Quan hệ xã hội giúp trẻ năng vận động hơn
Một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, yếu tố ảnh hưởng nhất đến mức độ hoạt động thể chất của trẻ là thói quen tập luyện với các bạn bè thân thiết.
Đây là những kết luận của một nhóm nghiên cứu đứng đầu là bà Sabina Gesell – một trợ lý giáo sư tại Khoa Nhi, ĐH Y Vanderbilt, công bố trên tạp chí Pediatrics. Các nhà khoa học này đã nghiên cứu các mạng lưới bạn bè trong một chương trình sau giờ học bao gồm các học sinh trong độ tuổi từ 5 – 12. Sử dụng một thiết bị tương tự máy đếm bước chân để ghi lại chuyển động của cơ bắp trong một phút, các nhà nghiên cứu đã theo dõi được mức độ hoạt động thể chất của trẻ trong 12 tuần.
Khi bắt đầu chương trình, không đứa trẻ nào biết nhiều về các thành viên khác, vì thế các nhà nghiên cứu có thể theo dõi quá trình trẻ kết bạn và bỏ bạn, cũng như hiệu ứng từ sự thay đổi mối quan hệ này đối với mức độ hoạt động thể chất của chúng.
Hóa ra, đó là một sự thay đổi lớn: trong thời gian tham gia chương trình, yếu tố ảnh hưởng nhất để việc trẻ dành bao nhiêu thời gian cho các hoạt động thể chất là mức độ hoạt động của 4 – 6 người bạn thân nhất của trẻ. Trên thực tế, trẻ thay đổi tới 10% mức độ hoạt động để hòa hợp hơn với những người trong nhóm; những đứa trẻ chơi với bạn bè ưu thích hoạt động hơn sẽ gia tăng mức độ hoạt động hơn và ngược lại.
“Chúng tôi thấy bằng chứng thể hiện rằng trẻ em bắt chước, mô phỏng hoặc điều chỉnh bản thân để giống với bạn bè của chúng hơn”, Gesell nói. “Và điều đó thật thú vị vì chúng tôi thấy sự thay đổi có ý nghĩa về mức độ hoạt động trong 12 tuần”.
Kết quả này rất đáng khích lệ vì họ cho rằng đây là một cách tiết kiệm và hiệu quả để thay đổi hành vi, ứng xử của trẻ. Thay vì chỉ dựa vào việc tổ chức các chương trình thể dục, hoặc nhắc đi nhắc lại những lời yêu cầu trẻ vận động, có lẽ biện pháp khéo léo hơn để kéo bọn trẻ khỏi những chiếc ghế sofa là giới thiệu những đứa trẻ ít vận động chơi với những trẻ năng vận động hơn. Trên quan điểm y tế công cộng, điều này có nghĩa là nên đưa những trẻ em ưa vận động vào các chương trình sinh hoạt nhóm sau giờ học hoặc các nhóm cộng đồng, và bằng cách kích thích tinh thần cạnh tranh của những trẻ em ưa vận động này, những đứa trẻ chơi cùng khác cũng sẽ trở nên hoạt bát hơn.
Nghiên cứu này cũng có thể giúp ích cho trẻ em trong các nhà trẻ: một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trẻ em chỉ năng vận động trong khoảng 2 – 3% của chúng trong các nhà trẻ. Gesell nói rằng kết quả nghiên cứu mới có thể giúp cung cấp các công cụ rất cần thiết cho việc đối phó với bệnh béo phì.
Gesell muốn triển khai giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, trong đó xác định chính xác một đứa trẻ năng hoạt động đến mức nào thì có thể tác động đến các bạn bè cùng lớp vốn ít vận động hơn. Đây không phải lần đầu tiên có một nghiên cứu phân tích hiệu ứng “lan tỏa” của các mạng lưới xã hội. Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận việc làm thế nào mạng lưới xã hội của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến mọi thói quen của anh ta, từ khả năng giảm cân hay bỏ thuốc đến mức độ cô đơn và hạnh phúc. Tuy nhiên, Gesell là người đầu tiên nghiên cứu hiện tượng này ở trẻ em. “Đây là cách thức mới để chống bệnh béo phì” – cô nói. “Hiện nay không có cách nào để chống lại bệnh này một cách thực sự hiệu quả và chúng ta cần một cách tiếp cận mới. Môi trường xã hội mang đến nhiều ảnh hưởng hơn so với kỳ vọng của chúng ta, vì thế chúng ta nên chủ động tận dụng”.
Do trẻ em ngày càng có khả năng kết nối với nhau hơn, thông qua tương tác trực tiếp hoặc tương tác ảo, các mạng lưới xã hội của chúng có thể ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều khía cạnh hành vi và trạng thái. Chơi với các hội bạn bè từ thời ấu thơ này để khuyến khích trẻ tập thể dục – và có thể bao gồm cả những hành vi tích cực khác – có thể đem lại lợi ích cho trẻ trong một thời gian dài, giúp chúng sau này trở thành những người lớn khỏe mạnh.
Hữu Long dịch theo
http://healthland.time.com/2012/05/28/the-upside-of-peer-pressure-social-networks-help-kids-exercise-more/