Quyền tự chủ Đại học và trách nhiệm Xã hội

LTS. Ngày 10 – 11/5, ngành Giáo Dục Đại Học (GDĐH) đã có cuộc họp để bàn về đổi mới GDĐH cho 15 năm đến, trong đó có một chủ đề được nhiều người quan tâm nhất là tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Thế nhưng, triển khai việc tăng quyền tự chủ này như thế nào trong bối cảnh của Việt Nam thì hình như vẫn còn khá nhiều lúng túng. “TIA SÁNG” đã có cuộc trao đổi khá thẳng thắn về chủ đề này với GS Phạm Phụ.

Thưa GS, tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH là một xu thế chung của GDĐH trên thế giới?
Câu chuyện này liên quan đến 2 chủ đề lớn là: “Tự chủ ĐH” và “Quản trị ĐH”. Tự chủ ĐH là nói đến quan hệ giữa Chính phủ và ĐH. Chính phủ có thẩm quyền pháp lý đến đâu và nên can thiệp đến mức độ nào vào những vấn đề khác nhau của trường ĐH. Về phía trường ĐH, họ có khả năng đến đâu trong việc hành động theo các lựa chọn riêng để thực hiện sứ mệnh của mình. Còn Quản trị ĐH là nói đến cung cách quản trị để trường ĐH có thể đạt được các mục tiêu đặt ra một cách có “trách nhiệm xã hội”, minh bạch và hiệu quả. Trong cải cách GDĐH trên thế giới, đúng là đã có một xu thế chung: Tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Mục đích của chính sách này là để các cơ sở ĐH sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình và phản ứng tốt hơn với những tín hiệu của thị trường, với những yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, xin lưu ý: “Quyền tự chủ lớn hơn phải được “đánh đổi” (track-off) bằng “trách nhiệm xã hội” (accountability) nhiều hơn”. Nghĩa là, “tự chủ ĐH” phải đi kèm với “Quản trị ĐH” và phải có đủ 2 vế, vế thứ nhất là quyền lợi, còn vế thứ hai là nghĩa vụ.
Được biết, GDĐH VN cũng đã định hướng xu thế này 4 – 5 năm nay, nhưng hình như chưa thấy có những bước chuyển động đáng kể?
Chúng ta cũng đã có một vài bước, chung cho các “đơn vị sự nghiệp” dịch vụ công: giáo dục, y tế, văn hóa… như Nghị định 10 trước đây và Nghị định 43 ngày 25/4/2006 vừa qua của Chính phủ về tự chủ tài chính. Hoặc cũng đã giao quyền cấp bằng ĐH cho các trường ĐH. Tuy nhiên, Tự chủ ĐH và Quản trị ĐH là hai chủ đề rất rộng, rất phức tạp của riêng GDĐH. Vì vậy, nếu đối chiếu với những nội dung của nó thì cũng có thể nói, chưa có được những bước chuyển động thực sự căn bản.
Vậy đâu là nguyên nhân, thưa GS?
Có thể có 3 nguyên nhân sau đây. Thứ nhất là do tình trạng lý luận về quản lý GDĐH nói chung và về các chủ đề này nói riêng ở VN đang rất “có vấn đề”. Thứ hai, có thể hình dung thế này: tổng quyền lực được xem như là một hằng số, tăng quyền lực ở cấp trường ĐH thì phải giảm bớt quyền lực ở cấp Bộ quản lý, mà giảm bớt quyền lực thì bao giờ cũng khó khăn. Hơn nữa, nó còn “làm giảm giá trị truyền thống về mối quan hệ giữa Nhà nước và trường ĐH”. Thứ ba, cơ chế quản trị ở các trường ĐH của VN hiện nay, đặc biệt là cơ chế đảm bảo “trách nhiệm xã hội”, có thể nói là còn chưa có để có thể hy vọng đạt được các mục đích của chính sách phân quyền như vừa nói ở trên.
GS có thể nói rõ hơn về “trách nhiệm xã hội” của các trường ĐH?
 


