Pháp: Coi trọng giảng dạy khoa học ở các bậc phổ thông
Sau khi giới thiệu chuyên đề Ngày hội Khoa học Pháp ở số báo trước (số 22 ra ngày 20/11), Tia Sáng nhận được bài viết của TS Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư toán học ĐH Toulouse, mang lại một hình dung chung về việc khoa học được giảng dạy ở các bậc phổ thông của Pháp như thế nào để có thể khuyến khích lòng ham hiểu biết ở học sinh, đồng thời trang bị cho các em kiến thức tối thiểu cần thiết cho cuộc sống.
Nhẹ mà phong phú
Ở bậc tiểu học, khoa học được chia thành hai môn chính: môn toán học, và môn khoa học thực nghiệm và công nghệ. Thời gian học toán trên lớp là 180 giờ một năm, hay mỗi tuần 5 giờ. Mục tiêu đề ra cho lứa tuổi này là nắm bắt thành thạo các con số và các phép tính số học, phát triển khả năng suy luận logic,trí tưởng tượng và trừu tượng hóa, giải các bài toán đơn giản. Môn khoa học thực nghiệm và công nghệ được đưa vào dạy từ lớp 3, với thời gian dạy trên lớp là 78 giờ mỗi năm. Mục tiêu chủ yếu của môn này là để làm quen với thế giới và với những thứ do con người tạo ra, nhận biết được các tính chất của chúng.
Ở bậc trung học cơ sở, khoa học được chia thành bốn môn: a) toán học, b) vật lý và hóa học, c) sinh vật (gọi tên đầy đủ là khoa học về sự sống và trái đất), d) công nghệ. Ở một số trường thực nghiệm, ba môn lý-hóa, sinh vật và công nghệ được trộn vào nhau thành một môn hỗn hợp kiểu “khoa học và công nghệ”. Từ bậc học này, cách tiếp cận môn toán và các môn khoa học khác đã bắt đầu mang tính nghiên cứu: đặt vấn đề, suy luận, đặt các giả thuyết, làm thí nghiệm trên các ví dụ, viết ra phương trình thích hợp, tính toán tìm lời giải, kiểm tra lời giải, trình bầy và thông báo kết quả, v.v. Ở môn lý-hóa, học sinh được tìm hiểu về vật chất, ánh sáng, điện, lực hấp dẫn, v.v. Ở môn sinh vật, học sinh được tìm hiểu về cấu trúc hoạt động của cơ thể người và của các sinh vật khác, cũng như môi trường trên trái đất. Một trong những mục đích của môn sinh vật là tạo ra tinh thần trách nhiệm của học sinh đối với môi trường, và sự tôn trọng đối với những con người và sinh vật khác. Ở môn công nghệ, học sinh được học các phương pháp và kiến thức để hiểu và sử dụng được một số máy móc phổ biến do con người tạo ra nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau.
Bậc trung học phổ thông được phân ra làm nhiều ban khác nhau, mỗi ban dạy thiên về một mảng kiến thức nào đó: ngôn ngữ và văn học, kinh tế và xã hội, khoa học quả đất, toán và tin học, hay máy móc kỹ thuật, v.v. Chương trình khoa học do đó giữa các ban khác nhau có phần khác nhau khá nhiều, nhưng về cơ bản đều có các môn toán, lý-hóa, sinh vật, và các môn về công nghệ và kỹ thuật. Về mặt toán học, từ năm lớp 10, ngoài hình học và đại số, học sinh còn được học về xác suất thống kê, và một số khái niệm của giải tích toán học. Môn sinh vật và trái đất ngoài dạy về cơ thể con người và sức khỏe còn dạy cả về địa chất, về sự tiến hóa của trái đất, các vấn đề lớn của trái đất, v.v. Môn lý hóa dạy cả về vũ trụ, và về các ứng dụng của lý-hóa đến thể thao, sức khỏe, và y tế.
So với Việt Nam, có thể nói chương trình phổ thông của Pháp không nặng hơn về số giờ học, nhưng phong phú hơn, chú trọng nhiều đến thực hành và ứng dụng hơn, và đến khả năng quan sát và phán xét và tư duy độc lập của học sinh hơn, học sinh có nhiều điều kiện để làm thí nghiệm và tiếp cận với các máy móc hơn. Ví dụ, trong môn lý-hóa (mà ở Việt Nam tách riêng làm hai môn), học sinh được học không chỉ các công thức vật lý và hóa học, mà còn được học ứng dụng của chúng đến sức khỏe của con người ra sao, trường điện từ hay áp suất hay các nguyên tố ảnh hưởng đến con người thế nào, v.v. Học sinh được thực nghiệm trên lớp, làm những dụng cụ như là radio hay vi mạch điều khiển tự động ở mức đơn giản. Các học sinh phổ thông theo hướng học nghề của Pháp thì được tiếp cận với máy móc công nghiệp hiện đại, ví dụ như các máy để chế tạo và sửa chữa ô tô.
