽ. Nếu không tính tới cuộc họp báo nội bộ của Bộ giáo dục tổ chức công bố chính thức thành tích này thì chỉ tìm được 3 đoạn tin ngắn được đưa lên tờ báo Helsingin Sanomat, tờ báo quốc gia có số phát hành lớn nhất Phần Lan, kể cả 2 mẩu tin đưa lại thông tin rò rỉ trên báo Tây Ban Nha và Đức mấy ngày trước đó. Tôi cứ băn khuăn: phải chăng Phần Lan đã quá quen với việc “đứng đầu” và sự kiện ấy chẳng có gì đáng để “ăn mừng”? Hay bản thân điều tra về giáo dục PISA chẳng có nhiều ý nghĩa? Sự thật không hẳn là vậy.

Phần Lan tham gia PISA

Năm 2006 số lượng học sinh và số trường tham gia Pisa ít hơn lần trước. Nếu như năm 2003, Phần Lan có 5796 học sinh từ 198 trường tham gia thì năm 2006 chỉ có 5265 học sinh từ 155 trường, trong đó 144 trường dạy tiếng Phần Lan và 11 trường dạy tiếng Thụy Điển. Có 4714 học sinh (4413 học sinh học tiếng Phần Lan và 301 học sinh học tiếng Thụy Điển) trả lời phiếu điều tra, chiếm 90% tổng số học sinh tự nguyện.
Theo như kết quả cuối cùng được công bố tại cuộc họp báo thì kiến thức của học sinh Phần Lan là tuyệt vời và đồng đều ở tất cả các môn điều tra. Học sinh Phần Lan đạt điểm cao nhất, vượt trên các nước OECD về môn điều tra trọng tâm là khoa học và cao thứ hai về toán và đọc hiểu. Tỷ lệ học sinh yếu là rất nhỏ và học sinh xuất sắc là rất cao. Chênh lệch trình độ giữa các trường, các vùng là không đáng kể.
Về khoa học, kết quả của Phần Lan là vượt trội hơn hẳn bất cứ nước nào tham gia PISA 2006 và điểm số đạt được là cao nhất trong tất cả các cuộc điều tra PISA từ trước tới nay. Học sinh Phần Lan có mức độ hiểu biết cao trên tất cả các tiêu chí điều tra về khoa học. Cũng theo kết quả điều tra thì học sinh Phần Lan yêu thích khoa học bởi nhận thức rõ tiến bộ trong khoa học công nghệ cải thiện điều kiện sống con người và giúp chúng ta hiểu thế giới xung quanh. Học sinh Phần Lan có thái độ tích cực về khoa học hơn mức độ trung bình các học sinh OECD.
Về đọc hiểu và toán, kỹ năng đọc hiểu của học sinh Phần Lan vẫn nằm trong tốp đầu (đứng thứ hai chỉ sau Hàn Quốc). Học sinh nữ có kỹ năng đọc hiểu vượt trội hơn học sinh nam. Chênh lệnh ở môn này giữa nam và nữ còn lớn, lớn thứ hai trong số các nước OECD. Kỹ năng về toán cũng nằm trong tốp đầu thế giới (đứng thứ hai sau Đài Loan). Điểm trung bình về toán đã tăng hơn năm 2003. Học sinh nam có thành tích tốt hơn nữ. Chênh lệch trình độ ở môn này tăng hơn so với lần điều tra trước. (2)
Bình luận về thành tích Phần Lan, Bộ trưởng giáo dục, Bà Sari Sarkomaa nói rằng: “Chúng tôi vui mừng thấy rằng việc kiên định đầu tư cho nền giáo dục đã một lần nữa đưa Phần Lan dẫn đầu trong bảng xếp hạng PISA. Trong thế giới toàn cầu hóa kinh tế này, giáo dục là chìa khóa để Phần Lan giữ được lợi thế cạnh tranh. Phần Lan sẽ tiếp tục chú trọng trang bị kiến thức sao cho học sinh có thể hội nhập đầy đủ vào xã hội cả trong lẫn ngoài nhà trường.”
Có lẽ lời phát biểu khiêm nhường “rất Phần Lan” ấy không nói hết được ý nghĩa của PISA khi biết rằng học sinh Phần Lan đã vượt lên để đứng đầu hơn 400,000 học sinh và 57 quốc gia (30 nước OECD và 27 nước ngoài OECD) tham gia đợt điều tra này mà nếu tính tỷ trọng kinh tế thì 57 quốc gia tham gia chiếm xấp xỉ 90% giá trị kinh tế toàn cầu.
Cũng xin lưu ý rằng điều tra chỉ giới hạn đối với học sinh 15 tuổi, là tuổi trong giáo dục bắt buộc mà Phần Lan gọi là giáo dục toàn diện (comprehensive schooling). Đây là mô hình được xây dựng từ những thập kỷ 70s khi Phần Lan và Đức đồng thời tiến hành cải cách giáo dục. Phần Lan phát triển mô hình giáo dục toàn diện. Nước Đức theo đuổi mô hình giáo dục song song (sàng lọc học sinh sớm). Sau hơn 30 năm, nước Đức chính thức thừa nhận mô hình của Phần Lan là đúng đắn và hiện đang cải cách mạnh mẽ giáo dục cơ sở theo hướng giáo dục toàn diện của Phần Lan. Mô hình này cũng đã và đang trở thành hình mẫu cho nhiều quốc giá khác trên toàn thế giới.  Thế nhưng dường như Phần Lan luôn luôn cảnh giác trước sự tự mãn. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng giáo dục Phần Lan Sari Sarkomaa đã phát biểu rằng: “Lẽ đương nhiên, Phần Lan cũng kỳ vọng đạt thành tích cao trong điều tra song không phải kết quả như thế là thỏa mãn. Chúng tôi phải chú trọng cho giáo dục cơ sở và giáo dục đặc biệt sao cho trường học là nơi tốt nhất ươm trồng những hạt giống cho thế hệ tương lai”
Tâm thức khiêm nhường như thế cũng đáng được xem là một tài sản của một quốc gia.
Cũng chính cái đức khiêm tốn ấy sinh ra những tầm nhìn rất xa về giáo dục để chuẩn bị cho lợi ích trăm năm… Và ngày nay, có thể nói rằng sự thực là giáo dục Phần Lan không chỉ bằng các nước phát triển mà giáo dục Phần Lan đứng đầu các nước phát triển. Giáo dục Phần Lan không chỉ đứng đầu các nước phát triển mà giáo dục Phần Lan liên tiếp đứng đầu các nước phát triển. Chỉ nhìn vào con số các nước tham gia PISA hàng năm cũng có thể thấy được thực chất thành tích đứng đầu của Phần Lan là khó khăn tới nhường nào. Nếu như năm 2000, có 30 quốc gia, năm 2003 có 35 quốc gia thì năm 2006 đã có 57 quốc gia và sự thực là việc Phần Lan liên tiếp đứng đầu không hề là điều “đơn giản”.