Tăng quyền lực ở cấp trường ĐH thì phải giảm bớt quyền lực ở cấp Bộ quản lý

“Trách nhiệm xã hội” là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh  viên (SV), cha mẹ SV, người sử dụng lao động, công chúng nói chung và Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: Việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho SV và cộng đồng… Để thực hiện được nghĩa vụ này, phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, về phía Bộ quản lý, phải xây dựng cho được một số “Chỉ số hoàn thành nhiệm vụ” của trường ĐH, tổ chức kiểm định chất lượng và kiểm toán tài chính độc lập, đưa ra được những quy định về báo cáo giải trình công khai… Thứ hai, về phía trường ĐH, phải có một “Hội đồng trường” (HĐT) để những quyết định đưa ra là vì lợi ích của cộng đồng chứ không phải chỉ là lợi ích của riêng nhà trường hoặc một thế lực nào đó. Nói riêng về HĐT, đây là một HĐ quyền lực và là đại diện cho “Chủ sở hữu cộng đồng”, bao gồm cả SV và có nhiều đại diện bên ngoài nhà trường chứ không chỉ là những đại diện của tập thể bên trong nhà trường. Một khảo sát thực tế ở 28 trường ĐH của Úc năm 2000 cho thấy, tính trung bình, thành phần bên ngoài trường chiếm đến khoảng 50-60% trong tổng số 19 thành viên của HĐT. Còn thành phần SV trong HĐT, “quá trình Bologna” về GDĐH ở Châu Âu vào tháng 6/2003 cũng đã tổ chức một hội thảo chuyên đề và đa số cho rằng, tỷ lệ SV trong HĐT nên chiếm khoảng 10-30%. Ở Việt Nam, SV hình như chưa có vai trò gì trong các quyết sách của nhà trường ĐH.
Có một số  đề nghị: xóa bỏ việc giao chỉ tiêu, xóa bỏ việc quy định trần học phí, để các trường tự quyết định nội dung chương trình… GS có ý kiến gì đối với những đề nghị này?
Tôi không dám bình luận, chỉ xin cung cấp thêm một số thông tin như sau. Trong một nghiên cứu khảo sát gần đây về “Tự chủ ĐH” ở 20 nước trên thế giới, đã có được một số kết luận như sau: a) Thứ nhất, về thẩm quyền và thực tế, mức độ can thiệp của Nhà nước nhìn chung có thể chia thành 3 nhóm: Nhiều nhất là ở các nước Châu Á, (trừ một số trường hợp riêng ở Singapore và Malaysia gần đây), trung bình là ở các nước Châu Âu và ít nhất là ở các nước Anh-Mỹ. Nghĩa là, các trường ĐH Anh – Mỹ có quyền tự chủ nhiều nhất. b) Thứ hai, hai mặt mà các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có sự can thiệp là: Hành chính – tài chính và “Các chuẩn mực học thuật”. Mặt thứ nhất bao gồm: Số lượng SV, đóng cửa hoặc sáp nhập các cơ sở ĐH, kiểm toán tài chính, mức học phí và tài trợ cho SV; mặt thứ hai bao gồm: kiểm định chất lượng, công nhận các chương trình và trường ĐH. Và c) Thứ ba, vẫn tồn tại một “phổ” về mức độ tự chủ, kéo dài từ mức Nhà nước chỉ giám sát (State supervising), nghĩa là trường ĐH có mức độ tự chủ rất cao, đến mức Nhà nước kiểm soát (State control). Ở Mỹ, quyền tự chủ cao nhất là ở các ĐH định hướng nghiên cứu, thấp nhất là ở các trường Cao đẳng cộng đồng. Cũng ở Mỹ, nhiều bang vẫn đưa ra trần học phí. Ở Hàn Quốc, “cung” GDĐH như đã vượt “cầu”, nhưng Nhà nước vẫn có quota cho các trường ĐH. Ở VN, “cung” mới chỉ khoảng 25-30% của “cầu”, nghĩa là vẫn còn có tính chất “độc quyền”. Ai đã có một ít quan tâm về kinh tế, ắt hẳn sẽ hiểu Nhà nước phải kiểm soát như thế nào đối với loại hàng hóa còn độc quyền, đặc biệt lại là dịch vụ GD.
Thưa GS, tự chủ ĐH là một chủ đề rất được quan tâm ở Hội nghị triển khai NQ14 về Đề án đổi mới GDĐH vừa qua?
Trước hết, đúng là một chủ đề rất đáng quan tâm. Nhưng xin lưu ý, chủ đề này có đến 2 vế , nghĩa vụ và quyền lợi, như đã nêu ở trên. Sau nữa, NQ14 có nói: “Xây dựng các Đề án chi tiết để triển khai thực hiện…” nhưng hiện nay thì chưa xây dựng. Hơn nữa, theo tôi, sắp đến mới là giai đoạn lựa chọn chiến lược, lựa chọn ưu tiên và thiết kế chính sách. NQ 14 về cơ bản mới là “ra đầu bài” cho Đề án chứ chưa là Đề án.
Nghĩa là, chưa đến giai đoạn triển khai Đề án đổi mới GDĐH?
Thiết nghĩ, trên tổng thể là như vậy. UNESCO vẫn thường nhắc: “Cải cách vội vã là bóp chết cải cách”. Và, không phải mọi cuộc cải cách GDĐH trên thế giới đều thành công. Chúng ta thường chỉ nói đến: phải làm cái gì, nhưng cái khó khăn nhất lại là: phải làm như thế nào? nguồn lực ở đâu?…

P.V

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)