Quốc tế hóa chương trình đào tạo: Đâu là trọng tâm?

Thời gian gần đây, mối quan tâm đối với việc quốc tế hóa chương trình đào tạo cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các phát biểu về chính sách của các trường đại học thường đưa ra một cách trực tiếp hay gián tiếp hình ảnh các sinh viên tốt nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế, liên văn hóa và toàn cầu. Tuy nhiên, điều vẫn chưa được làm rõ là làm sao để những chính sách này kết nối được với việc học của sinh viên thông qua việc quốc tế hóa chương trình đào tạo.

Chẳng hạn, ở một số trường, trọng tâm của việc quốc tế hóa chương trình đào tạo chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên tham gia chương trao đổi ở nước ngoài – những chương trình mà vì các lý do thực tế sẽ chỉ có một số nhỏ sinh viên tham gia. Một vài trường khác đặt trọng tâm vào việc giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng chỉ áp dụng cho một vài chương trình, chưa kể mối liên hệ giữa việc dạy bằng tiếng Anh và việc đạt mục tiêu phát triển năng lực quốc tế hóa và liên văn hóa là không rõ ràng. Trong khi đó, lại có những trường tăng các học phần tự chọn được chuyên biệt hóa để thêm tính quốc tế; và đôi khi là gia tăng sự có mặt của sinh viên quốc tế trong lớp học và trong nhà trường mà không quan tâm đến việc làm sao điều này có thể gia tăng tính quốc tế trong việc học tập của các sinh viên. Những cách tiếp cận này, xét theo từng biện pháp riêng biệt cũng như xét chung lại, đều không có hiệu quả.

Nói vắn tắt, việc quốc tế hóa chương trình đào tạo hiện nay, xét về mặt chính sách cũng như thực tiễn, thường tập trung quá mức vào đầu vào mà không chú trọng đến kết quả. Trong khi đó, việc quốc tế hóa khung chương trình đào tạo cần được gắn kết trực tiếp hơn nữa với quá trình học tập của mọi sinh viên.

Quốc tế hóa chương trình đào tạo là gì?

Hiện đang có nhiều nhầm lẫn về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ “quốc tế hóa chương trình đào tạo” và những tác động của nó lên việc học tập của sinh viên. Năm 2009, trong một bài viết đăng trên tờ Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế, tôi đã định nghĩa một chương trình đào tạo được quốc tế hóa là một chương trình “giúp sinh viên tham gia vào quá trình học hỏi mang tính quốc tế với sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ, và phát triển một cách có chủ đích các góc nhìn mang tính quốc tế và liên văn hóa của sinh viên với tư cách vừa là chuyên gia vừa là công dân toàn cầu.”

Định nghĩa này nhấn mạnh sự chủ động tham gia (gắn kết) của sinh viên trong quá trình học và thông qua đó là sự phát triển có hệ thống (có chủ đích) các kỹ năng quốc tế hóa và liên văn hóa.

Định nghĩa sau đây về quá trình quốc tế hóa chương trình đào tạo cũng trích từ bài viết nêu trên, là sự chú trọng vào quá trình giảng dạy, học tập, và đánh giá chứ không chỉ là nội dung giảng dạy: “quốc tế hóa chương trình đào tạo là sự kết hợp các yếu tố quốc tế và liên văn hóa vào nội dung của chương trình cũng như các kế hoạch giảng dạy, học tập, đánh giá và cả các hoạt động hỗ trợ của một chương trình đào tạo.”

Quốc tế hóa chương trình đào tạo như thế nào?

Một chương trình đào tạo được quốc tế hóa và chú trọng việc học của sinh viên cần có hai tính chất cơ bản. Đầu tiên, chương trình này cần được xây dựng trong bối cảnh của các nền văn hóa khác nhau và đòi hỏi phải rèn luyện nhận thức, thực hành, và ứng nghiệm trong từng ngành học. Thứ hai, những giảng viên không có kinh nghiệm, kĩ năng hoặc kiến thức cần thiết để quốc tế hóa khung chương trình phải được các chuyên gia hỗ trợ trong quá trình xác định các kết quả đầu ra dự kiến và hỗ trợ sinh viên đạt được các kết quả này.

Mỗi ngành học đều có những nét văn hóa và giá trị riêng và vì vậy thường có những yêu cầu khác nhau về quá trình quốc tế hóa chương trình đào tạo. Các giảng viên phải hiểu rõ tại sao việc quốc tế hóa lại quan trọng đối với chương trình học của họ. Các thành viên của một khoa/bộ môn nơi cung cấp chương trình đào tạo, với tư cách những cộng đồng chuyên môn riêng biệt, sẽ phải tham gia vào những cuộc bàn thảo và tranh luận về các kỹ năng quốc tế và liên văn hóa mà những cử nhân của họ cần có để trở thành những chuyên gia và công dân có hiệu quả trong một thế giới toàn cầu. Nếu muốn  các sinh viên đạt được các chuẩn đầu ra học tập như dự kiến, các khoa/bộ môn sẽ phải phát triển một kế hoạch có hệ thống và tường tận để hỗ trợ cho việc học của sinh viên.

Các hoạt động học tập trong từng học phần/môn học/khóa học khác nhau trong tất cả các năm học của chương trình sẽ cần được thiết kế sao cho có thể tăng cường phát triển góc nhìn mang tính quốc tế và những kỹ năng liên văn hóa của sinh viên. Sinh viên sẽ cần những phản hồi cả chính thức lẫn không chính thức về quá trình học tập quốc tế và liên văn hóa của họ và những lời khuyên để họ có thể phát huy năng lực ở những cấp bậc khác nhau của chương trình.

Việc tạo điều kiện và hỗ trợ cho giảng viên là quan trọng vì những giảng viên thiếu sự chuẩn bị thường có tầm nhìn hạn hẹp. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho chiến lược quốc tế hóa của trường cũng như việc học tập của sinh viên. Những người hỗ trợ có thể đến từ bên ngoài chuyên ngành hoặc ngoài trường đại học, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy và học tập hoặc lĩnh vực quốc tế hóa, có thể cung cấp sự chỉ dẫn và lời khuyên cũng như sự trợ giúp trên thực tế. Cần nhấn mạnh khả năng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chương trình trong tương lai bằng cách chỉ ra những vấn đề trọng điểm và những câu hỏi then chốt gắn liền với việc quốc tế hóa chương trình đào tạo cho mọi ngành học và trong toàn bộ nhà trường theo một kế hoạch thời gian nhất định. Bằng cách này, việc quốc tế hóa chương trình đào tạo trở thành một quá trình liên tục, không ngừng tập trung vào việc học tập của sinh viên, với sự tham dự sâu sắc của các giảng viên.

Những cách tiếp cận và lý giải về thế nào là quốc tế hóa chương trình đào tạo sẽ không tránh khỏi có sự khác biệt giữa các ngành học. Điều quan trọng là cho dù ở bất kỳ ngành học nào, trọng tâm của quá trình quốc tế hóa chương trình đào tạo đều tập trung vào việc học của sinh viên. Điều này sẽ khiến các giảng viên và các ngành học trở thành trung tâm của quá trình quốc tế hóa chương trình đào tạo.

Phương Anh lược dịch
Nguồn: http://ejournals.bc.edu/ojs/ index.php/ihe/article/view/5798

Tác giả