Có lẽ cũng nên điểm lại thành tích những lần điều tra trước vào năm 2000 và 2003 để có cái nhìn toàn diện hơn:

• Phần Lan đặc biệt xuất sắc về đọc hiểu: đứng đầu trong cả hai lần điều tra.
• Về toán, Phần Lan đứng thứ 4 (2000) và thứ hai (2003)
• Về khoa học, đứng thứ ba (2000) và cùng đứng thứ nhất (2003)
• Về giải quyết tình huống: cùng đứng thứ hai (2003), lần đầu (2000) không điều tra kỹ năng này.

Các nước đứng đầu về khoa học từ 2000 – 2006
 

* Những quốc gia tham gia lần đầu

Các nước đứng đầu về đọc hiểu từ 2000 – 2006
 

Các nước đứng đầu về toán từ năm 2000 – 2006

 * Những quốc gia tham gia lần đầu

Đặc biệt trong tất cả các lần điều tra, ngoài thành tích xếp hạng, Phần Lan đạt được những tiêu chí rất khó vượt qua trong đó sự đồng đều trình độ là điểm đặc biệt mạnh của Phần Lan. Khoảng cách giữa thành tích cao nhất và thấp nhất của học sinh Phần Lan là thấp nhất. Chênh lệch thành tích giữa các trường, giữa các vùng cũng không đáng kể. Chênh lệch trình độ giữa các nhóm ngôn ngữ rất thấp và điều kiện xã hội, kinh tế của gia đình ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh thấp hơn nhiều so với các nước khác. Và điều đặc biệt là thành tích học sinh vẫn rất cao trong khi mức chênh lệch trình độ giữa các học sinh lại rất thấp. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi trên thực tế học sinh Phần Lan học ít giờ hơn trong tuần so với các nước OECD khác và chi phí cho giáo dục lại chỉ ở mức trung bình so với các nước này. Chính vì vậy, chi phí và giờ học không phải là những nguyên nhân quyết định thành công giáo dục của Phần Lan.

