SGK Cánh Buồm: Tường trình bước đầu về cuộc thử nghiệm trong cải cách giáo dục (Kỳ 1)

Tiếp theo bài viết về sách Văn và Tiếng Việt lớp Sáu mới ra mắt của Nhóm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn có bài viết điểm lại vài điều mà nhóm coi là vô cùng quan trọng liên quan đến việc soạn SGK, thực chất là những thử nghiệm trong Cải cách Giáo dục của nhóm.

Ra mắt năm 2009 tại cuộc hội thảo Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em, đến cuộc Hội thảo Em biết cách học năm 2014, nhóm Cánh Buồm đã trình xã hội trọn vẹn một bộ sách Tiểu học gồm năm cuốn Tiếng Việt và năm cuốn Văn đã được chỉnh sửa lần thứ ba, coi như bản chính thức tạm dùng lâu dài.

Những kết quả thực hành với học sinh tiểu học trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cho thấy giáo viên và học sinh vui vẻ đón nhận cách tổ chức học Tiếng Việt và Văn Cánh Buồm, giáo viên làm việc đỡ căng thẳng nhưng hiệu quả cao, học sinh học giỏi Văn và Tiếng Việt khiến phụ huynh yên lòng thấy con mình giỏi tiếng Anh mà không mất gốc1.  Những trải nghiệm khác tại Câu lạc bộ Ô Xinh cũng cho những kết quả tương tự2.

Như đã nói nhiều lần, công việc của nhóm Cánh Buồm chỉ là “làm mẫu”, hiểu theo nghĩa là đưa ra sản phẩm cụ thể cho xã hội có chỗ vịn mà thảo luận những vấn đề lý thuyết khó hiểu, và “làm mẫu” cũng có nghĩa là kích thích3 sáng tạo chung. Năm nay, 2015, nhóm Cánh Buồm đã làm xong các cuốn sách Tiếng Việt lớp Sáu và Văn lớp Sáu kèm theo hai cuốn Tự học Tiếng Việt và Tự học Văn (cho người học trên 10 tuổi, hàm ý những bạn chưa được chuẩn bị cách học của Cánh Buồm)4.

Bài viết này sẽ điểm lại vài điều nhóm Cánh Buồm coi là vô cùng quan trọng liên quan đến việc soạn SGK, thực chất là những thử nghiệm trong Cải cách Giáo dục của chúng tôi, trình ra đây để xã hội cùng thảo luận.

1.    Thử nghiệm một – Cải cách và Bản sắc dân tộc

Một cuộc Cải cách Giáo dục sâu rộng liên quan đến một lý tưởng đào tạo và việc tổ chức công trình đào tạo lý tưởng đó có tên gọi là nội dung học và cách học. Lý tưởng đào tạo của chúng ta chắc chắn không thể là những người “có học” bằng bất kỳ giá nào, nhất thiết đó phải là những người Việt Nam tử tế.

Một người Việt Nam tử tế chắc chắn không thể là người nói ngọng tiếng mẹ đẻ. Định lý đảo: công cuộc Giáo dục phải dùng công cụ mang bản sắc dân tộc – tiếng Việt – để rèn đúc những người Việt Nam nói năng, tư duy, viết lách, cư xử bằng tinh hoa tiếng mẹ đẻ. Định lý kéo theo: nhà sư phạm, và nhà sư phạm Việt Nam, phải chịu trách nhiệm tìm cho ra quy trình tạo năng lực tiếng Việt từ tuổi thấp nhất có thể5.

Không khó gì để thuyết phục mọi người rằng tiếng Việt chính là cái xe chở bản sắc dân tộc Việt Nam trong nội dung và cách học để đạt tới lý tưởng đào tạo. Về vấn đề này, nhóm Cánh Buồm muốn hóa giải toàn bộ sự lúng túng xưa nay và nhấn mạnh điều đầu tiên và căn bản này: học tiếng Việt không khó, thậm chí rất dễ, trừ một khu vực rất khó học, vô cùng khó học, ấy là từ ngữ Việt.

Về ngữ âm, ngay với cách ghi nhớ máy móc và lối đánh vần lủng củng thời xưa, người học dù là trẻ em hoặc người lớn, vẫn có thể hoàn thành việc đọc và viết tiếng Việt trong một thời hạn rất ngắn, chừng vài ba tháng6.

Chỉ cần học các thao tác ghi tiếng Việt bằng bộ luật chung nhất: luật ghi theo ngữ âm (nghe thế nào, phát ra thế nào, ghi đúng như vậy) và áp dụng thêm ba luật chính tả (luật e, ê, i, luật c, k, q, luật ghi nguyên âm đôi bằng ia hoặc iê, ua hoặc uô, ưa hoặc ươ) là đủ để đọc thông viết thạo với ý thức ngữ âm học. Dĩ nhiên, người học sẽ còn phải học cách xử lý để không phạm những lỗi chính tả liên quan đến từ ngữ (da thịt, gia đình, dây thừng, giây phút, ý chí, trí tuệ, trí trá, trì trệ, chì chiết, v.v…).

Về cú pháp, do tiếng Việt không biến hóa hình thái, nên câu tiếng Việt trở thành loại câu hoàn toàn dễ nói đúng (và viết đúng). Giống như với ngữ âm tiếng Việt, cứ phát âm đúng thì ghi đúng, hiện tượng câu tiếng Việt cũng thế, cứ nói đúng ý mình thì sẽ ghi đúng.

Những thuận lợi về ngữ âm và cú pháp đó hoàn toàn không thể bắt gặp ở các ngôn ngữ có biến hóa hình thái. Trẻ em nói những ngôn ngữ có biến hóa hình thái cần một thời gian dài hơn rất nhiều, phải nắm vững cả ngữ âm và cú pháp để có thể viết đúng chính tả.

