Siết chặt đào tạo liên thông

Sau hơn 10 năm triển khai “thí điểm” rồi “đại trà”, hình thức đào tạo liên thông đã bị một số trường “lợi dụng”. Để siết chặt quản lý mảng hoạt động này, Bộ GDĐT đã đưa ra những chủ trương mới, chính thức có hiệu lực từ 7/1.

Ba điểm mới

Văn bản này quy định về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH có ba điểm mới để siết chặt việc đào tạo liên thông. Theo đó, chỉ những trường đào tạo liên thông chính quy đào tạo tín chỉ mới được thực hiện đào tạo liên thông; những trường đào tạo niên chế không được thực hiện liên thông.

Các học sinh chưa quá 36 tháng từ khi cấp bằng đến khi thi liên thông phải thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ bình thường với kỳ thi “ba chung” vào đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga giải thích: Trước đây không quy định như vậy nên liên thông cứ “ào ạt” tiến lên CĐ, ĐH. Nay, học sinh phải thi tuyển sinh bình thường. Những trường hợp đã quá 36 tháng kể từ khi tốt nghiệp thì trường ĐH sẽ quyết định thi. Những quy định này là để hạn chế liên thông đi đường vòng vào ĐH như hiện nay, ông Ga nói.

Ông Ga nhấn mạnh là, thí sinh vào chỉ học chương trình nào thì học theo chương trình đó. Theo ông, thí sinh học tại chức sẽ học theo chương trình tại chức và chỉ được cấp bằng tại chức. Học sinh học hệ chính quy CĐ sẽ được học cùng chương trình ĐH chính quy và được cấp đầy đủ bảng điểm và bằng như sinh viên chính quy.

Ông Ga nhấn mạnh, đây là điểm có lợi cho người học và ông nhận định: Việc siết chặt cả đầu vào lẫn đầu ra như trên sẽ có thể có ít người thi vào học liên thông trong thời gian tới nhưng đó là việc quan trọng cần được chấp nhận để được chất lượng cao hơn.

Muộn còn hơn không bao giờ…

Đó là ý kiến của không chỉ người trong ngành, mà còn là của đông đảo sinh viên, người theo học. Đại diện cho “phe” ủng hộ chủ trương siết chặt quản lý của bộ đưa ra “đầy đủ lý lẽ”, như anh Nguyễn Văn Đại (Hà Nội) chia sẻ trên facebook: “Thực tế hiện nay cho thấy, khi thí sinh thi trượt ĐH thì rất nhiều trường ngoài công lập “mời” đi học để lấy tiền. Trong quá trình học, từ nhà trường đến sinh viên đều thiếu nghiêm túc. Mỗi lần thi cử là đều mất tiền đi thầy, đi cô. Ngay cả việc thi liên thông, cũng có rất nhiều trường hợp chạy tiền. Vậy công bằng ở đâu ra so với những thí sinh đã đỗ vào các trường ĐH và phải học tập bằng chính kết quả thực sự và sự tài năng của họ?”. Anh Nguyễn Bắc Bình cũng khẳng định: “Tôi ủng hộ. Vì sao ư? Vì tôi thấy kiểu học của liên thông và tại chức thường học vào cuối tuần. Tuần 2 ngày lên lớp, tính ra học được mấy ngày? Trong khi những người học ĐH chính quy thì bò ra học 4 – 5 năm mà điểm có khi còn không bằng…”. “Nâng cao chất lượng đầu vào là đúng khi mà thừa thầy thiếu thợ đang xảy ra khắp nơi” anh Đại kết luận.