Vậy đâu là lý do đằng sau kỳ tích ấy?

Đã có nhiều diễn đàn mổ xẻ nguyên nhân đằng sau những kỳ tích giáo dục của Phần Lan. Sau hai lần đứng đầu vào năm 2000 và 2003, Truyền thông BBC của Anh ra hàng loạt phóng sự về hiện tượng Phần Lan. Chuyên gia giáo dục Phần Lan được mời đi hầu hết các nước OECD và ngoài OECD để thuyết trình về mô hình giáo dục của mình. Hàng trăm đoàn quan chức và chuyên gia giáo dục từ các nước OECD, đặc biệt là Đức và Anh, đổ về Helsinki để khám phá triết lý của một nền giáo dục vốn xa lạ với thế giới. Bộ giáo dục Phần Lan “quá tải” trước những đề nghị “trao đổi kinh nghiệm giáo dục” từ các nước. Để thỏa mãn tất cả những yêu cầu của các nước, một năm sau khi kết quả điều tra lần thứ hai được công bố vào cuối năm 2004, Phần Lan liên tiếp tổ chức ba cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục trong năm 2005. Hội thảo đầu tiên tổ chức vào tháng 3/2005 chủ đề là bí quyết thành công giáo dục Phần Lan (có 300 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước). Hội thảo thứ 2 tổ chức 10/2005 tập trung vào chủ đề các nhân tố quyết định kết quả PISA của Phần Lan (có 130 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước),  Hội thảo thứ 3 tổ chức vào tháng 12/05 thu hút gần 500 quan chức và chuyên gia giáo dục từ 35 nước tập trung vào chủ đề những chính sách hỗ trợ học tập và phúc lợi trong giáo dục toàn diện. Ngoài các cuộc thảo luận chung, thảo luận nhóm, Phần Lan tổ chức cho tất cả các đại biểu, chia ra làm nhiều nhóm, tham quan và dự giờ học ở các trường trong hệ thống trường học toàn diện ở Phần Lan. Nội dung của các hội thảo này được công khai trên Internet.
Cũng chính vì ngưỡng mộ những thành tích PISA của Phần Lan mà phóng viên kỳ cựu của Washington Post, Robert G. Kaiser và phóng viên ảnh Lucien Perkins đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm viết bài, lần dài nhất là 3 tuần, về những thành tích kỳ diệu của Phần Lan do giáo dục mang lại. Hai phóng viên này đã viết một loạt 24 phóng sự và công bố vài trăm bức ảnh; tất cả đều được công bố trên Blogs của tờ Washington Post từ 23/5/2005 cho tới 10/6/2005. Sáu trong số 24 phóng sự này được đăng trên báo giấy. Chỉ trong vòng 3 tuần, 366 ngàn lượt người đã đọc blog này và 3499 người viết bình luận. Những phóng sự in trên báo giấy đã tới tay của vài trăm ngàn người khác.
Kaiser viết: “Phần Lan rất có thể là đất nước lý thú nhất trên hành tinh này mà người Mỹ ít biết tới nhất”. “Đó là đất nước có hệ thống trường học tốt nhất thế giới, những người phụ nữ tự do nhất (tổng thống là một phụ nữ); có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất thế giới nếu tính theo bình quân đầu người, là quê hương của một trong số các công ty công nghệ tiên tiến nhất (NOKIA), sở hữu nhiều công nghệ thông tin hiện đại, là đất nước giàu âm nhạc từ rock, jazz cho tới nhạc cổ điển. Người Phần Lan tự hào là đất nước phúc lợi phổ thông trong đó người dân được hưởng, ngoài các thứ khác,  hệ thống y tế miễn phí, giáo dục miễn phí ở tất cả mọi cấp”.
Còn có nhiều, nhiều và rất nhiều những nỗ lực để khám phá những điều kỳ diệu và triết lý đằng sau những thành công của hệ thống giáo dục toàn diện của Phần Lan và cũng nhiều cách lý giải về những thành công ấy nhưng nếu có thể gói gọn lại thì:
* Đó chính là cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người dân. Hệ thống giáo dục của Phần Lan bảo đảm mọi người dân có cơ hội bình đẳng trước giáo dục không phân biệt nơi sinh sống, giới tính, điều kiện kinh tế gia đình; không phân biệt giữa các nhóm dân có gốc văn hóa và ngôn ngữ khác với Phần Lan. Hệ thống trường học được trải đều giữa các vùng, không có các trường học dành riêng cho từng nhóm ngôn ngữ văn hóa. Giáo dục hoàn toàn miễn phí, kể cả học tập, sách vở giấy bút, ăn trưa, chăm sóc y tế (kể cả răng miệng), đi lại của học sinh, dạy phụ đạo cho học sinh yếu và giáo dục cho trẻ em thiểu năng trí tuệ. Giáo dục ở đất nước này chính là một dịch vụ phúc lợi được tổ chức khoa học và văn minh nhất.