Đề cao ngoại khóa
Ngoài chương trình chính thức trên lớp, ở Pháp còn có nhiều hoạt động ngoại khóa có tính tự nguyện, không bắt buộc, nhằm nâng cao và đáp ứng sự tò mò khám phá khoa học của trẻ em. Trong đó có thể kể đến các chương trình TV về khoa học, các sách báo cho trẻ em về khoa học, các cuộc thi olympiad về các môn khoa học (trong đó có cả toán, lý, hóa, địa chất, công nghệ), các khu thí nghiệm khoa học cho trẻ em (tiếng Pháp gọi là AST, “ateliers scientifiques et tecniques”), các trung tâm triển lãm khoa học (ví dụ như ở Toulouse có trung tâm triển lãm vũ trụ gọi là “Cité de l’Espace”), các “ngày mở cửa” ở các đại học, các cuộc tập sự của trẻ em ở các trung tâm nghiên cứu khoa học (ví dụ như Viện Toán Toulouse cũng thường xuyên đón tiếp nhiều học sinh phổ thông đến tập sự tìm hiểu các vấn đề toán học rồi trưng các kết quả khám phá của mình lên trên tường cho các bạn và các giáo sư nhận xét), chương trình “Science à l’école” (trang web: http://www.sciencesalecole.org/) của Bộ Giáo dục nhằm tổ chức các hoạt động khoa học và cho mượn các dụng cụ khoa học, v.v. Nói chung, hầu như bất kỳ học sinh nào yêu khoa học đều có nhiều điều kiện (miễn phí hoặc với chi phí thấp) để tiếp cận với các lý thuyết và thí nghiệm khoa học.
Dù rằng điều kiện tiếp xúc với khoa học của học sinh ngày càng tăng lên, nhưng có một xu hướng khá rõ rệt và đáng lo ngại xảy ra ở Pháp (và có lẽ ở nhiều nước khác), là sự đam mê khoa học ở học sinh có vẻ giảm đi nhiều trong vòng một-hai thập kỷ qua, đặc biệt là đối với các khoa học cơ bản. Điều này thể hiện rõ ở việc lượng sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản giảm đi nhiều (thậm chí có những chương trình ở trường đại học tồn tại được là nhờ có sinh viên nước ngoài đến từ các nước còn nghèo, chứ quá ít sinh viên bản địa theo học). Một trong các hậu quả trực tiếp là thiếu người giỏi làm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, và thiếu cả giáo viên dạy phổ thông. Chẳng hạn, các chương trình thi lấy chứng chỉ giáo viên ngành toán gần đây (gọi là thi CAPES, và ở mức cao hơn là thi agrégation) ở Pháp thừa nhiều chỉ tiêu mà thiếu người đủ trình độ. Thậm chí, có những trường phổ thông trung học ở những nơi hơi xa thiếu giáo viên dạy toán đăng quảng cáo mãi cũng không ai đến xin việc, và giáo viên ở các nơi thường phải dạy quá chỉ tiêu.
Vấn đề giảm sút sự quan tâm đối với khoa học này là một vấn đề đau đầu, không chỉ cho ngành giáo dục, mà cho xã hội nói chung. Nó dẫn tới những hiện tượng “kỳ quái” như chương trình toán ở phổ thông phải giảm nhẹ đi, học sinh khi vào đến đại học kiến thức chuẩn bị về toán ngày càng yếu đi (trong khi đó khoa học càng ngày càng hiện đại phức tạp và đòi hỏi chuẩn bị về toán ngày càng tốt). Có thể đổ lỗi hiện tượng này cho một số nguyên nhân như: Cách mạng công nghệ thông tin như là con dao hai lưỡi: nó đem lại rất nhiều tiện lợi, tăng hiệu quả của rất nhiều thứ, nhưng cũng khiến con người ta dễ mất tập trung hơn, dễ bị “rác thông tin” làm ảnh hưởng hơn. Một hiện tượng khá phổ biến ngày nay, là có những học sinh sinh viên vào những lúc cần tập trung để có thể hiểu một kiến thức tế nhị nào đó, luyện tập một cái gì đó hay giải quyết một vấn đề hay ho nào đó, thì lại đi nghe nhạc, nhắn tin, chơi game, đọc những thứ nhảm nhí, v.v. Xu hướng “ăn xổi” của “xã hội tiêu thụ” khiến con người ta, nếu không được rèn luyện hợp lý, sẽ chỉ hướng tới những cái dễ dàng, kiếm tiền nhanh, hưởng thụ ngay, v.v., trong khi khoa học thì không như vậy.