Cái hiện tượng từng được gọi bằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là thứ bão táp gây ra bởi chính các nhà ngữ học muốn mô tả tiếng Việt theo cách người Tây mô tả tiếng Tây. Rất nhiều khi những mô tả ngôn ngữ học cho đối tượng tiếng Việt dù rất đúng, rất kỹ, song lại như chuyện chẻ sợi tóc làm tư, và không biết cách chuyển tải những am tường thành cách học cho người học tiếng Việt7.

Đi song song với xu thế mô tả tiếng Việt ngày càng phức tạp hóa là xu thế đáng buồn, “cải cách hời hợt” mà biểu hiện rõ nhất là sự giống nhau như đúc về nguyên lý cấu tạo giữa sách Quốc văn giáo khoa thư thời xưa và bộ sách Ngữ Văn tồn tại dăm chục năm thời nay8.

Nói ra những điều này thực lòng chẳng muốn trách ai. Cũng có thể trách Lịch sử đã không tạo ra những điều kiện cho những cuộc cải cách thực sự cho dù nhà cải cách nào cũng rất thực lòng. Nhắc lại ở đây chỉ cốt nói điều này: Cải cách Giáo dục phải bắt đầu từ cái hồn cốt dân tộc – môn Tiếng Việt, và gần với tiếng Việt là môn Văn. Đó là phần việc rất khó mặc dù nhìn bề ngoài tưởng như rất dễ – dễ đến độ ai cũng nghĩ mình nói được tiếng Việt thì mình cũng dạy được tiếng Việt – và dạy được cả Văn nữa.

1Nhóm Cánh Buồm bày tỏ lòng biết ơn về sự hợp tác hữu hiệu của cô giáo Phạm Hải Hà và các cô giáo Thu Ngọc, Phương Anh, Minh Hạnh, Khánh Hòa, sự hợp tác về tổ chức của cô giáo Hồng Duyên, cảm ơn các phụ huynh đã theo dõi việc học Văn và Tiếng Việt, đặc biệt phụ huynh lớp 5A1 đã cùng con em thi dịch thơ tiếng Anh sang tiếng Việt dạng thơ Haiku. Một số tư liệu đã được lưu giữ ở đây: “Trải nghiệm dạy ngôn ngữ và văn”, http://canhbuom.edu.vn/index.php/su-pham/524-trai-nghiem-day-ngon-ngu-va-van;“… Học trò nhỏ tập làm thơ” http://canhbuom.edu.vn/index.php/blog/522-day-hoc-ngu-van-trong-nha-truong-10-hoc-tro-nho-tap-lam-tho;

2Cảm ơn bạn Lê Thị Thanh Thủy trong bốn năm qua đã giúp nhóm Cánh Buồm một địa chỉ đào tạo giáo viên đáng tin cậy.

3Tường trình của Nhóm Cánh Buồm tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội CHXHCN Việt Nam ngày 16/7/2014, http://canhbuom.edu.vn/index.php/cung-ban-dung-sach/488-canhbuom-bao-cao-quoc-hoi

4Học sinh THCS trường Đào Duy Từ (Hà Nội) đã có dịp trải nghiệm sách này vào mùa hè năm 2015. Cảm ơn cô hiệu trưởng Hồng Thu và cô giáo dạy mẫu Nguyễn Thị Hồng.

5Nhà sư phạm nói ở đây ngoài tác giả và người thực hiện quy trình sư phạm (các giáo viên), còn bao gồm cả các nhà tổ chức công việc Giáo dục quốc dân và không thể thiếu những bậc phụ huynh. Một nhà tổ chức với đầu óc thiếu cởi mở thì cũng nguy hại như một phụ huynh quá cởi mở thích cư xử về ngôn ngữ chẳng hạn như sau: “Con bai bai ông bà rồi chúng ta ra về…”

6Học trò lớp Đồng ấu thời xưa sau khi học thuộc mặt chữ cái đã đánh vần kiểu như thế này, thí dụ chữ nguyệt: en-dê-u-ngu-y cờ lét-i-nguy-ê-nguê-tê-nguyết-nặng-nguyệt – thế mà rồi vẫn đọc viết được! Trăn trở với việc học bằng tiếng Việt sau khi chắc chắn sẽ có nền độc lập cho Việt Nam, Hoàng Xuân Hãn vừa lo chuyện Danh từ khoa học và vừa gợi ý cách học tiếng Việt lối Ngữ âm học. Tiếc rằng vì quá hời hợt nên nhiều nhà sư phạm chỉ thấy cách học của Hội Truyền bá Quốc ngữ là “lối i tờ” và không biết triển khai thành cách học mang tính ngữ âm học.

7Những giáo viên đã dùng sách Cánh Buồm đều nhận ra tính chất “thân tình”, cố ý không gây khó khăn cho người học.

8Người không có nghề sẽ thấy sách Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT) năm 1920 của nhóm Trần Trọng Kim – Nguyễn Văn Ngọc khác với sách Ngữ Văn thời nay. Thực ra, chúng chỉ khác nhau ở vật liệu: QVGKT mới có nhân vật cỡ thằng Mực (nó học thuộc lòng như thế nào), bây giờ có những nhân vật khác (làm nhiều việc khác), do đó mà số “chủ điểm” cũng nhiều hơn. Thế nhưng nguyên tắc tổ chức việc học vẫn như nhau: không thực sự học tiếng Việt như một ngôn ngữ. Với môn Văn cũng thế, cả sách Ngữ-Văn lẫn QVGKT đều không thực sự học Văn như một đối tượng nghệ thuật, mà chỉ học Văn như một công cụ chuyên chở.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)