Hay khi đề cập đến vấn đề này, ThS Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông – Lâm TPHCM – đã đưa ra quan điểm trung dung khi lý giải: “Đọc những dòng tít của các báo, đài về đào tạo liên thông theo quy định mới của Bộ GDĐT như: “Chặt gốc” liên thông, “dư luận dậy sóng”, “sinh viên choáng váng…” “cửa hẹp” vào liên thông, “lo ngại chất lượng liên thông”… Chừng đó cũng đủ thấy sự “quan tâm sâu sắc” của dư luận xã hội. Theo tôi, chắc Bộ GDĐT cũng đã có sự cân nhắc “thiệt – hơn” để ra quyết định khó khăn này”. Và một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới đó chính là muốn “nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”. Tuy nhiên, ThS Trần Đình Lý cũng lưu ý: Tôi cho rằng “cách siết” sẽ rất quan trọng. Giá như quy định này có lộ trình để ít nhất người học cũng như những ai liên quan hoặc quan tâm đến vấn đề này sẽ biết trước một thời gian, để họ có thể định hướng được cho tương lai của mình thì sẽ hay hơn. Với cách siết của bộ hiện nay sẽ khiến không ít người băn khoăn: Tại sao sau mấy năm học CĐ đã được trang bị lượng kiến thức chuyên môn, chuyên ngành rồi chứ không còn là toán, lý, hóa nữa…, vậy sao khi “liên thông” cao hơn không thực hiện thi tuyển bằng kiến thức chuyên môn chứ sao lại trở lại với những môn học kiến thức cơ bản? Ai cũng có lý cả. Và, suy cho cùng, việc tăng – nâng chất lượng đào tạo vẫn có nhiều cách khác. Hơn nữa, thực tế cho thấy có lẽ do một số trường chưa đủ tầm để bảo đảm chất lượng đào tạo nên đã ảnh hưởng chung đến “toàn cảnh”. Thiết nghĩ, nếu có các cuộc khảo sát đủ lớn, đủ kích cỡ mẫu trước khi ra chủ trương “siết chặt” thì chắc chắn quyết định của Bộ GDĐT sẽ thuyết phục được số đông dư luận… – vị trưởng phòng này kết luận chính kiến của mình.

“Khai tử” liên thông

PGS-TS Lê Trọng Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ – Địa chất – nhận xét: Nếu thực hiện quy định mới này thì gần như khép lại hình thức đào tạo liên thông, không khả thi. Đặc biệt, nếu tổ chức thi theo ĐH-CĐ như học sinh phổ thông thì với những ngành kinh tế còn có thể đông thí sinh dự thi, chứ với ngành kỹ thuật sẽ rất ít thí sinh. Quy định người học phải có 3 năm kinh nghiệm mới được dự thi, tôi cho rằng cũng không ổn, quá nặng về hình thức.  Bộ nên có chế tài giám sát việc tổ chức tuyển sinh, đánh giá đào tạo liên thông chứ không nên chặn cửa vào của các em như vậy.

GS Đặng Ứng Vận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình – cho rằng: “Điều kiện yêu cầu 3 năm kinh nghiệm mới được thi hay thi cùng với học sinh phổ thông như vậy quá khó, đánh đố thí sinh. Bên cạnh đó, nếu tổ chức thi liên thông theo hình thức quốc gia sẽ rất phức tạp vì sẽ phải tổ chức nhiều hội đồng thi vào nhiều chuyên ngành khác nhau, e rằng nhiều trường khó làm được, hiệu quả không cao. Theo tôi, nên tổ chức lại hình thức thi giai đoạn chuyển tiếp, vượt rào như thi ĐH trước đây. Nên mở rộng hình thức đầu vào, thắt chặt đầu ra”. Đồng quan điểm trên, một lãnh đạo cấp phòng của Trường Công nghệ Thông tin TPHCM đưa ra ý kiến: Siết chặt quản lý để nâng cao chất lượng đầu vào là hợp lý. Tuy nhiên, với “chủ trương” siết chặt đầu vào bằng cách phải thi chung với kỳ tuyển sinh ĐH thì chính là hành động… khai tử hệ đào tạo liên thông. Điều này đồng nghĩa với việc “đẩy” không ít các trường trung cấp, cao đẳng… chết theo.

Còn với vị trí là “người trong cuộc”, Vũ Doanh – hiện đang là sinh viên CĐ năm 3 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – chia sẻ những điều mà SV này cho là “vô lý”: Sau khi tốt nghiệp (CĐ với bằng khá giỏi) phải thi với học sinh phổ thông lấy đầu vào các trường ĐH. Vậy 3 năm học chương trình chuyên nghiệp của sinh viên có vai trò gì khi theo hình thức thi như vậy? Với quy định mới không chỉ nâng thêm thời gian học của sinh viên lên 7-8 năm (đi ngược lại với mục đích đào tạo tín chỉ gần đây, đó là nhanh cho sinh viên đi làm tự chủ cuộc sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình) mà còn thực sự dẫn tới nhiều tiêu cực.

Tác giả