* Đó chính là triết lý giáo dục toàn diện. Giáo dục cơ bản kéo dài 9 năm, miễn phí cho mọi trẻ em trong độ tuổi từ 7-16 tuổi. Các trường không chọn học sinh nhưng mọi học sinh được bảo đảm học tại trường ở vùng mình sinh sống. Học sinh không chuyển sang trường khác trong suốt thời gian học và không bị sàng lọc, xếp hạng, không có lớp chuyên, lớp chọn. Mọi học sinh bình đẳng với nhau và nhận được dịch vụ giáo dục tốt nhất. Triết lý giáo dục toàn diện khác cơ bản với giáo dục song song.
* Đó chính là đội ngũ giáo viên có tâm và có tầm. Ở mọi cấp học, giáo viên có trình độ cao và có tâm. Từ lớp 1 trở đi, giáo viên tối thiểu phải có bằng Thạc sĩ và kỹ năng sư phạm là kỹ năng đặc biệt được chú trọng ở mọi cấp. Trách nhiệm đào tạo giáo viên được chuyển sang cho các trường Đại học (không đào tạo trong trường Sư phạm) và do nghề giáo viên là nghề được xã hội coi trọng bậc nhất ở Phần Lan nên các trường đại học có thể lựa chọn được những sinh viên có tài và có tâm nhất. Giáo viên hoàn toàn độc lập về chuyên môn và có quyền tự chủ lớn hơn nhiều so với các nước OECD khác.
* Đó chính là đội ngũ giáo viên tư vấn và giáo viên đặc biệt. Giáo dục Phần Lan xây dựng đội ngũ giáo viên tư vấn và giáo viên đặc biệt để đáp ứng cho việc học tập và phúc lợi tới từng học sinh. Giáo viên tư vấn xây dựng kế hoạch học tập cho từng học sinh. Giáo viên tư vấn có trách nhiệm đưa ra phương pháp học tập tốt nhất cho từng học sinh và giúp học sinh lựa chọn ngành học tiếp theo sau khi học hết phổ thông. Giáo viên đặc biệt phụ đạo tại trường cho các học sinh học yếu (bẩm sinh hay do hoàn cảnh) để bắt kịp với học sinh thường. Tất cả những điều này được quy định trong Tài liệu chuẩn giáo dục quốc gia (National Core Curriculum).
* Đó chính là cách thức đánh giá thành tích học tập rất văn minh. Việc đánh giá kết quả học tập của các trường và của học sinh chỉ mang tính khuyến khích và về bản chất là để nâng đỡ. Mục đích của đánh giá là đưa ra thông tin của trường và của từng học sinh, giúp cho trường và học sinh nhận thức thực trạng để làm tốt hơn. Tuyệt nhiên không có kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc, không có xếp hạng các trường và không tồn tại khái niệm thanh tra giáo dục.
* Đó chính là nhận thức rất cao về ý nghĩa của giáo dục trong toàn xã hội. Toàn xã hội có nhận thức rất cao về tầm quan trọng của giáo dục và trình độ toàn dân được giáo dục cao hơn nhiều tiêu chuẩn chung của toàn thế giới. Giáo dục được trân trọng và chính sách giáo dục nhận được sự đồng thuận chính trị rộng rãi của mọi người dân.
* Đó chính là một hệ thống giáo dục linh hoạt dựa trên sự phân quyền. Hệ thống giáo dục của Phần Lan rất linh hoạt và việc quản lý chú trọng vào phân quyền và hỗ trợ từ trung ương. Định hướng giáo dục được quy định thông qua luật, nghị định và chuẩn giáo dục quốc gia. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức giáo dục và thực hiện theo luật, nghị định và chuẩn giáo dục. Trường và giáo viên tự chủ về nội dung và cách thức đào tạo.
* Đó chính là sự hợp tác và phối hợp hiệu quả của toàn xã hội liên quan tới giáo dục. Phối hợp và việc xây dựng quan hệ đối tác diễn ra ở tất cả các cấp độ hoạt động liên quan tới giáo dục.  Hợp tác diễn ra giữa các cấp độ quản lý để bảo đảm các trường hoạt động hiệu quả. Các trường hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xã hội như phúc lợi, bảo hiểm, giao thông, bệnh viện, thư viện… Cơ quan quản lý giáo dục có quan hệ gần gũi với các hiệp hội giáo viên, hiệp hội giáo viên chuyên ngành và các tổ chức lãnh đạo trường học. Hợp tác giữa các trường cũng được chú trọng. Tất cả những điều này hỗ trợ tốt cho các hoạt động phát triển giáo dục.
* Cuối cùng, đó chính là triết lý tất cả vì học sinh. Phần Lan xây dựng thành công một quan niệm học tập tích cực cho toàn xã hội. Việc tổ chức công tác giáo dục và học tập dựa trên quan niệm giáo dục vì học sinh và chú trọng tới việc xây dựng kỹ năng và môi trường học tập suốt đời.
Thế giới từ lâu đã “thức tỉnh” trước hiện tượng Phần Lan, vậy còn Việt Nam thì sao? Tôi tin rằng triệu triệu người dân Việt Nam đang chờ đợi câu trả lời ấy.

PISA là gì?

PISA, viết tắt của The Programme for International Student Assessment, là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do các quốc gia công nghiệp phát triển (OECD) và một số quốc gia khác tiến hành ba năm một lần.
Ý tưởng bắt đầu từ năm 1997 nhưng cuộc điều tra đầu tiên được tiến hành vào năm 2000 (phải mất 3 năm để xây dựng và thống nhất các tiêu chí và cách thức điều tra). Và kể từ đó đến nay đã có ba cuộc điều tra, lần cuối vào năm 2006.  Cứ phải sau một năm kể từ ngày điều tra, vào ngày 10h sáng giờ Paris ngày 4.12 hàng năm, kết quả điều tra sẽ được công bố trên toàn thế giới. Họp báo sẽ diễn ra ở một số nước thuộc các châu lục khác nhau.
Sự thực rằng phải mất 365 ngày để hội đồng các chuyên gia giáo dục phân tích và đưa ra được kết quả điều tra. Điều đó ít nhêều cho thấy sự nghiêm túc của cuộc điều tra này.
Điều tra là để đánh giá trình độ học sinh 15 tuổi của các nước tham gia trong bốn lĩnh vực là toán, khoa học, đọc hiểu và xử lý tình huống. Lần đầu tiên năm 2000, điều tra đặt trọng tâm vào môn đọc hiểu; lần thứ hai năm 2003 đặt trọng tâm vào môn toán và lần gần đây nhất năm 2006 là vào khoa học. Học sinh, ngoài làm bài thi, phải trả lời phiếu điều tra về hoàn cảnh gia đình, môi trường và động lực học tập và cách quản lý quỹ thời gian….
Điều tra PISA đối với các học sinh ở độ tuổi 15 là để đánh giá khả năng ứng dụng kiến thức và kỹ năng học được vào các tình huống thực tiễn của cuộc sống. PISA không phải và không hề là một cuộc sát hạch khả năng học thuộc lòng lượng kiến thức trong sách vở. Cái tư duy hình thức ấy từ lâu đã xa vời với các quốc gia được xem là “quốc gia phát triển”. Bình luận về kết quả điều tra PISA Tổng thư ký của OECD, Angel Gurria, phát biểu rằng: “PISA là một công cụ hỗ trợ các chính phủ đưa ra các lựa chọn chính sách giáo dục. Và trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt như ngày nay, một nền giáo dục có chất lượng là tài sản có giá nhất cho cả xã hội và từng cá  nhân trong xã hội đó.”
Và cũng không phải và không hề ngẫu nhiên khi hội đồng PISA chọn đọc hiểu, toán học, khoa học và xử lý tình huống làm các môn điều tra. Theo như lý giải của hội đồng PISA, những kiến thức và kỹ năng ấy là tối cần thiết cho một học sinh bước vào cuộc sống trưởng thành. Và đó cũng là những kỹ năng và kiến thức nền tảng không thể thiếu cho quá trình học tập suốt đời.
Ông Tổng thư ký của OECD, nói thêm rằng “điều tra PISA không chỉ để xếp hạng. Quan trọng là nó chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống giáo dục của các quốc gia, đồng thời chỉ ra hướng đi cải cách hệ thống giáo dục ấy”.

Nguyễn Thành Huy từ Phần Lan

Tác giả